Xã đồng văn huyện tân kỳ tỉnh nghệ an năm 2024

Thời tiết không thuận lợi, mưa phùn kéo dài cộng với cái rét "cắt da cắt thịt" của vùng rừng núi miền Tây Nghệ An khiến cho quãng đường hơn 100km từ thành phố Vinh đến xã miền núi cao Đồng Văn đã xa như lại càng xa hơn. Mùa lạnh năm nay người dân nơi đây chắc sẽ ấm hơn bởi sau những năm đổi mới mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản cuộc sống của bà con đã khá hơn trước rất nhiều.

Đồng Văn có diện tích tự nhiên 8.494 ha, dân số 11.800 khẩu với 2.600 hộ, trong đó gần 100% số hộ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Điểm xuất phát đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân địa phương cùng với sự tập trung hỗ trợ của các ban ngành cấp trên nên đến nay, Đồng Văn đã khoác lên mình diện mạo mới. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây bà con phải lo cho cái ăn cái mặc mỗi khi giáp hạt mất mùa thì nay sản phẩm làm ra dư thừa được mang đi trao đổi buôn bán. Ngoài sản xuất lúa người dân Đồng Văn còn trồng thêm các loại hoa màu như ngô, sắn, đậu, lạc…trong đó mạnh nhất vẫn là cây mía với diện tích gần 500 ha, năng suất ước đạt 560 tạ/ha, tổng sản lượng trên 25 nghìn tấn. Cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con nơi đây thoát khỏi cái đói cái nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ngành chăn nuôi cũng có những chuyển biến mạnh, tổng đàn trâu 2.700 con; đàn bò 1.200 con, trong đó bò laisin 190 con; tổng đàn lợn 6.850 con; đàn dê có đến 1.250 con; tổng đàn gia cầm trên 40.000 con.

Khai thác lợi thế diện tích rừng lớn, Ban chỉ đạo lâm nghiệp xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc quy hoạch, khuyến khích bà con phát triển trồng rừng, chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ các chương trình dự án 661, 147, dự án Tân Hồng nên diện tích rừng trồng đã tăng đáng kể, hiệu quả khai thác rừng cũng được đẩy mạnh hơn trước. Tổng diện tích rừng trồng trong năm 2012 là 395 ha, diện tích khoanh nuôi bảo vệ là 2.973 ha, độ che phủ đạt 54%.

Với phương châm tăng cường huy động mọi nguồn lực trong dân, đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, Đồng Văn đã xây dựng được nhiều công trình trọng điểm, thiết yếu phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh như: Chợ trung tâm cụm xã; cơ sở hạ tầng các trường học; cống bản Nhà Tra; tu bổ, nâng cấp nhà làm việc UBND xã; sân và cổng trạm Y tế xã và các công trình dân dụng khác. Trong đó đặc biệt ưu tiên là các công trình giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng. Xã đã phát động nhân dân phát quang được hàng trăm km đường liên xã, tu sửa nâng cấp trên 50 km, huy động hàng ngàn ngày công; các công trình thủy lợi như nạo vét kênh mương, tu bổ các tuyến đường nội đồng tại Bục, Khe Chiềng, Vĩnh Thành, Nhà Tra… Qua đó thể hiện sự quyết tâm cao của lãnh đạo xã trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại.

Tuy vậy, tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa nắng hạn vẫn còn diễn ra liên miên. Toàn xã có 452 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, nhưng chỉ có 47,5ha chủ động được nước tưới nhờ 2 con đập Đồng Kho và Khe Chiềng, diện tích còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Trong khi đó, trên địa bàn xã lại có khe Nặm Rọn, nước chảy quanh năm với lưu lượng lớn, nhưng do chưa có công trình thuỷ lợi nên nước cứ thế đổ ra sông, rất lãng phí. Vì vậy, người dân Đồng Văn rất mong được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi trên dòng Nặm Rọn để thuận tiện cho sản xuất.

Khó khăn thêm nữa của Đồng Văn hiện nay đó là việc xây dựng chợ mới Đồng Văn mặc dù được khởi công từ năm 2009 nhưng sau 3 năm vẫn còn dang dở. Đây là công trình được đầu tư từ nguồn vốn 135 dư thừa trong hơn 10 năm của huyện Tân Kỳ với tổng mức 2,4 tỷ đồng. Công trình được chia làm hai giai đoạn xây dựng. Giai đoạn I sẽ triển khai một số hạng mục, cơ sở hạ tầng trong năm 2009 với số vốn là 1.560 triệu đồng, giai đoạn II sẽ hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại trong năm 2010. Ấy thế mà không hiểu vì lý do gì sau khi hoàn thành giai đoạn I thì công trình bị "treo".Việc xây dựng chợ mới Đồng Văn là nguyện vọng chính đáng của toàn thể người dân và tiểu thương trong xã, đồng thời vừa thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo nên bộ mặt nông thôn mới năng động hơn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các ban ngành chức năng có liên quan của UBND huyện Tân Kỳ xem xét, tiếp tục thực hiện để công trình được hoàn thành đưa vào hoạt động./.

Xã Đồng Văn (Tân Kỳ - Nghệ An) là xã miền núi phía tây Nghệ An thuộc diện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm là xã thuộc vùng 135, diện tích rộng nhất huyện Tân Kỳ với mật độ dân cư phân bổ chưa đồng đều, xưa nay vốn thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng.

Trước đây, đường lõm như hào sâu, xe không thể vào được nên mỗi khi thu hoạch nông sản, nhà nào cũng muốn bán mía phải vác đi bộ tới 2km ra gần UBND xã để tập kết rồi cho xe chở về nhà máy.

Tuy nhiên, Đồng Văn những ngày này đã, đang thay đổi thần tốc với 60 km đường làm mới, trường học, trạm y tế, công trình công cộng... được xây mới, sửa chữa, đời sống người dân nâng lên đáng kể chỉ trong chưa đầy 1 năm từ khi chính quyền, người dân đồng lòng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Công Lý, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, bà con phấn khởi lắm. Cùng với sự đóng góp của toàn dân, xã đã trích ngân sách mua 200 xe đất kết hợp cùng máy móc của các doanh nghiệp để sửa sang nhiều tuyến đường yếu như Tân Lập - Nhà Tra - Đồng Mỹ, Văn Sơn - Khe Chiềng…”.

Cũng theo ông Lý, hiện Đồng Văn đang tranh thủ các dự án để đầu tư phát triển kinh tế, giúp dân xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, xã cũng tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, huy động nội lực và thu hút nguồn vốn bên ngoài để xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại.

Cùng với đó, xã cũng chú trọng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, cụ thể, hệ thống trường lớp được xây dựng ngày càng hoàn thiện, khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị cho dạy và học được đáp ứng đầy đủ. Nhờ đó mà chất lượng dạy và học của các trường ngày càng được nâng cao; tỷ lệ bỏ học giữa chừng của các em giảm mạnh; tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp các cấp, thi vào THPT, đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt là không còn cảnh một số em thất học như trước đây.

Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân, tin rằng Đồng Văn sẽ gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa, xứng đáng là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi phía Tây xứ Nghệ.