Tranh chấp hụi và đường lợi giải quyết

Tranh chấp hụi và đường lợi giải quyết
Thông qua thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu, phường đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc như sau:

Do tin tưởng vào các mối quan hệ thân thích, bà con, bạn bè mà chủ hụi lẫn thành viên chỉ dựa vào tập quán chơi hụi từ trước. Họ không quan tâm pháp luật về họ, hụi, biêu phường quy định như thế nào? Trong khi tham gia hụi có trường hợp các thành viên hốt đầu kêu hụi rất cao, có khi lãi đến 35%/tháng. Và khi hốt hụi xong đóng hụi chết được vài lần là thành viên này không đóng hụi nữa. Có trường hợp thì thành viên này vẫn cư trú ở địa phương, có trường hợp bỏ đi nơi khác mà không rõ đi đâu. Chủ hụi hoặc những thành viên chưa hốt hụi khởi kiện ra tòa và phải tạm đình chỉ để thực hiện thủ tục tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

Có trường hợp do bỏ hụi cao để hốt, đến khi không còn khả năng đóng hụi thì tranh chấp, kiện ra tòa. Đến Tòa án giải quyết thì thành viên yêu cầu tính lãi suất theo quy định của pháp luật là phải áp dụng Điều 305 và khoản 3 Điều 470, 479 BLDS năm 2005 và khoản 2 Điều 2 Nghị Định 144 về họ, hụi, biêu, phường. Đối với việc áp dụng những quy định này nghĩa là tinh thần của pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tổ chức chơi họ để cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, thực tế khi thành viên kêu hụi cao hoàn toàn là do ý chí tự nguyện của người đi vay, không phải là người cho vay. Nên khi giải quyết án, Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa rất băn khoăn giữa nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận và nguyên tắc cấm cho vay nặng lãi. Với tinh thần của những điều luật trên thì cấm cho vay là quy định cụ thể nhưng không cấm người đi vay nặng lãi. Việc vay này do chính người đi vay đặt ra.

Trong trường hợp nếu thành viên yêu cầu tính lãi theo quy định của pháp luật hiện hành thì cần phải xem xét hết cả quá trình kêu hụi (lãi theo kỳ). Tuy nhiên, thực tế thì việc đối chiếu theo từng kỳ (ngày, tuần, tháng, quý) gặp không ít khó khăn, vì thực tế những lần kêu hụi các hụi viên không hề ghi chép đối chiếu cụ thể, xảy ra tranh chấp cả việc số lần đóng hụi. Lý do, đa số người tham gia chơi hụi không được chủ hụi cấp sổ và ký nhận tiền đóng hụi theo kỳ. Chủ yếu bằng lòng tin. Nên khi tranh chấp xảy ra thường thì thời hạn giải quyết cũng bị kéo dài.

Đồng thời cũng không ít những trường hợp chủ hụi lạm dụng tín nhiệm để thu hụi nhưng không giao, hoặc giao không đầy đủ cho các thành viên, hoặc ngược lại các thành viên có ý chiếm đoạt tiền hụi nên kêu cao hốt đầu rồi không đóng hụi nữa. Tuy nhiên, có những trường hợp thì lý do chính đáng, có những trường hợp cố tình lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng không đủ chứng cứ chứng minh thủ đoạn gian dối và theo Luật cư trú không thể chứng minh được họ là bỏ trốn nên không thể xử lý hình sự.

Có trường hợp cả hai bên thừa nhận khi tham gia tổ chức chơi hụi, lãi rất cao nhưng bên nợ hụi vẫn chấp nhận không yêu cầu tính lãi. Pháp luật dân sự đương nhiên không thừa nhận các bên cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Không ít trường hợp do nợ hụi kéo dài, thành viên không còn khả năng thanh toán nên cố đất để trừ nợ. Nhưng vẫn tiếp tục trả lãi vay thông qua hình thức người chủ nợ hụi cho bên cố đất thuê đất sử dụng và trả tiền thuê hàng năm. Nếu hàng năm không trả đất thuê thì còn phải tiếp tục trả lãi đối với tiền thuê đất, cứ thế nợ ngày thêm chồng chất mà không có cách nào trả dứt nợ.

Từ thực trạng trên, căn cứ pháp luật dân sự và Nghị định 144 về họ, hụi, biêu phường, xét thấy quy định của pháp luật còn có những bất cập chưa cụ thể rõ ràng:

- Pháp luật cấm cho vay nặng lãi mà không cấm vay nặng lãi là bất cập khó giải quyết vì khi tranh luận, có  ý kiến cho rằng người ta tự nguyện vay không ai ép và pháp luật cũng không cấm.

- Không có quy định rõ đối với trường hợp thế nào là “bỏ trốn” để có thể xử lý người chủ hụi, hay thành viên góp hụi khi họ cố tình lánh mặt để trốn tránh nghĩa vụ trả tiền.

- Không có quy định cụ thể nào nhằm đảm bảo hoặc ràng buộc đối với một người làm chủ hụi, giới hạn về khả năng tài chính, giới hạn huy động vốn từ việc tổ chức bao nhiêu dây dụi khi làm chủ hụi.

- Không có những quy định cụ thể, chặt chẽ về việc lập các loại sổ sách ghi chép việc giao nhận, ký nhận tiền góp hụi, nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhau, để giảm bớt rủi ro khi tham gia họ, hụi, biêu, phường. Đồng thời, sẽ giảm bớt khó khăn cho cơ quan tiến hành giải quyết vụ án khi có tranh chấp./.

Thu Vũ                 
(VKSND huyện Giồng Riềng)

18/09/2019

Hỏi.  Năm 2019, gia đình Minh và An cùng tham gia hụi. An đã lấy tiền hụi trước nhưng các tháng sau thì không đóng hụi lại cho gia đình Minh. Sau đó An tuyên bố vỡ hụi, và nói rằng tham gia hụi giúp một người khác, người đó cũng thừa nhận là có việc đó. Hiện tại số tiền gia đình Minh đã đóng cho hụi là khoảng 50 triệu đồng. Gia đình Minh phải làm đơn khởi kiện gửi đến đâu?

Đáp: Điều 471 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Khi gia đình Minh và chị An cùng tham gia hụi đã tự thỏa thuận với nhau về số người, số tiền tham gia, về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia... Theo thông tin trên thì có thể hiểu rằng, mỗi tháng gia đình Minh và An cùng đóng một số tiền hụi nhất định, rồi cho một người lấy hụi trước, các tháng sau người đó vẫn phải tiếp tục đóng hụi để cho những người khác được lấy. An đã lấy tiền hụi trước nên An có nghĩa vụ tiếp tục đóng hụi vào các tháng sau để gia đình Minh được lấy hụi.

Sau khi vỡ hụi, việc An nói rằng An tham gia hụi giúp người khác là không có căn cứ chứng minh. Vì An đã trực tiếp thỏa thuận với gia đình Minh về việc tham gia, trực tiếp lấy tiền hụi nên An phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với gia đình bạn và những người tham gia hụi khác. Nếu đúng là An tham gia giúp người khác thì phải có sự thỏa thuận với những người tham gia hụi ngay từ ban đầu và phải có ủy quyền của người đó cho An thay mặt mình tham gia hụi.

Hiện nay, nếu An không thể thực hiện nghĩa vụ góp tiền hụi thì gia đình Minh có thể thỏa thuận với An về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ. Nếu không thỏa thuận được hoặc An cố tình không đóng hụi thì gia đình Minh có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết.

Khi khởi kiện, gia đình Minh phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 :

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

Gia đình Minh có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây: Nộp trực tiếp tại Tòa án; Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

QUỐC HƯNG