Phong tục gói bánh chưng, bánh dày

Nguồn Gốc

Bánh Chưng Tết theo ông cha ta kể lại xuất hiện vào thời vua Hùng. Chuyện rằng trong dịp đầu năm mới hoàng thượng muốn truyền ngôi cho các hoàng tử, liền truyền ý chỉ là: trong các người con nếu ai có món quà vừa ý trẫm [ý vua] sẽ truyền lại ngôi báu cho người đó. Các hoàng tử liền tìm đủ các món sơn hà, hải vị, các của cải châu báu quí hiếm làm quà dâng tặng vua cha. Duy chỉ có Lang Liêu là hoàng tử thứ 18 từ lâu mất mẹ không biết nên chọn món quà nào.

Rồi một đêm Lang Liêu nằm mơ có vị thần đến bảo "Trời đất không có gì quí bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất và trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành cha mẹ". Khi dâng lên vua, vua vô cùng vui mừng và đã truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Món bánh chưng và bánh dày có nguồn gốc chính là từ đây.

Ý nghĩa

Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Việt nhưng đâu phải ai cũng biết ý nghĩa của bánh chưng như thế nào. Là người Việt, việc tìm hiểu ý nghĩa của bánh chưng là điều cần thiết. Nếu chưa biết, cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của bánh chưng như thế nào mà dân ta vẫn luôn có phong tục gói bánh chưng vào ngày Tết Nguyên Đán nhé.

Ý nghĩa văn hóa

Theo quan điểm của văn hóa Trung Hoa thời bấy giờ: bánh chưng tết hình vuông tượng trưng cho mặt đất hình vuông, bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Dân tộc Việt Nam ta trước đây lại là văn hóa lúa nước phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên rất nhiều. Chính vì vậy, bánh chưng tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, làm bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Đi cùng với bánh chưng bánh dày, trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Ý nghĩa tinh thần

Trong ngày tết cổ truyền, hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toan nhưng 1 chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có. Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 âm lịch, đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày tết. Đây chính là dịp để ông bà, bố mẹ và con cháu xum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân, bánh chưng có ý nghĩa không chỉ về mặt dinh dưỡng mà nó chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Ý nghĩa của bánh chưng không chỉ thể hiện tấm lòng với tổ tiên,  mà bánh chưng còn tượng trưng cho trời đất. 

Ý nghĩa về sức khỏe

Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể. Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó, gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời đó là một thực phẩm rất tốt cho gan. Đây chính là loại thực phẩm rất tốt có ý nghĩa to lớn cho sức khỏe của chúng ta.

Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội,... dân gian cùng nhau làm bánh chưng, bánh dầy sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất. Đây chính là những ý nghĩa của bánh chưng và phong tục gói bánh chưng ngày Tết mà nhiều người không biết.

Nguồn: vietq.vn

Sưu tầm: Kim Anh – P.HCNS

Tục gói bánh chưng ngày Tết: Cần trao truyền lại cho thế hệ sau

16:00 15/02/2018

Trong xã hội hiện đại, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói và dâng cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Việc thờ cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống.

Các thành viên trong gia đình tham gia gói bánh chưng ở làng Tranh Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. [Ảnh: TTXVN].

Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.

Nguồn gốc tục gói bánh chưng

Theo truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dày," tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: người con nào tìm được lễ vật hợp ý sẽ được vua cha nhường ngôi.

Hầu hết các hoàng tử lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm. Riêng hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: bánh chưng và bánh dày-tượng trưng cho Trời và Đất-làm lễ vật dâng vua cha.

Chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no, bởi bên trong đủ động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân rất ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu.

Kể từ đó tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế.

Rất cần trao truyền cho thế hệ sau

Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà.

Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Ngày nay, việc gói và dâng cũng vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở thành phố, cũng chỉ có số ít gia đình còn giữ lại phong tục gói bánh chưng, còn đa số gia đình muốn có bánh chưng dâng cúng sẽ đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua.

Công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng có nhiều đổi thay, có nơi, có chỗ đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga... Không khí tết cũng vì thế mà nhạt dần.

Các thành viên trong gia đình cùng tham gia gói bánh mang lại bầu không khí ấm cúng, vui vẻ. [Ảnh: TTXVN].

Chính vì thế, ở nhiều nơi, mọi người đã vận động, khuyến khích nhau tiếp tục thực hiện phong tục này để tìm lại hương vị ngày Tết. Thông qua các cuộc thi gói bánh chưng, không khí tết phần nào đã trở về với từng góc nhà, ngõ nhỏ.

Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hòa quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.

Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau.

Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hóa để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

Theo Vietnamplus

Chủ đề: văn hóa truyền thống lịch sử truyền thuyết Tết tục gói bánh chưng

Video liên quan

Chủ Đề