Đánh giá phim the wind rises năm 2024

The Wind Rises (tên Việt: Nổi gió) được cho là bộ phim cuối cùng của Hayao Miyazaki, đạo diễn huyền thoại, linh hồn của hãng Ghibli, hãng phim hoạt hình mà tôi yêu thích nhất. Nhưng không có nghĩa tuyên bố rửa tay gác kiếm của Miyazaki đồng nghĩa với sự chấm hết của Ghibli, vì đây chả phải lần đầu ông già này tuyên bố nghỉ việc. Hồi lâu tôi có nghe một câu thoại rất tâm đắc trong phim “Charlie and the Chocolate factory” thế này: “Khi người lớn bảo ‘không bao giờ nữa’ thì họ có ý là ‘sẽ rất lâu nữa họ mới làm tiếp’ chứ chẳng phải họ thật sự ‘không bao giờ nữa’!”. Bạn thân của Miyazaki cũng xác nhận rằng từ ngày ông nghỉ hưu đến nay, ổng vẫn tới xưởng vẽ hằng ngày! Vậy nên cũng chả lấy làm hoảng sợ rằng Ghibli từ nay sẽ dần mất chất như Apple mất Steve Jobs, vài năm nữa, lại có 1 bộ phim mệnh danh “bộ phim cuối cùng” của ổng nữa cho coi!

Đánh giá phim the wind rises năm 2024

Mở đầu The Wind Rises là câu thơ của nhà thơ người Pháp gì đó quên tên rồi:

“Le vent se lève!… Il faut tenter de vivre!” (Gió nổi lên kìa! Hãy gắng lấy mà sống!)

Nội dung xuyên suốt của cả bộ phim, chỉ có thế, ấy là nỗ lực sống của nhân vật chính, là nỗ lực vươn lên của nước Nhật. Phim lấy bối cảnh Nhật đầu thế kỷ 20, đang dần vươn dậy từ một quốc gia lạc hậu bị phương Tây nhòm ngó xâm lược, buộc phải tự cải cách sản xuất phát triển thành một Đế quốc sừng sỏ Đông Á.

Jiro, chàng trai đeo mắt kính cận dày cui, nhân vật chính của bộ phim, đam mê với máy bay từ nhỏ. Từ những cuốn sách tiếng Anh mượn từ thư viện, Jiro mày mò dịch sang tiếng Nhật để rồi có đam mê mãnh liệt với khí động học, với động cơ và mơ ước chế tạo máy bay ‘made in Japan’ hiện đại. (Nên nhớ rằng cho đến nay, bọn học sinh Nhật vẫn cực kỳ dốt môn ngoại ngữ, không khá lên được, một phần vì Nhật đã quá phát triển, tư liệu tiếng Nhật cũng đã đủ dùng để tự thân phát triển quốc gia , cái nữa quan trọng hơn, vì Nhật không dùng bảng chữ Latin, nên việc bắt đầu với một ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ rất chi gây thối chí).

Đánh giá phim the wind rises năm 2024

Jiro lấy cảm hứng từ Caproni, một kỹ sư hàng không người Ý, để tạo động lực hiện thực hóa giấc mơ chinh phục làm chủ bầu trời. Và đam mê cùng động lực mạnh mẽ ấy đã khiến anh thực hiện được giấc mơ từ thuở nhỏ.

Thế nhưng để đạt được điều ấy, Jiro phải đánh đổi hạnh phúc cá nhân. Naoko, người vợ của anh, mắc bệnh ho lao, và khi biết bệnh tình mình trở nặng, cô đã rời đi để Jiro chuyên tâm vào công việc. Thiết kế của Jiro thành công, vút bay lên bầu trời, trở thành vũ khí lợi hại của Nhật trong thế chiến thứ 2, cũng là lúc Naoko ra đi mãi mãi.

Trong giấc mơ, Jiro lại thấy ngài Caproni, thấy Naoko, ở bên động viên anh hãy tiếp tục sống tiếp với giấc mơ dang dở. Bởi vì, ngọn gió tiếp tục nổi lên, con người vẫn phải cố gắng tiếp tục sống!

Chuyện tình Jiro – Naoko đẹp, nhưng không phải có kết cục tốt đẹp như thông thường, chắc ông Miyazaki cũng muốn mọi người phải băn khoăn, trằn trọc với bộ phim “cuối cùng” của ổng.

