Tại sao các nước lại giàu

TTCT - Nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Sachs quả quyết: nghèo khổ không biến mất là do phát triển kinh tế của cả hành tinh chưa đủ để lôi các nước nghèo ra khỏi vũng lầy.

1. Sử dụng viện trợ

Tại sao các nước lại giàu
Phóng to
Người nghèo vẫn nghèo?
TTCT - Nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Sachs quả quyết: nghèo khổ không biến mất là do phát triển kinh tế của cả hành tinh chưa đủ để lôi các nước nghèo ra khỏi vũng lầy.

Ông kêu gọi các nước giàu phải nghiêm chỉnh giúp các nước nghèo vượt qua cơn nguy khốn để có thể tự xoay xở được một mình. Sachs tố giác thái độ thờ ơ của các nước phát triển: nếu họ giữ đúng lời hứa, cắt ra 0,7% tổng sản lượng của mình, thừa sức để giúp các nước nghèo vượt ra khỏi hố lầy, nhất là châu Phi.

Một số chuyên gia không đồng ý với Jeffrey Sachs. Họ nói: nếu vấn đề chỉ nằm ở tiền bạc thì sự việc rất dễ giải quyết. William Easterly, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, người Mỹ, nói: trợ giúp quốc tế không hiệu quả vì được sử dụng sai mục đích! Như trường hợp của Zambia, với số tiền được trợ giúp từ nhiều năm qua thừa sức trở thành nước phát triển, nhưng lại tuyệt đối... không! Chuyện gì đã xảy ra? Theo Eassterly, câu trả lời rất nghiệt ngã: chính phủ nhiều nước dùng tiền viện trợ cho mục đích riêng của mình, phung phí trong các dự án không sinh lợi hoặc mua vũ khí!

Như vậy phải tiếp tục giúp đỡ thêm cho các nước nghèo, hay bỏ mặc họ tự xoay xở để hi vọng phát triển toàn cầu sẽ tự động lôi họ ra khỏi vũng lầy? Câu trả lời đang chia rẽ các nước giàu thành hai khối. Và trong lúc chờ đợi, sự giúp đỡ của quốc tế chỉ chập chờn trong khoảng 0,3%...

2. Phải thay đổi luật lệ thương mại quốc tế

Mỗi quốc gia, dù giàu hay nghèo, đều phải trao đổi hàng hóa với phần còn lại của thế giới. Thế nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Bởi vì buôn bán giữa các nước phải tuân theo qui luật được ký kết như trong khuôn khổ WTO.

Tiếng nói của các nước giàu, ảnh hưởng lớn được tổ chức qui mô hơn, được người ta nghe nhiều hơn các nước nghèo và nhỏ. Kết quả: các luật lệ trên lý thuyết phải mang lại lợi ích cho mọi quốc gia thường gây áp bức các nước nghèo. Ngày nay, nhiều chuyên gia nghĩ rằng phải thay đổi một số luật lệ thương mại quốc tế, để các nước nghèo cũng thu được lợi ích thật sự. Sau đây là hai thí dụ điển hình diễn ra tại Sénégal, một trong những nước nghèo nhất tây châu Phi.

Cuộc xâm lăng của gà đông lạnh: Tại châu Âu, nhất là Pháp, các cơ sở rât hiện đại có thể sản xuất ra gà công nghiệp với giá rất rẻ. Người nuôi đã thu hồi được vốn và kiếm lời khi chỉ cần bán đùi và ức gà cho khách hàng tại châu Âu.

Nhưng phải làm gì với đầu, cánh, cổ, chân mà người châu Âu không thích? Cách nay 10 năm, người ta đã đông lạnh chúng và bán sang châu Phi. Vì đã có lời nên họ bán mỗi kilôgram với giá rất rẻ. Khi đến hải cảng Dakar của xứ Sénégal, giá của nó cũng chỉ đến 0,38 euro/kg. Cộng với giá hải quan và tiền lời cho các công ty nhập khẩu, cuối cùng thịt gà xương xẩu được bán với giá 1,5 euro/kg.

Trên thị trường diễn ra một thảm kịch. Con gà địa phương đang được bán với giá 2,3-3 euro/kg khi đó ra sao? 70% nông trại nuôi gà tại Sénégal phải đóng cửa, trong đó có nhiều cơ sở phải vay tiền quốc tế trợ giúp phát triển. Hàng ngàn người thất nghiệp và Chính phủ Sénégal phải dùng ngoại tệ để mua thịt gà châu Âu, thay vì có thể mua trong nước bằng tiền do mình phát hành.

Nếu các tổ chức quốc tế cho phép Sénégal quyền tăng thuế hải quan. Nếu họ đánh thuế thịt gà xương xẩu châu Âu 1 USD/kg, gà địa phương mới sống được.

Đừng đụng vào bông vải của tôi: Tại nước Mỹ, giá thành của bông vải rất cao, đến 0,7 USD/cân. Nhưng chính phủ có 1.001 công cụ để giúp nông dân xuất khẩu hàng. Đó là trợ giá nông nghiệp, nghĩa là dùng tiền đóng thuế của dân chúng. Mỗi nông dân Mỹ được chính phủ trợ giúp 0,5 USD cho mỗi ký bông xuất khẩu. Động tác này có hai lợi ích: thứ nhất, bông vải Mỹ có thể bán rẻ trên thị trường thế giới; thứ hai, nông dân được kích thích nên tiếp tục sản xuất ồ ạt. Hàng hóa tràn ngập thị trường thế giới và làm cho giá bông vải sụt giảm chỉ còn 0,4 USD/kg trong năm 2004.

Về phía Sénégal, hàng ngàn nông dân sản xuất bông vải với giá rẻ 0,5 USD/kg. Khi giá thị trường thế giới lên đến 0,8 USD/kg, họ kiếm lời được 0,3 USD/cân. Nó làm cho 60.000 hộ nông dân khá lên. Đôla đổ vào đất nước. Họ có thể mua thuốc men, máy móc trang bị cho gia đình. Nhưng khi giá thế giới chỉ còn có 0,4 USD/kg, họ lỗ to. Kết quả: ngành trồng bông vải tê liệt.

Nếu các tổ chức quốc tế buộc được Chính phủ Hoa Kỳ ngưng trợ giá cho nông dân xuất khẩu bông vải, giá bông thế giới lại tăng lên và Sénégal có thể xuất khẩu hàng. Đó là một nguồn lợi lớn, kiếm được một cách lương thiện, không cần phải có sự thương hại của quốc tế và góp phần lôi quốc gia này ra khỏi vũng lầy nghèo đói. Lưu ý: cái mà Hoa Kỳ làm cho bông vải thì EU lại làm cho mía đường. Cái xảy ra với bông vải, đường cũng xảy ra với đậu phộng, cà phê, vải vóc...