Nguyễn phúc ánh là ai

Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức kỷ niệm 260 năm ngày sinh vua Gia Long - Ảnh: NHẬT LINH

Buổi lễ được diễn ra trang trọng ở không gian khuôn viên Thế tổ miếu trong Đại nội Huế - nơi đặt bài vị vua Gia Long.

Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762 mất năm 1820. Ông là vị vua có công rất lớn trong việc thống nhất, mở mang bờ cõi nước ta với vùng đất rộng lớn từ ải Nam Quan đến đất mũi Cà Mau.

Vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802 ở Phú Xuân [Thừa Thiên Huế ngày nay], lập ra vương triều nhà Nguyễn. Năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam.

Năm 1805, vua Gia Long đã cho xây dựng hệ thống kinh thành Huế và nay được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nằm trong cụm Quần thể di tích cố đô Huế.

Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết dù còn nhiều tranh cãi xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp của vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn nhưng những công trạng của vua Gia Long là không thể phủ nhận.

Một cái nhìn từ 'kẻ khác' về vua Gia Long và sử Việt

NHẬT LINH

Gia Long [chữ Hán: 嘉隆; 8 tháng 2 năm 1762 – 3 tháng 2 năm 1820], tên húy là Nguyễn Phúc Ánh [阮福暎], thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh [阮暎] là nhà chính trị, nhà quân sự và là vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ [阮世祖]. Trong suốt thời gian trị vì ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Gia Long [嘉隆], nên thường được gọi là Gia Long Đế.

Nguyễn Ánh là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn áp chót ở Đàng Trong. Sau khi gia tộc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn lật đổ vào năm 1777, ông trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Ban đầu Nguyễn Ánh chịu nhiều thất bại lớn, có lúc phải chạy sang Xiêm La và sống lưu vong ở đây trong ba năm. Nguyễn Ánh đã cầu viện quân Xiêm La đánh vào vùng Nam Bộ, rồi hứa cắt lãnh thổ cho Pháp để nước này xuất quân sang đánh Tây Sơn nhưng không thành, rồi sau này lại chở lương thực giúp quân Thanh sang đánh Tây Sơn. Hành vi 3 lần trợ giúp quân xâm lược, vì quyền lợi cá nhân mà phản bội lợi ích dân tộc đã khiến Nguyễn Ánh bị nhiều người dân và các sử gia thời hiện đại chỉ trích gay gắt

Năm 1787, ông đã trở lại và giữ vững được Nam Bộ. Về sau, lúc Tây Sơn suy yếu sau cái chết đột ngột của vua Quang Trung vào năm 1792, Nguyễn Ánh bắt đầu tiến đánh nhà Tây Sơn và đến năm 1802 thì đánh bại Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, thống nhất đất nước và kết thúc nhiều thế kỷ nội chiến ở Việt Nam. Triều đại của Gia Long đã chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam. Ông cũng quyết định đóng kinh đô tại thủ phủ cũ của các Chúa Nguyễn là Phú Xuân [Huế]. Lãnh thổ nước Việt thời Gia Long về cơ bản được định hình giống như ngày nay, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên diện tích miền Trung đã bị thu hẹp lại do Gia Long cắt vùng Trấn Ninh [rộng khoảng 45.000 km²] cho vương quốc Vạn Tượng để nhận lấy sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn [vùng này ngày nay là lãnh thổ của Lào]. Với việc cắt Trấn Ninh cho Lào, Gia Long là ông vua trao lãnh thổ đất nước cho ngoại quốc nhiều thứ 2 trong lịch sử Việt Nam [chỉ kém việc chắt nội của ông là vua Tự Đức đã cắt cả Nam Kỳ Lục tỉnh cho thực dân Pháp]

