Cầu khuẩn là gì

Liên cầu khuẩn là loại vi khuẩn có thể tấn công vào đường hô hấp trên gây nhiễm trùng, triệu chứng thường gặp gây đau rát họng, ho,… Viêm họng do liên cầu khuẩn thường có thể tự khỏi nếu chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế phù hợp. Song một số trường hợp, bệnh nhân sức khỏe kém hoặc chăm sóc điều trị không tốt có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

1. Đặc điểm bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn họ Streptococcus gây ra.

Liên cầu khuẩn là vi khuẩn tấn công vào hệ hô hấp trên

Bệnh có những đặc điểm như sau:

1.1. Nguy cơ lây nhiễm

Vi khuẩn gây bệnh này thường tồn tại trong dịch mũi, họng của người bệnh, dễ dàng phát tán và gây bệnh cho người lành qua các giọt nước bọt có vi khuẩn, như hành động ho, sổ mũi, hắt hơi, lắc tay,… Vì thế, người bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn nên theo dõi và phòng ngừa lây nhiễm, điều trị. Rửa tay sạch sẽ là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

1.2. Mức độ bệnh

Viêm họng do liên cầu khuẩn thường gây triệu chứng nặng hơn so với tác nhân gây bệnh là virus hoặc vi khuẩn khác. Đặc biệt khi bệnh xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 12 tuổi, môi trường trường học là nơi dễ gây phát tán bệnh.

1.3. Triệu chứng bệnh

Tổn thương viêm họng xảy ra đầu tiên sau khi nhiễm liên cầu khuẩn nên triệu chứng đau họng là điển hình nhất. Trong vòng 3 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đi kèm sau: nuốt khó, buồn nôn, đau họng khi nuốt, họng bị đỏ, amidan sưng to, sốt, xuất hiện đốm trắng hoặc mảng đỏ ở cổ họng, sưng hạch và tuyến bạch huyết ở cổ, phát ban, mề đay, đau nhức đầu, đau bụng và buồn nôn,…

Triệu chứng viêm họng và viêm amidan do liên cầu khuẩn

2. Viêm họng do liên cầu khuẩn có nguy hiểm không?

So với các tác nhân gây bệnh viêm họng khác, viêm họng do liên cầu khuẩn thường gây triệu chứng nặng nề và kéo dài hơn. Song đa phần khi được chăm sóc y tế, nghỉ ngơi đúng cách, bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng và không để lại di chứng gì cho sức khỏe.

Tuy nhiên không ít trường hợp liên cầu khuẩn gây viêm họng tiến triển thành các biến chứng nặng do điều trị chậm trễ, không đúng cách:

  • Sốt thấp khớp dẫn tới đau khớp, viêm, phát ban.

  • Nhiễm trùng lan rộng như: nhiễm trùng amidan, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng da, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng huyết,…

  • Dẫn đến bệnh viêm nhiễm khác như: bệnh ban đỏ, bệnh viêm thận, tổn thương khớp, tổn thương van tim,…

Các biến chứng viêm họng do liên cầu khuẩn xảy ra tương đối phức tạp, việc điều trị khó khăn, kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nghiêm trọng hơn. Vì thế, điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh được các chuyên gia y tế khuyến cáo với mọi bệnh nhân bị viêm họng do liên cầu khuẩn.

3. Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn như thế nào?

Liên cầu khuẩn là một loại vi khuẩn nên phương pháp điều trị chủ yếu vẫn dựa trên thuốc kháng sinh, kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng cùng với chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý.

3.1. Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn bằng thuốc

Thuốc điều trị chính là thuốc kháng sinh phù hợp, cùng với đó là thuốc điều trị triệu chứng và kiểm soát ngừa lây lan bệnh.

Thuốc kháng sinh vẫn là phương pháp điều trị chính trong bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn

Thuốc kháng sinh

Thuốc Penicillin: Thuốc kháng sinh này có thể sử dụng dưới dạng uống nếu có thể hoặc dạng tiêm khi người mắc bệnh bị viêm họng khó nuốt, nôn mửa khi nuốt, trẻ nhỏ,…

Amoxicillin: Đây là kháng sinh cùng loại với Penicillin song được ưu tiên chọn lựa chọn với người mắc bệnh là trẻ nhỏ do vị dễ uống hơn.

Kháng sinh khác như Cephalexin, Azithromycin, Erythromycin,… được chỉ định nếu bệnh nhân dị ứng với Penicillin.

Đa phần người bệnh, kể cả trẻ em bị viêm họng do liên cầu khuẩn được điều trị với kháng sinh sẽ cải thiện bệnh nhanh chóng. Khi trẻ cảm thấy khỏe hơn, không còn sốt thì có thể trở lại trường học, sức khỏe của trẻ sẽ nhanh chóng được phục hồi hoàn toàn.

Thuốc điều trị triệu chứng

Thường dùng:

  • Ibuprofen như Motrin, Advil,…

  • Acetaminophen, Tylenol,…

Cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn theo đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Tự ý sử dụng thuốc có thể gây biến chứng nguy hiểm hoặc dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh sau này.

3.2. Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn bằng chăm sóc

Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt liên cầu khuẩn gây bệnh, song các triệu chứng viêm họng, khó chịu sẽ được cải thiện tốt hơn nếu bệnh nhân có biện pháp chăm sóc, cải thiện lối sống:

Nghỉ ngơi rất quan trọng để cải thiện triệu chứng bệnh

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều để cơ thể chống nhiễm trùng tốt hơn.

