Suy thoái về tư tưởng chính trị là gì

Skip to content

Trang chủ Tin tức Suy thoái về đạo đức lối sống, nguyên nhân và thực trạng

Muốn phòng chống và khắc phục suy thoái này, cần phải nhận diện đúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay để “kê đơn”, bốc thuốc cho trúng nhằm chữa khỏi bệnh cứu người. Sở dĩ trong thời gian qua, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái này kém hiệu quả là vì chúng ta chưa nhận diện rõ sự suy thoái đó như thế nào; có lúc nhận định, đánh giá còn thiếu khách quan, chung chung, lờ mờ, thiếu địa chỉ cụ thể, chưa chỉ ra được ai suy thoái, bộ phận nào suy thoái, chưa vạch rõ tính chất và tác hại thực sự của sự suy thoái.

Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác với những băn khoăn, lo lắng, bức xúc, có lúc thiếu lòng tin; khác với vi phạm một số khuyết điểm, chấp hành không nghiêm một số quy định của Hiến pháp, pháp luật. Cũng như phát triển, suy thoái bao giờ cũng mang tính bản chất, tính tổng thể của sự vật, hiện tượng, quá trình hay con người và tổ chức của con người. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức của họ. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra ở các đối tượng khác nhau, từ đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý – đảng viên thường, đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cao cấp. Do đó, vấn đề đặt ra cấp bách là cần nhận diện đúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra ở họ. Có thể nhận diện theo hai cách: Theo các mặt suy thoái và theo đối tượng cán bộ, đảng viên suy thoái.

Nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo đối tượng cán bộ, đảng viên suy thoái. Đối tượng này có thể chia thành hai nhóm: Nhóm cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và nhóm đảng viên không giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.

Nhóm đối tượng thứ nhất, sự suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp. Đây là nhóm cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao, kể cả cấp Trung ương. Thực tế cho thấy, nhóm cán bộ, đảng viên này có nguy cơ suy thoái cao và có nguy hại lớn, vì sự liên quan lớn hơn đến quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội của họ. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên này, có nhiều người đã phấn đấu trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, được phân công giữ những trọng trách lãnh đạo và quản lý xã hội, luôn tỏ rõ sự vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị và trong sạch về đạo đức, lối sống. Nhưng cũng có bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên do bố trí không đúng phẩm chất, năng lực, lại không chịu rèn luyện phấn đấu, dần dần rơi vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới thoái hóa, biến chất. Đảng nhận định: “Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện ở bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền này là tự cho mình đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức, coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cũng như quy định của cơ quan, đơn vị; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, có tư tưởng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; coi thường nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đó, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, coi thường tập thể, trở thành “quan cách mạng”. Trong số đó, có người mất phương hướng chính trị, quay lại nói xấu Đảng, chống phá chế độ. Suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ dẫn đến cơ hội về chính trị, làm phân hóa bộ phận lãnh đạo, làm tan rã Đảng, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước, làm chệch hướng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bài học xương máu về sự sụp đổ của các Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ XX vẫn còn đó; và chỉ ra rằng, nó có nguyên nhân chính từ những mặt, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý cao nhất.

Suy thoái về tư tưởng chính trị của bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn biểu hiện ở bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Hiện nay, vẫn còn không ít người lãnh đạo, cán bộ cấp cao còn xa dân, không sát cơ sở, không hiểu thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được công việc, cuộc sống của nhân dân, nên nhiều trường hợp đề ra chủ trương, chính sách của “Nhà trời”, không phù hợp với thực tế, không đi vào cuộc sống, không được “Nhà dân” đồng tình và ủng hộ.

Đặc trưng bản chất nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Thực tiễn chỉ ra, tham nhũng chỉ xảy ra ở những nơi có quyền lực và ở những người nắm quyền lực. Xét về bản chất và trên phương diện lý luận, lẽ ra khu vực kinh tế nhà nước, ở đấy có đầy đủ cả một hệ thống cán bộ, đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo quản lý, thậm chí được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp nhất của các cơ quan Đảng, Nhà nước; lẽ ra, khu vực công, khu vực kinh tế nhà nước phải thực sự ngày càng vững mạnh, giữ vai trò chủ đạo, là “đòn xeo” của chủ nghĩa xã hội… thì ở đấy phải có nhiều yếu tố của chủ nghĩa xã hội nhất và phải ít tiêu cực hay ít suy thoái nhất. Ngược lại, thực tế đến nay cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước lại là nơi có nhiều yếu kém nhất, nhiều tham nhũng nhất và sự suy thoái của đội ngũ cán bộ lại tập trung ở đây nhiều nhất. Nạn tham nhũng diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn; làm hư hỏng cán bộ, đảng viên, làm thất thoát một khối lượng lớn tài sản, tiền bạc của xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chủ nghĩa xã hội; làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội; làm băng hoại tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền… Như vậy, tham nhũng không phải chỉ nhìn nhận dưới góc độ kinh tế hay dưới góc độ đạo đức, lối sống, mà tệ hại hơn khi được xem xét nó dưới góc độ tư tưởng chính trị. Nạn tham nhũng đang dẫn đến những hệ lụy khôn lường, nó đang tạo ra “tự diễn biến”, dẫn đến “tự chuyển hóa” và đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để, phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự suy thoái đó chính là giặc “nội xâm”, là kẻ thù bên trong, tạo cơ hội cho kẻ thù bên ngoài, cho giặc ngoại xâm thôn tính nước ta, trong đó nạn tham nhũng đang là nguy cơ trực tiếp nhất, nguy hại nhất.

