Thế nào là tư hữu về tư liệu sản xuất

Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức

Sau hơn 30 năm thử nghiệm chính sách kinh tế kế hoạch nhà nước trên miền Bắc và hơn 15 năm tại miền Nam sau 1975, nhà nước Việt Nam đã nhận thức rằng chính sách đó đã làm trì trệ nền kinh tế. Đứng trước đói nghèo trên cả nước, đảng CSVN phải thay đổi chính sách, chọn lựa kinh tế thị trường với hy vọng đưa đất nước tiến lên. Trước hết, đó là một chọn lựa khôn ngoan, ít ra cũng phù hợp với xu thế thời đại. Hơn 50 quốc gia công nghiệp giàu nhất thế giới đều đi theo con đường đó, kể cả vài nước mà trong thập niên 1960 vẫn không hơn gì Việt Nam và bây giờ đã vượt xa chúng ta. Kinh tế thị trường trong mỗi nước có những diện mạo khác nhau, sự thành công nhiều hay ít cũng khác nhau. Điều đó tùy thuộc cách hiểu và khả năng vận dụng những nguyên lý chủ đạo của kinh tế thị trường như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng nước. Thí dụ như nguyên lý cạnh tranh tự do và lành mạnh, nguyên lý bình đẳng về quyền lực cho mỗi thành viên, nguyên lý về sở hữu tư liệu sản xuất, về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, can thiệp cái gì, can thiệp như thế nào v.v… Không khó lắm để hiểu chúng về mặt lý thuyết, nhưng Việt Nam có vẻ đang còn lúng túng để xác định một nội dung cụ thể cho những nguyên lý đó. Dựa trên nền tảng lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của kinh tế Tây Đức từ sau 1949, bài biên khảo sau đây hy vọng góp thêm vài ý kiến bổ ích về một trong những vấn đề quan trọng nêu trên: quyền sở hữu tư liệu sản xuất.  

  Tính chủ đạo của tư hữu TLSX và các xí nghiệp tư doanh trong nền Kinh tế Thị trường Xã hội cũng có nghĩa rằng, nhà nước phải tự rút lui để trở lại vai trò nồng cốt của nó. Trong nền Kinh tế Thị trường Xã hội, vai trò nhà nước không phải là làm công việc của công thương kỹ nghệ gia, khi mà các thành phần tư nhân có thể làm được và làm tốt hơn nhà nước trong việc cung ứng sản phẩm và dịch vụ[1]. Kinh tế gia Otto Schlecht, giáo sư đại học Trier

Câu hỏi về sở hữu tư liệu sản xuất [TLSX] là câu hỏi có ý nghĩa trung tâm về mọi chính sách kinh tế. Khi lựa chọn về định hướng đến một mô hình kinh tế nào đó, thì trước đó, câu hỏi về sở hữu TLSX đã được trả lời dứt khoát. Ở đây chúng ta cần hiểu TLSX một cách toàn diện. Nó không chỉ giới hạn trong máy móc phục vụ sản xuất mà còn bao gồm những phương tiện khác liên quan đến sản xuất và dịch vụ, thí dụ đất đai để làm kho bãi, nhà cửa để làm văn phòng hoặc cho thuê mướn, cả trí tuệ cũng được xem là phương tiện sản xuất. Nói cách khác, khái niệm TLSX bao gồm tất cả các loại phương tiện để phục vụ cho hoạt động kinh tế, những hoạt động sinh ra lợi nhuận.

Ở đây chúng ta phân biệt ba loại khác nhau giữa sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.

Sở hữu tập thể TLSX và sở hữu nhà nước là công cụ sắc bén của guồng máy sản xuất mang tính chất kế hoạch tập trung, có khả năng tạo ra phương tiện cực kỳ hiệu quả để thành phần lãnh đạo kinh tế có thể kiểm soát toàn bộ guồng máy sản xuất và từ đó chế ngự cả những thành viên trong guồng máy đó, mở rộng quyền lực chính trị lên mọi thành phần khác trong xã hội. Điều đáng chú ý hơn nữa của hai hình thái sở hữu này là, để guồng máy có thể hoạt động hữu hiệu, nó đòi hỏi một sự điều khiển từ trung ương lên quá trình hoạt động kinh tế cũng như lên kế hoạch sản xuất của từng đơn vị riêng lẻ[2], dù ở những đơn vị này sự điều khiển có thể xuất hiện ở một mức độ thấp hơn.

Ngược lại, trong chế độ tư hữu TLSX, người sở hữu chỉ có thể chế ngự đơn vị hoạt động của mình, chứ không thể tác động lên kế hoạch sản xuất các đơn vị khác, và càng không thể điều khiển quá trình hoạt động kinh tế của toàn bộ guồng máy sản xuất trong xã hội. Anh ta chỉ là một thành viên bình đẳng như mọi thành viên sản xuất khác, và nhờ thế tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường được bảo đảm, không ai chèn ép được ai.

