Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của người dân, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa" trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.


Tiết mục múa ra mắt câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái phường Chiềng Cơi, Thành phố.

Các nội dung của phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân; làm cho bộ mặt đô thị, nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc; gắn kết người dân, nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, vượt mức nhiều chỉ tiêu tỉnh giao.     


Ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Sở đã tham mưu ban hành các kế hoạch cụ thể, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả phong trào, như: Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và văn hóa nông thôn mới, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; nêu gương người tốt việc tốt, các điển hình trong thực hiện phong trào; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội có ảnh hưởng đến giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của cộng đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc công nhận, duy trì chất lượng các danh hiệu văn hóa; nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn với phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng... 

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã gắn từng nội dung cụ thể của phong trào, phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch in ấn 9.300 tờ gấp tuyên truyền về xây dựng hương ước, quy ước cấp phát đến bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tuyên truyền các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa tại xã biên giới; tập huấn kỹ năng duy trì hoạt động quản lý nhà văn hóa cho 192 cán bộ quản lý nhà văn hóa tại các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Quỳnh Nhai. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phối hợp với các tổ chức thành viên ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” xây dựng mới 461 nhà đại đoàn kết với tổng trị giá hơn 14 tỷ 600 triệu đồng; sửa chữa 22 nhà, tặng trên 25 nghìn suất quà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội; thực hiện Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”; đã huy động trên 24 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ 828 nhà cho hộ nghèo…

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 209.570 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đạt trên 72%; 1.449 bản, tổ dân phố đạt văn hoá, đạt 57,5%; 1.587 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa, đạt 98%. Phong trào thể dục thể thao quần chúng có bước phát triển về chất lượng và số lượng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27%, số hộ gia đình thể thao đạt 22%. Thiết chế văn hóa, thể thao như nhà văn hóa, sân thể thao, nhà trẻ mẫu giáo được đầu tư xây dựng, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Toàn tỉnh hiện nay có 12 nhà văn hóa cấp huyện/thành phố; 193/204 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 2.584/2.509 nhà văn hóa cấp tổ, bản, tiểu khu; 3.300 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ nhân dân.

Cùng với đó, phong trào “Học tập, lao động sáng tạo” được phát huy, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân dân lao động cũng như mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều hộ gia đình được công nhận “Gia đình nông dân sản xuất giỏi”, nhiều mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả đã được nhân rộng trong toàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Nhiều trang trại đã được hình thành, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động, có nhiều hộ gia đình thu nhập cao từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm.


Thành viên Câu lạc bộ hát Thái Chiềng Khoi, huyện Yên Châu luyện tập hát Thái.

Tại huyện Yên Châu, năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phong trào phù hợp với thực tiễn.

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Năm 2021, huyện đã triển khai các chương trình, dự án, cùng với sự đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; trong đó, đã xây mới 8 nhà văn hóa bản, tiểu khu. Đến nay, huyện có 1 nhà thi đấu đa năng, 1 sân vận động, 1 thư viện cấp huyện; 6/15 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm: Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Viêng Lán, Phiêng Khoài, Tú Nang, Chiềng Khoi; 75/182 bản, tiểu khu có nhà văn hóa đạt tiêu chí; 27/182 bản, tiểu khu có sân vận động đạt tiêu chí của Bộ VHTT&DL; 35% số người dân tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên; 25% số hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

Có thể thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi tích cực về diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn bản sắc dân tộc, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

[ĐCSVN]- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2214/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa [Ảnh: Chinhphu.vn]

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.

Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa

Đối với vùng đồng bằng, Chương trình phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 80% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, biên giới, Chương trình phấn đấu 70% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 70% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa-thể thao; 50% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 60% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.

Xây dựng các môi trường văn hóa

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường.

Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ

Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Chương trình tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ…

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam kỷ niệm 5 năm ra số đầu
  • Quảng bá phim tài liệu Việt Nam sóng Truyền hình Quốc hội
  • Phối hợp tuyên truyền hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
  • Nữ doanh nhân Khương Phương Anh đăng quang Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2022
  • Bến Tre: Đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách
  • Quy hoạch xây dựng công trình Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc phù hợp với tổng thể chung
  • Cuộc hẹn cuối tuần với NSND Tự Long

Video liên quan

Chủ Đề