  • Tự nghỉ ngơi cách ly ở nhà cho đến khi không còn dấu hiệu sốt và cảm thấy sức khỏe tốt hơn [sau tối thiểu 24h điều trị với kháng sinh] để tránh bệnh trở nặng hoặc gây lây nhiễm.

  • Ưu tiên thức ăn nhẹ, dễ nuốt nhưng đủ dinh dưỡng như: súp, nước canh, ngũ cốc nấu chín, khoai tây nghiền, sữa chua, trái cây ngọt, trứng chín mềm,…

  • Uống nhiều nước: Làm ẩm cho cổ họng, giảm triệu chứng đau, ngăn ngừa tình trạng mất nước và kiểm soát sốt cao.

  • Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày, có thể duy trì thường xuyên sau đó vào mỗi buổi sáng để làm sạch và giảm đau cổ họng.

  • Tránh xa các chất kích thích, đặc biệt là khói thuốc lá, khói bụi, môi trường ô nhiễm,…

3.3. Biện pháp phòng ngừa bệnh

Tác nhân gây bệnh liên cầu khuẩn có thể lây nhiễm từ môi trường hoặc người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp, vì thế các biện pháp sau sẽ giúp phòng ngừa bệnh phần nào:

  • Rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với vật bẩn, vật dùng công cộng.

  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

  • Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh.

  • Hạn chế dùng chung vật dụng cá nhân: cốc nước, khăn mặt, đồ dùng ăn uống,…

Rửa tay sạch sẽ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn

Nếu sau khi điều trị với kháng sinh trên 24 giờ, viêm họng do liên cầu khuẩn vẫn không được cải thiện, đặc biệt là triệu chứng sốt cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Lưu ý sau khi triệu chứng cải thiện, cần tiếp tục duy trì điều trị bằng thuốc cho đến hết liệu trình để tránh bệnh tái phát nghiêm trọng hơn.

Tụ cầu tìm thấy khắp nơi và có thể phân lập từ không khí, bụi, thực phẩm, cơ thể người và động vật. Tụ cầu là thành viên của khuẩn chí da hoặc niêm mạc tị hầu người. Có 3 loài tụ cầu có khả năng gây bệnh nhiễm trùng ở người: Staphylococcus aureus [S.aureus: tụ cầu vàng] được xem là tụ cầu gây bệnh, Staphylococcus epidermidis [S. epidermidis] và Staphylococcus saprophyticus [S. saprophyticus] thường xem như là tụ cầu không gây bệnh; tuy nhiên 2 loài sau cũng có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn trong phẩu thuật tim, trong thông tĩnh mạch. Nội dung bài này tập trung vào S. aureus.

Đặc điểm sinh vật học

Hình thái 

Vi khuẩn hình cầu hoặc hình thuẫn, đường kính  0,8-1mm, ở canh thang thường họp thành từng cụm như chùm nho, hình thức tập hợp này do vi khuẩn phân bào theo nhiều chiều trong không gian. Trong bệnh phẩm vi khuẩn họp từng đôi hoặc đám nhỏ. Vi khuẩn bắt màu Gram [Gram dương]. Vi khuẩn không di động, không sinh nha bào, thường không có vỏ.

Tính chất nuôi cấy

Vi khuẩn phát triển dễ dàng ở môi trường thông thường, hiếu khí hoặc kỵ khí tùy ý, mọc tốt ở 370C nhưng tạo sắc tố tốt ở 200C. Ở canh thang sau 5 - 6 giờ làm đục môi trường, sau 24 giờ làm đục rõ. Ở môi trường đặc, khuẩn lạc tròn lồi, bóng láng, óng ánh có thể có màu vàng đậm, màu vàng cam hoặc màu trắng, tương đối lớn sau 24 giờ. Những chủng khác nhau làm tan máu ở những mức độ khác nhau, ở thạch máu typ tan máu b thường được quan sát xung quanh khuẩn lạc.

Tính chất sinh hóa và đề kháng

Tụ cầu có hệ thống enzyme phong phú, những enzyme được dùng trong chẩn đoán là: catalase [phân biệt với liên cầu], S. aureus có coagulase [tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt tụ cầu vàng với các tụ cầu khác]. Tụ cầu lên men chậm nhiều loại đường, tạo axít nhưng không sinh hơi, S. aureus lên men đường mannít. Tụ cầu tương đối chịu nhiệt và thuốc sát khuẩn hơn những vi khuẩn khác, chịu độ khô và có thể sống ở môi trường nồng độ NaCl cao [9%], nhạy cảm thay đổi với kháng sinh, nhiều chủng đề kháng với penicillin và các kháng sinh khác.

Cấu trúc kháng nguyên

Vách tế bào vi khuẩn chứa kháng nguyên polysaccharide, kháng nguyên protein A ở bề mặt. Người ta có thể căn cứ vào các kháng nguyên trên để chia tụ cầu thành nhóm, tuy nhiên phản ứng huyết thanh không có giá trị trong chẩn đoán vi khuẩn.

Căn cứ vào sự nhạy cảm với phage, người ta chia tụ cầu thành type phage. Những bộ phage cho phép xếp loại phần lớn các chủng tụ cầu thành 4 nhóm phage chính. Định type phage tụ cầu có giá trị về dịch tễ học và chẩn đoán.

Các độc tố và enzyme

Khả năng gây bệnh của tụ cầu là do vi khuẩn phát triển và lan tràn rộng rãi trong mô cũng như tạo thành nhiều độc tố và enzyme.

