Vẻ đẹp thánh thiện là gì

Thành công lớn nhất của đời người chính là sự thánh thiện


Một cách tự nhiên, con người yêu thích cái đẹp. Trong cuộc sống có nhiều vẻ đẹp thu hút chúng ta: vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của những công trình vĩ đạiThế nhưng có một vẻ đẹp khác, dù bên ngoài có khi không hấp dẫn nhưng lại có một sự ảnh hưởng rất lớn, không những khiến người khác yêu thích mà còn tôn trọng và ngưỡng mộ nữa, đó là vẻ đẹp của sự thánh thiện.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã định nghĩa: Thánh thiện là để Thiên Chúa sống đời sống của Ngài trong ta. Bởi vì Thiên Chúa là nguồn mạch của sự thánh thiện (Kinh nguyện Thánh Thể II). Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện nơi vạn vật tốt đẹp mà Người đã dựng nên, nơi ý định và công việc tốt lành của Chúa là tạo dựng và cứu chuộc con người. Cách đặc biệt, sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, một con người hoàn toàn thánh thiện. Kinh Thánh chép: Đi đến đâu là Người thi ân giáng phúc đến đó. Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dốiTội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính, vì người đã mang những vết thương mà chúng ta đã được chữa lành (1Pr 2, 22.24). Trên thập giá, là hình ảnh một con người bị bầm dập tan nát nhưng đó cũng là hình ảnh đẹp nhất cho sự thánh thiện của Thiên Chúa: một Thiên Chúa yêu thương, hy sinh và tha thứ.

Hội thánh tiếp tục diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa trong sứ mạng của mình, một cách cụ thể nơi cuộc đời các thánh. Có rất nhiều vị thánh mà cuộc đời thánh thiện của các ngài đã đem lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho thế giới. Chúng ta có thể kể đến thánh Gioan Maria Vianey, một linh mục tốt lành, bổn mạng của các cha xứ. Ngài đã yêu mến Thiên Chúa, sống cuộc sống hãm mình hy sinh, đặc biệt nơi tòa giải tội để đem những tâm hồn lầm lạc về với Chúa. Mặc dù trước mắt người đời, ngài bị coi là một con người dốt nát nhưng đời sống thánh thiện của ngài, không một sự khôn ngoan tài giỏi nào có thể sánh được. Hay như cuộc đời của Mẹ Têrêxa Calcutta, người đã hiến đời mình để phục vụ những người cùng khổ. Mẹ đã tìm kiếm những người bị ném bên bãi rác, chăm sóc những vết thương lở loét của họ, an ủi nâng đỡ họ. Dù vẻ ngoài của Mẹ có gầy còm, xấu xí nhưng đời sống tốt lành của Mẹ còn đẹp hơn nhiều vẻ đẹp trần gian khác. Ngày nay, vẻ đẹp về sự thánh thiện của Chúa được thể hiện trong dân thánh: nơi những vị mục tử nhân lành không tìm lợi ích cho chính mình nhưng tìm lợi ích cho đàn chiên, nơi những tu sĩ sẵn sàng từ bỏ những giá trị trần gian để sống cho Chúa, nơi những con người sống công chính, yêu thương và phục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói sự thánh thiện là khuôn mặt hấp dẫn nhất của Giáo Hội[1].

Ai trong chúng ta cũng muốn sống trong một xã hội tốt lành. Chúng ta muốn nhìn thấy một Giáo Hội thánh thiện. Chúng ta yêu mến và tôn trọng những con người sống thánh thiện. Nhưng sẽ thật tốt đẹp và ý nghĩa hơn nếu chúng ta cũng đóng góp sự thánh thiện của mình cùng với sự thánh thiện của Giáo hội và những người khác.Thiên Chúa muốn chúng ta nên thánh và không được hài lòng với một cuộc sống vô vị tầm thường[2]. Người không muốn chúng ta sống một cuộc sống xoàng xĩnh. Nhưng với bản tính con người yếu đuối, cùng với trào lưu xã hội hiện đại, chúng ta rất dễ dàng cho phép mình sống một cách tầm thường và xoàng xĩnh. Chúng ta không nghĩ mình cần phải nên thánh, Tại sao tôi phải nên thánh trong khi người khác sống chẳng ra gì?, hay chúng ta nghĩ mình đã nên thánh đủ rồi, hoặc khi nhìn lên những gương thánh thiện của các thánh, chúng ta cho rằng mình không đủ khả năng để nên thánh. Đức Thánh Cha nói: Làm thánh không đòi hỏi phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ nhưng tất cả mọi người được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu thương và nêu chứng tá trong mọi việc mình làm, trong bất cứ hoàn cảnh nào[3]. Sự thánh thiện không phải ở nơi những công việc vĩ đại, nhưng sự thánh thiện lớn lên qua các nghĩa cử nho nhỏ[4], và ngài đã chỉ ra con đường của sự thánh thiện bằng cách thực thi các mối phúc[5]:

Có tâm hồn nghèo khó, sống bình dị và sẻ chia: đó là thánh thiện.

Phản ứng bằng sự hiền lành và khiêm nhường, không kiêu căng tự phụ, không tức giận nóng nảy: đó là thánh thiện.

Biết đồng cảm và sẻ chia, biết khóc với người khóc: đó là thánh thiện.

Biết đói khát sự công chính, bảo vệ người nghèo, người yếu thế: đó là thánh thiện.

Xem và hành động với lòng thương xót, biết tha thứ: đó là thánh thiện.

Giữ gìn trái tim trong sạch để yêu mến Chúa và tha nhân cách thật lòng: đó là thánh thiện.

Không gây xung đột hiểu lầm, không ngồi lê đôi mách, gieo rắc hòa bình quanh ta: đó là thánh thiện.

Chấp nhận hằng ngày con đường của Tin Mừng, dù việc này có thể gây khó khăn cho chúng ta: đó là thánh thiện.

Tuy nhiên, sự thánh thiện không chỉ thể hiện bằng những hành động bên ngoài nhưng sự thánh thiện thực sự xuất phát từ bên trong nơi một trái tim tốt lành và yêu mến.

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng muốn mình trở nên xinh đẹp, không chỉ trong mắt mình nhưng là trong mắt người khác và trong mắt Thiên Chúa nữa. Chúng ta có thể trang điểm cho mình bằng vẻ đẹp bên ngoài. Chúng ta có thể tăng thêm giá trị cho mình bằng việc học hỏi, nâng cao kiến thức, phát triển khả năng để có thể cống hiến và phục vụ tốt hơn. Nhưng chúng ta có thể làm đẹp cho mình bằng một đời sống nhân đức, thánh thiện. Những vẻ đẹp bên ngoài sẽ tàn phai theo năm tháng, sự tài giỏi, khả năng cũng nhanh chóng qua đi, nhưng vẻ đẹp của một đời sống thánh thiện sẽ đem lại cho chúng ta bình an nội tâm và đưa chúng ta vào Nước Chúa. Vậy hãy lấy sự thánh thiện làm mục tiêu cho cuộc sống, để rồi như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Thành công lớn nhất của đời người chính là sự thánh thiện.


[1] ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO, Hãy vui mừng hoan hỉ, số 9.
[5] Như trên, từ số 70 94.

Tác giả bài viết: Tomorrowljs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết