Hà nội xây dựng nếp sống văn hóa năm 2024

(HNM) - Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ Mặt trận cơ sở, nhiều phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã xuất hiện các “ngõ văn minh đô thị”, “ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”, góp phần hoàn thành mục tiêu phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hà nội xây dựng nếp sống văn hóa năm 2024

Nhân dân tổ dân phố số 5, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Xác định, muốn giữ được nền nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng của mỗi gia đình. Vì vậy, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) triển khai xây dựng mô hình “ngõ văn minh đô thị” gắn với việc xây dựng phường văn hóa, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 đã phối hợp với các tổ dân phố phổ biến, triển khai thực hiện trên cả 5 tuyến ngõ: 123, 123A, 125, 130, 152 phố Thụy Khuê.

Để phát huy hiệu quả trong phong trào xây dựng ngõ phố xanh - sạch - đẹp, tập thể lãnh đạo khu dân cư đã thống nhất chọn ngõ 123A phố Thụy Khuê làm điểm xây dựng “ngõ văn minh đô thị”. Trước tiên, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 phối hợp với 11 hộ dân trong ngõ có kinh doanh hàng ăn, rau quả... vào buổi sáng hằng ngày để thành lập tổ tự quản và giao cho 1 hộ làm Tổ trưởng nhắc nhở việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Để duy trì đều vệ sinh môi trường cho khu dân cư, bà con đã đồng tình tạo việc làm cho 1 cháu thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội thường xuyên quét dọn khu vực này.

Ngoài ra, lãnh đạo khu dân cư còn tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên mở rộng cầu mương thoát nước có lan can, chỉnh trang khoảng sân đầu ngõ tạo không gian sinh hoạt và sân chơi, ủng hộ sơn để bà con xóa quảng cáo, rao vặt và chỉnh trang mặt tiền nhà của các gia đình...

Bà Nguyễn Thị Lan ở khu dân cư số 5, phường Thụy Khuê cho biết: “Ban Công tác Mặt trận rất sát sao nên nhiều năm nay khu dân cư chúng tôi duy trì tốt việc vệ sinh vào sáng thứ bảy hằng tuần; phối hợp với phường xóa chân rác tại ngõ 152 và duy trì cảnh quan đẹp mắt”.

Ngõ 84 là ngõ đầu tiên của phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) đạt chuẩn văn minh đô thị. Cách làm của cán bộ, nhân dân nơi đây là sau khi nhận được chủ trương của phường, Chi bộ tổ dân phố tổ chức họp. Trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, Chi bộ thống nhất giao trách nhiệm chính cho Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng tổ dân phố. Sau khi khảo sát thực tế, dự kiến kinh phí, cách thức triển khai, Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 mời nhân dân đến họp để trình bày phương án, cách làm, phương thức quyên góp, ủng hộ, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân.

“Với tinh thần làm việc công khai, cầu thị, bà con đã ủng hộ cách thực hiện 5 tiêu chí, 8 nội dung của ngõ văn minh đô thị và phương thức ủng hộ mà lãnh đạo tổ dân phố đưa ra. Nhờ thành công trong việc xây dựng ngõ văn minh đô thị mà mối quan hệ gắn bó giữa bà con ngày càng khăng khít hơn, là động lực để chúng tôi nhân rộng ra các ngõ khác”, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 phường Tứ Liên Trần Hùng Tuấn chia sẻ.

Từ năm 2022 trở về trước, quận Tây Hồ đã duy trì 165 “ngõ văn minh đô thị” và 149 “tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết, để nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện hiệu quả xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch - văn hóa của Thủ đô, năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận chỉ đạo 8/8 phường trên địa bàn tiếp tục triển khai đăng ký mô hình “ngõ văn minh đô thị” và “tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”. Trong đó, phấn đấu xây dựng thêm 16 “tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”; phối hợp cùng chính quyền và các tổ chức thành viên chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận chỉnh trang các ngõ văn minh đô thị, tuyến đường hoa, tuyến đường tự quản.

Hiện nay, quận Tây Hồ đã có 5/8 phường được công nhận danh hiệu “Phường văn hóa”. Với sự vào cuộc sát sao, cán bộ Mặt trận các cấp của quận Tây Hồ đang thiết thực cùng các cấp, các ngành hoàn thiện các tiêu chí để 3 phường còn lại hoàn thiện các tiêu chí để trình xét công nhận đạt “Phường văn hóa” trong thời gian tới.

Mỗi gia đình đều vun đắp nền nếp gia phong, ở đó giữ vững kỷ cương, tôn ti trật tự, hòa thuận trên kính dưới nhường, ở đó con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Nét thanh lịch càng thể hiện rõ khi giao tiếp trong xã hội từ lời ăn tiếng nói đến ăn mặc, cử chỉ đi đứng, ở chỗ đông người. Các món ăn của người Hà Nội xưa cũng rất tinh tế nhiều khi đạt đến trình độ nghệ thuật. Ai xa Hà Nội lúc nào cũng nhớ đến hương vị phở, hương vị của những chén trà ướp sen... Người Hà Nội rất yêu hoa và cây cảnh, trong mỗi căn nhà thường có những lọ hoa đủ mầu sắc, những chậu cây cảnh xinh xinh, có cả vùng Nhật Tân, Quảng Bá trồng đào, trồng quất, Tết đến chợ hoa rực rỡ muôn mầu... Tất cả những điều đó tạo nên cốt cách thanh lịch của người Hà Nội với vẻ đẹp văn hóa còn lan tỏa mãi. Khi xây dựng Hà Nội hiện đại, cần phát huy nhân tố này để giúp Thủ đô có nét riêng độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thức rõ điều đó, Hà Nội đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào "Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh" coi đó là một trong những hạt nhân quan trọng làm nên sự thành công của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Thủ đô; xác định rõ việc xây dựng nhân tố con người là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi các nội dung phong trào.

Hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng việc các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào đã tác động xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức con người. Cuộc sống thực dụng, xô bồ, chạy theo đồng tiền nhiều lúc đã làm lu mờ hình ảnh con người thanh lịch của đất kinh kỳ xưa. Ðã xảy ra những hiện tượng không ít gia đình lục đục tan vỡ, vợ chồng bỏ nhau, anh em đâm chém nhau, thanh niên nghiện hút, bất hiếu chỉ vì tiền. Ra đường ai cũng lo sợ tai nạn giao thông, gặp sự cố trên đường đi lập tức xảy ra cãi vã, ẩu đả, có khi gây ra án mạng. Những cử chỉ, hành động giúp đỡ người già, người tàn tật qua đường, nhường nhịn nhau trên đường đi, nhường chỗ trên tàu xe cho người già, phụ nữ đã ít đi... Ðó là chưa kể những hình ảnh thanh niên đầu nhuộm tóc xanh đỏ, con gái ăn mặc hở hang, lố lăng ra đường, cười nói oang oang, tục tĩu nơi công cộng... Thực trạng đó cho thấy việc xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch càng trở nên cấp bách.

Ðể phong trào "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" đi vào thực chất có hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ các gia đình. Bồi đắp, hình thành những tố chất nhân cách, lối sống văn hóa của mỗi người đều bắt đầu từ môi trường gia đình. Hà Nội có tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa cao, nhưng những hiện tượng tiêu cực, vô văn hóa trong xã hội không hề giảm, mà có chiều hướng gia tăng, khiến người ta nghi ngờ về hiệu quả thực chất của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Có lẽ, cái cốt lõi của gia đình văn hóa là nền nếp gia phong, cốt cách của người Hà Nội thanh lịch chưa được nhấn mạnh đúng mức. Mỗi người chủ gia đình phải giữ vững được cốt lõi này để làm gương cho các thành viên trong gia đình. Giáo dục sự ứng xử cho mỗi thành viên trong gia đình, nhất là những thành viên nhỏ tuổi là rất quan trọng. Trong khuôn khổ gia đình, cần dạy dỗ con cái văn hóa, ứng xử với chính mình, với người khác, với môi trường sống chung quanh. Mỗi gia đình phải là một bức tường chắn, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa xấu và tệ nạn xã hội. Thật khó có một xã hội yên lành khi có những gia đình lục đục tan vỡ, các thành viên trong gia đình không được giáo dục đến nơi đến chốn. Nhưng tố chất của đạo đức con người phải được giáo dục ngay từ nhỏ với những hành vi, cử chỉ sơ đẳng giản đơn nhất, kèm theo sự ứng xử làm gương của người lớn. Chúng ta ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của việc kết hợp ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội.

Tất cả các quận, huyện của Hà Nội đều tích cực tham gia phong trào "Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh" một cách phù hợp từng giới, từng lứa tuổi và từng lĩnh vực hoạt động. Hằng năm đều triển khai nghiêm túc công tác đăng ký, kiểm tra, bình xét công nhận Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Ðơn vị văn hóa, theo đúng tiến độ và bước đầu đi sâu vào chất lượng. Ðặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống Câu lạc bộ văn hóa gia đình, tổ chức sinh hoạt định kỳ với các buổi trao đổi ý kiến theo chuyên đề hữu ích về xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, các giải pháp thoát nghèo, nâng cao chất lượng sống... Các ngành, đoàn thể phát động tổ chức thực hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Ðiển hình là Mặt trận Tổ quốc Hà Nội tổ chức phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", Hội nghị biểu dương các tấm gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", các phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa", "Xóa đói, giảm nghèo". Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện Dự án "Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh" và phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc". Thành đoàn Hà Nội có phong trào hành động "Tuổi trẻ Thủ đô sức khỏe, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, tình nguyện". Hội nông dân thành phố có phong trào "Người nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại"... Tất cả những công việc ấy của cả hệ thống chính trị đã có tác động thật sự đến nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc phát huy truyền thống thanh lịch của người Hà Nội trong cuộc sống hiện đại.

Có lẽ trước mắt, Hà Nội nên tập trung vào một trong những khâu xung yếu nhất của việc xây dựng con người văn minh thanh lịch, đó là nếp sống đô thị và nếp sống ở nơi công cộng. Làm sao cho văn hóa giao thông được thể hiện rõ nét trong đời sống hằng ngày, làm sao cho mỗi người ở nơi công cộng thể hiện là con người lịch sự, văn minh, có văn hóa. Ðể thực hiện được điều đó phải nghiêm chỉnh, thi hành những luật lệ, những quy định đã đề ra, phải biểu dương kịp thời những tấm gương và xử mạnh tay những người vi phạm. Giữ được trật tự an toàn trên đường phố chính là tạo dựng bộ mặt văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là công việc phải làm thường xuyên lâu dài, không thể nhất thời hoặc chạy theo thành tích phong trào. Nó phải được bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Xây dựng nếp sống văn hóa là như thế nào?

Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị.

Làm thế nào để xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình?

Các thành viên trong gia đình cần tuân thủ và chấp hành quy định của pháp luật, không bị kỷ luật tại nơi làm việc và học tập. Chấp hành quy ước, hương ước của cộng đồng nơi cư trú. Giữ gìn an trinh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng.

Nếp sống văn hóa văn minh là gì?

Nếp sống văn hóa văn minh là nếp sống theo các giá trị chuẩn mực của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt, công nghiệp phát triển.

Văn minh đô thị nghĩa là gì?

Văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa.