Tại sao lại tiêm thuốc an thần cho lợn

Trước thông tin cơ quan chức năng một số tỉnh phát hiện chủ lò mổ tiêm thuốc an thần trên heo để dễ bề bơm nước. Thuốc an thần được xác định là Prozil fort. Tác hại lạm dụng thuốc nói trên ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?


Cần xử phạt nghiêm hành vi lạm dụng và sử dụng thuốc an thần sai mục đích trên heo [Ảnh minh họa]

Theo Chi cục Thú y Cần Thơ, hiện nay thuốc an thần dùng trong chăn nuôi gia súc có tên Prozil fort nằm trong danh mục thuốc được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng, nhằm điều trị cho heo nái đẻ giảm cắn heo con [khi heo con bú] hoặc dùng gây mê nhẹ trước khi phẫu thuật gia súc, gia cầm.

Loại thuốc này được khuyến cáo dùng theo chỉ định và ngưng sử dụng thuốc trước khi giết thịt 7 ngày. Trên địa bàn TP Cần Thơ cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào lạm dụng thuốc Prozil fort qua vận chuyển hay tại các lò giết mổ tập trung.

Tuy nhiên những tác hại chính của việc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ và việc lạm dụng sử dụng thuốc an thần trên heo có gây nguy hại cho người tiêu dùng? Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phú Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Cty CP Vemedim, nhận xét: Hiện nay qua công tác kiểm soát giết mổ, ngành thú y một số tỉnh phát hiện có tình trạng thương lái tiêm thuốc an thần Prozil fort cho heo trước khi giết mổ và cảnh báo tồn dư của thuốc trong thịt gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu về sản phẩm Prozil fort và tác động của nó, chúng tôi ghi nhận như sau: Prozil fort tên thương mại của hoạt chất Acepromazine có tác động ức chế thụ thể Dopamine chống loạn thần [Dopamine receptor D2], làm suy giảm hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, nên được sử dụng làm thuốc an thần, chống nôn ói. Vào những năm 1950-1960, Acepromazine cũng được sử dụng làm thuốc an thần cho người nhưng hiện nay chỉ được phép dùng trong thú y do có những tác dụng phụ không mong muốn.

Hiện nay hầu hết các loại thuốc an thần chuyên dùng trong thú y trên thế giới đều dùng hoạt chất Acepromazine [Acepromazine Maleate], thuốc được bào chế ở dạng thuốc tiêm hoặc thuốc viên uống. Khi dùng qua đường uống, thuốc hấp thu vào máu chỉ đạt khoảng 20% so với dùng đường tiêm bắp.

Các loại thuốc chứa Acepromazine có chỉ định chính là: Hỗ trợ việc khám chữa bệnh đối với những con vật có tính hung dữ, dễ bị kích động do thuốc có tác dụng an thần, hỗ trợ khi gây mê để phẫu thuật do làm giảm liều sử dụng của thuốc gây mê, giảm kích ứng da khi mổ khám.

Khi dùng quá liều con vật sẽ ngủ mê, thở yếu, huyết áp thấp hoặc co giật. Trường hợp thú mẫn cảm với thuốc, dù dùng theo liều chỉ định nhưng phản ứng quá mẫn có thể xảy ra như khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi … cần phải ngưng sử dụng và xử lý kịp thời. Đối với thuốc chứa hoạt chất Acepromazine sản xuất tại Việt Nam [Prozil fort] còn có thêm chỉ định là dùng giảm kích động ở heo nái khi có hiện tượng cắn con, không cho con bú. Thuốc khuyến cáo ngưng sử dụng 7 ngày trước khi giết mổ để bảo đảm không tồn dư trong thân thịt.

Như vậy việc thương lái sử dụng tiêm cho heo thịt trước khi giết mổ là sai với chỉ định của thuốc. Qua tìm hiểu, tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ, thương lái có các mục đích để heo giảm kêu la, ít bị phát hiện khi giết mổ lậu; tiêm thuốc để heo ở trạng thái lờ đờ hay ngủ mê dễ bơm nước vào bụng và để cho thịt nạc heo có màu đỏ, do thuốc có tác động làm dãn mạch, làm tăng lượng máu đến mô cơ. Các mục đích khi sử dụng thuốc an thần vừa nêu đều sai so với chỉ định của thuốc.


Lạm dụng thuốc an thần, sử dụng sai mục đích gây hại nghề chăn nuôi heo và người tiêu dùng [Ảnh minh họa]

Đây là hành vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì việc mổ lậu thường được thực hiện trên heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhiều bệnh gia súc có thể lây sang người khi tiêu thụ thịt của động vật bệnh.

Hơn nữa việc bơm một lượng nước lớn vào dạ dày heo khi giết mổ sẽ tạo áp lực đẩy nước cùng các chất bẩn, vi sinh vật có hại từ dạ dày, ruột heo vào máu và cơ làm nhiễm bẩn thân thịt, thịt heo sẽ teo tóp giảm trọng lượng khi chế biến. Ngoài ra, việc tạo màu đỏ trong thân thịt do tác dụng phụ của thuốc cũng là hành vi gian lận vì che mất dấu hiệu thịt tái màu ở heo bệnh, heo suy dinh dưỡng.

