Nghiên cứu quốc tế tiêu sử và sự nghiệp của nhà kinh tế học Samuelson


Joseph Stiglitz, Nobel Kinh tế 2001, cựu cố vấn cho tổng thống Bill Clinton, kinh tế gia trưởng của Worldbank, người đã hiệu đính các tác phẩm của Samuelson, cho rằng tiêu chuẩn lập thuyết của kinh tế tân cổ điển đã tạo ra những đặc tính sai lạc của kinh tế thị trường và trên căn bản này, không giúp đỡ được gì trong công việc so sánh hay hướng dẫn chọn lựa các mô thức kinh tế.

Một yếu tố khác mà Samuelson không chịu để ý tới trong mô thức quân bình là quyết định có ý thức của cá nhân. Các nhà kinh tế tân cổ điển giả định là ai cũng chọn lựa “hợp lý”, nghĩa là chọn một hành động có lợi nhất cho mình, theo nhận xét của Amartya Sen. Một nhà kinh tế khác là Stigler cũng khẳng định về chọn lựa hợp lý này, nhưng chưa bao giờ thực hiện một trắc nghiệm cụ thể. Nhà kinh tế George Akerlof phê bình điểm này như sau:

Mô thức Samuelson và các nhà kinh tế tân cổ điển nghiên cứu đã loại bỏ lựa chọn có ý thức của cá nhân trong một thế giới bất định, và giản lược những lựa chọn này còn là những chọn lựa trong một thế giới tất định, với mục tiêu thu hẹp như tăng trưởng và thị trường, như những con rôbốt. Việc khám phá những phương tiện thích ứng [để tăng trưởng] và mục tiêu tăng trưởng [tăng trưởng cho ai] đểu bị loại bỏ ra ngoài phương trình… Chính thế giới bất toàn trong cuộc đời đã làm nảy sinh những định chế và hoạt động kinh tế cần thiết. Định chế và chọn lựa cá nhân quá phức tạp để được bao gồm trong một mô thức kinh tế, cho nên các giả định đơn giả đã được [Samuelson và các nhà kinh tế tân cổ điển đem thế vào].

Để cho độc giả Phật tử cảm thấy thân cận với mô thức kinh tế sẽ được trình bày ở phần cuối, tôi dùng tạm hai thuật ngữ Phật giáo là khế lý và khế cơ. Khế lý là mô thức nền tảng trong thế giới tĩnh lặng hoàn hảo, nơi ai cũng là Bồ Tát hay La Hán, còn khế cơ áp dụng vào cõi ta bà, con người nặng tham, sân và si, thế giới bất toàn, vô thường. Áp dụng khế lý mà bỏ quên khế cơ, giáo lý trở thành giáo điều. Theo khế cơ mà thiếu căn bản khế lý là loạn động. Đây là lý thuyết kinh tế định chế [Institutional Economics]. Kinh tế của Samuelson đã thiếu thông tin cần thiết của thế giới ta bà để tìm hiểu nguyên nhân thành công hay thất bại của một hệ thống kinh tế. Ví dụ kinh tế Tây phương thành công vì đã đầu tư rất nhiều vào kiến thức kỹ thuật, sáng kiến để làm tăng hiệu năng và do đó giảm chi phí chuyển hóa, công khai chuyển giao kỹ thuật đồng đều và rộng rãi [ít nhất là trên lý thuyết], không như các truyền thống văn hóa “đóng” các kiến thức thường được chia sẻ một cách có giới hạn [giấu nghề!], thiếu biện pháp khuyến khích cá nhân trở nên xuất sắc nổi bật par excellence, nghiên cứu hành vi và đạo đức cá nhân ảnh hưởng đến chọn lựa hiệu năng kinh tế [trọng sĩ khinh thương] và động cơ đưa đến những lựa chọn cá nhân [không chịu sinh con sớm]. Kinh tế tân cổ điển khăng khăng nhấn mạnh đến chọn lựa hợp lý hay giả định hữu hiệu của kinh tế thị trường chỉ có trong thế giới thuần lý. Samuelson cũng bị chỉ trích vì đã không tiên đoán được sự thành hình của các tổ hợp quốc tế, mặc dù các tổ hợp này chỉ xuất hiện như nấm bắt đầu từ thời đại toàn cầu hóa vào các năm 1980.

