Vì sao năm 1774 chúa nguyễn chạy vào gia định

Với sức mạnh vượt trội về quân đội cùng với những biện pháp khai thác hợp lý nên chúa Nguyễn dần sát nhập lãnh thổ của Champa và Chân Lạp vào vùng đất của Đàng Trong. 

1. Mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam

Dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, vùng Thuận Quảng đã làm rất tốt công tác bảo vệ và mở rộng một phần lãnh thổ về phía Nam. Năm 1611, khi quân Champa lấn chiếm biên giới, chúa Nguyễn Hoàng cho đánh và lập nên phủ Phú Yên. Đây là bước đi đầu tiên trong hành trình đi xuống phía Nam của các chúa Nguyễn tiếp theo.


 

Phường Phường Đúc- nơi sản xuất vũ khí cho quân đội chúa Nguyễn

Với sự thúc ép đến từ chính quyền Lê - Trịnh, chúa Nguyễn buộc phải đi vào Nam tìm kiếm thêm nguồn lực để có thể đối chọi lại được với Đàng Ngoài và phát triển vùng đất Thuận Quảng. Trên bước đường mở rộng lãnh thổ đó, chúa Nguyễn gặp sự kháng cự của quân Champa. Nhưng trước sức mạnh của quân đội chúa Nguyễn, làm cho quân của Champa liên tục bị thất bại. Có một điều đặc biệt là gần như các cuộc tấn công của quân đội chúa Nguyễn vào đất Champa không phải xuất phát từ sự gây chiến trước mà xuất phát từ phía quân Champa. Quân Champa luôn chủ động tấn công trước, từ thời chúa Nguyễn Hoàng cho đến chúa Nguyễn Phúc Chu. Mặc dù đã suy yếu nhưng Champa vẫn mang danh là một nước nên họ muốn đánh lấy lại những vùng đất đã bị sát nhập vào Thuận Quảng. Vua Champa liên tục chỉ đạo cho quân đội tiến đánh để lấy lại những vùng đất đã được sát nhập, nhưng đánh trong thế yếu, cuối cùng Champa không lấy lại được đất mà còn phải mất thêm để chuộc tội. 

Sông Hương-nơi huấn luyện và thao diễn thủy quân thời chúa Nguyễn

Năm 1653 Bấy giờ có vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, sai Cai cơ Hùng Lộc [không rõ họ] làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ [không rõ họ] làm tham mưu, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch. Hùng Lộc nói: “Ra quân lúc không ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị, là mưu hay của nhà binh. Nay quân ta từ nơi xa đến, lợi ở sự đánh chóng, cần gì phải dụ”. Bèn tiến quân vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả phá được. Bà Tấm trốn chạy. Lấy được đất đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc báo lên. Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang [nay là Ninh Hòa] và Diên Ninh [nay là Diên Khánh]. Phủ Thái Khang có 2 huyện: Quảng Phúc và Tân An; phủ Diên Ninh có 3 huyện : Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang [nay là Khánh Hòa] cho Hùng Lộc trấn giữ. Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống [1]. Lãnh thổ Champa một lần nữa bị thu hẹp. Mặc dù vậy, quân đội Chúa Nguyễn vẫn không tiến đánh để thu phục hết những vùng đất còn lại, mà đối xử với Champa như một nước thuần phục mình. Điều này cho thấy quân đội chúa Nguyễn không phải là đội quân đi xâm chiếm mà việc đánh Champa là để tự vệ, bảo vệ biên giới của mình. Còn việc hiến đất để chuộc tội xem như một điều hiển nhiên trong các cuộc chiến giữa các vương quốc. Cuối cùng do sự thất tín của phía Champa nên chúa Nguyễn có cơ sở cho quân tiến đánh để dần sát nhập toàn bộ lãnh thổ Champa vào vùng đất của mình. 


Thành phố Nha Trang ngày nay

Đến năm 1692, nhân sự kiện vua Champa phản lại những gì đã cam kết với Đàng Trong nên chúa Nguyễn cho quân tiến đánh. Sang năm 1693, chúa Nguyễn cho quân tiến đánh dành được thắng lợi và đổi tên nước thành trấn Thuận Thành. Đến đây lãnh thổ Champa hoàn toàn được sát nhập vào vùng đất Đàng Trong. Sự kiện này đã được Đại Nam Thực lục chép:

Mùa thu, tháng 8, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh. Dinh Bình Khang đem việc báo lên. Chúa sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính [con Nguyễn Hữu Dật bấy giờ gọi là Lễ tài hầu; chữ Tài, có chỗ viết là Thành, lại là Hòa] làm Thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân Chính dinh, cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh. Mùa đông, tháng 12, lấy Lê Hoành Giảng và Nguyễn Khoa Chiêm làm thủ hợp Chính dinh. Quý dậu, năm thứ 2 [1693], mùa xuân, tháng giêng, bọn Thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy.

Tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả trà viên Kế Bà Tử với thân thuộc là Nàng mi Bà Ân đem về. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành[2]. Chúa Nguyễn vẫn không thực hiện tiêu diệt bộ phận vương tộc của Champa mà vẫn giữ lại. Sau đó, đến tháng 8 cùng năm chúa Nguyễn Phúc Chu cho đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, nhưng cũng một năm sau theo thỉnh cầu của Kế Bà Tử chúa cho trở lại làm Trấn Thuận Thành. Đến tháng 9 thì chúa Nguyễn Phúc Chu lại phong Kế Bà Tử làm phiên vương Trấn Thuận Thành, hằng năm phải nộp cống.


Biển Quy Nhơn-Bình Định

Với sự vượt trội về sức mạnh quân đội nên đã bảo vệ vững chắc cho công cuộc mở rộng lãnh thổ của chúa Nguyễn hết lãnh thổ của Champa. Cùng với đó là những phương thức khai thác vùng đất Champa một cách hiệu quả, làm cho người Chăm gần như không còn có sức để kháng cự mà chịu thuần phục, trở thành một bộ phận cư dân của người Đàng Trong. Đến đây vùng đất Champa đã hoàn toàn trở thành một lãnh thổ phát triển của Đàng Trong, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc mở rộng xuống vùng đất Nam Bộ, nơi mà chúa Nguyễn đã có cơ sở vững chắc từ những cư dân Việt sinh sống.

Cùng với quá trình mở rộng vùng đất Nam Trung Bộ, vùng đất Nam Bộ cũng được các chúa Nguyễn tiến hành khai phá. Vùng đất Chân Lạp trước đó đã có cư dân Việt đến đây để sinh sống. Do cuộc chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài diễn ra ác liệt, làm cho cuộc sống của người dân ở hai bên bờ sông Gianh và kể cả vùng đất Quảng Bình phải gánh chịu, họ bị chiến tranh nên phải ra chiến trường bỏ mạng, hay phải dốc hết tài lực ra để lo việc quân hay bị quân đội chúa Trịnh giết hại hay bị súng đạn lạc vào mất mạng...tất cả làm cho cuộc sống  quá khó khăn. Điều đó thúc bách họ đi khai phá vùng đất mới. Thông qua những câu chuyện kể của các dân buôn, dân đi biển về kể lại có một vùng đất rộng lớn, đất đai phì nhiêu...nằm ở phía Nam chưa có ai khai phá, nên những người nghèo khổ lại càng có quyết tâm ra đi để tìm kế mưu sinh. Ở Quảng Bình có làng buôn Lý Hòa nổi tiếng với nghề buôn thuyền về bán, các làng nghề biển như Thanh Hà  [xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn hiện nay], Động hải và Cừ Hà [là những làng vừa đóng thuyền vừa đi biển nổi tiếng, hiện nay thuộc vào thành phố Đồng Hới, Quảng Bình] và một số làng ở bờ Bắc sông Gianh.... Bộ phận này đã theo đường biển vào khai phá vùng đất Chân Lạp, vì lãnh thổ Chân Lạp lúc này còn thưa thớt người mà thiên nhiên ở đây thì quá ưu đãi, từ hải sản, tôm cá, cây trái cho đến đất đai và khí hậu. Cùng với đó là bộ phận cư dân nghèo của Đàng Trong họ bị chèn ép, ức bách của những người đi khai phá trước chiếm hết ruộng đất, rồi phải chịu tô, thuế và việc binh nên một bộ phận rất lớn di chuyển vào vùng đất Nam Bộ.