Đánh giá phim the wind rises năm 2024

Như thường lệ, The Wind Rises vẫn là một siêu phẩm có khả năng mãn nhãn người coi khó tính nhất về mọi phương diện. Khung cảnh trong phim vẫn là những bức tranh màu nước vẽ tay kỳ công, mô phỏng hiện thực một cách tỉ mỉ tuyệt vời không thể đẹp hơn, âm thanh tuyệt, cốt truyện tuyệt.

Thế nhưng, hơn những bộ phim hoạt hình từng làm, có lẽ Miyazaki muốn truyền tải nhiều thông điệp hơn, với The Wind Rises. Thứ nhất là hình ảnh nước Nhật. Phải nói, bộ phim quá Nhật. Tinh thần Nhật, văn hóa Nhật, nét đẹp Nhật… – những giá trị tinh thần, nhân văn mà ta thường thấy trên báo, những điều ở con người Nhật khiến thế giới phải ngả mũ kính phục.

Ấy là sự đam mê cống hiến, hy sinh: Jiro ngay từ nhỏ đã tự xây cho mình giấc mơ về những cánh máy bay vút lên cao trên nền trời rồi xuyên thẳng qua màn mây tuyệt đẹp. Và từ đó trở đi, anh cống hiến toàn bộ thời gian, sức lực, tâm trí, tuổi trẻ với máy bay, với bản vẽ kỹ thuật, với những buổi lái thử. Tôi liền liên tưởng tới Miyazaki về những tác phẩm của ông, hẳn sự đam mê với hoạt hình, đồ họa, với những câu chuyện của ông cũng chẳng kém cạnh gì với Jiro. Đến nay 73 tuổi, tuổi mà hầu hết phụ lão ở Việt Nam, thậm chí ở Nhật, toan tính đến chuyện xây cất mộ phần (chứ việc toan tính về hưu hẳn là đã thực hiện chục năm về trước), thì Miyazaki vẫn chẳng hề dao động với đam mê nghệ thuật của ông, vẫn đều đặn cho ra đời những kiệt tác mà người hâm mộ đón chờ hằng năm. (Xong tôi nghĩ đến tôi…..)

Đánh giá phim the wind rises năm 2024

Sự hy sinh của con người Nhật Bản không dừng lại ở những con người tài hoa như Jiro, Honjo. Sự hy sinh ấy nằm ngay từ những con người thầm lặng cống hiến như Naoko, như mẹ, như em gái của Jiro. Từ bỏ gia đình và sự chăm sóc chu đáo của gia đình quý tộc, cô đến bên Jiro giản dị nhưng chân thành, đám cưới của 2 người chẳng cần sự chứng kiến của quan khách hay những thủ tục vật chất thường thấy. Thế rồi từ bỏ hôn nhân hạnh phúc mà cô đang có với Jiro, Naoko lặng lẽ rút lui để mở rộng con đường phát triển cho Jiro, vừa để anh tập trung hoàn toàn cho công việc kiến thiết đất nước Nhật, cũng là một cách kiến anh phải nhớ đến cô mãi mãi. Naoko hẳn là hình mẫu quen thuộc và rất đặc trưng cho phụ nữ Nhật Bản, họ đứng sau, tỉ mỉ chăm chút cho gia đình và hậu thuẫn cho sự nghiệp của chồng con.

Tinh thần Nhật ở đây còn là sự cần cù vươn lên từ những đống đổ nát, như loài phượng hoàng trong truyền thuyết. Sau cuộc động đất kinh hoàng năm 1923, mọi thứ hầu như sụp đổ. Thế những người ta vẫn giúp đỡ nhau chẳng nề hà người xa lạ không quen biết, vẫn xếp hàng chờ đến lượt mình có ngụm nước sạch, vẫn điềm tĩnh cứu vớt những thứ còn sót lại rồi lặng im lầm lì tái thiết nhà cửa cầu cống, như nghiễm nhiên mặc định những điều ấy là một phần trong cuộc sống của họ, trong thiên nhiên, địa lý nước họ. Hai đứa trẻ nhà nghèo đói meo chờ bố mẹ về nhưng một mực không nhận đồ ăn người khác cho. Một nước Nhật dùng xe bò đực kéo máy bay từ xưởng ra bãi thử…