 Nhóm đối tượng thứ hai, sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền. Đảng viên không giữ cương vị chức trách trong Đảng và chính quyền là những đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên. Sự suy thoái của bộ phận này có những điểm giống và điểm khác với đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nêu trên.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên. Nhiều người không thấm nhuần tư tưởng và tiêu biểu về phẩm chất: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong sản xuất, kinh doanh và công tác, có đảng viên không chấp hành nghiêm luật pháp, lợi dụng hoặc cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm giàu bất chính; không biết hoặc không dám đấu tranh, rất hay ngộ nhận và phụ họa theo những nhận thức, hành động tiêu cực, tư tưởng sai trái, quan điểm lệch lạc; phát ngôn sai với đường lối, quan điểm của Đảng; không làm chủ được bản thân, rất dễ bị kích động, thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo.

Nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI] về xây dựng Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thống nhất cao về nhận thức thế nào là sự suy thoái về đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, cũng có người đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm tư tưởng chính trị và chính trị tư tưởng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị cần phải được nhận thức đúng về bản chất của khái niệm cũng như vị trí cấp bách của nó trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Khái niệm chính trị tư tưởng phản ánh toàn bộ hoạt động tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, biện pháp, phương thức tiến hành một mặt công tác của nhiệm vụ xây dựng Đảng: Công tác chính trị tư tưởng cùng với công tác tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra, công tác dân vận là những nội dung chủ yếu của công tác xây dựng Đảng.

Tư tưởng chính trị của tổ chức đảng và đảng viên được hình thành, được bồi đắp tùy thuộc chủ yếu ở hiệu quả công tác chính trị tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên. Tư tưởng chính trị phản ánh trạng thái nhận thức tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên đối với đường lối chính trị của Đảng. Khái niệm này tồn tại độc lập, khu biệt với các khái niệm: Tư tưởng triết học; tư tưởng tôn giáo; tư tưởng quân sự, tư tưởng văn học nghệ thuật… Tư tưởng chính trị được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng phản ánh toàn bộ trạng thái tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên đối với toàn bộ hệ thống các quan điểm chỉ đạo, đường lối chính trị, đường lối cầm quyền của Đảng ta đã được xác lập trong Cương lĩnh chính trị; Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định, kết luận do Đảng ban hành hoặc được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật do các cơ quan quyền lực Nhà nước ban hành. Trạng thái tư tưởng về chính trị tồn tại ở các cấp độ khác nhau: Kiên định, không kiên định, dao động, suy thoái.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện rõ nhất ở sự phai nhạt lý tưởng, dao động, mất niềm tin vào đường lối của Đảng. Sự suy thoái đạo đức, lối sống biểu hiện ở chỗ là sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện và vô nguyên tắc. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó biểu hiện rất cụ thể trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-2, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt sâu sắc rằng: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng”.

Toàn Đảng ta đang bước vào đợt sinh hoạt chính trị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Trung ương nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…”. Điều đó có nghĩa là sự suy thoái tư tưởng chính trị không chỉ ở một số cán bộ vị trí lãnh đạo, quản lý mà ở cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng. Hiện nay, tồn tại một nhận định phiến diện, chủ quan rằng đông đảo cán bộ đảng viên, không có sự suy thoái về tư tưởng chính trị.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng nơi, từng lúc, với mức độ khác nhau. Một bộ phận nhỏ hay không nhỏ những đảng viên rất thiếu ý thức khi học tập, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng. Khi các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đánh thẳng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc, bóp méo sự thật; phá hoại Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, cán bộ, đảng viên chúng ta đã đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối chính trị của Đảng như thế nào? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng bị buông lỏng, vừa không phát huy được dân chủ, vừa mở đường cho sự độc đoán, chuyên quyền phát triển. Tự phê bình và phê bình, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta, không còn được coi là nguyên tắc tối thượng trong sinh hoạt Đảng. Tệ nạn tham nhũng, lãng phí cục bộ, bản vị, diễn biến phức tạp. Khi tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên đã suy thoái, thì họ sẵn sàng đến đặt lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc và sẽ sai lầm, khuyết điểm cả ở khâu đề ra chủ trương, chính sách và khâu tổ chức thực hiện trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Suy thoái về tư tưởng chính trị nằm trong ý thức của con người, nhận diện nó phải xem xét bằng lời nói và việc làm của từng cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào. Bộ Chính trị các khóa IX, X đã ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đến nhiệm kỳ Đại hội XI, quy định đó do Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ban hành. Quy định này là một sự nhận diện sâu sắc, toàn diện về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên được tổng kết từ thực tiễn.

Khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, các Điều từ 1 đến 4 trong Quy định số 47- QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm trở thành sự gợi ý thật sự sống động. Cần phải làm rõ trong đảng viên chúng ta có hay không có lúc nào đó: Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép; Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; Viết bài, cho đăng tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định; Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.

Có thể nói từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn khác; cần nhận diện đầy đủ, thấu đáo trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI] về xây dựng Đảng.

Video liên quan

Chủ Đề