Vì sao nên đăng ký hiến tạng trước

Mới đây, gia đình của một thanh niên 24 tuổi [ngụ xã Long Sơn, TP Vũng Tàu] bị chết não do tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng của con em mình để cứu sống những người khác. Tấm lòng đáng trân quý của gia đình ấy tiếp tục là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng đến với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu thêm về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng. Từ câu chuyện này, xuất hiện những chia sẻ của các bạn trẻ về quyết định đăng ký hiến tạng, giải thích cho cộng đồng ý nghĩa của việc hiến tạng cũng như khuyến khích đăng ký hiến tạng để giúp đời, giúp người.    Sinh nhật tuổi 30 của Nguyễn Thu Hường [Bắc Giang] có rất nhiều ý nghĩa khi chị quyết định đăng ký hiến tạng. Thu Hường chia sẻ rằng từ lâu đã có ý định hiến tặng tạng sau khi chết. Đúng ngày sinh nhật, chị Hường đã cùng một người bạn thân, bắt xe khách từ Bắc Giang xuống Hà Nội, đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Điều vui hơn nữa đó là người bạn đi cùng chị Hường sau khi thấy được ý nghĩa nhân văn của hiến tạng cũng đã quyết định đăng ký hiến tạng.    Chị Thu Hường cho biết: Mỗi con người chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất trên đời, vậy nên hãy sống sao cho thật có ích và ý nghĩa, bởi vì “cho đi là còn mãi”. Nhưng để đưa ra được quyết định đó, không phải ai cũng tự quyết hoặc được gia đình, người thân ủng hộ. Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng ngày nay vẫn là những định kiến và quan niệm cũ.    Bản thân may mắn khi được sự ủng hộ, động viên tuyệt đối từ bố mẹ, chồng con cũng như bạn bè cho nên chị Thu Hường đã có thể quyết định đăng ký một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mỗi cá nhân trước khi đăng ký nên làm công tác tư tưởng, tâm lý với gia đình, người thân, bạn bè trước khi thực hiện; để cho mọi người có thể thấu hiểu, nhìn nhận việc làm này với ý nghĩa cao cả và thiêng liêng.    Không giống như Thu Hường, Ngọc Phương [21 tuổi, đang theo học một trường mỹ thuật tại Hà Nội] tâm sự rằng em vẫn chưa dám nói ra quyết định hiến tạng cho người thân biết, dù bản thân đã đi đăng ký trước đó rồi. Phương rất lo lắng và chưa biết giải thích thế nào nếu bố mẹ biết về việc đăng ký hiến tạng của em. Tuy rất thương con nhưng gia đình em vẫn còn giữ những quan niệm cũ, vậy cho nên nếu biết điều đó thì có thể Phương sẽ nhận sự phản đối từ những người trong chính gia đình mình.    Không chỉ quyết định đăng ký hiến tạng mà nhiều bạn trẻ còn trở thành tình nguyện viên của các trung tâm cộng đồng, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng của việc hiến tặng tạng. Phương Huyền [24 tuổi], hiện đang là cộng tác viên cho các tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng, chia sẻ: “Việc quyết định hiến tạng là một hành trình thay đổi tư tưởng. Bản thân chứng kiến nhiều cái chết, tôi bắt đầu suy nghĩ và tự hỏi khi ra đi thì ta còn lại những gì? Thể xác rồi sẽ phân hủy, nhưng còn mô tạng khi được hiến sẽ không lãng phí mà còn mang lại sự sống cho người khác”. Sau khi có những chia sẻ và tuyên truyền về việc đăng ký hiến mô tạng trên mạng xã hội, Huyền đã nhận hơn 300 tin nhắn hỏi đáp về các vấn đề liên quan đến hiến tạng. Huyền cho rằng, phần lớn những người nhắn tin, trao đổi họ đã có ý định hiến tạng rồi, chỉ cần thêm xúc tác và được biết thêm quy trình là họ sẽ thực hiện ngay.    Nhiều năm trước chuyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho y học hay đồng ý hiến mô tạng là chuyện còn khá xa lạ và hoàn toàn chưa phổ biến trong đời sống xã hội. Nhưng ngày nay, xã hội hiện đại, ngày càng tiến bộ thì những suy nghĩ, quan điểm của con người về sự sống và cái chết trở nên nhẹ nhàng hơn. Mặt khác có nhiều người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ tham gia truyền cảm hứng từ các câu chuyện nhân văn của bé Hải An hiến giác mạc, đã quyết định đăng ký hiến tạng.    Theo Thứ trưởng Y tế, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, việc hiến, ghép tạng tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, Việt Nam đã thực hiện được những kỹ thuật khó như ghép gan, tim, phổi... Hiện đã có hơn 40 nghìn người đăng ký hiến tặng mô tạng và trong những năm qua đã thực hiện được hơn 5.000 ca ghép tạng.  