Vũng tàu ngày nay

Trong quá trình mở rộng lãnh thổ xuống Nam Bộ, Đàng Trong gặp thuận lợi rất lớn đó là sự suy yếu của vương quốc Chân Lạp, vì vậy đã tạo điều kiện cho chúa Nguyễn nhanh chóng đặt ảnh hưởng lên vùng đất này. Các chúa Nguyễn đã tiến hành các biện pháp mềm dẻo để mở rộng lãnh thổ. Hai hình thức chiếm hữu chủ yếu mà chúa Nguyễn sử dụng là khai phá một cách hòa bình và chuyển nhượng [chủ yếu thông qua ngoại giao]. Chúa Nguyễn dùng mối quan hệ hôn nhân để có được những ưu tiên trong khai phá vùng đất Chân Lạp. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II. Bên cạnh đó, chúa Nguyễn còn sử dụng biện pháp quân sự để củng cố cho việc mở rộng lãnh thổ của mình một cách bền vững. Các lần xuất quân của quân đội chúa Nguyễn cũng không xuất phát từ ý định đi xâm chiếm mà đó chính là sự gây hấn trước của vua nước Chân Lạp đối với lãnh thổ Đàng Trong hay đó là sự cầu viện của phía Chân Lạp. Điển hình là năm 1658 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn vùng biên lúc đó là Dinh Trấn Biên. Nhận được tin cấp báo chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân tiến đánh dành thắng lợi và bắt vua Chân Lạp về giam ở Quảng Bình, sau đó cho về và bắt hàng năm phải triều cống. Đây được xem là sự kiện dùng quân sự lớn đầu tiên của chúa Nguyễn đối với Chân Lạp.

Vùng đất của Chân Lạp rộng lớn, chính quyền không quản lý hết được,  nên một phần lãnh thổ được bộ phận cư dân của người Việt được tự do khai phá làm ăn sinh sống. Sau đó vào năm 1679, nhờ quan hệ giữa hai bên và sức ảnh hưởng của chúa Nguyễn nên đã cho những người nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến cùng 3000 quân vào vùng đất Gia Định, Biên Hòa để khai phá đất đai, dựng phố xá, thuyền buôn người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa [phong hóa văn minh] thấm dần vào đất Đông Phố[3]. Nhờ có bộ phận này mà chúa Nguyễn tiến thêm một bước lớn vững chắc trong công cuộc mở rộng lãnh thổ xuống vùng đất Nam Bộ. 

Năm 1708, chúa Nguyễn được Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên xin được làm một phần lãnh thổ của Đàng Trong, chúa Nguyễn chấp thuận và phong Mạc Cửu làm Tổng binh. Lãnh thổ Đàng Trong tiếp tục được nối dài và mở rộng thêm xuống Nam Bộ.

 Lúc này chúa Nguyễn đã có đội quân vũ trang được huấn luyện chu đáo để bảo vệ lưu dân trên vùng đất mới Chân Lạp. Đặc biệt sau này với sự phát triển mạnh mẽ của đội quân thổ binh đã bảo vệ vững chắc cho công cuộc khai phá vùng đất Chân Lạp. Cùng với đó là chúa Nguyễn có chính sách khéo léo trong việc dùng người để khai phá Nam Bộ, đặc biệt là bộ phận người Hoa. 

Năm 1731, nhân việc người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp phá vùng đất Gia Định nên chúa Nguyễn cho quân tiến đánh. Sau khi dành thắng lợi chúa cho lập ra dinh Long Hồ vào năm 1732, “Chúa cho rằng Gia Định địa thế rộng rãi, sai khổ thần [quan phụ trách việc biên khổn] chia đặt châu Định Viễn [nay là phủ Định Viễn] và dựng dinh Long Hồ [tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay]” [4].

Cuộc chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài ngưng binh đã lâu nên càng tạo thuận lợi rất lớn cho quân đội chúa Nguyễn tổ chức công cuộc bình ổn biên giới phía Nam. Triều đình Chân Lạp luôn bị chia rẽ, một bên thân Xiêm, một bên thân Đàng Trong nên thường diễn ra xung đột. Chúa Nguyễn luôn là người làm chủ được tình hình khi vua Xiêm cho quân qua đánh thường thua quân chúa Nguyễn, nên chúa Nguyễn giữ được thế bảo trợ cho Chân Lạp. Nhưng các quý tộc dòng dõi của Chân Lạp được du dưỡng từ bên Xiêm về đòi tranh ngôi nên các chúa Nguyễn luôn có cách xử trí thích hợp để cho họ bỏ mối thù, mà vương vị Chân Lạp cũng được bảo toàn, đó là cách chúa Nguyễn Phúc Chu phủ dụ cho các tướng xử trí và xem đó là thượng sách.