Hemolysin: có 4 loại hemolysin được xác định là a, b, g và d. Một chủng tụ cầu có thể tạo thành nhiều hơn một loại hemolysin. Đó là những phẩm vật bản chất protein gây tan máu b nhưng tác động khác nhau trên những hồng cầu khác nhau. Chúng có tính sinh kháng. Một vài loại hemolysin gây hoại tử da tại chổ và giết chết súc vật thí nghiệm.

Leucocidin: là nhân tố giết chết bạch cầu của nhiều loài động vật, bản chất protein, không chịu nhiệt. Tụ cầu gây bệnh có thể bị thực bào như tụ cầu không gây bệnh nhưng lại có khả năng phát triển bên trong bạch cầu.

Coagulase: làm đông huyết tương người hoặc thỏ chống đông với citrat natri hoặc oxalat natri. Coagulase làm dính tơ huyết vào bề mặt vi khuẩn và do đó hình như cản trở sự thực bào. Tất cả các chủng S. aureus đều có coagulase dương tính.

Hyaluronidase: thủy phân axit hyaluronic của mô liên kết, giúp vi khuẩn lan tràn vào mô.

b-lactamase: sự đề kháng penicillin của tụ cầu vàng là do đa số tụ cầu vàng sản xuất được enzyme b-lactamase.

Ngoài ra, tụ cầu còn có những enzyme khác như staphylokinase là một fibrinolysin làm tan tơ huyết, nuclease, lipase.

Độc tố ruột: do một số chủng tụ cầu tạo thành, đặc biệt lúc phát triển ở nồng độ CO2 cao [30%] và môi trường đặc vừa. Nó đề kháng sự đun sôi trong 30 phút cũng như tác động của enzyme ở ruột. Có 5 typ huyết thanh A, B, C, D, E; typ A, B thường gây ngộ độc thức ăn.

Độc tố gây hội chứng shock nhiễm trùng [Toxic schock syndrome toxin: TSST]: thường gặp ở những phụ nữ có kinh nguyệt dùng bông băng dày, bẩn hoặc những người bị nhiễm trùng vết thương. Cơ chế gây shock của nó tương tự với nội độc tố.

Exfoliatin toxin hay epidermolitic toxin: là một ngoại độc tố, gây nên hội chứng phỏng rộp và chốc lở da [Scaded skin syndrome] ở trẻ em. 85% các chủng tụ cầu vàng thuộc loại phage nhóm II tạo độc tố này. Nó gồm 2 loại A và B, đều là polypeptid, loại A bền vững với nhiệt độ 1000C/20phút, còn loại B thì không. Có thể xác định chúng băng kỹ thuật miễn dịch [như ELISA hoặc RIA hay miễn dịch khuếch tán]. Kháng thể đặc hiệu có tác dụng trung hoà độc tố này.

Alpha toxin: bản chất protein, gây tan các bạch cầu đa nhân và tiểu cầu, từ đó gây ra ổ áp xe, hoại tử da và tan máu. Độc tố có tính kháng nguyên nhưng kháng thể của nó không có tác dụng chống nhiễm khuẩn.

Khả năng gây bệnh

Đường xâm nhập là da [gốc chân lông, chỗ bị thương] và niêm mạc. Tụ cầu không gây nên một chứng bệnh nhất định nhưng thường làm phát sinh nhiều hình thức nhiễm khuẩn khác nhau. Tụ cầu thường gây nên những điểm nung mủ ở da, ở niêm mạc nhưng có thể xâm nhập vào những cơ quan khác nhau. Sự nhiễm trùng xảy ra ở những cơ thể đề kháng sút kém như già yếu, trẻ còn bú, bệnh đái tháo đường.

Các nhiễm trùng da và nung mủ sâu  

Là một hình thức đặc biệt, nặng là đinh râu, tiếp đến là chốc lỡ, viêm tủy xương, viêm phổi màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm màng não.

Nhiễm trùng huyết

Từ những điểm nung mủ, vi khuẩn có thể đi vào máu và gây nên nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết do tụ cầu là một bệnh thường gặp ở bệnh viện, thường xảy ra ở người có sức đề kháng giảm sút.

Viêm ruột cấp tính

Thường gặp ở các bệnh nhân uống kháng sinh có kháng khuẩn phổ rộng, kháng sinh hủy diệt những vi khuẩn bình thường ở ruột, làm phát triển chủng tụ cầu sinh độc tố ruột và gây nên chứng bệnh.

Ngộ độc thức ăn

Do tụ cầu sinh độc tố ruột đặc biệt type huyết thanh A và B gây nên. Chứng bệnh có những đặc điểm: thời gian ủ bệnh ngắn [1-8 giờ], buồn nôn dữ dội, nôn, đau bụng, ỉa chảy, không sốt, bình phục trong vòng 24 giờ.

Hội chứng da phồng rộp [Scalded skin syndrom]

Một số chủng tụ cầu vàng tiết độc tố exfoliatin, gây viêm da hoại tử và phồng rộp. Bệnh này thường gặp ở trẻ mới đẻ và tiên lượng xấu.

Hội chứng shock nhiễm độc [Toxic shock syndrome]

Thường gặp ở những phụ nữ có kinh nguyệt dùng băng vệ sinh dày, bẩn, bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Bệnh khu trú ở âm đạo và căn nguyên là tụ cầu vàng, liên quan đến độc tố gây hội chứng shock nhiễm trùng, cấy máu không tìm thấy tụ cầu vàng.