Như vậy, để kiến tạo một trật tự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, việc thừa nhận tư hữu TLSX là điều bắt buộc, và trong toàn bộ nền kinh tế, khi tỉ lệ tư hữu TLSX càng cao thì khả năng tạo dựng trật tự cạnh tranh lành mạnh càng lớn. Nói cách khác, tư hữu TLSX là một trong những điều kiện tiên quyết của trật tự cạnh tranh trên thị trường[3] hay nói một cách chính xác hơn thì nó là một thuộc tính không thể thiếu được của kinh tế thị trường, lại là một thuộc tính cực kỳ quan trọng.

Tất nhiên, nhà nước cũng có quyền làm chủ một số đơn vị kinh tế thậm chí một số ngành như một tư nhân nào khác, thí dụ hệ thống cung cấp điện nước, giao thông vận tải, ngân hàng v.v… Điều này sẽ không làm rối loạn trật tự thị trường, nếu những đơn vị kinh tế nhà nước cũng ép mình vào trật tự cạnh tranh chung. Khi các đơn vị kinh tế thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng chế độ trợ cấp hoặc những ưu đãi khác để nâng cao thế cạnh tranh, nhất là trong việc định giá để cạnh tranh trên thị trường, thì việc tồn tại các đơn vị kinh tế nhà nước là điều chấp nhận được[4] và thị trường cũng không vì thế mà bị rối loạn. Tuy nhiên cần lưu ý là, khi tỉ lệ công hữu trong nền kinh tế càng cao, thì hiệu quả sự điều tiết tính cạnh tranh thị trường càng giảm. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những bất hợp lý về giá cả, tình trạng độc quyền sẽ xuất hiện, và nếu kéo dài quá lâu thì đấy là mầm mống của trì trệ kinh tế.

Để làm rõ tác động của tư hữu TLSX lên cơ chế tự điều tiết của thị trường, chúng ta hãy lấy thí dụ về một xí nghiệp sản xuất thực phẩm:

Nếu xí nghiệp này thuộc tư nhân thì người chủ hãng – thường là giám đốc – phải xem xét hàng ngày mức tiêu thụ trên thị trường toàn ngành về loại hàng mình sản xuất . Nếu mức tiêu thụ giảm sút, anh ta phải nhanh chóng giảm số lượng sản xuất, nếu không thì sản phẩm sẽ tồn kho lâu, hàng quá hạn sử dụng, thực phẩm ung thối, xí nghiệp thua lỗ và trong nhiều trường hợp sẽ còn ảnh hưởng làm sụt giá thị trường, vòng xoáy rối loạn bắt đầu chuyển động và có thể dẫn đến phá sản cho hãng nào không kịp thời thay đổi. Đặc biệt trong những ngành sản xuất tương tự, sự tinh tế về mức tiêu thụ hàng ngày trên thị trường kết hợp với sự nhạy bén về quyết định kịp thời trong sản xuất là yếu tố cực kỳ quan trọng để xí nghiệp hoạt động thành công.

Cũng trong thí dụ ở trên, chuyện gì xảy ra khi xí nghiệp thuộc công hữu và giám đốc là công nhân viên nhà nước? Cho dù phát hiện mức tiêu thụ giảm, người giám đốc cũng không có quyết định nào khác hơn là tiếp tục sản xuất theo kế hoạch và chỉ tiêu đã được cấp trên giao xuống. Hàng làm ra có bán được hay không anh ta không quan tâm vì đấy là nhiệm vụ của xí nghiệp khác phụ trách việc phân phối. Hoặc cho dù người giám đốc có muốn tinh giảm sản xuất để cứu vãn thị trường, đề nghị của anh ta phải thuyết phục được cấp trên từ ban, đến ngành, đến bộ v.v… và nhận quyết định ngược lại từ trên xuống dưới. Con đường hành chánh rườm rà và tốn thì giờ này sẽ mất tính thời gian để kịp thời cứu vãn được điều gì. Như thế, với chế độ công hữu TLSX, thị trường chỉ có thể ổn định khi mọi dự đoán cung cầu rất chính xác và kế hoạch cấp trên từ trung ương đưa ra thật hoàn hảo. Nói một cách khác, chúng ta chỉ mong có được “một nhà độc tài cực kỳ sáng suốt” không bao giờ sai lầm. Trong trường hợp có sự cố bất thường[5] thì công hữu TLSX là yếu tố kìm hãm sự điều tiết giữa cung và cầu, thúc đẩy rối loạn thị trường, làm kinh tế trì trệ.