"Em đã đăng ký hiến tạng sau khi chết não", chia sẻ của Danh, đồng nghiệp cùng cơ quan làm tôi xúc động và suy nghĩ. Chúng ta sẽ sống bao lâu? Không ai có thể trả lời câu hỏi này dù có người đã viết "60 năm cuộc đời". Thực tế, có rất nhiều người đã chết trẻ hơn, vì nhiều nguyên nhân. Nếu sống "theo đúng quy trình", mỗi người sẽ từng bước trải qua sanh - già - bệnh - tử. Nhưng, quy trình đó nhiều khi bị phá vỡ.

Ngày Phan Cảnh Thùy, bạn học phổ thông của tôi mất ở tuổi chưa đầy 30 do đuối nước ở vùng biển gần Tam Kỳ, Quảng Nam, tôi đã lặng người rất lâu. Trời ơi, Thùy còn trẻ quá. Ba má Thùy ai cũng vào tuổi gần 60. Ba bạn còn bị tai biến nhẹ vài lần, rất yếu, không thể làm gì được. Má Thùy biết trông cậy vào ai? Khi về thăm nhà bạn, tôi tự hỏi mãi câu ấy. Căn nhà cô quạnh vì thiếu bóng Thùy, người con trai duy nhất của gia đình.

Tôi ngộ ra, chết là một sự thật. Và không phải ai cũng "chết theo quy trình", như bạn tôi hay nhiều người khác là do tai nạn, do bệnh tật, do làm việc quá sức dẫn tới đột quỵ, đủ thứ lý do không thể đặt tên... Nếu đến thăm các bệnh viện, ta sẽ thấy sự thật đó của cuộc đời hiển nhiên đến thế nào. Nhưng chết có phải là hết không? Ngoài tiếc nuối để lại cho người sống thì cái chết của một người, nếu biết chuẩn bị, có thể tạo nên phép màu cho những cuộc đời khác. Đó chính là quyết định hiến tặng một phần hay toàn bộ cơ thể còn sử dụng được cho người cần nó.

Tất nhiên, không ai muốn đột ngột rút ngắn sự sống của mình chỉ vì để hiến tặng mô, tạng. Song, cuộc sống vô thường, nghĩa là ai cũng có thể đối diện với cái chết bất ngờ, nên nếu có thể, sao ta không chuẩn bị cho điều đó trở nên có ích hơn? Tôi âm thầm nghĩ và làm công tác tư tưởng với người thân. Má tôi đồng ý. "Miễn con cảm thấy có ích, con cứ làm", má luôn bật đèn xanh cho những quyết định hệ trọng của tôi. Tôi hỏi Danh thủ tục, bạn chuyển cho tôi trang web đăng ký hiến mô tạng của đơn vị điều phối ghép mô tạng Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuối đơn có dòng: "Tôi viết đơn này trong tình trạng hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình". Tôi điền tất cả thông tin cá nhân, xin hiến các bộ phận như thận, gan, tụy tạng, tim, phổi, ruột, da, giác mạc, xương, mạch máu, van tim. Về di nguyện xử lý cho cơ thể sẽ hiến sau khi chết, để thuận tiện cho tất cả, tôi chọn "hỏa táng rồi gửi tro cốt vào chùa".

Chuẩn bị cho cái chết đối với một Phật tử như tôi chính là một thực tập để không ngỡ ngàng khi nó xảy đến. Chính vì vậy mà tôi không ngại ngần khi chia sẻ về việc này dù tôi biết, không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu khi nghe hay và chấp nhận lối suy nghĩ ấy.

Tính đến tháng 8/2019, cả nước đã có gần 30.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Điều kỳ diệu: hơn 4.500 người được ghép tạng đã hồi sinh sự sống. Điều đáng mừng là số người đăng ký hiến mô tạng ở Việt Nam hiện tăng 150 lần so với năm năm trước. Nếu như năm 2014, cả nước chỉ có hơn 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng, chủ yếu là cán bộ của trung tâm điều phối ghép tạng và một số y bác sĩ, thì nay, thêm nhiều người dân đã làm nghĩa cử cao đẹp này. Tuy nguồn mô, tạng được hiến đã tăng, nhưng theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, "30.000 người đăng ký hiến tạng là quá ít so với số bệnh nhân cần được ghép". Mới đây, vì thiếu nguồn mô tạng mà các bác sĩ phải ngậm ngùi nhìn một đồng nghiệp trẻ khát khao sống để cứu chữa cho nhiều người khác mất trên tay mình vì "không ai hiến tặng cho anh một phần gan".

