Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - “Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”. Đây là ý kiến được PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra tại Hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức sáng 22/11. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp.

Sự kiện nhằm thảo luận, hiến kế các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy nhanh các kết nối hạ tầng, giúp phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.

Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông cho khu vực này. Không ít công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…

Gần đây, nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành…

Phân tích vùng Đông Nam bộ có thế mạnh lớn, như dân số chiếm 18,6% dân số cả nước, là vùng có tỷ lệ đô thị cao gấp 1,84 lần tỷ lệ đô thị hóa của cả nước, đóng góp 38% GDP (GDP bình quân đầu người đạt 115,2 triệu đồng, cao gấp 1,84 lần bình quân cả nước), 48% kim ngạch xuất khẩu, 40,73% ngân sách, chiếm 46,5% số dự án đầu tư và 43,23% vốn FDI, tương đương 16.840 triệu USD…, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho vùng này.

Tại TPHCM, công trình giao thông trọng điểm được đầu tư từ ngân sách trung ương như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên… Cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000m nối các địa phương phía Bắc và phía Đông TPHCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km, rộng 120m, có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông - Tây) dài 22km, rộng 70m, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản... Xây dựng Thành phố phía Đông là thành phố trong lòng thành phố với mô hình là đô thị sáng tạo, công nghệ cao, hạ tầng hiện đại và đồng bộ, tạo cực tăng trưởng cho TPHCM.

Tuy nhiên, đánh giá lại sau rà soát tiến độ triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông, có thể thấy tiến độ còn khá chậm, chưa đạt mong đợi, gồm những nguyên nhân chủ quan và khách quan, quan trọng nhất là nguồn lực đầu tư. Làm sao đầu tư hiệu quả để các khu vực phát triển, nhưng khi nguồn lực có hạn, phải lựa chọn khu vực có tiềm năng sinh lời cao. Do đó, cần sự nỗ lực, tâm huyết của từng địa phương trong thời gian tới. Cần sự hỗ trợ từ các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc kết nối hạ tầng trong vùng; xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch và nâng cao trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương.

“Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.

Để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với đó, Chính phủ phải đẩy nhanh xử lý tồn đọng đối với các dự án đầu tư đối với các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020.

Đối với TPHCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền Thành phố, tạo nền tảng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, góp phần định hướng và lan tỏa đến các địa phương vùng Đông Nam bộ trong triển khai thời gian tới, Bộ Nội vụ hỗ trợ TPHCM hoàn thiện để kịp thời triển khai chính quyền đô thị từ tháng 7/2021.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giao thông là “điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến: đường bộ, đường không và đường biển. Theo ông, phát triển TPHCM, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Cần thay đổi tư duy chiến lược và phương thức hành động trong việc phát triển kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam bộ, thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích, phát triển của Hà Nội và TPHCM, tập trung ưu tiên phát triển, thay đổi cơ chế phát triển vùng.

Vân Thanh

Tin liên quan

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - tuyến giao thông kết nối quan trọng của vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Phạm Tùng

Giải bài toán nguồn vốn và cơ chế

ĐNB là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng ĐNB có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Hiện nay, 7 tỉnh, thành vùng ĐNB đang đóng góp với khoảng 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần 41% ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng ĐNB, được Báo Tuổi Trẻ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức vào ngày 22-11, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, vùng ĐNB là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, ông Phạm Viết Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận, vùng ĐNB đang đối mặt với một hệ thống hạ tầng quá tải, tắc nghẽn, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ và bền vững. “Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng” - ông Thanh phân tích.

Cùng nhận định trên, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giao thông hiện là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng ĐNB, nghẽn trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới chỉ chiếm 11% đường cao tốc cả nước” - ông Trần Đình Thiên cho biết.

Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, tình trạng yếu kém của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐNB đã được đặt ra suốt nhiều năm nhưng chưa được thực hiện bao nhiêu. Do đó, thời điểm hiện tại, thực trạng này cần có cách đặt vấn đề mới, quyết liệt hơn. ĐNB với vị thế là vùng kinh tế có đóng góp nhiều nhất cả nước thì cách tiếp cận vấn đề kết nối vùng không thể chỉ từ góc độ “xin - cho”, không “cơi nới” mà phải có những cơ chế để “vượt trước”.

Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, ông Trần Đình Thiên chia sẻ, vùng ĐNB triển vọng về nguồn thu từ các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, do đó cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Thời gian qua, việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vì lợi ích chưa rõ nên chưa khuyến khích doanh nghiệp, dẫn đến cơ hội bị bỏ lỡ. Do đó, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng ĐNB về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích doanh nghiệp. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị Thủ tướng, người nào, tập đoàn, doanh nghiệp nào làm tốt phải được thưởng, căn cứ trên lợi ích mang lại cho đất nước. Doanh nghiệp người ta cần được thưởng bằng tiền” - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách đầu tư phát triển vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2016-2020. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Nói về cơ chế để thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối vùng ĐNB, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần có một cơ chế đủ mạnh, có dấu ấn của “nhạc trưởng” để xác định thế mạnh của từng tỉnh, thành và cả vùng ĐNB. Thậm chí, còn cần cả cơ chế để các tỉnh không chỉ cùng đóng góp nguồn lực để phát triển mà còn có cơ chế để chia sẻ lợi ích từ sự phát triển đó.

Song song với đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc nối kết hạ tầng trong vùng, xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối… Đặc biệt, về nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, Chính phủ cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương. Tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kiến nghị thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng

Theo ông Trần Hoàng Ngân, ngoài các giải pháp về ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, vùng ĐNB cần được thí điểm cho chính quyền địa phương quyết định tất cả các dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm. Trong đó ưu tiên cho 4 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ

Quốc lộ 51, tuyến giao thông kết nối quan trọng giữa 3 địa phương trong vùng Đông Nam bộ gồm: TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên bị ùn tắc vì quá tải

Để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kết nối vùng, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh một trong những định hướng cần phải thực hiện trong thời gian tới là nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cơ chế quỹ đầu tư khá hiệu quả, trong đó Nhà nước là một nhà đầu tư cùng với các thành phần kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, việc quỹ vận hành như thế nào, công nghệ ra sao, cần có ban điều hành đầu tư chuyên nghiệp, chuyên gia tài chính quyết định.

Quỹ đầu tư cũng cần có HĐQT là lãnh đạo các địa phương trong vùng, thực hiện lựa chọn quy hoạch mà Bộ GT-VT đưa ra cho Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua để lựa chọn đầu tư con đường nào. Hội đồng đầu tư, ban lãnh đạo trong vùng quyết định và điều hành thật chuyên nghiệp. “Cơ chế hình thành một quỹ đầu tư liên vùng để phát triển hạ tầng giao thông là cách tiếp cận khả thi và có hiệu quả. Quỹ đầu tư này thực hiện theo đúng đặc trưng và tính chất của nó. Có thêm một ban quản trị là lãnh đạo của các địa phương” - ông Trương Văn Phước nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống cho biết, thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng ĐNB, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Trong tương lai quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối ĐNB với ngoại vùng cũng như quốc tế. Sắp tới, Bộ KH-ĐT tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025, cố gắng phấn đấu đưa những công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo gỡ nút thắt cho khu vực ĐNB.