Cũng cần nói thêm rằng, biến động giá cả thị trường là những tín hiệu an-ten khẩn cấp để những ai quan tâm kịp thời phản ứng. Tín hiệu này tất nhiên sẽ được những người đi tiếp thị phát hiện trước hết. Quan tâm hàng đầu của một xí nghiệp tư nhân là tiếp thị bán hàng. Sản xuất chỉ đóng vai trò là phương tiện để phục vụ mục đích đó, cho nên sản xuất luôn luôn được tối ưu hóa theo nhu cầu thị trường. Đấy là cơ chế tự điều chỉnh giữa sản xuất và phân phối bán hàng. Chế độ công hữu TLSX thì khác. Xí nghiệp phân phối không có nghiệm vụ báo cáo tình trạng thị trường cho xí nghiệp sản xuất, và ngược lại xí nghiệp sản xuất cũng không được phép thay đổi kế hoạch nếu không có lệnh từ cấp trên. Đường phản hồi từ thị trường về nơi sản xuất không tồn tại thì cơ chế tự điều chỉnh cũng không hoạt động được, hoặc nó cũng có thể được vận hành nhưng với một độ trì hoãn nhất định.

Thí dụ trên cắt nghĩa được tại sao các nước hoặc các ngành có tỉ lệ công hữu TLSX cao không phát triển nhanh bằng các nước hoặc các ngành có cùng điều kiện, khi nơi đó, chế độ tư hữu TLSX chiếm đa số. Nếu chúng ta quan sát vài ngành trong đó có nhiều loại sở hữu khác nhau, chúng ta đều thấy là tỉ lệ lợi nhuận các xí nghiệp tư nhân thường cao hơn so với các xí nghiệp sở hữu nhà nước hoặc tập thể có cùng điều kiện kinh doanh. Chúng ta hãy quan sát thêm các tập đoàn quốc doanh đang làm ăn thua lỗ. Khi nhà nước quyết định cổ phần hóa cho tư nhân thì tập đoàn đó thường vươn dậy trở lại sau một thời gian ngắn. Điều này chúng ta thấy rõ trong những ngành quen thuộc như ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất xe hơi v.v… ở khắp nơi trên thế giới.

Nói tóm lại, khi chấp nhận hoạt động trong nền kinh tế thị trường, tư hữu TLSX là nhân tố quan trọng hàng đầu để cơ chế hoạt động hữu hiệu.

Thừa nhận tư hữu TLSX ở mức độ lớn và rải đều cho nhiều người không những mang lại lợi ích cho những tư nhân đó, mà còn có lợi cho toàn xã hội và bảo đảm cơ chế cạnh tranh thị trường hoạt đông hữu hiệu. Nó bảo đảm rằng, đứng trước một nhu cầu tiêu thụ trong thị trường, tất yếu sẽ có nhiều xí nghiệp khác nhau độc lập quyết định sản xuất và nếu cần họ sẽ đầu tư thêm tư bản và cơ sở vật chất để tìm cách cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà xã hội đang cần với mức giá hợp lý[6]. Khi có nhiều xí nghiệp khác nhau hoạt động độc lập trong đó mọi thành viên đều bình đẳng như nhau và tôn trọng luật chơi đã thỏa thuận, thế quân bình về quyền lực kinh tế sẽ dễ dàng được xác lập, thị trường mở dần dần thành hình và nền kinh tế có xu hướng ổn định lâu dài.

Sự ích lợi cho toàn xã hội không chỉ hạn chế trong lượng hàng phong phú và giá cả tối ưu. Bản thân sự kiện có nhiều xí nghiệp cùng quyết định song song nhưng độc lập với nhau đã là một yếu tố kích thích sáng tạo và tiến bộ. Người chủ xí nghiệp thường trực đặt cho mình nhiệm vụ là phải luôn luôn quyết định đúng, chọn qui trình sản xuất phù hợp, giảm phế phẩm, khuyến khích công nhân, tổ chức sản xuất tối ưu hợp lý v.v… để cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, phí tổn sản xuất thấp và giá bán ra thị trường phù hợp với chờ đợi của giới tiêu thụ. Họ biết rõ rằng mỗi lần làm một quyết định sai lầm là họ phải trả giá bằng tài sản của chính mình. Không ngừng tiến bộ để tồn tại, đấy là tư tưởng của mọi người chủ xí nghiệp tư nhân. Những tính chất ấy chúng ta khó tìm thấy trong những xí nghiệp quốc doanh, nơi mà người giám đốc chỉ là công nhân viên lãnh lương nhà nước hàng tháng.

