Những giá trị nhân cách văn hóa cốt lõi nào năm 2024
Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XI của Đảng đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện các đặc trưng Dân tộc - Nhân văn - Dân chủ và Khoa học. Xây dựng và phát triển con người Việt Nam là trọng tâm, là cốt lõi và thực chất của xây dựng, phát triển văn hóa. Hệ giá trị của con người Việt Nam thống nhất hữu cơ với các đặc trưng của văn hóa, đồng thời, các giá trị của con người Việt Nam lại là sự thể hiện sinh động, tiêu biểu nhất các giá trị, sức sống của văn hóa, của bản sắc truyền thống dân tộc, của sự kết hợp hài hòa truyền thống với hiện đại, dân tộc với thế giới và thời đại. Diện mạo tinh thần của dân tộc Việt Nam - một dân tộc giàu truyền thống văn hóa và văn hiến được thể hiện tập trung và nổi bật ở trí tuệ và tâm hồn, đạo đức, nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là những con người yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra. Chỉ như vậy, văn hóa và con người mới thực sự là mục tiêu và động lực của phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước, mới tạo ra sức mạnh của nguồn lực nội sinh, sức mạnh tổng hợp của đất nước, dân tộc, con người và văn hóa đưa sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế Việt Nam tới thành công, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội sinh của văn hóa như nguồn trữ năng vật chất - tinh thần của cả xã hội, kết hợp với ngoại sinh được tận dụng nhờ hội nhập quốc tế có hiệu quả, tạo ra nội lực và ngoại lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Cả nội sinh lẫn ngoại sinh, cả nội lực lẫn ngoại lực kết hợp lại thành ra nguồn lực tổng hợp như vốn xã hội để phát triển. Không có nguồn lực nào quan trọng và quý giá bằng nguồn lực con người, bằng nguồn nhân lực, từ nhân lực hiện hữu bằng sức lao động đã trưởng thành, đang được sử dụng đến nhân lực tiềm tàng, tiềm năng đang được nuôi dưỡng, đào tạo, nó như “của để dành”, như “vốn dự trữ” cho tương lai. Do đó, vốn người, “tư bản” người là quan trọng bậc nhất, quyết định nhất vốn xã hội, nhìn từ quan điểm phát triển, từ lăng kính quản lý xã hội, quản trị doanh nghiệp và sâu xa hơn từ tầm nhìn văn hóa, từ triết lý nhân văn của phát triển văn hóa, phát triển con người. Vì lẽ đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương chín, khóa XI xác định rằng, “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Quan điểm chỉ đạo này cho thấy, mối liên hệ bên trong mật thiết, gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời giữa văn hóa với con người, giữa con người với văn hóa, về thực chất, phát triển văn hóa là phát triển con người, lấy phát triển con người là trọng tâm. Phát triển con người không chỉ tạo ra chất lượng nguồn nhân lực để phát triển văn hóa mà con người với năng lực sáng tạo, trình độ học vấn, tiềm lực trí tuệ, phẩm giá đạo đức, lối sống của nó, tựu trung lại là sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người là tính hướng đích, là mục đích, mục tiêu của phát triển văn hóa. Xét theo quan điểm giá trị thì hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ của văn hóa cũng chính là hệ giá trị phát triển con người, con người vừa với tư cách là chủ thể mang nhân cách của chính mình, phản ánh những chuẩn mực, yêu cầu của mẫu nhân cách xã hội vừa với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, sản xuất ra văn hóa dưới dạng các sản phẩm, các giá trị đồng thời còn là chủ thể quản lý, cảm thụ, tiêu dùng văn hóa, thực hiện các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa để phát triển xã hội, phát triển chính mình. Chỉ có con người mới là chủ nhân đích thực của sáng tạo văn hóa, cả văn hóa vật chất (vật thể) lẫn văn hóa tinh thần (phi vật thể), cũng chỉ có con người, từ cấp độ cá nhân - cá thể đến cấp độ xã hội - cộng đồng, dân tộc, rộng nhất là nhân loại, mới tạo dựng nên môi trường văn hóa - xã hội để phát triển văn hóa và phát triển xã hội nói chung, để làm cho hiệu ứng xã hội của văn hóa (nhất là văn hóa tinh