Tuy vậy các cảnh báo hiện nay thường tập trung vào tác động của dư lượng thuốc trong thịt heo, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trong khi đó số liệu nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu phát triển Vemedim vào năm 2013 cho thấy khi dùng theo liều hướng dẫn [125mcg/kgP heo] thì sau 10 giờ lượng Acepromazine tồn lưu trong thịt tươi là 49,87mcg/kg và thịt chế biến [luộc chín] là 6,46 mcg/kg.

Các số liệu này cho nhận xét, nếu một người ăn khoảng 100g thịt/bữa ăn thì có thể nhiễm vào máu 0,128mcg Acepromazine, lượng thuốc này thấp hơn liều dùng an thần cho người đến 78.125 lần [liều ở người là 10mg/người/ngày]. Do vậy những cảnh báo của thuốc an thần Prozil fort [Acepromazine] tồn dư trên thịt heo gây hại đối với người tiêu dùng như hiện nay có thể là quá trầm trọng, cần được nghiên cứu thêm.

Thạc sĩ Vinh cho rằng: Tác động có thể thấy được của hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là thịt heo dễ nhiễm vi sinh vật gây bệnh, thịt kém phẩm chất do trương nước và người tiêu dùng bị đánh lừa là thịt heo có nguồn gốc khỏe mạnh [do có màu đỏ tươi] trong khi heo có thể mắc bệnh, heo suy dinh dưỡng thịt tái màu. Do vậy việc cần thiết hiện nay là cơ quan chức năng cần tăng cường công tác Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với thương lái vi phạm trong kinh doanh.

Như Báo PLVN đã thông tin, đêm 28 rạng sáng 29/9, Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y [Bộ NN&PTNT], Cục C49 [Bộ Công an], Chi Cục Thú y TP  HCM đã bắt quả tang cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP  HCM có hành vi tiêm thuốc an thần vào hàng ngàn con lợn trước khi giết mổ. 

Chỉ bị xử phạt hành chính

144 mẫu nước tiểu của 4.200 con lợn đã bị tiêm thuốc an thần, 4 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần thu thập từ hiện trường đã được cơ quan chức năng đưa đi kiểm định sau khi vụ việc bị bắt quả tang.  

Kết quả kiểm định mới được công bố cho thấy: lợn của 13 trong tổng số 21 thương lái dương tính với thuốc an thần với hàm lượng cao. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định: việc thương lái tiêm thuốc an thần vào lợn nhằm mục đích để lợn không bị sốc, hung dữ cắn nhau bị thương trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, việc tiêm thuốc cũng nhằm mục đích để lợn khỏi bị hao hụt khi giết mổ, tạo cho thịt có màu sắc bắt mắt, dễ tiêu thụ.

Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp, với lợn tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn là đáng bị lên án và bị nghiêm cấm.  

Tại khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y chỉ cho phép: Phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể còn bị xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng.

Ông Dũng cũng thừa nhận: Đến nay, với các trường hợp vi phạm, ngoài việc lưu giữ số heo xét nghiệm đến khi đào thải hết thuốc an thần, cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục đề xuất xử phạt hành chính 30 - 35 triệu đồng.  “Trước mắt chúng tôi cho kiểm kê lại số heo chết, heo lờ đờ do hôm qua giờ không cho ăn để tiêu hủy, đồng thời giám sát tránh xảy ra việc đánh tráo tuồn heo an thần ra ngoài” - ông Dũng nhấn mạnh.

Có “chìm xuồng”?

Theo Chi cục Thú y TP  HCM, lò mổ Xuyên Á là lò mổ có quy mô giết mổ lớn nhất TP, trung bình cơ sở này giết mổ 5.000 con/đêm, chiếm 50% thịt lợn phân phối cho toàn địa bàn thành phố. Vụ hàng ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần, Chi cục Thú y địa phương này xác nhận, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà từ đầu năm 2017, qua công tác thanh tra cũng đã phát hiện 7 trường hợp tiêm thuốc tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Về trách nhiệm của cán bộ thú y địa bàn và trách nhiệm quản lý của trong việc kiểm tra, giám sát giết mổ lợn trong lò Xuyên Á, ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục Thú y TP  cho biết, trước mắt Chi cục đã yêu cầu tất cả cá nhân liên quan giải trình về vụ việc. “Cán bộ thú y có lơ là hay tiếp tay hay không thì trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã thu thập. Do đó chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công bố thông tin khi có kết quả” - ông Phát khẳng định.

Chưa biết liệu có cán bộ thú ý nào “tiếp tay” trong vụ vi phạm an toàn thực phẩm được cho là rất nghiêm trọng này hay không nhưng điều chắc chắn cơ sở giết mổ này sẽ vẫn tiếp tục được hoạt động và chỉ phải nộp phạt 35 triệu đồng dù để xảy ra sự việc gây bàng hoàng, mất niềm tin rất lớn đối với hàng triệu người tiêu dùng ở TP lớn nhất nước. 

Được biết, dù lực lượng mỏng nhưng vẫn có 17 cán bộ thú y đã được Chi cục Thú ý TP HCM được phân công giám sát hoạt động tại lò mổ này. Và đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam thậm chí vẫn chưa yên tâm, khi đề xuất phương án lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động của lò mổ. Theo vị  này, cán bộ thú y không thể quán xuyến nổi hoạt động lò mổ, chưa kể có thể có trường hợp tiếp tay cho việc làm sai trái.  

Gia Khánh

Video liên quan

Chủ Đề