Bài hát đồng đội sáng tác năm nào năm 2024

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Có những ca khúc, những ca từ đôi khi ăn sâu vào tâm thức của mỗi chúng ta một cách tự nhiên nhẹ nhàng bởi sức cuốn hút kỳ diệu của âm nhạc, bởi sự sẻ chia đồng điệu cảm xúc giữa mọi người hay nói đơn giản hơn chỉ vì giai điệu ấy, lời ca ấy đã nói hộ lòng chúng ta những xúc cảm về cái đẹp, về những không gian thân quen hay một giai đoạn lịch sử thăng trầm. Có lẽ đó là những gì khái quát nhất để nói về âm nhạc của người nhạc sỹ tài danh Hoàng Hiệp.

“Lá Đỏ”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Chút thơ tình người lính biển” hay “Nhớ về Hà Nội” gần 200 ca khúc đã làm nên tên tuổi của ông cho đến bây giờ vẫn còn rủ rỉ tự tình hoặc ngân vang hào hùng trong tâm hồn công chúng yêu mến âm nhạc Việt Nam bao thế hệ.

Sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Hiệp được hình thành và phát triển trong giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền với điểm mốc là ca khúc bất tử “Câu hò bên bờ Hiền Lương” phổ thơ Đằng Giao được ông sáng tác năm 1957 đã làm thổn thức biết bao trái tim thanh niên thời đó. Cũng như đa số các ca khúc viết trong những tháng năm sau này với chủ đề về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước hào hùng của dân tộc ta, Hoàng Hiệp đã đem đến một góc nhìn tươi mới, lãng mạn nhưng không hề ủy mị, tranh đấu nhưng không hề đao to búa lớn. Ông dịu dàng mang đến những câu chuyện tình yêu, những cảm xúc được thăng hoa đồng hiện cùng với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ non sông của người dân Việt Nam. Ngoài ra tên tuổi nhạc sỹ nhạc đỏ Hoàng Hiệp, lúc bấy giờ còn tiên phong mở hướng sang những bản tình ca, mà sau đó đều nổi tiếng như “Con đường có lá me bay”, “Hoa hồng”, “Nơi anh gặp em”…

Chương trình chân dung số 8 “Hoàng Hiệp - Nơi gặp gỡ tình yêu” được Truyền hình di động VTC thực hiện một đêm duy nhất tại nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 12 năm 2009 với sự tham gia của các giọng ca Ánh Tuyết, Thanh Thúy, Cao Minh, Đức Tuấn… với chủ đề xuyên suốt là những cảm xúc về tình yêu quê hương - đôi lứa trong sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, các ca khúc trong chương trình sẽ được kết hợp với những câu chuyện nhỏ, những nhân vật ngoài cuộc sống, những tư liệu lịch sử cũng như những hình ảnh mới nhất của nhạc sỹ Hoàng Hiệp qua các phóng sự đồng hành được nhóm phóng viên kênh VTC HD1 thực hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 12 năm 2009.

Xin "bật mí" với độc giả về "xuất xứ" vài trong rất nhiều những ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Hiệp.

Nhớ về Hà Nội - nhớ về quê hương

Hoàng Hiệp kể: “Sau năm 1975, tôi đưa gia đình trở về Nam sinh sống. Mãi đến 9 năm sau, trong một lúc nhớ lại những năm tháng sống ở Hà Nội, cảm xúc tự nhiên tuôn trào khiến tôi viết nên "Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...". Cho đến tận bây giờ, khi nghe ca khúc này, cảm xúc của tôi về Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn”.

Trở về dòng sông tuổi thơ - thương nhớ sông Tiền

“Đó là ca khúc tôi viết những năm đầu thập niên 80. Tôi sinh ra tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sau một thời gian dài xa quê, xa dòng sông mà cả quãng tuổi thơ gắn bó, được trở về ngắm sông Tiền lặng lờ trôi, tôi đã viết Trở về dòng sông tuổi thơ. Tôi không phổ biến bài này vì nghĩ đó là tự sự của riêng mình, chỉ hát cho bạn bè nghe lúc họp mặt. Chẳng ngờ, được nhiều người thích, bạn bè xui nên phổ biến bài hát. Phải đến 7-8 năm sau khi sáng tác, bài hát mới được công chúng biết đến”.

Em vẫn đợi anh về và những… vết răng trên chiếu

“Khoảng năm 1967-1968, Mỹ đánh ra Hà Nội rất ác liệt, vợ tôi phải sơ tán vào Hà Đông. Một lần tôi đến thăm, gia đình nơi vợ tôi ở có một cô gái chồng đi B. Thấy cô ấy bình thản đi về, vẫn đi làm vui vẻ, không có “dấu hiệu” nhớ nhung, lo lắng đến chồng, một hôm tôi hỏi: “Hình như sự cách xa không làm cô buồn?”. Cô ấy nhìn tôi khó chịu: “Thì ra anh cũng chỉ như bao nhiêu người khác”. Cô ấy giở mảnh chiếu thường nằm lên, giơ lên trước mặt tôi: “Anh nhìn đi!”. Một mảnh chiếu đầy những vết răng của những đêm nhớ mong chồng, nỗi nhớ giấu vào trong mà không muốn những người xung quanh biết. Trước người phụ nữ ấy, tôi thấy mình quá nông nổi. Ngay lúc đó tôi nghĩ đến Đợi anh về [thơ Ximônốp, Lê Giang dịch]. Bài hát ra đời trong cảm xúc đó”.