thần), lan tỏa, mở rộng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, nhân lên sức sống, sức phát triển của con người, của văn hóa, không chỉ những thế hệ người trong một dân tộc - quốc gia, nền văn hóa của mỗi dân tộc mà còn là sự phát triển của các dân tộc, của các nền văn hóa trong thế giới nhân loại. Dòng chảy của sáng tạo và phát triển văn hóa là liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Con đường đi của phát triển, văn minh, tiến bộ của dân tộc cũng như của thế giới và thời đại là con đường của sáng tạo, phát triển văn hóa, của hội nhập văn hóa mà trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, không một nước nào có thể ở bên ngoài tiến trình hội nhập để phát triển. Biện chứng của mối quan hệ văn hóa với con người, con người với văn hóa là ở tương tác nhân - quả giữa chủ thể và đối tượng. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động sâu xa, rộng lớn tới phát triển con người, hoàn thiện nhân cách, nhân tính. Có thể nói, con người là giá trị văn hóa cao nhất, giá trị của mọi giá trị. Hoàn thiện nhân cách, nhân tính của con người là sứ mệnh của văn hóa, là nỗ lực cao nhất mà sáng tạo văn hóa cần đạt đến, mà mọi thành quả, thành tựu của văn hóa đều góp phần vào sự bộc lộ các năng lực người, khẳng định sức mạnh bản chất người của con người trong phát triển, từ cá thể người đến cộng đồng người trong dân tộc và trong nhân loại. Giáo sư Vũ Khiêu đã từng nhấn mạnh, văn hóa là tất cả những gì cho thấy nhân tính vượt lên trên thú tính. Hoàn thiện nhân tính, nhân cách con người rõ ràng là thước đo văn hóa. Đây là chỗ nói lên bản chất nhân văn đích thực của văn hóa, cũng là chỗ phân biệt văn hóa với phản văn hóa, phát triển với phản phát triển. Trong bản chất của nó, văn hóa chỉ biểu đạt cái tốt đẹp, sự lương thiện và tử tế, sự chính trực và lẽ công bằng, trọng sự thật và lẽ phải, tôn trọng chân lý khoa học, đạo lý và đạo nghĩa ở đời và làm người. Văn hóa có cốt lõi của nó là đạo đức, mà đức là gốc của nhân cách. Tiềm lực tư tưởng và trí tuệ là xung lực mạnh mẽ của văn hóa nên khoa học có mặt trong văn hóa như một hợp phần không thể thiếu, không thể yếu. Lịch sử văn hóa bao giờ cũng gắn liền với lịch sử của khoa học. Nhân cách trí thức khoa học cũng như nhân cách nhà văn hóa sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực tinh thần - văn học nghệ thuật phải là những đại biểu xứng đáng và tiêu biểu cho nhân cách của dân tộc mình, thời đại mình. Phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ ở tầm quốc sách hàng đầu không chỉ là đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển mà sâu xa hơn, còn là lựa chọn một định hướng có triển vọng nhất cho phát triển bền vững, từ hiện tại tới tương lai. Bởi lẽ, phát triển bền vững của đất nước thực chất là phát triển bền vững con người mà muốn vậy, phải đặc biệt chú trọng thực hiện chiến lược phát triển văn hóa. Chỉ có tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh mới có thể tạo ra những con người mang nhân cách văn hóa, mới sáng tạo, sản sinh ra văn hóa vì con người, vì phát triển. Đúng như điều C. Mác nói, nếu con người là sản phẩm của hoàn cảnh thì phải làm cho hoàn cảnh ngày càng có tính người nhiều hơn, và sự phong phú của mỗi cá nhân (nhân cách) tùy thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ xã hội của nó. Xây dựng và phát triển văn hóa để hoàn thiện nhân cách con người phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, mọi quan hệ xã hội của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ chủ kiến ấy của mình, văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Phải đem văn hóa mà chữa thói phù hoa, xa xỉ, quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng. Cũng phải dùng thực hành văn hóa mà xây dựng đời sống mới, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Trong kháng chiến cũng như trong kiến quốc, luôn luôn cần đến nhân tài và phải có chính sách để bồi dưỡng, phát huy, phát triển nhân tài, biết quý trọng, tin cậy hiền tài. Không có con người