Chẩn đoán vi khuẩn

Bệnh phẩm là mủ, máu, đờm giải, phân, nước não tủy tùy theo chứng bệnh. Phân lập ở thạch máu, canh thang hoặc thạch Chapman. Xác định nhờ hình thái ở kính hiển vi và tính chất sinh hóa. Tụ cầu được xem như S. aureus nhờ 4 tiêu chuẩn : sắc tố vàng, tan máu, lên men đường mannit, tạo thành coagulase. Trong đó 2 tiêu chuẩn coagulase và lên men đường mannit là quan trọng nhất, chỉ có thể thiếu một trong 2 tiêu chuẩn đó chứ không thể thiếu cả 2.

Phản ứng huyết thanh không có giá trị để chẩn đoán vi khuẩn. Người ta định typ tụ cầu bằng phage. Nhờ những phage chính đặc hiệu người ta xếp tụ cầu vào một trong 4 nhóm phage chính [I, II, III và IV]. Tụ cầu thuộc nhóm nào thì bị ly giải bởi một hoặc nhiều phage trong nhóm đó. Định typ phage có giá trị về dịch tễ học.

Phòng ngừa và điều trị

Phòng ngừa

Nguồn tụ cầu ở trong thiên nhiên là người. Sự lây nhiễm từ người này sang người khác là do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua không khí. Những người lành mang trùng được khuyến cáo không nên làm việc ở phòng sinh, phòng trẻ sơ sinh, phòng mổ hoặc các xí nghiệp thực phẩm.

Điều trị 

Nhiều chủng Tụ cầu kháng với nhiều kháng sinh nhất là penicillin nên cần làm kháng sinh đồ. Có trường hợp sử dụng vaccine bản thân và vaccine trị liệu có kết quả.

LIÊN CẦU [STREPTOCOCCI]

Liên cầu là những cầu khuẩn xếp thành hình chuỗi, phân bố rộng rãi ở trong thiên nhiên. Một vài loài là thành viên của khuẩn chí bình thường  ở người. Một vài loài gây nên những chứng bệnh quan trọng.

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Vi khuẩn hình cầu, đường kính1 mm, Gram dương, thường xếp thành chuỗi dài ngắn khác nhau, có thể đứng đôi hoặc riêng lẻ. Vi khuẩn không có lông, không tạo nha bào. Nhiều chủng thuộc nhóm A và C tạo vỏ axit hyaluronic.

Tính chất nuôi cấy

Liên cầu là những vi khuẩn hiếu kị khí tùy ý, chỉ phát triển tốt ở môi trường có máu hoặc có các dịch của cơ thể khác. Những chủng gây bệnh thường đòi hỏi nhiều yếu tố phát triển. Phần lớn liên cầu tan máu gây bệnh phát triển tốt ở 370C. Các liên cầu ruột phát triển tốt ở khoảng nhiệt độ từ 10 đến 450C. Ở môi trường lỏng vi khuẩn dễ tạo thành các chuỗi, sau 24 giờ canh thang vẫn trong và có những hạt, những cụm dính vào thành ống sau đó lắng xuống đáy ống.

Ở thạch máu, khuẩn lạc nhỏ tròn lồi màu hơi xám, bóng hoặc  mờ đục. Những chủng của liên cầu A có vỏ tạo nên những khuẩn lạc lầy nhầy. Liên cầu gây nên 3 typ tan máu: tan máu b của liên cầu tan máu A, tan máu a của liên cầu viridans và tan máu g của liên cầu không tan máu.

Tính chất sinh vật hóa học

Liên cầu không có catalase [khác với tụ cầu]. Liên cầu A đặc biệt nhạy cảm với bacitracin. Để phân biệt liên cầu và phế cầu, người ta dựa vào khả năng của liên cầu đề kháng với mật hoặc muối mật hoặc với optochin trong khi phế cầu thì ngược lại.

Cấu trúc kháng nguyên

Liên cầu có cấu trúc kháng nguyên phức tạp.

Kháng nguyên vỏ axit hyaluronic

Tìm thấy ở vỏ một số liên cầu A, không có tính chất sinh kháng.

Kháng nguyên carbohydrat C đặc hiệu nhóm  

Đây là kháng nguyên nằm ở vách tế bào vi khuẩn. Dựa vào kháng nguyên carbohydrat C, Lancefield chia liên cầu tan máu thành nhiều nhóm huyết thanh từ A đến O. Phần lớn những liên cầu gây bệnh ở người thuộc nhóm A, tuy nhiên những chủng nhóm B, C và G cũng tìm thấy trong nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng huyết và viêm màng trong tim.

Kháng nguyên M đặc hiệu typ

Kháng nguyên M cũng nằm ở vách tế bào vi khuẩn, đó là protein M liên hệ đến Liên cầu A và tìm thấy ở những vi khuẩn tạo thành khuẩn lạc mờ đục hoặc lầy nhầy. Nó cản trở sự thực bào. Căn cứ vào kháng nguyên này người ta chia liên cầu A thành nhiều typ, hiện có trên 55 typ trong đó typ 12 gây bệnh rất nghiêm trọng.

Phẩm vật T

Bản chất protein, không liên quan đến độc lực, thu được bằng cách thủy phân để phá hủy protein M. Phẩm vật T cho phép phân biệt một số typ liên cầu.

Các enzyme và độc tố

Liên cầu tạo thành nhiều enzyme và độc tố.

Streptokinase

Tìm thấy ở nhiều chủng liên cầu tan máu b. Nó biến đổi plasminogen thành plasmin có khả năng thủy phân tơ huyết và những protein khác. Streptokinase kích động sự tạo thành kháng thể kháng streptokinase [ASK] và enzyme này được sử dụng để điều trị những trở ngại do đông máu gây nên.

Streptodornase

Enzyme này có khả năng thủy phân DNA do đó làm lỏng mủ. Một chế phẩm chứa streptokinase và streptodornase được dùng để làm lỏng dịch ngoại tiết đặc, giúp cho kháng sinh đến chổ nhiễm trùng và được sử dung trong lam sàng để điều trị viêm mủ màng phổi.

Hyaluronidase :

Thủy phân axit hyaluronic, chất căn bản của mô liên kết và giúp cho vi khuẩn bành trướng sâu rộng vào các mô.

Dung huyết tố :

Liên cầu tan máu b tạo thành  2 loại dung huyết tố :

Streptolysin O: có hoạt tính tan máu ở trạng thái khử oxy, nhưng nhanh chóng bị bất hoạt ở trạng thái oxy hóa. Có tính chất sinh kháng mạnh, nó kích động tạo thành kháng thể kháng streptolysin O [ASO]. Trong chẩn đoán bệnh thấp khớp cấp và viêm cầu thận cấp, việc định hiệu giá ASO rất có giá trị để khẳng định nhiễm liên cầu.

Streptolysin S: chịu trách nhiệm về sự hình thành vòng tan máu xung quanh khuẩn lạc ở thạch máu, không bị bất hoạt bởi oxy và không có tính sinh kháng.

Độc tố sinh đỏ :

Gây phát ban trong bệnh tinh hồng nhiệt, thường tìm thấy ở liên cầu A.

Phân loại liên cầu

Dựa vào khả năng làm tan máu, sự đề kháng với tác nhân lý hóa và thử nghiệm sinh hóa người ta chia liên cầu thành 4 nhóm :

Liên cầu tan máu

Tạo dung huyết tố hòa tan chịu trách nhiệm về typ tan máu b ở thạch máu. Chúng tạo thành cacbohydrat C đặc hiệu nhóm. Dựa vào cacbohydrat C người ta chia liên cầu tan máu thành nhiều nhóm từ A đến O.

Liên cầu viridans  

Không gây tan máu b ở thạch máu. Nhiều loài gây tan máu a, nhưng cũng có những loài không tác dụng với máu. Liên cầu viridans không tạo thành cacbohydrat C. Chúng là thành phần chủ yếu của khuẩn chí đường hô hấp và chỉ gây bệnh lúc xâm nhiễm van tim không bình thường hoặc màng não hoặc đường tiểu.

Liên cầu ruột

Tạo thành cacbohydrat C đặc hiệu nhóm D, phát triển tốt ở nhiệt độ từ    10-45oC, ở nồng độ 6,5% NaCl và ở thạch 40% muối mật. Khả năng tan máu thay đổi. Chúng được tìm thấy ở khuẩn chí bình thường ở ruột và có thể gây bệnh lúc xâm nhiễm mô, máu, đường tiểu hoặc màng não.

Liên cầu lactic

Tan máu thay đổi, phát triển ở thạch chứa 40% mật nhưng không phát triển ở 45oC, không gây bệnh, thường tìm thấy trong sữa.

Khả năng gây bệnh

Trong các liên cầu thì liên cầu nhóm A là nhóm liên cầu gây bệnh nhiều nhất ở người. Chúng gây nên những bệnh cảnh sau :

Các nhiễm khuẩn tại chổ 

Như viêm họng, viêm tỵ hầu, chốc lỡ, viêm quầng ở người lớn, nhiễm khuẩn các vết thương.

Các nhiễm khuẩn thứ phát

Như viêm màng trong tim cấp, sốt hậu sản hoặc nhiễm khuẩn huyết mà điểm xuất phát là từ da, tử cung hoặc từ vùng tị hầu.

Bệnh tinh hồng nhiệt

Thường gặp ở trẻ em trên 2 tuổi ở các nước ôn đới.

Các di chứng của nhiễm liên cầu A

Đặc điểm của nhiễm khuẩn Liên cầu A là sự xuất hiện các di chứng 2-3 tuần lễ sau bệnh liên cầu, đặc biệt là sau viêm họng. Di chứng có thể là viêm cầu thận cấp hoặc thấp khớp cấp.

Viêm cầu thận cấp

Xảy ra ở một số người 1-3 tuần lễ sau khi nhiễm liên cầu A, đặc biệt là nhiễm các typ 12, 4, 49 hoặc 57 ở họng hoặc ở da, do sự tác động của phức hợp kháng nguyên-kháng thể lên màng cơ bản của tiểu cầu thận. Triệu chứng là tiểu máu, phù thủng, cao huyết áp. Các giả thuyết cho rằng đó là do sự tác động của kháng thể chống lại kháng nguyên vách của liên cầu nhóm A phản ứng chéo với màng đáy của cầu thận.

Thấp khớp cấp

Là một di chứng nghiêm trọng nhất vì nó đưa đến phá hủy cơ tim và van tim. Một vài chủng liên cầu A có kháng nguyên màng tế bào phản ứng chéo với sợi cơ tim. Huyết thanh của bệnh nhân thấp khớp cấp chứa kháng thể phản ứng  với những kháng nguyên đó. Thấp khớp cấp có xu hướng trở nên nghiêm trọng trong nhiễm trùng tái phát.

Ngoài ra, phức hợp miễn dịch globulin miễn dịch-bổ thể-kháng nguyên của liên cầu đã được chứng minh bằng miễn dịch huỳnh quang ở thương tổn của tiểu cầu thận và cơ tim.

