Hàng hóa có hàm lượng lao động lớn là năm 2024

Ông Nguyễn Công Hiến- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, trong các năm tới nước này sẽ là nền kinh tế lớn, ổn định với ngoại thương phát triển mạnh, có nhiều tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.

Hỏi: Ông có thể cho biết đôi nét về thị trường Thổ Nhĩ Kỳ?

Ông Nguyễn Công Hiến: Kinh tế thương mại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 tăng trưởng mạnh, xuất khẩu đạt 85,14 tỷ USD tăng 15,9%, nhập khẩu đạt 137,03 tỷ USD, tăng 17,3%, GDP đạt 360 tỷ USD tăng 5,3% so với năm 2005. Tình hình đó đã tạo đà cho kinh tế thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển trong năm 2007 và các năm sau. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lập kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ 9 (giai đoạn 2007- 2013), theo đó vào năm 2013, GDP đạt khoảng 690 tỷ USD tăng gần gấp đôi so với mức hiện nay, thu nhập đầu người đạt 8.723 USD, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD và nhập khẩu đạt 260 tỷ USD, nguồn thu từ du lịch đạt 36 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% và lạm phát giới hạn ở mức thấp khoảng 3%. Với kim ngạch nhập khẩu trên 100 tỷ USD mỗi năm và dự kiến đến năm 2013 là 260 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là thị trường có tiềm năng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: điện tử, giày dép, đồ gỗ, dệt may, cao su tự nhiên, sản phẩm chất dẻo, gạo, cà phê, hạt tiêu, thủ công mỹ nghệ…

Hỏi: Những mặt hàng nào của Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường này, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hiến: Theo tôi, các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng lao động cao cần được quan tâm hàng đầu tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng điện tử, máy vi tính, linh kiện điện tử: Nhu cầu nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ rất lớn, khoảng 6,5 tỷ USD/năm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta vào đây còn rất nhỏ (chiếm khoảng 0,3% tức 19 triệu USD, năm 2006). Qua theo dõi, tôi thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức cao nhất so với các mặt hàng khác (tăng 100%- 200%/năm). Với đà này, việc phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của chúng ta còn nhiều triển vọng.

Mặt hàng cao su tự nhiên: Mỗi năm Thổ Nhĩ Kỳ nhập khoảng 0,5 tỷ USD cao su tự nhiên, trong đó nhập từ Thái-lan khoảng 89 triệu USD, Indonesia 60 triệu USD, Malaysia 28 triệu USD, Đài Bắc Trung Quốc 16 triệu USD. Năm 2006 Việt Nam xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ 13,6 triệu USD, dự kiến năm 2007 đạt 18 triệu USD (tăng trên 30% so với năm trước).

Đồ gỗ: Hàng năm Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 0,5 tỷ USD. Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng khá nhanh trong mấy năm gần đây, chỉ sau hàng điện tử. Năm 2006 Việt Nam xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3,5 triệu USD, với đà tăng trưởng như hiện nay dự kiến năm 2007 sẽ đạt 5 triệu USD (tăng trên 40% so với năm trước).

Giày dép: Mỗi năm Thổ Nhĩ Kỳ nhập khoảng 600 triệu USD giày dép, trong đó Trung Quốc là nước cung cấp lớn nhất khoảng 258 triệu USD, kế đó là Italia khoảng 53 triệu USD, và Việt Nam khoảng 40-50 triệu USD. Tại Thổ Nhĩ Kỳ có khá nhiều nhà sản xuất giày dép có tên tuổi như: Mekap, Egeaysad, Koclar, Akdag, Adela, Beymond, Eray, Nezih, Pames... Mỗi năm, bạn xuất khẩu khoảng 250 triệu USD giày dép chủ yếu vào thị trường Nga, Trung Á và Trung Đông. Hiện nay, trên trị trường Thổ đang hiện hữu sự canh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp bạn với Trung Quốc, Italia và Việt Nam. Mức tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này cuả Việt Nam vào Thổ trong năm 2007 và các năm sau dự kiến khoảng 20%/năm.

Hàng dệt may: Hàng năm, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD hàng dệt may và nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD. Năm 2006, nhằm bảo hộ mặt hàng xuất khẩu quan trọng này, ngoài các biện pháp đã áp dụng với Trung Quốc và một số nước khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố danh mục 29 chủng loại hàng dệt may của Việt Nam bị áp hạn ngạch. Tuy nhiên do các doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng tốt những Cat không bị áp hạn ngạch nên năm 2006 vẫn đẩy xuất khẩu hàng dệt may của chúng ta vào thị trường này tăng mạnh, đạt 5,5 triệu USD tăng 114% so với năm 2005. Từ ngày 11-1-2007, Thổ Nhĩ Kỳ đã xóa bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam, đây là điều kiện tốt để chúng ta có thể đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này.

Riêng đối với mặt hàng dệt may cần chú trọng đến các Cat 4,5,7,10,12,13,15,21,28, là những Cat bán chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là 3 Cat nóng 6, 35 và 41. Đối với giày dép, cần chú trọng đến các loaị giày thể thao mà thị trường có nhu cầu lớn, vừa tránh được sự cạnh tranh của giày da Italia và Thổ Nhĩ Kỳ, lại vừa phòng tránh được các vụ kiện thương mại có thể xảy ra do tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường rất gay gắt. Riêng về xuất khẩu cao su tự nhiên, cần giao hàng đồng bộ cả về số lượng lẫn chủng loại, đặc biệt là các loại SVR10, SVR20.