Thừa nhận quyền tư hữu TLSX còn có tác dụng thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, tức là một dạng làm giàu cho xã hội. Thật khó hình dung một tập đoàn nào đó có thể bỏ ra hàng tỉ đô la để xây dựng cơ sở sản xuất trên một vùng đất mà họ không chắc rằng, các TLSX đó, kể cả nhà cửa và đất đai, sẽ vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của họ hay không. Nếu quyền này được thừa nhận bởi luật pháp, quyết định của họ sẽ dễ dàng hơn. Ở mức độ đầu tư thấp hơn như máy móc hoặc các phương tiện bình thường khác, hiệu ứng cũng tương tự như thế.

Ở các nước phát triển, quyền tư hữu TLSX được thừa nhận không hạn chế, thường được ghi trong hiến pháp và được qui định cụ thể trong các đạo luật kinh tế. Người sở hữu có quyền sử dụng, thay đổi, cho thuê, bán hoặc thậm chí phá hủy TLSX của mình, miễn sao những hoạt động đó không vi phạm qui định của luật pháp [chẳng hạn như không làm ô nhiễm môi trường]. Quyền sở hữu không hạn chế TLSX sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tự ý quyết định và lập kế hoạch kinh doanh. Nếu quyền này bị một hạn chế nào đó, thí dụ đất đai chỉ được thuê chứ không thuộc quyền sở hữu chẳng hạn, thì một số nhà đầu tư sẽ ngần ngại và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong quá trình hoạt động kinh tế của họ, từ đó các đầu tư quan trọng sẽ bị đẩy lùi về sau. Mọi hoạt động đều có tính chất ngắn hạn, ăn xổi ở thì.

Bây giờ chúng ta thử đặt câu hỏi: Liệu quyền tư hữu TLSX là một nhân tố luôn luôn bảo đảm cho trật tự cạnh tranh lành mạnh hay không? Rõ ràng là không luôn luôn. Hãy lấy một thí dụ: Khi một xí nghiệp tư nhân to lớn được xây dựng trong một thành phố nơi mà toàn bộ lao động không đủ để cung ứng cho nhu cầu nhân sự, xí nghiệp này sẽ trở thành kẻ độc quyền tiêu thụ trong thị trường lao động địa phương. Chúng ta khó mà tin cậy vào lòng tốt của những người đang nắm quyền lực kinh tế ghê gớm đó, họ sẽ tha hồ định đoạt mức lương công nhân mà không ai dám phản đối. Thế cạnh tranh lành mạnh trong thị trường lao động sẽ mất, đi kèm với những hệ lụy xã hội tất yếu của nó mà kẻ gánh chịu là người lao động. Một thí dụ thứ hai: Tập đoàn xe buýt A với một đội xe vĩ đại được phép hoạt động trong tỉnh B, nơi các xí nghiệp xe buýt nhỏ chỉ chiếm một phần không đáng kể so với A. Tập đoàn này sẽ nhanh chóng làm cho các xí nghiệp nhỏ phá sản và trở thành độc quyền cung cấp dịch vụ xe buýt. Chế độ cạnh tranh thị trường không còn, giá cả có thể tăng vọt, giờ giấc tùy tiện v.v… và kẻ hứng chịu mọi hệ lụy chính là người dân trong tỉnh B đang cần sử dụng dịch vụ này.

Cả hai hình thức độc quyền ở trên – độc quyền cung cấp khi thành viên tiêu thụ phụ thuộc vào kẻ cung cấp, cũng như độc quyền tiêu thụ khi kẻ cung cấp phụ thuộc vào thành viên tiêu thụ – đều dẫn đến quyền lực kinh tế vào trong tay một thiểu số rất nhỏ có khả năng thao túng thị trường mà kẻ thiệt thòi là đại đa số những người yếu thế.

Các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng, tư hữu TLSX trong thế độc quyền trên thị trường sẽ sinh ra những thiệt hại trầm trọng cho xã hội. Các tập đoàn tư nhân sẽ sử dụng quyền lực kinh tế của mình để triệt hạ xí nghiệp cạnh tranh, áp đặt giá cả lên giới tiêu thụ và thẳng tay bóc lột nhân viên của họ. Khi quyền lực kinh tế này trở thành áp đảo thì nhà nước cũng bó tay khi tìm cách hạn chế thiệt hại[7]. Đấy là tình trạng các nước công nghiệp trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sơ khai còn trong giai đoạn được thả lỏng [laissez-faire]. Đời sống công nhân cùng cực, mất nhân phẩm và nếu chủ nghĩa tư bản cứ kéo dài như thế thì nó không xứng đáng được tồn tại và quyền tư hữu TLSX không đáng được bảo vệ.