Tại sao một lý thuyết có nhiều lỗ hổng đến thế mà đã là “thánh kinh” cho sinh viên Mỹ trong nhiều thế hệ? Theo Nelson, tu tưởng Samuelson có sức quyến rũ lớn vì giấc mộng thiên đường sung túc vật chất – làm nảy sinh xã hội đạo đức và hòa bình thế giới, đã là nguồn hứng khởi của hầu hết mọi người ở một thời đại mà lý tưởng phục vụ công ích cho dân Mỹ và trong chừng mực nào đó, cho nhận loại, sáng như trăng rằm. Cũng như Marx và Keynes, Samuelson đã mộng tưởng dưới ngôn ngữ khoa học nếu muốn các nhà kinh tế đương thời chấp nhận. Nói như Tillich ở trên, Samuelson cũng là nhà thần học thành công. Sau thế kỷ ánh sáng, khi Tây phương mất lòng tin vào thần học của các tôn giáo truyền thống, người ta chứng kiến những nhà tư tưởng đưa viễn quan không tưởng này đến viễn quan không tưởng khác, vì không ai dám nghĩ hố thẳm hư vô, không còn thiên đàng, không còn địa ngục. Chết là hết, đời sống không có ý nghĩa gì khác hơn chuỗi hành động tình cờ. Các tôn giáo Abrahamic [Do Thái – Thiên Chúa – Tin Lành] đã đầu tư tất cả vào Thượng Đế siêu hình và khi khám phá ra Thượng Đế chỉ là hình bóng ngụy tạo từ thế giới ý tưởng platonic, họ phải tạo ra một thiên đường khác ở đây bây giờ, khi ai cũng sống và hưởng thành quả kinh tế ngay đời này, Roger-Pol Droit tiết lộ là vị triết gia Đức đầu tiên gặp gỡ đạo Phật như Hegel, Schopenhauer và nhất là Nietzsche, Phật giáo bị xem như tư tưởng hư vô, đồng hóa niết bàn với tiêu cực, nên suốt thế kỷ 19 Phật giáo bị xem là mối đe dọa lớn cho Tây phương, Đức Phật bị xem là người phủ nhận hiện hữu và cổ vô hư vô. Phật giáo gợi lại cho họ cơn mộng dữ mà họ muốn quên. Thoát nhiên, trong thế kỷ 20, Phật giáo được nhìn như là tôn giáo ôn hòa, từ bi, độ lượng và bất bạo động. Niết bàn không còn là lý tưởng tiêu cực nữa và rất tương tự với thần học cải cách Tin Lành. Các nhà tư tưởng đã hết “sợ” Phật giáo mà còn nghĩ là phân tích về ngã của Đức Phật có thể giải thích tại sao người Tây phương lại bị cuốn hút vào cơn lốc tiêu thụ hiện nay.

Chi phí kinh tế và chi phí xã hội

Trong khi hình thành mô thức guồng máy thị trường, Samuelson và hầu hết các nhà kinh tế tân cổ điển phân biệt hai loại chi phí, kinh tế và không kinh tế. Giả sử như các nhà lãnh đạo quyết định đổi từ mô thức can thiệp sang mô thức thị trường, trong thời gian chuyển tiếp, công nhân phải đổi chỗ ở để có thể có công việc làm mới. Chi phí di chuyển đồ đạc, tìm chỗ ở mới gần nơi làm việc, có thể như hợp lý và được kể như chi phí kinh tế. Tuy nhiên những ảnh hưởng tâm lý như phải hy sinh tình cảm khi bỏ quê hương khi phải tha phương cầu thực, xa bà con làng xóm, mất gốc mất rễ, nhiều lúc có thể phải để vợ con ở lại quê nhà… được các nhà kinh tế xem như các chi phí không có giá trị, không được kể là chi phí kinh tế, ngay cả khi muốn đo lường, cũng không biết định lượng hóa bằng cách nào. Sự lo lắng này có ảnh hưởng gì đến tinh thần và hiệu năng của công nhân không? Trong đà tiến triển của kinh tế thị trường, nông thôn dần dần thu hẹp, quá trình đô thị hóa tăng trưởng theo tốc độ nhanh chóng vì cần mở thêm xí nghiệp mới. Nông dân phải bỏ nhà lên tỉnh tìm việc và đã trở thành những người lưu dân. Ở lại nông thôn thì thu nhập không đủ sống, nhập cư về thành phố thì phần lớn trở thành người cùng đinh mất gốc, dù vẫn sống giữa quê hương của mình. Chi phí tâm lý – xã hội này không có nhà kinh tế nào có thể chịu để ý thêm vào.

Ngoài phí tổn tâm lý và xã hội, còn một chi phí khác mà các nhà kinh tế gạt phăng ra ngoài phương trình phát triển: môi trường sinh sống. Tài nguyên chỉ là yếu tố trong phương trình sản xuất, dù là tài nguyên dùng một lần, như than đá, dầu hỏa và tài nguyên tái tạo, như gỗ. Sự tàn hại môi sinh không được kể như là chi phí kinh tế. Chuyện khí thải có thể làm thủ tầng khí quyền [ozone], có thể làm địa cầu ngày càng nóng thêm, không nằm trong mô thức kinh tế. Chi phí để tu sửa những tàn hại của môi sinh như lụt lội bất thường, hạn hán, sóng thần, động đất không nằm trong chi phí sản xuất, đó là chưa kể đến hàng ngàn chủng loài mất môi trường sinh sống và hàng ngàn chủng loài bị tận diệt hàng năm, các chi phí này không phải là chi phí kinh tế. Khi Hiệp ước Kyoto được đề nghị hầu hết các quốc gia trên thế giới phê chuẩn, chỉ có hai nước kỹ nghệ tiên tiến từ chối ký, đó là Mỹ và Úc. Nhật báo The Sydney Morning Herald ngày 27 tháng 11 năm 2005 cho biết, theo một nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu mức băng tuyết ở Nam Cực, trong năm qua số lượng khí thải tăng lên 27% so với bất cứ năm nào trong vòng 650.000 năm qua. Bằng chứng đã được trình bày tại hội nghị về trái đất nóng dần [global warming] do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Montreal và được đăng tải trên tạp chí Science. Ngay ngày hôm sau, Mỹ vẫn khăng khăng tuyên bố không thay đổi chính sách về môi sinh và tự cho rằng mục tiêu giảm khí thải của Hiệp ước Kyoto xuống còn 5,2% vào năm 2012 có thể ngăn mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Khi đó hai nước Á châu đang phát triển nhanh nhất và cần nhiên liệu như Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp nhận miễn cưỡng lịch trình giảm khí thải do Liên Hợp Quốc đề nghị. Trung Quốc là nạn nhân phát triển của chính mình: gần đây cả một con sông lớn đã bị nhiễm độc bởi các chất thải kỹ nghệ và chính quyền trung ương phải chở nước vô chai để dân chúng uống.

Việc tàn phá rừng nhiệt đới Amazon hay Borneo do các tổ hợp khai thác gỗ đưa hối lộ cho các viên chức kiểm lâm địa phương tàn phá môi sinh và hủy diệt nhiều chủng loài vẫn tiếp tục mặc dù bị các tổ chức bảo vệ môi sinh phản đối. Nếu chi phí xã hội này tính ra bằng tiền sẽ trị giá bao nhiêu? Gần đây ở Huế, tổ hợp du lịch Hà Lan muốn xây dựng một khách sạn năm sao trên đồi Vọng Cảnh. Khách sạn 5 sao muốn xây lúc nào cũng được, nhưng một khi một di tích lịch sử bị phá hủy, không có gì đền bù thay thế được. May nhờ lãnh đạo sáng suốt và lắng nghe phản biện của dân chúng nên dự án này tạm thời bị đình chỉ. Nếu Huế dần dần mất các khu lịch sử, các lăng tẩm chùa chiền cho kỹ nghệ du lịch, sự thiệt hại tính ra bằng tiền đáng giá bao nhiêu?