Tôi đã hiến máu được 48 lần và lần nào đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM tôi cũng ấn tượng với câu "máu có thể chờ bệnh nhân, nhưng bệnh nhân không thể chờ máu". Mô tạng cũng vậy. Hiện nay, phong trào hiến máu đã phát triển trong cộng đồng, mọi tổ chức, mọi ngành, mọi giới đều tham gia. Tôi mong muốn "phong trào" hiến mô tạng sẽ được nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng để tinh thần "chia sẻ sự sống" được lan tỏa trong cộng đồng.

Với tôi, nghĩ cho cùng, sau khi mình chết, thân thể sẽ mau chóng hoại diệt. Nếu còn có thể tiếp thêm nguồn sống cho ai đó, tại sao ta không làm? Tôi không nghĩ mình đang tặng cho họ mà chính họ có công mang và nuôi dưỡng mầm sống của mình. Nhờ đó, tôi được nối dài sự sống trong một cơ thể khác. Tôi biết ơn họ. Phép mầu của hiến tặng chính là làm cho trái tim mình thực sự bình an.

Lưu Đình Long

Độ tuổi được hiến tạng

Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

- Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng [Hiến tặng sau khi chết, chết não].

- Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

- Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng của một nữ bác sĩ mắc ung thư gan. Nữ bác sĩ đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Đăng ký hiến mô, tạng

Việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng theo quy định của pháp luật. Và xin lưu ý thêm là trong mẫu đơn đăng ký không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý thân nhân người đăng ký hiến tặng.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não mà gia đình không biết sẽ rất khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế biết để tiếp nhận mô, tạng hoặc thậm chí nếu gia đình sẽ phản đối thì người đăng ký hiến không thực hiện được nguyện vọng của mình. Vì vậy, việc chủ động trao đổi nguyện vọng hiến tặng của mình cùng gia đình để nhận được sự ủng hộ là việc nên làm.

Việc trao đổi vừa là để giải quyết về mặt tình cảm, vừa là để chắc chắn rằng, tâm nguyện đó sẽ được người thân thực hiện.

Trong trường hợp nếu muốn thay đổi quyết định, thì Bạn chỉ cần ký đơn từ chối hiến tặng gửi về cơ sở y tế nơi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng ban đầu là được đưa ra khỏi danh sách đăng ký hiến tặng. Đấy cũng là sự công bằng của pháp luật, luôn tôn trọng quyền nhân thân tối cao.

+ Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì Người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng [hiến sau khi chết/chết não].

+ Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến [khi còn sống hoặc sau khi chết]: BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang.

 + Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

+ Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH Y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y [Bộ môn Giải phẫu]; ĐH Y Huế [Bộ môn Giải phẫu]; ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ [Bộ môn Giải phẫu]; ĐH Y dược TP HCM [Bộ môn Giải phẫu]; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch [Bộ môn giải phẫu]

Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, Người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng [sau khi chết/chết não].

Bị liệt nửa người sau vụ tai nạn, ước nguyện của anh Hà Đức Trung [xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ] hiện giờ là được hiến tạng cho y học [Ảnh: Hương Hồng].

Quy trình tiếp nhận từ người hiến tạng sẽ được thực hiện như thế nào?

Khi người hiến tạng bệnh nặng hoặc bị tai nạn được các bác sĩ tiên liệu thông báo rất nặng, hoặc tiên lượng không qua khỏi thì người nhà phải báo cho đơn vị điều phối qua số điện thoại 0913. 677. 016.

Khi nhận được thông tin từ gia đình, đơn vị điều phối sẽ có sự phối hợp đánh giá, tổ chức hỗ trợ điều trị bệnh nhân nếu người bệnh đang ở xa trung tâm và tình trạng bệnh còn có khả năng điều trị.

Trong trường hợp tình trạng bệnh không có khả năng điều trị thì cũng có đủ thời gian đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của người bệnh có chống chỉ định hiến tạng hay không. Tạng của người hiến có chọn được người phù hợp ghép hay không.

Nếu đáp ứng những điều kiện trên thì thời gian chuẩn bị nhận tạng kéo dài trong 12-48 giờ. Thông thường, những người hiến tạng khi chết não sẽ hiến được nhiều cơ quan hơn người hiến tạng khi ngưng tim, có thể cứu được 8-10 người bệnh.

Quyền lợi của người hiến mô, tạng

Người đã hiến mô [khi còn sống] được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

Người hiến mô sau khi chết [giác mạc]: Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống

Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác

Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Theo thông tư 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:

- Thông tư quy định rõ chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ bao gồm các nội dung hỗ trợ sau: Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày [không bao gồm trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế]: 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày. Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.

- Đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn [nếu có].

Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện [trong đó ghi rõ "đã hiến bộ phận cơ thể"] hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Trường hợp bị cấm hiến mô, tạng

Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; Không nhằm mục đích thương mại; Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 [Các hành vi bị nghiêm cấm] của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi; Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Video liên quan

Chủ Đề