Cuộc thay đổi bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, được tiến hành triệt để trễ nhất là sau cuộc đại khủng hoảng 1930 và có nhiều cải tiến hiệu quả sau thế chiến II. Kể từ đây các nước phát triển, từ những nước cực lớn như Mỹ đến các nước tí hon như Luxemburg, đều nhận thức được rằng đã đến lúc chủ nghĩa tư bản mà họ theo đuổi hàng nhiều thế kỷ cần phải được thay đổi sâu sắc. Họ đã nhận thức được chỗ yếu của chính sách thả lỏng laissez-faire, đã thấm thía đâu là nguy cơ của quyền lực kinh tế. Chỉ vài thập niên sau, nước nào cũng có những cải tổ cơ cấu kinh tế mà quan trọng nhất là cải tổ hệ thống luật pháp để ngăn chận liên minh độc quyền trong hoạt động kinh tế cũng như nhiều đạo luật khác để xác lập cơ chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Một số nước khác thì đi xa hơn trong những chính sách xã hội có khả năng tạo dựng cho mỗi người một cuộc sống phồn vinh và bình đẳng như mọi người khác. Những cải cách các nước Bắc Âu rất đáng để tham khảo.

Vì vậy khi bàn về tư hữu TLSX để rút ra kết luận hòng đưa ra chính sách kinh tế phù hợp thì chúng ta phải bàn về quyền tư hữu trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 20, khi mà trật tự thị trường đã thay đổi sâu sắc, chế độ cạnh tranh và mức độ liên minh độc quyền được giám sát một cách chặt chẽ bởi luật pháp và những cơ quan trung lập. Bàn tay quyền lực của nhà nước đã bị giới hạn, cũng như bàn tay thô bạo của những chủ nhân ông trong lợi thế độc quyền không còn sức mạnh tuyệt đối. Trong bối cảnh đó, quyền tư hữu TLSX vừa là thuộc tính của kinh tế thị trường, vừa là công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường đạt ổn định một cách bền vững. Và cũng chỉ trong bối cảnh đó chúng ta mới có thể quả quyết rằng, quyền tư hữu TLSX sẽ là động cơ thúc đẩy sáng tạo, tiến bộ, nâng cao đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích cho xã hội mà kẻ hưởng lợi là thành phần lao động đông đảo.

Một đặc thù của CHLB Đức

Vì tầm quan trọng của tư hữu TLSX trong nền kinh tế thị trường cho nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi bộ trưởng kinh tế Ludwig Erhard của CHLB Đức thời hậu chiến và cộng sự của ông xem quyền tư hữu TLSX và tự do cạnh tranh là hai vấn đề trung tâm của chính sách kinh tế. Họ luôn luôn tìm cách tư hữu hóa các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc công cộng, dưới hình thức bán đứt cho tư nhân, hoặc cổ phần hóa, trong đó nhà nước chỉ chiếm thiểu số. Nhiều xí nghiệp nhà nước đã được tư hữu hóa trong vòng 14 năm Ludwig Erhard làm bộ trưởng kinh tế. Lúc đầu ông đã gặp chống đối mãnh liệt từ phe dân chủ xã hội và công đoàn. Họ lo sợ rằng quyền lợi công nhân sẽ bị thiệt thòi, công bằng xã hội sẽ giảm sút. Trong thực tế điều đó không xảy ra. Ngược lại các xí nghiệp được tư hữu hóa hoạt động hữu hiệu hơn, nhà nước thu được nhiều thuế, công nhân nhận thêm tiền thưởng, mọi thành viên trong xã hội đều hưởng lây thành quả đó và có hàng triệu người trở thành chủ nhân ông tí hon [cổ phần viên] của xí nghiệp họ đang làm việc.

Việc tư hữu hóa đã giải quyết cho nhà nước nhiều mục đích cùng một lúc:

Thứ nhất, quyền lực kinh tế được phát tán cho nhiều nhà đầu tư nhỏ, tạo tiền đề cho chế độ cạnh tranh được lành mạnh hơn, đồng thời nó nâng cao ý thức kinh doanh cho mọi người. Khi tư hữu hóa một tập đoàn lớn, CHLB Đức đặc biệt chú ý đến việc giới hạn số lượng cổ phần tối đa của các thế lực tài chánh mạnh, và chú trọng đến chính sách bán cổ phần „cho mọi người“, nếu cần thì các biện pháp thực hiện việc tư hữu hóa một tâp đoàn quan trọng cần được qui định trong một đạo luật do quốc hội ban hành. Tư hữu hóa tập đoàn Volkswagen là thí dụ điển hình. Bằng cách làm này các thế lực kinh tế dần dần được đẩy lùi hoặc bị hạn chế, nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành viên nhất là các thành viên nhỏ yếu thế, qua đó cơ chế hoạt động thị trường càng được củng cố vững mạnh. Tư hữu hóa xí nghiệp nhà nước cũng là biện pháp xóa bỏ ưu đãi, xóa bỏ bao cấp tài chánh góp phần tăng thêm hiệu quả của cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa mọi thành viên, vốn dĩ là tiền đề quan trọng để kinh tế thị trường phát triển bền vững. Việc tư hữu hóa ở mức độ lớn còn giúp nhà nước thoát ra khỏi bận tâm hàng ngày về hoạt động kinh tế để có thể tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi khác.