Cầu Cần Thơ nối Cần Thơ và Vĩnh Long. Ảnh:  Quách Trọng nhân

Chân Lạp ngày càng suy yếu, nên từng bộ phận lãnh thổ dần sát nhập vào sự quản lý của Đàng Trong. Nước Chân Lạp dần bị thu hẹp lại, điều đó làm cho những người vương tộc không phục nên thường xuyên dùng sự cầu viện từ phía quân Xiêm để gây hấn và tấn công lại chúa Nguyễn. Từ sau năm 1715 liên tiếp là sự chống đối của Chân Lạp đối với chúa Nguyễn. Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát phải cử Nguyễn Cư Trinh đi đánh Chân Lạp, buộc vua Chân Lạp lúc này là Nặc Nguyên phải cắt đất để chuộc tội. Như năm 1756, sau khi đánh thua trận vua Chân Lạp tiếp tục cắt đất để chuộc tội “Nặc Nguyên nước Chân Lạp trình bày rằng việc đánh cướp Côn Man là do tướng Chiêu Chùy Ếch gây ra, nay xin hiến đất hai phủ Tầm Bồn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu về ba năm trước để chuộc tội” [5]. Nguyễn Cư Trinh còn tâu về việc lợi hại của việc đánh hay không với biện pháp “dĩ man chế man”, tiến bằng cách tằm ăn lá để tạo thêm vững chắc cho chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ. 

 


Sông Hậu Giang-thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: Quách Trọng Nhân

Năm 1757, vua nước Chân Lạp là Nặc Nguyên chết, người chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước, sau đó được chúa Nguyễn phong cho làm vua Chân Lạp với điều kiện phải hiến hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc. Nội bộ Chân Lạp luôn đánh giết lẫn nhau để tranh dành ngôi vị nên liên tục phải cắt đất cho chúa Nguyễn và chúa đều cho lệ vào vùng đất Hà Tiên. Không được bao lâu sau khi lên ngôi, người con rễ tên là Nặc Hinh nỗi dậy giết chết Nặc Nhuận để cướp ngôi, con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ báo lên, chúa Nguyễn cho quân tiến đánh Nặc Ninh để đưa Nặc Tôn và bộ thuộc về nước, tiếp đó chúa phong Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Để tỏ lòng biết ơn, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn. Sau đó để cảm ơn Thiên Tứ đã giúp, Nặc Tôn lại cắt năm phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh cho Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa cho lệ 5 phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên. Thiên Tứ lại xin đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp, làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng [6]. Với ưu thế về quân đội nên chúa Nguyễn luôn giữ được thế mạnh của mình trong công cuộc khuất phục Chân Lạp trong tư thế là của người bảo trợ.   Lãnh thổ Đàng Trong ngày thêm một mở rộng, gần như hết vùng đất của Chân Lạp, nhưng phe đối địch với chúa Nguyễn luôn cầu viện để quân Xiêm giúp đỡ, có lúc họ đã đánh cho quân của chúa Nguyễn ở Hà Tiên phải thua trận như năm 1771. Vì lúc này chúa Nguyễn đã bắt đầu suy yếu, cùng với đó là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra ở vùng đất Bình Định đang ngày một mạnh mẽ. Mãi đến năm 1773, nước Xiêm mới trả lại cho chúa Nguyễn, sau khi Mạc Thiên Tứ cho người đưa lễ vật và thư sang nước Xiêm. Công cuộc sát nhập hết lãnh thổ Chân Lạp kéo dài đến thời vua Minh Mạng dưới triều triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 16 [1835], lúc này này vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân qua đời không có con trai nối dõi nên vua Minh Mạng đã cho bãi bỏ lệ quốc cống và đổi bảo Nam Vang làm thành Trấn Tây, thuộc bộ phận của triều Nguyễn.

Trong việc làm khuất phục nước Chân Lạp có đóng góp rất lớn của người Hoa, đầu tiên là Trần Thượng Xuyên rồi đến con là Trần Đại Định và dòng họ Mạc ở Hà Tiên như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ. Họ là những người đã có công đánh dẹp quân Xiêm xâm phạm và bắt buộc nước Chân Lạp phải thuần phục. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chú, Trần Đại Định bị hãm hại nên chết trong ngục, sau đó chúa Nguyễn Phúc Chú truy tặng là Đô đốc đồng tri, thụy là Tương Mẫn. Sau này còn là Trần Đại Lực cũng là một tướng tài giỏi dưới tay Mạc Thiên Tứ giúp cho chúa Nguyễn xử lý các việc liên quan đến Chân lạp.

