Vì sao quốc phòng phải gắn chặt với an ninh

Trong khi đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Ðảng là then chốt, Ðảng ta luôn chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, xem tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Vậy quốc phòng toàn dân là gì?

Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân cần nhận thức sâu sắc để đồng tâm, hợp lực.

Quốc phòng toàn dân nghĩa là toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là quan điểm nhất quán được khẳng định trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng. Quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường; tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước.

Quốc phòng toàn dân trong tiếng Anh được hiểu là All-people defense.

2. Biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh:

Một là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện là bản chất và đặc điểm cơ bản của nền quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh mới, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa kinh tế, xu hướng quốc phòng thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống dân sinh, quân sự thâm nhập vào dân sự và ngược lại ngày càng phát triển.

Sự ảnh hưởng, phụ thuộc và thâm nhập lẫn nhau giữa quân sự, quốc phòng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội ngày càng gia tăng. Điều đó làm cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng không thể chỉ dựa vào lực lượng vũ trang. Sự nghiệp ấy phải thấm sâu và trở thành ý thức thường trực, hành động cách mạng ở mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các hoạt động, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vì vậy, nền quốc phòng toàn dân vững chắc phải là nền quốc phòng dựa trên sức mạnh của nhân dân, lòng dân được quy tụ thống nhất, nhân dân gắn bó với chế độ, chung sức, chung lòng, quyền lợi và nghĩa vụ hòa quyện vào nhau trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó là vấn đề cốt lõi, cấp bách trong quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nước ta hiện nay. Yêu cầu cơ bản đảm bảo tính toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng là phải xây dựng, không ngừng củng cố, tăng cường và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ chế để huy động tốt nhất sự đóng góp của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Hai là, tập trung xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân.

Trước hết, cần coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần vững chắc. Theo đó, tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng nông thôn; thu hẹp chênh lệch đời sống giữa các tầng lớp nhân dân, vùng, miền. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mang thành quả của sự nghiệp đổi mới tới mọi tầng lớp nhân dân.

Thực hiện nghiêm chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn nội bộ, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động trở thành vấn đề phức tạp. Phát huy dân chủ rộng rãi, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, “phi chính trị hóa” Quân đội,… củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở từng địa bàn và trên cả nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Tập trung xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ, trọng tâm là xây dựng các công trình quốc phòng; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Phát huy vai trò của Quân đội trong tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn, nhất là ở các địa bàn biên giới, hải đảo; đồng thời, chú trọng điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, địa bàn chiến lược, nhằm không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Thực hiện tốt chức năng thẩm định về mặt quốc phòng các dự án phát triển kinh tế – xã hội, không để ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh thì yêu cầu cốt lõi là phải xây dựng Quân đội thực sự của dân, do dân và vì dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có đủ sức mạnh để hoàn thành xuất sắc phận sự trung thành ấy trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng về xây dựng Quân đội là không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng các mặt khác.

Xây dựng Quân đội nhân dân tinh nhuệ, trước hết và quan trọng nhất là tinh nhuệ về chính trị và trình độ tác chiến; từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại: Hải quân, Phòng không – Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển; đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện “từng bước hiện đại” ở các lực lượng khác. Tập trung thực hiện tốt ba khâu đột phá, tạo chuyển biến về tổ chức, biên chế của Quân đội theo hướng: Tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, phù hợp với nghệ thuật tác chiến và vũ khí, trang bị, bảo đảm cân đối giữa các khối, các lực lượng; giữa cơ cấu về quân số với khả năng bảo đảm của đất nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhất là các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo.

Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng – an ninh. Cùng với quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí hệ thống các công trình kinh tế, kỹ thuật có quan hệ rất lớn đến thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải được kết hợp ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

Kết luận: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì người dân phải là chủ thể của nền quốc phòng, mọi người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia. Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng trong mối liên hệ chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân của Việt Nam tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, phát huy được sức mạnh của các lực lượng, kết hợp được các hình thức hoạt động vũ trang và phi vũ trang, tạo được khả năng cơ động linh hoạt, khả năng độc lập và phối hợp tác chiến. Qua đó củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc trong tình hình mới.

Quan điểm chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy là truyền thống quý báu của dân tộc, được Đảng ta vận dụng và phát triển lên tầm cao mới.

Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhằm tạo nguồn lực, sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Từ sau Đại hội XII của Đảng, quan điểm này trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Quá trình triển khai thực hiện, các ngành, lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã chủ động, kết hợp chặt chẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh quan hệ đối tác, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là dòng chảy chủ đạo, song đấu tranh giai cấp, dân tộc, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, can thiệp, lật đổ, chủ nghĩa khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo,… diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải thường xuyên đối phó với âm mưu “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch tiến hành bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thông qua đường ngoại giao, du lịch, hợp tác quốc tế, thương mại, đầu tư,… để thâm nhập, mua chuộc, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm chuyển hóa chế độ ở Việt Nam, làm suy giảm tiềm lực chính trị - tinh thần của đất nước. 

Các quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, vấn đề nhân quyền đang bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo loạn, ly khai tại một số khu vực của đất nước.