Thứ hai, việc tư hữu hóa mang về cho nhà nước thêm vốn lúc bán cổ phần thay vì phải đi lấy nợ công để trang trải những dự án cần thiết khác. Trong thực tế những năm đầu hậu chiến thì CHLB Đức khó vay nợ từ ngoại quốc vì họ chưa tạo được niềm tin trên thị trường tài chánh thế giới, nhưng cũng vì thế dù muốn hay không họ phải tự thiết kế một chính sách tài chánh khá đặc thù so với các nước công nghiệp khác. Với thành công trong hai thập niên thần kỳ kinh tế, họ càng vững tin hơn và duy trì chính sách đó đến thế kỷ 21. Họ cho rằng, lấy nợ công hoặc chi tiêu thâm hụt[8] ngân sách để giải quyết thất nghiệp, kích thích tiêu thụ và nâng cao sản lượng kinh tế không phải là con đường duy nhất đúng đắn. Từ hậu chiến cho đến thế kỷ 21 ngày nay, tư tưởng chủ đạo của chính sách tài chánh Đức vẫn là giảm nợ công và cân bằng ngân sách, thậm chí điều này đã được qui định trong điều §115.2 của hiến pháp[9]. Mặc dù mọi phê phán của rất nhiều kinh tế gia thượng thừa thế giới, của Quĩ tiền tệ Quốc tế [IMF] cũng như phát biểu can thiệp của các nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và châu Âu, chuyên gia Đức vẫn cương quyết đi theo con đường riêng của họ.

Thứ ba, đi kèm với chính sách thuế khoá, nâng đỡ xí nghiệp nhỏ và nhất là chính sách hạn chế quyền lực kinh tế các tập đoàn lớn, việc tư hữu hóa rộng khắp đã làm cho tinh thần người dân phấn chấn vì qua việc tư hữu hóa, nhà nước bày tỏ chính sách khuyến khích tư doanh. Những người có một ít vốn liếng và kỷ năng chuyên môn cao đã hăng hái lao vào sản xuất và kinh doanh, tạo ra một nguồn cung cấp mới cho xã hội mà nhà nước không làm được. Trong thực tế họ đã được lãnh phần thưởng xứng đáng. Chỉ cần một ít vốn, sáng kiến và dũng cảm là họ có thể nhanh chóng giàu có và góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển công nghệ hiện đại, nhất là trong các khu vực dịch vụ cho giới tiêu thụ riêng lẻ. Cho đến thập niên 1980, chúng ta vẫn còn được xem trên truyền hình lịch sử thành công của những người khởi nghiệp hậu chiến bằng hai bàn tay không trong mọi ngành và sau vài thập niên họ trở thành tỉ phú với xí nghiệp có hàng ngàn chi nhánh khắp nơi[10].

Thứ tư, tư hữu hóa làm cho bộ máy hành chính nhẹ nhàng[11] và minh bạch hơn [transparent]. Điều này thể hiện rõ qua tỉ lệ chi phí ngân sách trên tổng sản lượng quốc gia giảm xuống. Đấy là tiền đề rất quan trọng để nâng cao niềm tin của thị trường tài chánh quốc tế đối với nhà nước, nhờ thế CHLB Đức vay được ngoại tệ vốn dĩ là nguồn tư bản sống còn để họ có thể nhập khẩu hàng hóa nhất là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cũng như tái xuất khẩu.

Thứ năm, việc tư hữu hóa các tập đoàn nhà nước làm cho việc quản lý được hiệu quả hơn. Ban giám đốc điều hành – theo luật xí nghiệp cổ phần – được đại hội cổ đông bầu chọn theo nguyên lý cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động tự do, chứ không phải được chỉ định bởi các cơ quan chủ quản vốn dĩ mang tính thiên vị, khi ban giám đốc được chọn lựa theo tiêu chẩn chính trị trung thành với chế độ hơn là tiêu chuẩn năng lực quản lý kinh tế.

Kết luận

Cả chủ nghĩa tư bản sơ khai thời kỳ thả lỏng [laissez-faire] thế kỷ 19 và kinh tế thị trường thời hiện đại đều dựa trên những nguyên lý giống nhau: ấy là quyền tư hữu tư liệu sản xuất, là tự do cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, là điều tiết tự nhiên giữa cung và cầu để phát sinh giá cả. Có khác nhau chăng là mức độ can thiệp của nhà nước trong chính sách kinh tế, can thiệp gì và can thiệp như thế nào v.v…Nhận thức được rằng căn bịnh quyền lực kinh tế là nguồn gốc phát sinh nhiều hệ lụy xã hội của chủ nghĩa tư bản tự do thả lỏng, những người theo mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội của CHLB Đức điều chỉnh căn bịnh ấy bằng cách phát tán quyền lực kinh tế trên thị trường cho nhiều thành viên nhỏ có điều kiện cạnh tranh lẫn nhau một cách lành mạnh, từ đó tạo nên hoạt động cân đối trên thị trường để nền kinh tế quốc gia phát triển và ổn định. Trên cơ sở quyền tư hữu được công nhận và bảo vệ, thành phần tư doanh ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn. Đến đầu thế kỷ 21 thì thành phần kinh tế tư doanh đóng vai trò chủ đạo. Nhà nước chỉ nắm quyền sở hữu trong một số lĩnh vực mà tư nhân không muốn tham gia, hoặc trong một số lĩnh vực công nghiệp đặc biệt như quốc phòng, an ninh.

Trên góc nhìn về quyền tư hữu tư liệu sản xuất, Việt Nam rõ ràng còn theo đuổi những mục đích khác rất mâu thuẫn với những nguyên lý chủ đạo của kinh tế thị trường. Thông thường, tư duy kinh tế của chuyên gia đã được định hình từ giai đoạn họ còn là sinh viên, nhất là khi họ bắt đầu chọn đề tài làm luận án ra trường. Chuyên gia Việt Nam thì được đào tạo trong luồng tư tưởng kinh tế chính trị Marx-Lenin, cho nên hiểu biết về các nguyên lý chủ đạo của kinh tế thị trường rất hạn chế, thậm chí rất lệch lạc theo quan điểm Marx-Lenin. Vả lại, như vị tổ phụ của lý thuyết kinh tế thị trường – kinh tế gia và triết gia Adam Smith người Scotland – đã chỉ ra từ cuối thế kỷ 18, các nguyên lý của kinh tế thị trường được xây dựng trên nền tảng tôn trọng tự do toàn diện cho con người trong xã hội. Cho nên, để vận dụng thành công các nguyên lý đó vào hoàn cảnh thực tế, người hoạch định chính sách kinh tế cần xem “tự do toàn diện cho mọi công dân”  là nền tảng quan trọng cần được chú ý ưu tiên để đi tìm phương hướng. Nếu không, chính sách dễ rơi vào tình trạng mâu thuẩn nội tại khó tìm được lối ra khi sự cố trên thị trường bắt đầu xuất hiện.

Sau thời kỳ đổi mới, nhiều cá nhân có cố gắng tự tìm hiểu để nâng cao kiến thức, nhưng đó chỉ là cố gắng cá nhân riêng lẻ, chứ nhà nước vẫn chưa có một chính sách cương quyết về nghiên cứu và đào tạo các tư tưởng kinh tế hiện đại ngoài luồng chính thống Marx-Lenin. Vì thế, việc vận dụng các nguyên lý cốt lõi về kinh tế thị trường không tránh khỏi lệch lạc, thậm chí có lúc rất “phi thị trường”. Điều này làm cho nền kinh tế không phát huy hết tiềm lực của nó. Mức tăng trưởng hàng năm 6-7% là con số ấn tượng, nhưng Việt Nam còn quá nghèo, cho nên mức tăng trưởng đó vẫn không đủ để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, hơn thế nữa, khoảng cách ngày càng xa. Các điều khoản trong hiến pháp về sở hữu đất đai [điều §54] hoặc kinh tế nhà nước là chủ đạo [điều §51] đi ngược lại nguyên lý hoạt động của thị trường. Chúng là những vật cản trong công cuộc phát triển. Đấy là chưa kể, “sở hữu toàn dân” về đất đai là một khái niệm mơ hồ, dễ sinh lạm dụng, cướp đoạt và những hậu quả chính trị khó lường. Đồng Tâm, Thủ Thiêm là những bài học cho những người soạn thảo luật pháp. Hy vọng những vật cản ấy sẽ sớm được dẹp đi. Thay đổi hiến pháp là việc ưu tiên cần làm để mở đường, sớm ngày nào thì dân được hưởng ngày đó. Có như thế, nền kinh tế thị trường của quốc gia mới hy vọng được thăng hoa.

Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức

Nội dung bài viết này đã được cập nhật và rút từ tác phẩm „Thần kỳ kinh tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969. Lịch sử – Lý thuyết – Chính sách“ Nhà Xuất Bản Tri Thức, liên kết với Phương Nam, ISBN 978-604-943-8127.

