Sự va chạm của các nền văn minh review năm 2024

Những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt trong đời sống quốc tế. Sự thống trị của Phương Tây trong nhiều lĩnh vực bắt đầu suy giảm, nhường chỗ cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau của các nước phi phương Tây khác trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Mối liên kết giữa các quốc gia hình như dựa trên một nền tảng mới. Những tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, phong trào tôn giáo cực đoan, sự chênh lệch giàu - nghèo... đang là vấn đề làm thế giới loài người lo lắng. Hậu quả của chúng thật ghê gớm ở nhiều nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến hầu như mọi quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng, sự kiện đó và nhiều sự kiện khác là gì? Những lý giải cho các hiện tượng và sự kiện mà loài người vừa được chứng kiến có thể tìm thấy trong cuốn sách này.

Cuốn sách này được viết trước khi nhiều sự kiện trên thế giới của những năm sau đó mà chúng ta vừa được chứng kiến chưa xảy ra. Có thể nói rằng nhiều nhận định của cuốn sách có tính tiên đoán.

Chủ đề chính của cuốn sách là văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất chính là các bản sắc văn minh đang hình thành các hình mẫu liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Cuốn sách cũng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi xác định bản sắc văn hóa, văn minh Ta là ai? Và Ta thuộc về đâu? Cuốn sách gồm 5 phần:

Phần 1: Bàn về bản chất các nền văn minh, quan hệ giữa các nền văn minh và phản ứng của các nền văn minh khác đối với nền văn minh phương Tây.

Phần 2: Cho độc giả một cái nhìn mới về cán cân thăng bằng giữa các nền văn minh đang thay đổi: phương Tây đang suy thoái về ảnh hưởng tương đối, các nền văn minh Á châu đang bành trướng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị...

Phần 3: Bàn về mối quan hệ giữa các quốc gia và đặc biệt lưu ý đến cơ sở của những mối liên kết mới: mối liên kết dựa trên cơ sở nền văn minh và văn hóa hình như đang thay cho sự liên kết dựa trên ý thức hệ tư tưởng.

Phần 4: Giới thiệu nhiều ý kiến khác nhau phản bác khái niệm về tính phổ cập của văn minh phương Tây, coi đó là nền văn minh phổ cập cho toàn thể nhân loại.

Phần 5: Vẽ ra một bức tranh về tương lai các nền văn minh và cho rằng để tránh được một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh, các nhà lãnh đạo thế giới cần chấp nhận và hợp tác để duy trì tính chất đa văn minh của nền chính trị toàn cầu...

Năm 1993, Samuel P. Hungtington, khi đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Harvard, đã có bài viết mang tính dự báo: "Sự va chạm của các nền văn minh?". Tiêu đề đó cho thấy tác giả của nó có phần hoài nghi: liệu có khả năng xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh trong thế kỷ XXI hay không? Và thực tế, nội dung của bài viết đã nói lên rằng sự đụng độ là điều khó tránh khỏi.

Năm 1996, Hungtington tiếp tục phát triển dự báo của mình thành cuốn sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới. S. Hungtington đã vẽ lại bức tranh chung về các nền văn minh khác nhau trên thế giới. Về cơ bản, ông phân chia nhân loại thành 2 bộ phận là văn minh phương Tây và văn minh ngoài phương Tây, trong đó văn minh phương Tây đóng vai trò trung tâm trong các phân tích của ông, là điểm tham chiếu để xem xét các nền văn minh khác ngoài phương Tây.

Trên cơ sở xác định các nền văn minh chủ yếu của thế giới, Hungtington tiếp tục làm sáng tỏ những thay đổi về cán cân giữa các nền văn minh, giải thích sự thoái trào của văn minh phương Tây và quá trình phục sinh các nền văn minh ngoài phương Tây. Ông cũng chỉ ra một trật tự mới của các nền văn minh cùng với sự tái định hình nền chính trị toàn cầu thông qua văn hoá.

"Chủ đề trung tâm của cuốn sách này là bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất là các bản sắc văn minh, đang định hình các mô hình liên kết, tan rã, và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong cuốn sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới này, tác giả xuất phát từ nên văn minh như là trung tâm lý thuyết của mình, khi cho rằng những xung đột thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh sẽ xuất hiện thường xuyên do những khác biệt về văn hóa chứ không phải ý thức hệ. Đó có thể sẽ là những xung đột giữa các nền văn minh lớn trên thế giới liên quan đến tôn giáo và dân tộc: Ki-tô giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Hindu giáo...

Lý thuyết này của S. Hungtington đã tạo ra những tranh luận giữa các học giả. Có người đồng ý với ông, có người không đồng ý khi cho rằng ông đã bỏ qua các yếu tố khác không kém phần quan trọng bên trong mỗi nền văn minh cũng như trên thế giới như kinh tế, chính trị, xã hội, và lịch sử.

TÁC GIẢ CUỐN SÁCH

Sự va chạm của các nền văn minh review năm 2024

Samuel Phillips Huntington (1927 - 2008) là một nhà khoa học chính trị người Mỹ, từng giảng dạy tại Đại học Harvard 58 năm. Ông là tác giả, đồng tác giả, người biên tập cho 17 quyển sách và hơn 90 bài báo khoa học.

Nhiều tác phẩm của ông tạo được sự quan tâm rộng rãi trên thế giới, trong đó nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất chính là cuốn sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới.