Hổ có tên gọi khác là gì

Nhắc đến loài hổ, chúng ta liên tưởng ngay đến danh hiệu "Chúa sơn lâm" - vị vua của rừng rậm.

Trong văn hóa, tín ngưỡng ở nhiều nước phương Đông, loài hổ thường được xếp vào hàng linh thú và được tôn trọng, thậm chí được sùng kính, là loài vật có thể trừng phạt kẻ ác, xua đuổi tà ma.

Người phương Đông xưa tin rằng những sọc lông màu đen ngang dọc nổi lên giữa đám lông vàng trên trán hổ tạo thành chữ vương 王 [vua], như một bằng chứng cho thấy địa vị cao quý của nó giữa muôn loài.

Hình ảnh loài hổ trong truyền thuyết nổi tiếng nhất có lẽ là bắt nguồn từ tích mười hai con giáp theo truyền thuyết dân gian. Tương truyền thuở xa xưa, Ngọc Hoàng muốn chọn ra mười hai con vật tiêu biểu làm đại diện cho tên gọi của thời gian [các khung giờ, ngày, tháng, năm] dưới trần. Hổ là con vật thứ ba lên Thiên đình nên được vào mười hai con giáp. Hổ uy quyền, dũng cảm... vì thế có quan niệm cho rằng những người sinh năm hổ tính cách mạnh mẽ, được nể phục.

Loài hổ cũng vinh dự xuất hiện trong thần thoại nhiều nước phương Đông. Trong tứ tượng - bốn loài linh thú đại diện cho bốn phương theo văn hóa, phong thủy của người xưa thì cùng với Rồng Xanh [Thanh Long đại diện phương Đông], Chim Đỏ [Chu Tước đại diện phương Nam], Rùa Đen [Huyền Vũ đại diện phương Bắc] còn có Hổ Trắng - Bạch Hổ đại diện cho phương Tây, tương ứng với mùa thu, chịu trách nhiệm cai quản biên cương, đồn lũy quân sự.

Ở Việt Nam, hổ cũng được coi là loài vật linh thiêng của rừng rậm. Tại một số địa phương, người ta không gọi hổ là "con hổ" mà gọi bằng tên "ông hổ" một cách sùng kính. Ngoài tên "hổ", người Việt ta còn gọi khác cho loài vật này như "chúa sơn lâm", "cọp", "hùm", "Ông Ba Mươi"...

Về cái tên "Ông Ba Mươi" lại có hẳn một sự tích thú vị. Chuyện kể rằng thời xưa có một vị thần khổng lồ tên là Phạm Nhĩ. Phạm Nhĩ không những vóc dáng cao lớn, sức khỏe hơn người mà còn nổi tiếng có đôi tai dài, đến nỗi ai ai cũng có thể nghịch bám lên hai bên tai ông để vui đùa, và vì thế mà ông có tên là Nhĩ. Phạm Nhĩ cậy mình to khỏe, cho rằng trên trời dưới đất, chẳng còn ai địch nổi, bèn chiêu tập binh lính, dự tính đánh lên tận Thiên đình cho vui. Ngọc Hoàng nghe được tin ấy thì hoảng sợ, vội gọi thiên binh thiên tướng mang quân xuống trần bắt Phạm Nhĩ. Các tướng nhà trời xuống đánh nhau với Phạm Nhĩ đều thua hết, sau phải nhờ đến Phật Tổ ra tay mới thu phục được Phạm Nhĩ. Phạm Nhĩ bị phạt đày xuống trần thế làm loài hổ. Thế là hổ nhanh chóng thống trị muôn loài, trở thành chúa sơn lâm dưới hạ giới. Có tích kể rằng, xưa kia các thợ săn nếu bắt được hổ đem dâng vua chúa đều được thưởng ba mươi quan tiền. Nhưng đồng thời cũng phải chịu phạt ba mươi roi để xoa dịu ông Phạm Nhĩ vì đã bắt con cháu của ông. Và cũng từ đó mà sinh ra cái tên "Ông Ba Mươi" ám chỉ loài hổ.

Trên các bức bình phong tại cổng đền chùa, người ta thường đắp hình con hổ đang bước xuống những bậc đá gập ghềnh. Với tư thế đó, hổ là hiện thân của âm giới, đại diện cho khả năng kiểm soát linh hồn khách hành hương. Trong dân gian, người ta còn thờ Ngũ hổ để tượng trưng cho năm phương: Hoàng Hổ [Hổ Vàng] ở giữa gọi là Trung phương, Xích Hổ [Hổ Đỏ] là phương Nam, Lục Hổ [Hổ Xanh] là phương Đông, Bạch Hổ [Hổ Trắng] là phương Tây và Hắc Hổ [Hổ Đen] là phương Bắc. Tất cả đều mang ý nghĩa cầu mưa và cầu cho mọi sự tốt lành sinh sôi, phát triển.

Các tranh hổ và bức ngũ hổ [phải] trong tranh dân gian Hàng Trống do nghệ nhân Lê Đình Nghiêm thực hiện. Ảnh: Giang Huy

Vào tối ba mươi Tết, tại một số nơi ở Việt Nam, người ta dùng vôi trắng vẽ hình hổ phục bốn góc sân nhà với ngụ ý trừ đuổi tà ma, quỷ quái, cầu cho mọi người được khỏe mạnh, bình an, chăn nuôi, trồng trọt đều hanh thông, phát đạt.

Có một quốc gia ở châu Á cũng rất coi trọng loài hổ, thậm chí còn đưa hổ trở thành loài vật biểu tượng của đất nước. Đó là Ấn Độ với loài hổ Bengal to lớn nổi tiếng. Hổ xuất hiện rất nhiều trong các truyện thần thoại Hindu, thường trở thành vật cưỡi của các vị thần, điển hình như nữ thần Durga [Nữ thần Mẹ trong thần thoại Ấn Độ], thường cưỡi hổ đi trấn áp yêu ma, bảo vệ dân lành, là biểu tượng sức mạnh của người phụ nữ.

Các bộ lạc thiểu số ở Ấn Độ đặc biệt coi trọng loài hổ. Người Bharia ở thị trấn Bageshwar miền Trung Ấn Độ thờ thần hổ tại đền Bagnath [tiếng Bharia cũng có nghĩa là Hổ Chúa], họ tin rằng nhờ có sự bảo hộ của vị thần này mà nơi đây không ai bị hổ ăn thịt. Đến những dịp lễ, họ thường đặt một bát rượu sau nhà phần cho hổ. Nếu sáng hôm sau bát rượu cạn đi thì có thể hiểu là thần hổ đã chấp nhận "món quà" của họ và năm đó cả gia đình sẽ được bảo trợ. Người Naga thì lại có một truyền thuyết thú vị cho rằng Mẹ Tạo Hóa đã sinh ra ba người con là con người, hổ và các linh hồn của thiên nhiên. Thời xa xưa, cả ba đều chung sống hòa thuận. Nhờ có hổ, con người mới nhìn thấy, lắng nghe thiên nhiên. Nhưng rồi con người sinh sôi quá nhiều, bèn tìm kế lừa đuổi hổ vào rừng sống. Kể từ đó cho đến nay hổ sống tách biệt trong rừng sâu và không còn liên hệ thân thiết với con người. Đồng thời do không có hổ, con người cũng không còn khả năng nghe và thấy các linh hồn của thiên nhiên nữa.

EPIC [Trích sách Nhâm Nhi Tết - Nhâm Dần, Nhà xuất bản Kim Đồng]

Tác giả EPIC sinh năm 1991, tên thật là Nguyễn Tiến Thành, blogger sở hữu wordpress Thế giới Thần thoại và là admin của fanpage Epic trên facebook, có niềm đam mê sưu tập và kể lại những câu chuyện về sinh vật huyền bí. EPIC là tác giả cuốn sách Sinh vật thần thoại khắp thế gian, Các vị thần linh khắp thế gian].

Chủ Đề