Tính miễn dịch

Sự đề kháng với liên cầu có tính chất đặc hiệu typ. Chỉ có kháng thể kháng M đặc hiệu typ có khả năng chống lại sự nhiễm trùng. Liên cầu A có trên 55 typ huyết thanh. Nhìn chung không người nào trở nên miễn dịch với tất cả  nhóm liên cầu A. Các kháng thể kháng Streptolysin O và kháng Streptokinase không có khả năng bảo vệ cơ thể.

Chẩn đoán vi sinh vật

Chẩn đoán trực tiếp

Bệnh  phẩm thích hợp, có thể là máu, mủ, đờm giải, nước tiểu, nước não tủy v..v..rồi nuôi cấy lên trên các môi trường thích hợp; phân lập và định danh vi khuẩn  dựa vào đặc điểm hình thể, tính chất nuôi cấy, tính chất khuẩn lạc, tính chất tan máu. Những chủng liên cầu A rất nhạy cảm với bacitracin. Xác định nhóm của liên cầu tan máu b nhất là nhóm A, B, C, G bằng thử nghiệm đồng ngưng kết.

Chẩn đoán gián tiếp

Trong các trường hợp như thấp khớp cấp có thể sử dụng phản ứng ASO để định hiệu giá ASO trong máu bệnh nhân. Đây là một phản ứng trung hòa enzyme, bình thường hiệu giá ASO < 200 đơn vị. Trong trường hợp bệnh lý ASO tăng cao. ASK ít được sử dụng.

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh

Nguồn nhiễm liên cầu A là người, chủ yếu là phòng bệnh chung như phát hiện sớm những nhiễm trùng  ở da, ở họng do liên cầu A gây nên để  điều trị với kháng sinh thích hợp. Cần phát hiện và điều trị những người lành mang trùng phục vụ ở  các nhà hộ sinh, nhà trẻ, phòng mổ.

Điều trị 

Đối với liên cầu A phải điều trị sớm liều lượng đầy đủ với kháng sinh giết khuẩn như penicillin, erythromycin.

Đối với liên cầu viridans, liên cầu ruột, cần phối hợp kháng sinh giữa nhóm b lactamin và aminoglycosit như penicillin và streptomycin hoặc điều trị theo kháng sinh đồ.        

PHẾ CẦU [STREPTOCOCCUS PNEUMONIAE]

Phế cầu thường gặp ở vùng tị hầu của người bình thường với tỷ lệ khá cao [20-40%].

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể 

Phế cầu là cầu khuẩn Gram dương, hình ngọn nến, xếp thành đôi, 2 đầu giống nhau nhìn vào nhau tạo thành hình mắt kính hay số 8. Trong môi trường nuôi cấy, phế cầu thường xếp thành chuỗi ngắn dễ nhầm với liên cầu. Trong bệnh phẩm hay trong môi trường nuôi cấy giàu albumin thì vi khuẩn tạo vỏ. Nuôi cấy lâu ngày ở môi trường nhân tạo thì không có vỏ. Vi khuẩn không có lông, không tạo nha bào. Những enzyme tự ly giải làm cho vi khuẩn mất màu Gram rồi ly giải.

Tính chất nuôi cấy 

Phế cầu là vi khuẩn hiếu kỵ khí tùy ý, mọc tốt ở môi trường giàu chất dinh dưỡng và ở khí trường 5 - 10% CO2. Nhiệt độ thích hợp 370C, pH 7,2 - 7,6. Ở thạch máu khuẩn lạc sau 24 giờ nhỏ, tròn, bờ đều, trong, lúc đầu lồi, sau đó lõm ở giữa với bờ cao xung quanh, tạo vòng tan máu a xung quanh khuẩn lạc.

Tính  chất sinh hóa

Phế cầu lên men  nhiều loại đường, không sinh hơi, catalase âm tính, phản ứng Neufeld dương tính [tan trong dung dịch mật hay muối mật], không mọc ở môi trường có optochin.

Sức đề kháng

Phế cầu dễ bị giết chết bởi những chất sát khuẩn thông thường [Phenol, Cl2Hg] và nhiệt [60 0C trong 30 phút]. Trong quá trình giữ chủng, vi khuẩn dễ bị giảm độc lực hoặc biến đổi từ dạng khuẩn lạc S sang dạng R [không có vỏ]. Phế cầu không chịu được nhiệt độ quá lạnh và qua nóng. Nhiệt độ giữ chủng thích hợp là 18oC - 30oC.

Cấu trúc kháng nguyên

Kháng nguyên vỏ: bản chất polysaccharide. Dựa vào kháng nguyên vỏ, phế cầu được chia thành 85 typ huyết thanh. Vỏ giữ vai trò quan trọng trong độc lực của vi khuẩn.

Kháng nguyên thân: bao gồm carbohydrat C đặc hiệu nhóm và protein M đặc hiệu typ tương tự như ở liên cầu A.

Khả năng gây bệnh

Phế cầu thường gặp ở tị hầu với tỉ lệ khá cao. Lúc đường hô hấp bị thương tổn, phế cầu xâm nhập vào cơ thể gây bệnh đường hô hấp, điển hình là viêm thùy phổi, thường do  typ 1, 2, 3 gây nên. Bệnh xảy ra lẻ tẻ, có thể trở thành dịch đặc biệt về mùa đông. Nó cũng thường gây viêm phế quản, áp xe phổi, viêm màng phổi có mủ.

Phế cầu còn là một tác nhân thường gây viêm màng não mủ ở trẻ em.

Ngoài ra phế cầu còn gây các nhiễm khuẩn  khác như viêm xoang, viêm tai, viêm họng,  viêm kết mạc mắt, viêm màng ngoài tim, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết.