Ánh Tuyết và ATB Band của chị sẽ đảm nhiệm chương trình.

Câu hò bên bờ Hiền Lương và chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ thời chiến

Mùa hè năm 1957,đang là sinh viên năm đầu khoa Sáng tác [Trường Âm nhạc Việt Nam] Hoàng Hiệp đi thực tế tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Lần nào đến thăm cây cầu Hiền Lương, nhạc sĩ cũng ngẩn ngơ hàng giờ bên ranh giới phân chia ấy đăm đắm dõi về Nam, bồi hồi nhớ quê hương.

Ông còn được các chiến sĩ và bà con ở đây kể cho nghe mẩu chuyện cảm động về tình cảm gắn bó keo sơn của Bắc-Nam ruột thịt. Gắn bó mà vẫn phải xa cách như Ngưu Lang - Chức Nữ.

…Chuyện kể rằng, có người vợ trẻ nhà ở sát bờ nam sông Bến Hải, sáng nào cũng ra sông giặt quần áo để tranh thủ những phút hiếm hoi được ngắm nhìn dáng hình người chồng là chiến sĩ Công an vũ trang thường cùng đồng đội đi tuần tra vào giờ khắc ấy.

Một buổi sáng nọ chị đã giặt giũ xong từ lâu mà bóng chồng vẫn bặt, lòng bồn chồn…Hoàng Hiệp nghe mà lòng cũng tê dại. Cảm xúc về nỗi chia ly trào dâng trong tâm hồn người nghệ sĩ, nhưng trong đầu ông vẫn chưa nảy ra tứ nào.

Bẵng đi một thời gian, lần đến thăm đồn công an Cửa Tùng, nỗi đau Nam - Bắc ấy lại ùa về trong tim Hoàng Hiệp.

Chả là, trong mấy ngày lang thang ở bãi biển, bến sông, nhạc sĩ thấy một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi, chiều chiều trèo lên đỉnh ngọn hải đăng, đăm đắm dõi mắt về bờ Nam.

Tới làm quen, gợi chuyện, ông biết đó là anh Phan Văn Đồng, nhân viên Đài khí tượng Cửa Tùng, quê ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị - vùng phía Nam Vĩ tuyến 17. Anh Đồng là bộ đội Trung đoàn 95, tập kết ra Bắc năm 1954.

Anh đã có vợ và con đang héo hắt ruột gan trông ngóng ngày đoàn tụ. Ngày tập kết, anh giơ hai ngón tay tạm biệt vợ con ngầm ý hẹn hai năm sau sẽ trở về. Nhưng rồi Mỹ ngụy không tôn trọng Hiệp định Genève.

Giờ đã năm năm, chiều chiều sau giờ làm việc, anh ra đứng ven bờ Hiền Lương, lòng cồn cào thương nhớ vợ, con nơi quê nhà yêu dấu. Rồi một chiều, bên bờ Nam nơi làng quê anh Đồng, lửa cháy ngút trời. Anh Đồng như chết lặng hồi lâu rồi bỗng nức nở khóc gào. “Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhất đó… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy. Vì vậy tôi hàng ngày lên đây, không chỉ để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Có vài lần tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi đang từ xóm ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán… Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con tôi. Nhưng kêu sao cho tới…

Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ vang bên ấy. Rồi thì khói bốc lên ở chỗ xóm tôi…”.

Và thật bất ngờ, nhạc sĩ Hoàng Hiệp như được tiếp thêm nguồn cảm xúc. Những nốt nhạc chảy tràn. Nhạc thuôn mềm, hợp cùng lời thơ bình dị của nhà thơ Đằng Giao đã làm nên một nhạc phẩm chan chứa tình yêu đôi lứa, nặng tình nước non, rung lên nỗi nhớ nhung da diết: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...”.

…Sau ngày nước nhà thống nhất, Phan Văn Đồng không trở về quê mà định cư luôn ở Vĩnh Linh bởi vợ và con trai anh đã hy sinh từ ngày ấy. Giờ đây, đã vào độ tuổi gần đất xa trời, mắt mờ, chân chậm, trí nhớ đã kém nhưng cụ vẫn giữ thói quen chiều chiều chống gậy lững thững ra bến sông, đúng vào cái chỗ 43 năm trước, ngước cặp mắt đục mờ, đau đáu nhìn về phương Nam, sống lại ký ức một thời. Và lòng già lại ngân lên giai điệu da diết của bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”, gửi lời tim theo gió để vỗ về vợ yêu, con quý nơi chín suối…

Chủ Đề