xã hội chủ nghĩa thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội được. Do đó, kiến thiết đất nước, xây dựng nền văn hóa mới phải đi liền với chiến lược con người, Đảng phải coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng. Những luận điểm như thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc về tầm nhìn chiến lược của nhà tư tưởng và nhà văn hóa kiệt xuất, mà vào lúc này, Đảng ta đang ra sức vận dụng, phát triển. Để phát triển văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam theo đúng quan điểm, mục tiêu, phương hướng, giải pháp mà Đảng đã xác định, trong tình hình hiện nay của nước ta và trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, cần phải tập trung triển khai thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực, có ích cho nước, có lợi cho dân, những việc làm thực tế, hợp với ý nguyện của lòng dân. - Trước hết, phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vật chất, tinh thần từ công sức, mồ hôi nước mắt, sức sáng tạo của dân mà có được để phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, giải quyết nạn thất nghiệp đang nhức nhối trong xã hội hiện nay, bởi tình trạng hàng vạn thanh niên sinh viên tốt nghiệp, có học thức mà không có việc làm. An sinh là cái gốc của ổn định và phát triển, là tiền đề cho phát triển con người và văn hóa. - Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy lùi tham nhũng để chăm lo cuộc sống cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ của dân, từ chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để đi tới dân chủ. Đó là một tổng hợp chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đó còn là chính trị, là đường lối, chính sách chính trị vì dân, cũng là văn hóa trọng dân trọng pháp rất cần trong lúc này, khi lòng dân không yên, do không ít cán bộ suy thoái, hư hỏng. - Không có văn hóa và văn hóa chính trị nào cao quý hơn khi thực hiện cho được một nguyên tắc, một phương châm hành động “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, có an dân thì mới đo được kết quả của việc trị quốc. Có quốc thái thì sẽ có dân an. Từ bài học của ông cha ta trong lịch sử đến Di sản cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà kế thừa, thực hiện và phát triển vào lúc này thì mọi việc lớn và nhỏ phải luôn luôn vì dân, phải coi “dĩ công vi thượng” là văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị hàng đầu trong giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên, trong chỉnh đốn Đảng, trong cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo dục liêm sỉ, lương tâm, danh dự, giáo dục ý thức trách nhiệm đi liền với thực hành đạo đức, lối sống liêm khiết phải được coi trọng trong văn hóa của Đảng, của các tổ chức công quyền. - Cùng với giáo dục phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tính tôn nghiêm luật pháp, áp dụng chế tài mạnh mẽ để trừng phạt tất cả những người, những việc gây hại tới dân. Đó là sức mạnh của văn hóa, của chính trị bảo đảm “quang minh chính đại” theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh. Những người tốt phải được tôn vinh, những kẻ xấu phải bị phê phán, lên án, sàng lọc khỏi bộ máy để dân tin, dân tự mình bảo vệ Đảng và chế độ. Sức mạnh của văn hóa và giá trị nhân cách con người, nhất là văn hóa trong Đảng và nhân cách văn hóa của mỗi cán bộ đảng viên, ở các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể luôn là chỉ số quan trọng để thuyết phục dân, lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ. Tăng trưởng niềm tin của dân vào lúc này có tác dụng như một động lực phát triển, nó minh chứng cho sự trong sạch, vững mạnh của Đảng từ tác động của văn hóa. Tăng trưởng niềm tin của dân còn quan trọng và khó khăn hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức từ gia đình đến nhà trường và xã hội, giáo dục lý tưởng, lẽ sống và rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ phải được chú trọng, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức, phát triển văn hóa ở nước ta./. |