Tại sao quyền bí mật riêng tư của trẻ em là bất khả xâm phạm

Quyền riêng tư là một trong những quyền con người, quyền công dân cơ bản được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia công nhận và bảo vệ. Quyền riêng tư đối với trẻ em lại càng được đặc biệt chú trọng vì trẻ em “nhóm yếu thế”, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thể chất để có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi tác động, xâm hại đến mình.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Theo Hiến pháp năm 2013, trẻ em [người dưới 16 tuổi] được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em [khoản 1 Điều 37].

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác [khoản 1, khoản 2 Điều 38].

Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cũng quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư [Điều 21].

Khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”.

Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 16 Công ước về quyền trẻ em cũng quy định: Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy.

Ngày 9/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Điều 33 giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Như vậy, kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, đã có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Với các quy định trên, các bậc cha, mẹ, người thân thích của trẻ em cần phải lưu ý và thận trọng trong việc đăng tải hình ảnh, kết quả học tập,… của trẻ trên các trang mạng xã hội [chẳng hạn như Facebook,…] để tránh vi phạm các quy định của pháp luật.

Chế tài đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em

Mặc dù quyền riêng tư của trẻ em đã được Hiến định và luật định rõ ràng và chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền riêng tư của trẻ em lại rất dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trên môi trường mạng với sự phát triển như vũ bão của Internet, mạng xã hội và các thiết bị thông minh…

Người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ đôi khi lại chính là người thân thích của trẻ, là cha, mẹ, anh, chị… Mặc dù có thể xuất phát từ tình yêu thương, hoàn toàn không cố ý nhưng vì chủ quan, không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm đến quyền tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đặc biệt là sự xâm phạm về hình ảnh cá nhân.

Về chế tài xử phạt

Hiện nay chưa có Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính về quyền trẻ em, trong đó có hành vi vi phạm về quyền riêng tư của trẻ em. Nghị định 144/2013/NĐ-CP hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em không có quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Tuy vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có thể căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan để xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Chẳng hạn, đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng, có thể căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện [đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP]. Theo đó, đối với vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng [điểm b khoản 2 Điều 64].

Đối với vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đối với vi phạm của thành viên gia đình tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình [trong đó có trẻ em] nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác; tội làm nhục người khác… theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo luật, mọi hành vi vi phạm về quyền của trẻ em nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, nếu gây ra thiệt hại thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Kiều Anh Vũ
Giám đốc Công ty KAV Lawyers, TP HCM

Trước những tình trạng bạo lực diễn ra khá phổ biến hiện nay, nhiều người dân thắc mắc không biết pháp luật quy định như thế nào về quyền của trẻ em? Quyền bất khả xâm phạm trẻ em gồm những gì? Trường hợp bạo hành trẻ em về sức khoẻ thì bị xử lý như thế nào?

Khách hàng quan tâm những nội dung trên, vui lòng tham khảo thông tin bài viết dưới đây của chúng tôi.

Trẻ em có những quyền gì?

Theo quy định pháp luật về Luật trẻ em hiện hành, có ghi nhận trẻ em có những quyền lợi sau đây:

– Quyền sống

– Quyền được khai sinh và có quốc tịch

– Quyền được chăm sóc sức khỏe

– Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

– Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

– Quyền vui chơi, giải trí

– Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc

– Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

– Quyền về tài sản

– Quyền bí mật đời sống riêng tư

– Quyền được sống chung với cha, mẹ

– Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

– Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

– Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

– Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

– Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

– Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt

– Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy

– Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang

– Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

– Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang;

– Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

– Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội

– Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp

– Quyền của trẻ em khuyết tật

– Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

Quyền bất khả xâm phạm trẻ em được hiểu như thế nào?

Tiếp theo trong nội dung bài viết, chúng tôi sẽ giải đáp về Quyền bất khả xâm phạm trẻ em gồm những gì?

Bất khả xâm phạm là không ai có thể xâm phạm đến, đụng đến quyền của một thực thể, một chủ thể không bị xâm phạm đến một số đối tượng của mình được luật quốc tế công nhận, luật quốc gia quy định.

Quyền bất khả xâm phạm trẻ em là quyền của trẻ em mà không ai có thể xâm phạm đến, dựa theo các quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự cùng Luật trẻ em.

Theo đó Hiến pháp năm 2013 quy định:

– Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

– Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

– Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bộ luật dân sự quy định:

– Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

– Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

– Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Luật trẻ em quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Như vậy từ những quyền bất khả xâm phạm được ghi nhận trong các văn bản pháp lý thì chúng ta có thể trả lời rõ ràng cho câu hỏi Quyền bất khả xâm phạm trẻ em gồm những gì? Đó là, quyền về chỗ ở, quyền về đời sống riêng tư, quyền về thân thể, sức khoẻ, nhân phẩm.

Hành vi bạo lực trẻ em có vi phạm quyền bất khả xâm phạm hay không?

Với các hành vi như:

– Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.;

– Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

– Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần;

– Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ;

– Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần;

Đây đều là những hành vi vi phạm nghiêm trọng về quyền bất khả xâm phạm đối với trẻ em. Với những hành vi như vậy, tuỳ vào từng mức độ cụ thể mà có thể xem xét để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự dưới các tội danh như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hành hạ người khác hoặc Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.

Với xử lý về hành chính, thì các hành vi mang tính chất bạo lực trẻ em như trên thì áp dụng theo mức xử phạt theo Nghị định 144 năm 2013 của Chính phủ, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.

Bài viết là một trong những chia sẻ của luathoangphi.vn về Quyền bất khả xâm phạm trẻ em gồm những gì? Khách hàng tham khảo nội dung bài, có vấn đề gì thắc mắc vui lòng phản hồi trực tiếp để nhân viên hỗ trợ.

Video liên quan

Chủ Đề