Vì lúc nào cũng đặt tiêu chuẩn hiệu năng lên hàng đầu, các nhà kinh tế thường bỏ qua những yếu tố phi kinh tế, nghĩa là những yếu tố làm chi phí sản xuất tăng đều phải gạt bỏ ra ngoài. Gần đây những người ủng hộ kinh tế thị trường gốc Việt trên tờ Thế kỷ 21 xuất bản ở Mỹ vẫn còn than phiền quyết định thành lập nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi. Các chuyên viên này than vãn là tại sao chính phủ không chịu đặt nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu, nơi có sẵn hải cảng, dễ đặt ống dẫn dầu. Nếu chính phủ chịu nghe theo khuyến cáo của các tổ hợp quốc tế thì nhã máy đã bắt đầu hoạt động từ lâu. Đặt nhà máy lọc dầu ở Dung Quất là một quyết định phi kinh tế vì phải tốn kém để xây các hạ tầng cơ sở. Có một yếu tố mà các nhà kinh tế thị trường này không thèm hay cố tình không quan tâm, là mức sống của dân chúng Nam Ngãi thấp nhất so với dân chúng ở các vùng khác. Giả sử đặt nhà máy lọc dầu ở Dung Quốc là một quyết định phi kinh tế đi nữa, nhưng đó là một quyết định sáng suốt nếu chủ chương của chính phủ là chia “miếng bánh phát triển” đồng đều cho dân chúng ở các vùng khác và dân chúng Nam Ngãi, nơi những người dân vốn chịu thiệt thòi nhiều đời, từ thời Pháp thuộc, qua đệ nhất, đệ nhị cộng hòa ở miền Nam và hiện nay có lẽ vẫn còn nghèo hơn dân chúng vùng khác. Quyết định này đâu có đi ngược với chủ trương của Samuelson, phân phối lợi tức đồng đều đến một mức có thể được. Dân chúng Vũng Tàu đã có nguồn lợi lớn từ ngành du lịch, tại sao dân Nam Ngãi không có quyền có thêm công ăn việc làm từ các nhà máy lọc dầu?

Các chi phí xã hội do kinh tế thị trường gây ra cũng trầm trọng như những đợt sóng thần, nhưng nạn nhân không thể kiện những người gây ra mất mát hay thiệt hại. Nạn nhân không phải chỉ là dân chúng sống ở các nước nghèo đang phát triển, mà chính là những người dân Mỹ cũng không tránh khỏi. Những nhà kinh tế thị trường “nóng lòng đổi mới” luôn miệng thúc giục chính phủ không nên bỏ qua “cơ hội ngàn năm” một thuở “để hội nhập quốc tế”, không chịu để ý, hay cố tình quên, mục đích tăng trưởng là tạo một xã hội sung túc không phải chỉ cho thiểu số mà cho đa số dân chúng đến một mức có thể được. Ngay trong phiên bản Economics đầu tiên vào năm 1948, Samuelson đã chỉ trích kịch liệt chính sách phân chia tài sản chênh lệch ở Mỹ và cho là việc cổ võ cho xã hội bất công không những không đúng, mà còn là một tội ác [Samuelson 604]. Samuelson đã nhiều lần dùng chữ evil để mô tả hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo. Dĩ nhiên không có xã hội nào thực sự đạt đến mức công bằng tuyệt đối, tuy nhiên lý tưởng công bằng khuyến khích sự phân phối lợi tức đồng đều chừng nào tốt chừng đó, đến mức tối đa mà hoàn cảnh cho phép.

Samuelson mô tả guồng máy thị trường có tính khoa học, như khoa vật lý hay sinh học, nên không phải là thuộc tính của chế độ nào, nhất là chế độ tư bản quá khích “sống chết mặc bay”. Những nhà lãnh đạo ở bất cứ chế độ chính trị nào cũng có thể áp dụng kinh tế thị trường để phát triển và tùy lý tưởng xã hội mà mình theo đuổi, áp dụng phân phối lợi tức theo chính sách mong muốn. Samuelson đã nhiều lần khuyến khích các nước xã hội chủ nghĩa chấp nhận chính sách tự do thị trường, nhưng không hề có ý kêu gọi họ từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Về lý tưởng xã hội, Samuelson gần với Marx và Keynes hơn cả các nhà kinh tế thị trường, khuyến khích chính sách phát triển bất kể hậu quả nguy hại về xã hội, đạo đức và môi sinh. Nhưng dân chủ có nhiều mô thức khác, như mô thức xã hội tiến bộ ở Bắc Âu và bình đẳng ở Tây Âu. Dĩ nhiên không ai khuyến khích chế độ toàn trị, thường đưa đến những tệ nạn như tham quyền cố vị, tham nhũng. Nhưng để phát triển kinh tế, George Soros đề nghị một xã hội mở [Open Society] và xã hội mở không phải chỉ có mô thức Mỹ. Có những chế độ tư bản với bộ mặt nhân bản hơn ở Bắc Âu hay ít ra cũng là chế độ tư bản bình đẳng ở Tây Âu. Đề cập đến dân chủ Tây phương một cách chung chung là một thái độ cố tình tung hỏa mù.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Quán như Nguyễn Văn Minh – Kinh tế Phật giáo – NXB VHVN 2012

Video liên quan

Chủ Đề