Để thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng, các cấp, các ngành, các lĩnh vực và địa phương, trong đó, quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải kết hợp chặt chẽ trong hoạt động, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định sách lược, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trước hết,quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình, quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải phối hợp chặt chẽ nghiên cứu đánh giá khách quan, đúng nhất về những diễn biến của thế giới, khu vực, chú trọng các nước lớn, có tầm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh thế giới; xác định thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng, nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh của đất nước, từ đó dự báo chiến lược sát, đúng, làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định sách lược, chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Để làm được điều này, quốc phòng, an ninh và đối ngoại cần phải tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu, phân tích dự báo chiến lược về tình hình quốc tế, khu vực, chiều hướng vận động của các mối quan hệ quốc tế, của thời đại; âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, gây xung đột chính trị, quân sự nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch.

Trong nghiên cứu, phải coi trọng lợi ích bền vững, lâu dài của đất nước, phòng ngừa mọi áp đặt, cạm bẫy, thủ đoạn câu nhử lợi ích trước mắtcủa các ngành; tạo ưu thế chiến lược, giữ vững hòa bình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nỗ lực giành sự chủ động chiến lược trong xây dựng, phát triển, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trên cơ sở đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước sớm có phương án sẵn sàng, nguồn lực đủ mạnh để chủ động ứng phó, vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức, phức tạp do những nhân tố chủ quan, khách quan trong quá trình hội nhập gây ra. Hành động có phương lược rõ ràng, theo kế sách thống nhất, giảm thiểu thiệt hại; nhanh chóng ổn định, phát triển lĩnh vực mình cũng như cả nước.

Hoạt động đối ngoại gắn với quốc phòng, an ninh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một truyền thống lịch sử, bài học hết sức quý báu đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt tiến trình cách mạng, nhất là trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua.

Do vậy, quan điểm kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lĩnh vực và địa phương phải tổ chức, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong tình hình phức tạp hiện nay, công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại cần phải phối hợp chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

Để thực hiện tốt vấn đề này, quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để chủ trì phối hợp đấu tranh trên diện rộng, cả trong nước và ngoài nước, với nhiều hình thức, nội dung sáng tạo, linh hoạt, cụ thể.

Đấu tranh kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; chống các luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội và Công an. Bên cạnh đó cũng phải chủ động, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và hành động sai trái, thù địch, hạ thấp, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, trong đó có nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cùng với đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, cần phải tỉnh táo, cảnh giác với các biện pháp “diễn biến hữu nghị”, hòng làm cho đất nước ta lệ thuộc nặng nề, chịu ảnh hưởng “quyền lực mềm” của nước ngoài, của cách thức quản lý xã hội và công nghệ lạc hậu, tụt hậu so với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới mà không tính đến những đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

Thứ ba, kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan điểm của Đảng là kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước.

Theo đó, công tác quốc phòng phải chủ động xử lý tốt, sớm các hoạt động về đối nội và đối ngoại trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học,… của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.

Quốc phòng chủ động xác định các khu vực, địa bàn chiến lược, từ đó có kế hoạch bố trí thế trận phòng thủ ở từng khu vực, địa bàn, nhất là các địa bàn biên giới, biển đảo và trọng điểm phòng không, tạo thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc trên phạm vi cả nước.

Trong xây dựng và phát triển, quốc phòng phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước bố trí các cơ quan đại diện, công ty, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài xen kẽ với các khu dân cư, cụm công nghiệp, tạo thế cài răng lược nhằm ngăn chặn, triệt tiêu các ý đồ phá hoại an ninh, kinh tế, chính trị; thậm chí ngăn chặn cả các cuộc tiến công đường không.

Đối với an ninh, chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ nội bộ, phòng chống nội gián; phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật. Coi trọng bảo vệ an ninh kinh tế, làm cho đất nước phát triển nhanh, ổn định, bền vững và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế, v.v...

Quốc phòng, an ninh vững mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế và lực của đất nước, làm cho công tác đối ngoại có những thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Công tác đối ngoại phải làm cho các nước, nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng thời, thúc đẩy ngoại giao quốc phòng, ngoại giao an ninh, tích cực chủ động hội nhập khu vực và quốc tế; những hoạt động trao đổi, tiếp xúc, tham khảo thường kỳ hoặc hội nghị, hội thảo về quốc phòng, an ninh giữa nước ta và các nước khác qua con đường song phương và ở các diễn đàn đa phương để xây dựng và củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt nghi ngờ và nghi kỵ, thêm bạn, bớt thù, tranh thủ tập hợp lực lượng, phá thế bao vây, cô lập, tạo thuận lợi để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế đất nước.

Thứ tư, kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng thế trận tổng hợp, liên hoàn, vững chắc để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đó là lực lượng và thế trận tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.

Do vậy, ngay trong thời bình, cần phải xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; chú trọng tăng cường nguồn lực quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” trong điều kiện mới ở cấp độ cao hơn, rộng hơn. Đây là luận điểm quan trọng, cũng là yêu cầu đặt ra đối với việc kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sự thể hiện tầm nhìn chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong thời kỳ mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là nhiệm vụ của toàn dân, của các ngành, các cấp, trong đó quốc phòng, an ninh, đối ngoại giữ vai trò trọng yếu nên cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, sâu sát hơn và thống nhất cao hơn trong mọi hoạt động để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược Quốc phòng

Video liên quan

Chủ Đề