Thổ Nhĩ Kỳ: Điểm đến an toàn cho FDI

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có dân số trẻ và dồi dào; nguồn lao động rẻ và được đào tạo tốt; nhiều tiềm năng công nghiệp chưa được khai thác; hạ tầng cơ sở vững chãi; dễ dàng tiếp cận với các nền kinh tế thế giới.

Thời điểm trước năm 2003, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Thổ nhĩ Kỳ chỉ đạt khoảng một tỷ USD.

Con số này ở những năm sau đó đã tăng lên với tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc: năm 2003 là 1.8 tỷ, năm 2004 là 2.9 tỷ. năm 2005 là 9.8 tỷ, năm 2006 tăng vọt lên 20 tỷ và dự đoán năm 2007 sẽ vượt ngưỡng 30 tỷ. Đâu là nguyên nhân của sự bùng nổ FDI tại Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua? Tờ Today’s Business, đặc san của báo Today’s ZAMAN vừa có bài phân tích về vấn đề này:

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2001, với việc thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ và cộng với những luồng gió mới từ châu Âu (cải cách kinh tế theo hướng gia nhập EU), Thổ Nhĩ Kỳ được các nền kinh tế thế giới đón nhận như một chú phượng hoàng cất cánh bay lên từ đống tro tàn, trở thành một quốc gia thu hút được nguồn FDI khổng lồ từ bên ngoài. Nhận thấy cơ hội tiềm tàng từ việc tư nhân hóa nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại bỏ ra các khoản tiền lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất hoặc thiết lập các mối quan hệ đối tác với các tập đoàn kinh tế lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích kinh tế trong và ngoài nước đã tập trung nghiên cứu tìm lời giải đáp cho việc vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại thiết tha tìm kiếm một chỗ đứng tốt nhất trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, thương mại bán lẻ, công nghiệp xây dựng, công nghiệp tự động và công nghiệp năng lượng. Một số nguyên nhân chủ yếu được liệt kê là: Thổ Nhĩ Kỳ là nước có dân số trẻ và dồi dào; nguồn lao động rẻ và được đào tạo tốt; nhiều tiềm năng công nghiệp chưa được khai thác; hạ tầng cơ sở vững chãi; dễ dàng tiếp cận với các nền kinh tế thế giới; có chính sách khuyến khích đầu tư thông qua việc miễn thuế và cấp đất; chính phủ có quan điểm trung lập trong việc sản xuất và tiêu thụ nguồn năng lượng; có một chính phủ một đảng có tư tưởng cải cách hướng tới các tiêu chuẩn châu Âu; các chính sách kinh tế chặt chẽ được kiểm soát trong một cơ chế có kỷ luật; và đặc biệt là các cuộc đàm phán gia nhập EU đang diễn ra chính là nguyên nhân chủ đạo cho việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cục nam châm thu hút vốn đầu tư.

Những thành tựu kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được trong mấy năm vừa qua cũng giúp sức thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Trong các năm từ 2003 đến 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 7.6% trong đó có tới 4.4% được đóng góp bởi đầu tư tư nhân. Ngoại thương đã đánh dấu mốc kỷ lục trong lịch sử kinh tế đất nước với mức xuất khẩu dự tính trong năm 2007 ước đạt 100 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu năm 2007 ước đạt 150 tỷ làm dấy lên lo ngại trong một số nhà phân tích rằng thâm hụt cán cân thương mại sẽ ở mức 50 tỷ USD trong năm nay - dấu hiệu tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2001. Song, đa số các nhà kinh tế đều lạc quan cho rằng việc nhập khẩu tăng là do phải mua hàng hóa phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, điều này sẽ mang lại thêm nhiều giá trị gia tăng sau khi bán được hàng hóa. Và rằng với việc ngày càng có thêm nhiều nguồn FDI đổ vào thị trường nội địa chính là liều thuốc hữu hiệu chữa trị căn bệnh thâm hụt cán cân thương mại. Nếu như năm 2003, FDI chỉ đóng góp 21.8% nguồn tài chính cho cân bằng thâm hụt cán cân thương mại thì chỉ riêng trong quý một năm 2007, con số này đã đạt 81.9%.

Việc chính phủ kiềm chế lạm phát ở mức một con số là một thành quả kinh tế lớn đạt được trong suốt hơn 30 năm qua. Chương trình dự phòng được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với IMF được xem như là việc triển khai các chính sách tiền tệ và ngân sách chặt chẽ nhằm đạt được tăng trưởng thặng dư khoảng 6.5% hàng năm. Việc này cũng đồng nghĩa với việc hướng tới mục tiêu giảm giảm nợ và chi trả lãi suất, các khoản chi lấy khỏi ngân sách nhà nước hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Xét theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) mà Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra hàng năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được bước tiến kinh ngạc vào năm 2006 khi được xếp hạng ở vị trí thứ 59, thay vì ở vị trí thứ 72 ở năm 2005. Với bước tiến này, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được coi là có tốc độ phát triển đứng hàng thứ tư trên thế giới. Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, ông F. Sahenk, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Thổ nhĩ Kỳ không phải là một con số ngẫu nhiên, và rằng trong môi trường kinh tế thuận lợi như hiện nay, người tiêu dùng cũng đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tiêu dùng dài hạn dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn trong các khoản vay tín dụng dài hạn hơn. Theo hướng này, mức độ thịnh vượng của người dân sẽ được tăng lên cùng với mức tổng sản phẩm quốc nội (GNP) trên đầu người sẽ tăng lên ở mức 5.566USD.