Quyền dân sự, chính trị là gì

[HBĐT] - Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam lần lượt trở thành thành viên của 7/9 Công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người [trong đó có Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị, gia nhập ngày 24/9/1982]. Việt Nam luôn nghiêm túc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên các công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa quy định của các công ước.


Hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật tại xóm Kén, xã Văn Nghĩa [Lạc Sơn] giúp người dân hiểu và thực hiện các quyền dân sự của cá nhân. ảnh: M.H.

Nhờ đó, các quyền con người được quy định ngày càng cụ thể và toàn diện hơn trong luật pháp quốc gia. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam [gọi tắt là Hiến pháp năm 2013] đã có những quy định mang tính nguyên tắc về các quyền con người, quyền dân sự, chính trị, làm căn cứ pháp lý cho các Bộ luật, Luật chuyên ngành thể chế thành quy định cụ thể trong từng lĩnh vực.

1. Nội dung về các quyền dân sự trong Hiến pháp năm 2013

1.1. Về quyền sống: Điều 19 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

1. 2. Về quyền đời tư: Điều 20 và 21 - Hiến pháp năm 2013 quy định rõ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của mọi người đều được bảo vệ.

1.3. Về quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền không bị tra tấn, truy bức, nhục hình: Điều 20 - Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện KSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.

1.4. Về quyền khiếu nại, tố cáo:Điều 30 - Hiến pháp năm 2013 quy định quyền của người dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật; Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

1.5. Về quyền tự do cư trú, đi lại: Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do Luật định [Điều 22]. Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước [Điều 23].

1.6. Về quyền bình đẳng giới:Theo Điều 26 - Hiến pháp năm 2013, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

2. Nội dung các quyền chính trị trong Hiến pháp năm 2013

2.1. Về quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia công việc quản lý Nhà nước và xã hội: Các quyền này được quy định tại các Điều 27, 28, 29 - Hiến pháp năm 2013. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân [theo Điều 6, Hiến pháp năm 2013: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện].

2.2. Về quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tiếp cận thông tin: Theo Điều 25 - Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin để thụ hưởng đầy đủ và bảo vệ các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật.

2.3. Về quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình: Được quy định tại Điều 25 - Hiến pháp năm 2013.

2.4. Về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo: Điều 24 - Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

2.5. Về quyền bình đẳng của các dân tộc: Theo Điều 5 - Hiến pháp năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Điều 42 - Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Thể chế các quyền dân sự, chính trị của công dân quy định tại Hiến pháp năm 2013, các đạo luật như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Cư trú; Luật Báo chí; Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo… đã có những điều luật cụ thể nhằm đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của công dân được thực hiện đúng khuôn khổ pháp luật.

Mai Huệ [TH] [Sở Tư pháp]

QPTD -Thứ Hai, 14/10/2013, 14:06 [GMT+7]

Quyền dân sự, chính trị trong xã hội ta

Những ngày gần đây, một số trang mạng trong và ngoài nước đã cổ súy cho cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, đòi hỏi Nhà nước ta phải thực thi: “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình”! Vậy quyền dân sự, chính trị là gì? Phải chăng các quyền đó không tồn tại trong pháp luật và trong đời sống xã hội ta?

Trước hết, quyền dân sự, chính trị [DS,CT], theo “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người [QCN], năm 1948” [1] của Liên hợp quốc, được xem là những giá trị của tất cả mọi người mà các nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ. Theo đó, Quyền dân sự là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; Quyền không bị bắt làm nô lệ; Quyền không bị tra tấn, quyền được đối xử nhân đạo; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền có quốc tịch; Quyền kết hôn và xây dựng gia đình; Quyền sở hữu tài sản riêng… Quyền chính trị là những quyền liên quan đến những giá trị mà mỗi người được hưởng, như: Quyền tự do cơ bản của cá nhân; Quyền bình đẳng về phẩm giá; Quyền tham gia vào quản lý đất nước; Quyền tự do tư tưởng; Quyền tự do ngôn luận; Quyền lập hội và hội họp hòa bình… Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền DS,CT, năm 1966.

Ở Việt Nam, cuộc cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đi theo trào lưu chung của nền văn minh nhân loại: giành và giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; xây dựng và phát triển chế độ dân chủ, cộng hòa và thể chế nhà nước pháp quyền vì nhân dân, phù hợp với mỗi giai đoạn của cách mạng. Đến nay, chế độ xã hội ta là chế độ XHCN; thể chế nhà nước là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Là chế độ vì con người, tôn trọng QCN, năm 1957, Nhà nước ta đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế [về nội dung cũng mang tính nhân quyền], như: Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh, Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh [2]… Năm 1982, Nhà nước ta đã gia nhập hai công ước quốc tế cơ bản về QCN là: Công ước quốc tế về các quyền DS,CT, năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, năm 1966.

Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, QCN là bản chất của chế độ xã hội XHCN. Nâng cao sự hưởng thụ các QCN của người dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ lực lượng chính trị nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH [bổ sung, phát triển năm 2011] của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Đảng và Nhà nước ta không chỉ coi việc tôn trọng và bảo đảm các quyền DS,CT của người dân là trách nhiệm của mình, mà còn coi đó là một động lực của cách mạng. Thực tế cho thấy, kể từ năm 1946 đến nay, ở Việt Nam, các cuộc bầu cử Quốc hội được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Quyền bầu cử, ứng cử của công dân được bảo đảm nghiêm túc. Chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và các chức danh quan trọng của Nhà nước được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp [trừ thời kỳ chiến tranh]. Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được đặc biệt quan tâm. Chỉ thị 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng [khóa VIII] về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã yêu cầu cấp ủy và chính quyền cơ sở phải bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/1998/NĐ-CP về Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan Chính phủ. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý để phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin nói riêng và các quyền QCN nói chung của nhân dân được Nhà nước bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và đạt được những thành quả to lớn. Ngoài báo chí trong nước, người dân ngày nay còn có thể tiếp cận với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, như BBC, Reuters, VOA, AFP, CNN, các trang mạng như Yahoo, Google, Facebook… Ở Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992 và văn bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” đã được toàn dân góp ý và đang trình Quốc hội thông qua, các QCN nói chung, quyền DS,CT nói riêng của người dân đều được trân trọng ghi nhận. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, lần đầu tiên QCN [cùng với quyền công dân] đã được quy định trong một chương, mà ở đó các quyền công dân, QCN về DS,CT được ghi nhận đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam tham gia.

Quyền tự do ngôn luận báo chí của nhân dân ta không chỉ được thể hiện trong pháp luật mà đã được thể hiện trong đời sống xã hội. Nhiều vấn đề, từ sinh hoạt đời thường đến những vấn đề chính trị, pháp lý hệ trọng của đất nước đều có thể tìm thấy trên báo chí [báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử] và trên các trang mạng. Chẳng hạn, giá sữa tăng một cách đột biến do các nhà kinh doanh “thay tên đổi họ” thành “thực phẩm bổ sung” khiến các bà mẹ cảm nhận như bị “thủng túi” vì tiền mua sữa cho con đã được nhiều báo “khui” ra; đồng thời, chỉ rõ địa chỉ phải chịu trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước nào. Hoặc vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức [Hà Nội] đã được nhiều báo đưa tin, bình luận, phản ảnh những “bức xúc” của nhân dân và các nhà lãnh đạo. Vụ Công ty Nicotex Thanh Thái [Thanh Hóa] chôn thuốc trừ sâu trong khuôn viên của Công ty gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và môi trường, cũng nhờ báo chí mà tiếng nói của nhân dân đến được với chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm… Thông qua báo chí, những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học về một số vấn đề hệ trọng của đất nước được ghi nhận và tạo sự chú ý đặc biệt của các cơ quan nhà nước. Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của nhiều chuyên gia [được Bộ Tài nguyên- Môi trường tổng hợp], giao Bộ Công Thương xem xét loại bỏ các dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A ra khỏi quy hoạch đã được phê duyệt là một ví dụ. Trên lĩnh vực chính trị, pháp lý, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thông qua cơ quan đại diện và sự chuyển tải của báo chí đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Những vấn đề “chưa ngã ngũ” trong “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” cũng đã được công khai trên báo chí, như: về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước; về khái niệm thu hồi đất để “phát triển kinh tế - xã hội” [được hiểu cụ thể như thế nào?]; về chính quyền địa phương với quyền giám sát của nhân dân; về cơ chế bảo hiến [có hay không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp?]. Những vấn đề này chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến của nhân dân thông qua báo chí trước khi Quốc hội quyết định… Bởi vậy, “Tuyên bố của các Công Dân Tự Do”, “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” cùng lời kêu gọi mọi người tham gia “Diễn đàn xã hội dân sự” là trái với thực tế đời sống chính trị, pháp lý của xã hội ta. Thực chất của việc nhiều hãng thông tấn, báo chí, các mạng xã hội nước ngoài, các blogger trong nước vốn không ưa chế độ cộng sản rùm beng “Tuyên bố…” là một hành động “hợp thời, hợp thế, hợp lòng dân”; và việc “khởi xướng một diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị Việt Nam từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa,…”, chỉ là một thủ đoạn, một bước đi hướng tới xóa bỏ chế độ xã hội XHCN mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Nhân đây xin được nói thêm, cũng như ở tất cả các nhà nước hiện đại trên thế giới, quyền làm luật thuộc về Quốc hội. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia như thế nào, đủ hay còn thiếu, có hay chưa tương thích với luật pháp quốc tế? Nội dung quy định của các điều luật như thế nào? Cơ sở chính trị, lịch sử của nó ra sao,… là do Quốc hội quyết định. Cũng như Nghị viện các nước, các thành viên Quốc hội Việt Nam đều do cử tri lựa chọn, bầu ra. Trên thế giới, trong Quốc hội, luôn tồn tại vai trò lãnh đạo, chi phối, cầm quyền của những lực lượng chính trị, những đảng phái nhất định. Ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo Nhà nước [trong đó có Quốc hội] và xã hội thuộc về Đảng Cộng sản. Quy định này có đầy đủ cơ sở lý luận, lịch sử và pháp lý. Bởi vậy, không cá nhân, tổ chức nào có thể xuyên tạc, vu cáo thể chế của xã hội ta là “toàn trị”, cũng như không cá nhân, tổ chức, quốc gia nào, kể cả Liên hợp quốc có quyền áp đặt quan điểm của mình đối với Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Như mọi người đã biết, Hiến pháp nước ta chỉ đưa ra những quy định “khung”. Các bộ luật và luật sẽ quy định cụ thể. Mệnh đề “theo quy định của pháp luật” có nghĩa: việc bảo đảm một quyền nào đó được ghi trong Hiến pháp, có thể bị hạn chế bởi những chế tài của luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Do đó, những cái gọi là “Tuyên bố”, “Lời kêu gọi” nào đó, cho rằng họ có quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí”, bất chấp các quy định của pháp luật, tìm cách “lách luật”, không thực hiện nghĩa vụ công dân là phi pháp.

Bây giờ xin trở lại “Tuyên bố”: Mục đích của cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” và “Diễn đàn xã hội dân sự” là gì?

Như bản “Tuyên bố” đã viết, dù có chủ ý hay không có chủ ý, văn bản đã xuyên tạc bản chất xã hội Việt Nam ta. Việc đổ lỗi tất cả những yếu kém, tiêu cực trong xã hội, như: tình trạng phân hóa giàu, nghèo và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị là do chế độ “toàn trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự chi phối của “nhóm lợi ích”; đặc biệt là có “sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài… để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị”… hay để “giành thêm lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung của đất nước, của dân tộc”…, là sự vu cáo trắng trợn bản chất của chế độ xã hội nước ta, là nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước; tạo ra những bức xúc có thể dẫn đến gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Có thể nói rằng, đó là sự tiếp tay cho những tham vọng xóa bỏ chế độ xã hội XHCN của các thế lực thù địch.

Về “phương thức chuyển đổi ôn hòa” từ “chế độ toàn trị sang dân chủ” mà “Tuyên bố” ghi, lấy gì bảo đảm? Thực tế chính trị trên thế giới hiện nay như thế nào? Cái gọi là hoạt động “ôn hòa” là gì? Để trả lời những câu hỏi trên, người ta không thể không suy nghĩ về quan điểm của một số người khởi xướng “Tuyên bố…” và “Diễn đàn…”. Chẳng hạn, trong danh sách những người khởi xướng, có người đã từng viết bài tung lên mạng, kêu gọi: “Phá xiềng”, tổ chức đảng chính trị “đối lập” với Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ còn vu cáo: “Đất nước ta” như trong “một trại cải tạo khổng lồ”… Lời lẽ như vậy, phải chăng là ôn hòa?

Thực tế đời sống chính trị trên thế giới cho thấy, những bất ổn về chính trị, bạo loạn, lật đổ nhà nước hợp hiến thường bắt đầu từ những hành vi gọi là “ôn hòa”, “bất bạo động”. Gần đây, những hoạt động này cũng xuất phát từ những kết nối thông tin thất thiệt trên in-tơ-nét. Bởi vậy, không có gì bảo đảm rằng, những hoạt động “ôn hòa” đang diễn ra trên mạng không dẫn đến những hành vi trái pháp luật trong thực tế. Quốc hội Việt Nam không phải không có lý do để bàn và xây dựng những văn bản pháp luật nhằm trừng phạt không chỉ những tội phạm đã hoàn thành mà quan trọng hơn là phải phòng ngừa những hành vi phạm tội.

Nhận thức một cách đúng đắn về quyền DS,CT trong bối cảnh khó khăn, phức tạp của tình hình đất nước hiện nay; bình tĩnh, tỉnh táo trước những ý kiến gọi là “thực tâm” hay “tâm huyết” của những người khởi xướng “Tuyên bố…” để không rơi vào cạm bẫy của mưu đồ nhằm xóa bỏ chế độ chính trị hiện nay - thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới có được./.

VĨNH AN

_________

1 - Trung tâm nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 28 - 32.

2 - Sđd, tr. 650.

Video liên quan

Chủ Đề