Một số thuật ngữ chuyên môn có ghi chú tiếng Đức, đôi lúc có tiếng Anh. Tiếng Đức là gốc và chính xác. Nếu dịch sang tiếng Việt hoặc Anh không đúng, xin quí vị lượng thứ và cho biết để hiệu đính lại.

Tài liệu tham khảo           

  1. Böhm, Franz
    Tự do và trật tự trong kinh tế thị trường
    [Sưu tầm và biên tập bởi Ernst-Joachim Mestmäcker]
    Freiheit und Ordnung in der Marktwirtschaft
    ISBN 3-7890-0492-8
  2. Erhard, Ludwig
    Chính sách kinh tế Đức Deutsche Wirtschaftspolitik

    ISBN 3-430-12546-4

  3. Eucken, Walter
    Những luận đề cơ bản về chính sách kinh tế
    Grundsätze der Wirtschaftspolitik
    ISBN 31-6345-548-4
  4. Friedman, Milton
    Chủ nghĩa tư bản và tự do Capitalism and Freedom Bản dịch tiếng Đức Kapitalismus und Freiheit bởi Paul C. Martin

    ISBN 3-492-23962-5

  5. Grosser, Dieter và Thomas Lange, Andreas Müller-Armack, Beate NeussKinh tế thị trường xã hội: Lịch sử – Khái niệm – Hiệu suất
    Soziale Marktwirtschaft. Geschichte – Konzept – Leistung
    ISBN 31-7010-004-1
  6. Hasse, Rolf H., Hermann Schneider & Klaus Weigelt
    Từ điển tường giải Kinh tế Thị trường Xã hội Lexikon Soziale Marktwirtschaft

    ISBN 3-8252-2325-6

  7. Kolowski, Peter [tổng biên tập]
    Lý thuyết tư bản chủ nghĩa trong truyền thống kinh tế Đức The Theory of Capitalism in the German Economic Tradition

    ISBN 3-540-66674-5

  8. Müller-Armack, Alfred
    Điều khiển kinh tế và kinh tế thị trường
    Wirtschaftslenkung und Marktwirtschaft
    ISBN 39-2459-228-4
  9. Müller-Armack, Alfred
    Gia hệ của Kinh tế Thị trường Xã hội Genealogie der Sozialen Marktwirtschaft

    ISBN 32-5803-025-1

  10. Peters, Hans-Rudolf
    Chính sách kinh tế Wirtschaftspolitik

    ISBN 3-486-23120-0

  11. Schlecht, Otto
    Phồn vinh cho toàn châu Âu Wohlstand für ganz Europa

    ISBN 3-416-02563-6

  12. Smith, Adam
    Phồn vinh các quốc gia – Khảo sát bản chất và nguồn gốc
    An Inquiry into the nature and cause of the wealth of nations
    ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7

Ghi Chú

[1] Xem tài liệu [11] trang 85, O. Schlecht.

[2] Xem tài liệu [3] trang 270, W. Eucken

[3] Xem tài liệu [3] trang 271, W. Eucken

[4] Xem tài liệu [10] trang 199, H-R Peters

[5] Có thị trường nào mà không có sự cố bất thường? Lý thuyết kinh tế chỉ cho chúng ta rằng, cung và cầu luôn luôn thay đổi theo thời gian, cho nên việc điều tiết sản xuất [cung cấp] để đạt một quan hệ tối ưu với thị trường [tiêu thụ] là yếu tố then chốt của thành công.

[6] Xem tài liệu [6] trang 156-159, R. Hasse [Heinrich Höfer: Eigentum]

[7] Xem tài liệu [3] trang 272-273, W. Eucken

[8] Defizitäre Staatsausgabe – Deficit spending

[9] Điều §115.2 của Bộ luật Cơ bản [hiến pháp]: „Chi thu ngân sách về căn bản phải được cân bằng mà không cần lấy tín dụng. Nguyên tắc này cho phép [nhà nước] lấy tín dụng nếu nó không vượt quá 0,35 phần trăm tổng sản lượng quốc gia hàng năm…“. Qua thời gian, tỉ lệ 0,35% có lúc được quốc hội đồng ý thay đổi theo nhu cầu, nhưng tinh thần chung của hiến pháp vẫn giữ nguyên. 

[10] Hiện nay, chuơng trình ZDF History [kênh ZDF Info] vẫn thường chiếu lại những phóng sự tương tự. Ngoài ra ZDF History thường trình chiếu nhiều chương trình liên quan đến lịch sử Đức hậu chiến, rất đáng theo dõi để tham khảo thêm. Giáo sư Guido Knopp đã từng điều khiển chương trình này hơn 20 năm và đã để lại một kho tài liệu đồ sộ về lịch sử hậu chiến Đức. 

[11] Thuật ngữ thường dùng trong quản lý xí nghiệp là „slim management“.

Video liên quan

Chủ Đề