2. Bảo vệ biên giới phía Tây Biên giới phía Tây tuy có bình yên nhưng vào cuối thời chúa Nguyễn diễn ra các cuộc nổi dậy của man Đá Vách [Quảng Ngãi], gây cho quân chúa Nguyễn nhiều thiệt hại. Vào những năm đói khổ, người man hay tràn xuống vùng xuôi cướp phá để kiếm lương thực sinh sống [7]. Trước tình hình đó, năm 1750 chúa Nguyễn Phúc Khoát cử Nguyễn Cư Trinh làm Tuần phủ Quảng Ngãi để đánh dẹp. Trong một thời gian ngắn, ông đã bình định được cuộc nổi loạn của man Đá Vách. Sau khi dẹp xong, ông cho quân lính chiếm cứ sào huyệt của người Đá Vách, thiết lập 6 đạo đồn doanh để phòng giữ vùng biên [8], làm kế “cửu cư” [ở lại lâu dài] để phòng người man. Về việc này, trong Vũ man tạp lục thư của Nguyễn Tấn chép rằng: “Ông sợ rằng khi rút quân về bọn kia tất tụ họp lại, bèn chiếm cứ sào huyệt bọn chúng, lập trại sách, đồn điền, đóng đồn nghiêm mật giả làm kế lâu dài, người ‘man’ [Đá Vách] bèn đưa nhau đến cửa quân xin hàng”[9]. Sau cuộc đánh dẹp của Nguyễn Cư Trinh, vùng phía Tây Quảng Ngãi được bình yên khoảng 10 năm. Nhưng rồi người man lại tiếp tục quấy phá. Để ổn định tình hình, chúa Nguyễn đã cử các tướng giỏi vào phủ dụ, đánh dẹp như Đặng Đại Lược vào năm 1761; Nguyễn Công Địch[10]; Trần Phước Thành vào năm 1770 [11]; Trần Ngọc Chữ năm 1774 [12]. Việc thu phục hai vương quốc Thủy Xá và Hỏa Xá, cùng một tiểu quốc khác ở miền núi phía Tây cũng nhờ chúa Nguyễn có một đội quân mạnh để làm cho các tiểu quốc phải nể phục mà cống nạp cũng như không dám quấy phá vùng biên. Bắt đầu từ sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương đã đánh dấu sự đi xuống của quân đội Đàng Trong. Đặc biệt, khi vị chúa thứ chín Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi, trong các sách sử triều Nguyễn và Phủ biên tạp lục cho biết việc quân đã phó thác cho quyền thần Trương Phúc Loan. Quyền thần Trương Phúc Loan đã cho mua quan bán chức dẫn đến không dùng được người tài, còn kẻ hám lợi thì đầy chốn quan trường, điều đó làm cho chính quyền bắt đầu rệu rã. Việc binh thì Trương Phúc Loan cũng đã cho lấy tiền để trốn đi lính, làm cho nhuệ khí quân lính ngày càng mất hết, thêm vào đó là những người chỉ huy kém cõi và kết cục là chúa Nguyễn thất bại trước quân chúa Trịnh và khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt nền thống trị của chúa Nguyễn [1558 -1777] ở Đàng Trong. Một quân đội mạnh đủ sức đối phó với quân chúa Trịnh trong gần 50 năm [1627 - 1672]; đội quân đủ sức đánh bại lực lượng quân sự từ phương Tây, bảo vệ vững chắc và mở rộng đất đai xuống tận mũi Cà Mau thế mà chỉ hơn một tháng kể từ ngày xuất quân chúa Trịnh đã lấy được Phú Xuân; trong vòng 6 năm của khởi nghĩa Tây Sơn, đội quân đó đã bị đánh bại.

Chú thích 1, 2, 3, 4, 5, 6  Quốc sử quán triều Nguyễn [2007], Đại Nam thực lục, tập I, Sđd, tr.62; tr.106-107; tr.91; tr.143; , tr.165; tr. 166-167. 7. Nguyễn Đức Cung [1998], Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư, Nxb Nhật Lệ, Philadelphia - USA, tr.  62. 8. Tĩnh man Tiễu phủ sứ Ôn Khê Nguyễn Tử Vân [2011], Trường lũy Quảng Ngãi, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 103. 9. Nguyễn Đức Cung [1998], Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư, Sđd, tr. 218. 10. Nguyễn Công Địch có công đánh dẹp người man Đá Vách dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát nhưng không rõ vào năm nào. 11. Trần Phước Thành được chúa Nguyễn phong làm Khâm sai Cai bạ Tuần hành Ngũ phủ Bình nhung, điều khiển 6 đạo tướng sĩ ở Quảng Ngãi cùng hai phủ Quy Nhơn, Phú Yên để đánh người man Đá Vách. Xem thêm: Nguyễn Đức Cung [1998], Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư, Sđd, tr. 220.

12. Năm 1774, Trần Ngọc Chữ phụng lệnh chúa Nguyễn thiết lập ba đồn là An Sơn, Thiên Cầy, Núi Lóc để chống lại người man Đá Vách.

Video liên quan

Chủ Đề