Chẩn đoán vi sinh vật

Nhuộm Gram, nếu thấy nhiều cầu khuẩn Gram dương hình ngọn nến xếp từng đôi đồng thời với bạch cầu đa nhân và đại thực bào sơ bộ chẩn đoán viêm do phế cầu và có thể bắt đầu điều trị. Đồng thời nuôi cấy để chẩn đoán xác định. Định danh vi khuẩn  dựa vào đặc điểm hình thể, khuẩn lạc và một số thử nghiệm để phân biệt với liên cầu tan máu như neufeld dương tính, optochin dương tính.

Định typ phế cầu bằng phản ứng phình vỏ.

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh

Hiện nay vaccine polysaccharide vỏ chưa phổ biến. Chủ yếu là phòng bệnh chung: lúc sức đề kháng của cơ thể giảm như bị cúm cần bồi dưỡng sức khỏe, trẻ em người già yếu dễ bị phế viêm cần mặc ấm về mùa đông, lúc có sự thay đổi đột ngột nhiệt độ.

Điều trị 

Cần điều trị sớm. Phế cầu nhạy cảm với erythromycin, penicillin, ampicillin, chloramphenicol, bactrim.

NÃO MÔ CẦU [NEISSERIA MENINGITIDIS]

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Cầu khuẩn Gram âm hình hạt cà phê 0,8 x 0,6 mm, thường đứng thành đôi riêng lẻ hoặc thành đám nhỏ. Xem trực tiếp từ bệnh phẩm có thể tìm thấy vi khuẩn  ở trong bạch cầu đa nhân. Vi khuẩn không lông, nhiều chủng có vỏ.

Tính chất nuôi cấy                                                                           

Não mô cầu hiếu khí tuyệt đối, chỉ mọc ở các môi trường giàu chất dinh dưỡng như thạch máu, thạch chocolat, Thayer - Martin ủ ở 370C ở khí trường 5 -10% CO2. Khuẩn lạc tạo thành sau 24  giờ, nhỏ, tròn, lồi, bóng, mờ đều, màu xám.

Tính chất sinh hóa

Oxydase dương tính, catalase dương tính, glucose dương tính không sinh hơi, maltose dương tính, sacharose âm tính.

Cấu trúc kháng nguyên 

Não mô cầu có các thành phần kháng nguyên sau      

Kháng nguyên vỏ: bản chất polysaccharide, có tính chất đặc hiệu nhóm. Dựa vào kháng nguyên này, não mô cầu được chia thành nhiều nhóm huyết thanh: A, B, C­, 29-E, H, I, K, L,W-135, X, Y, Z. Kháng nguyên  polysaccharide của não mô cầu được phóng thích ra  trong dịch não tủy trong thời kỳ đầu của bệnh nên có thể chẩn đoán sớm bệnh bằng cách xác định  kháng nguyên này ở trong dịch não tủy.

Kháng nguyên vách: bản chất protein, nằm ở màng ngoài cùng của của vách tế bào vi khuẩn, có tính đặc hiệu typ. Não mô cầu nhóm B có 12 typ.

Sức đề kháng

Não mô cầu có sức đề kháng kém. Rất dễ chết, trong bệnh phẩm nước não tủy nó chỉ sống khoảng 3-4 giờ sau khi ra khỏi cơ thể. Dễ bị chết bởi nhiệt độ [600C trong 10 phút].

Khả năng gây bệnh 

Não mô cầu thường sống ở vùng tị hầu mà không gây nên triệu chứng, trạng thái người lành mang trùng có thể kéo dài trong ít ngày đến nhiều tháng. Trong những điều kiện không thuận lợi cho cơ thể như mặc không đủ ấm, cảm lạnh vi khuẩn đi vào máu sẽ gây nên viêm màng não mủ. Hiếm hơn, nó có thể gây nên nhiễm khuẩn huyết tối cấp rất nặng, với sốt cao, phát ban, tử vong cao do xuất huyết thượng thận. Rất hiếm khi nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu trở thành mãn tính và kéo dài như sốt không rõ căn nguyên.

Chẩn đoán vi sinh vật

Nhuộm soi: bệnh phẩm là máu, dịch não tủy. Nhuộm Gram và nhuộm xanh mêtylen để khảo sát bạch cầu và tìm song cầu Gram âm, hình hạt cà phê.

Phân lập nuôi cấy vi khuẩn: đồng thời cấy bệnh phẩm lên thạch máu hoặc thanh chocolat, ủ ở 370C ở bình ủ có 5-10% CO2. Phân lập và định danh dựa vào tính chất hình thể, tính chất khuẩn lạc và sự lên men các loại đường: glucose dương tính không sinh hơi, maltose dương tính, sacharose âm tính.

Tìm kháng nguyên polysaccharide trong nước não tủy bằng kỹ thuật điện di miễn dịch đối lưu với kháng huyết thanh mẫu thì có thể chẩn đoán trong giai đoạn  sớm.

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh

Phòng bệnh không đặc hiệu: cho trẻ em mặc ấm về mùa lạnh, phát hiện người lành mang trùng, phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân. Những người tiếp xúc với bệnh phải cho uống kháng sinh phòng, thường dùng rifampicin.

Phòng bệnh đặc hiệu: Hiện nay vaccine hỗn hợp bao gồm kháng nguyên polysaccaride từ 4 nhóm não mô cầu A, C, Y và W-135 tỏ ra rất hiệu quả trong phòng bệnh.

Điều trị 

Điều trị bằng kháng sinh thích hợp sớm và liều lượng cao. Các kháng sinh thường dùng là peniciline, chloramphenicol, các cephalosporin... Các sunfamit thấm qua màng não tốt nhưng tỷ lệ não mô cầu kháng thuốc này cao nên không được dùng một mình để điều trị não mô cầu.

LẬU CẦU [NEISSERIA GONORRHOEAE]

Đặc điểm sinh vật học

Hình thể

Giống như não mô cầu, lậu cầu là cầu khuẩn Gram âm hình hạt cà phê, kích thước 0,8 x 0,6 mm, thường  xếp thành đôi. Trong lậu cấp tính, lậu cầu thường rất nhiều và nằm trong bạch cầu đa nhân. Trong lậu mạn tính lậu cầu ít hơn thường nằm ngoài tế bào.

Tính chất nuôi cấy

Nuôi cấy khó khăn vì khi ra ngoài cơ thể vi khuẩn rất dễ chết, cần phải cấy ngay vào môi trường. Lậu cầu chỉ mọc ở môi trường giàu chất dinh dưỡng như thạch chocolat, thạch Thayer-Martin. Vi khuẩn phát triển tốt trong điều kiện hiếu khí ở pH 7,2-7,6, nhiệt độ 35-360C và khí trường có 5-10% CO2. Khuẩn lạc sau 48 giờ nhỏ, tròn, dẹt, màu xám nhạt.

Tính chất sinh hóa

Oxydase dương tính, catalase dương tính, glucose dương tính không sinh hơi, maltose âm tính, sacharose âm tính.

Sức đề kháng

Lậu cầu có sức đề kháng kém, chết nhanh khi ra khỏi cơ thê. Trong bệnh phẩm, vi khuẩn chết ở nhiệt độ phòng trong 1-2 giờ, ở nhiệt độ 580C trong1 giờ. Dung dịch nitrat bạc 1% giết chết lậu cầu trong vòng 2 phút.

Cấu trúc kháng nguyên

Lậu cầu có nhiều kháng nguyên đặc hiệu nhóm và typ. Trong thực tế, các kháng nguyên đó không giúp ích gì cho việc xác định vi khuẩn.

Khả năng gây bệnh

Lậu cầu chỉ tìm thấy ở người, không tìm  ở trong thiên nhiên. Người mắc bệnh do lây truyền trực tiếp qua đường sinh dục, qua da, niêm mạc, giác mạc. Nó gây viêm niệu đạo [bệnh lậu] ở cả nam và nữ. Nó còn gây nhiễm khuẩn ở những bộ phận khác nhau của đường sinh dục: ở nam gây viêm tiền liệt tuyến, viêm mào tinh và ở nữ gây viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm vòi trứng. Ngoài ra, lậu cầu có thể gây nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác như nhiễm khuẩn huyết đưa đến nhiễm khuẩn ở khớp, viêm màng trong tim, viêm kết mạc.

Ở trẻ sơ sinh, có thể xảy ra viêm kết mạc do lậu cầu khi đi qua đường sinh dục của mẹ bị bệnh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây mù lòa.

Chẩn đoán vi sinh vật

Chẩn đoán trực tiếp

Ở nam, lấy mủ niệu đạo lúc sáng sớm trước khi đi tiểu lần đầu tiên trong ngày.

Ở nữ, lấy mủ ở lổ niệu đạo, cổ tử cung, các lổ của tuyến âm đạo.

Nhuộm Gram

Chẩn đoán bệnh lậu cấp tính: soi kính hiển vi tiêu bản nhuộm Gram, nếu có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính và nhiều song cầu Gram âm nội bào thì có thể xác định bệnh nhân mắc bệnh lậu.

Chẩn đoán bệnh lậu mãn tính: trên tiêu bản nhuộm gram bệnh phẩm, thường ít thấy lậu cầu và lậu cầu nằm ngoài bạch cầu đa nhân, có thể có nhiều tạp khuẩn khác, cần nuôi cấy để xác định vi khuẩn.

Chẩn đoán bằng kỹ thuật PCR

Nuôi cấy: Trong cả hai trường hợp cấp và mãn, cần cấy bệnh phẩm vào môi trường thích hợp, phân lập và định danh vi khuẩn nhờ vào tính chất nuôi cấy và sinh hoá.

Chẩn đoán huyết thanh

Tìm kháng thể kháng lậu bằng kháng thể đơn dòng gắn huỳnh quang.

Tìm IgM bằng ELISA để chẩn đoán lậu ngoài đường sinh dục.

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh 

Lậu cầu không tạo nên miễn dịch bảo vệ sau khi khỏi bệnh. Chủ yếu phát hiện bệnh và điều trị triệt để, cải thiện hoàn cảnh xã hội. Đối với trẻ sơ sinh để phòng ngừa viêm kết mạc do lậu cầu, sau khi trẻ lọt lòng nhỏ một giọt nitrat bạc 1%.

Điều trị

Hiện nay, đã xuất hiện những chủng lậu cầu đề kháng với penicillin G, do đó cần phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp cho việc điều trị bệnh. Tuy nhiên trong thực tê, penicillin G vẫn là kháng sinh thường dùng và nhiều trường hợp cho kết quả tốt. Ngoài ra kháng sinh như ampicillin, oxacillin, spectinomycin, cefoxitin, rifamycin cũng dùng điều trị tốt bệnh lậu. Cần điều trị triệt để để tránh chuyển sang lậu mãn tính. Đối với lậu mãn tính, chẩn đoán khó và điều trị phức tạp, tốn kém.

Video liên quan

Chủ Đề