Về đối ngoại, ông là người mở đường cho sự can thiệp của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời người Pháp giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Công giáo tại Việt Nam. Về mặt đối nội, nước Việt thời Gia Long không được ổn định, do Gia Long tăng thuế khóa và lao dịch quá nặng nên bị người dân bất bình, chỉ trong 18 năm đã có khoảng 90 cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước. Gia Long cũng xóa bỏ các cải cách tiến bộ của triều Tây Sơn để thay bằng việc áp dụng các chính sách cai trị phong kiến khá bảo thủ, tiêu biểu là việc cấm thương nhân người Việt buôn bán với ngoại quốc, soạn Hoàng triều luật lệ [còn gọi là "luật Gia Long"], gần như chép nguyên mẫu từ luật của nhà Thanh [Trung Quốc] nên khá khắc nghiệt và không được tiến bộ như bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê. Lương Đức Thiệp nhận xét rằng việc Nguyễn Ánh thi hành chính sách bảo thủ, xóa bỏ các cải cách tiến bộ của triều Tây Sơn đã khiến "dân tộc Việt Nam vẫn cứ đứng lỳ trên một nấc tiến hóa với cái kỹ thuật canh tác không thay đổi". Các chính sách này là nguyên nhân khiến nước Việt thời nhà Nguyễn dần trở nên trì trệ, lạc hậu, không thích ứng kịp với thời đại mới và bị đế quốc Pháp xâm chiếm vào nửa thế kỷ sau.

Thời trẻ

Nguyễn Ánh sinh vào ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ [tức ngày 8 tháng 2 năm 1762], là con trai thứ ba của vương tử Nguyễn Phúc Luân và Nguyễn Thị Hoàn. Khi còn nhỏ Nguyễn Ánh còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chủng [阮福種] và Noãn [暖].

Nguyễn Ánh sinh ra vào thời kỳ nước Đại Việt bị chia làm hai, lấy ranh giới ở sông Gianh [Quảng Bình]: từ sông Gianh ra Bắc là Đàng Ngoài có nhà nước của vua Lê – chúa Trịnh; lãnh thổ từ sông Gianh vào Nam là Đàng Trong, nằm dưới sự cai trị của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn tự đặt chính sách kinh tế, quân sự, tài khóa riêng cho Đàng Trong, dù trên danh nghĩa các chúa Nguyễn vẫn là quan của nhà Lê, hàng năm nộp cống và dùng niên hiệu của vua Lê. Ông nội Nguyễn Ánh là Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, chúa thứ 8 của họ Nguyễn. Vũ vương mất năm 1765; trước đó thế tử Nguyễn Phúc Hiệu đã chết, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ, nên Vũ vương có di chiếu truyền ngôi cho Phúc Luân. Nhưng quan phụ chính Trương Phúc Loan chuyên quyền, bèn sửa di chiếu lập con thứ 12 của Vũ vương là Phúc Thuần làm chúa. Phúc Luân bị bắt giam và chết trong ngục; năm đó Nguyễn Ánh mới 4 tuổi.

Trốn chạy Tây Sơn

Khi Nguyễn Ánh được 9 tuổi [1771], 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh ở Tây Sơn chống chúa Nguyễn. Năm ông 13 tuổi [1775], chúa Nguyễn bị quân Lê – Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy và quân Tây Sơn đánh kẹp từ hai mặt. Nguyễn Ánh và 4 anh em trong nhà đi theo Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam rồi vượt biển vào khu vực Gia Định [vùng miền Nam Việt Nam ngày nay].

Tháng 2 năm 1776, Nguyễn Ánh dù còn nhỏ tuổi vẫn được cho giữ chức Chưởng sứ coi binh Tả Dực, và cho dự họp bàn việc quân.

Cùng tháng, Nguyễn Lữ lãnh binh Tây Sơn đánh Gia Định. Chúa Nguyễn rút về Bà Rịa, Trấn Biên ra lệnh Cần Vương. Nguyễn Lữ lãnh binh Tây Sơn cướp bóc Gia Định rồi quay về Quy Nhơn.

Trong thời gian ở Gia Định, nội bộ quân chúa Nguyễn xảy ra tranh chấp giữa phe ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần của Đỗ Thanh Nhơn và phe ủng hộ Nguyễn Phúc Dương của Lý Tài, còn Nguyễn Ánh trú tại Ba Giồng [Tam Phụ] với quân Đông Sơn.

Tháng 10, Vua Cao Miên là Nặc Ông Vinh nhân thấy chúa Nguyễn nguy khốn, không chịu triều cống. Chúa sai Chưởng cơ Trương Phước Thận, Phó Tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn theo giúp Nguyễn Ánh thảo phạt.

Đầu năm 1777, Nguyễn Huệ tiến đánh Sài Gòn. Giữa năm 1777, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương cùng vài người anh em ruột của Nguyễn Ánh và nhiều người khác trong gia tộc chúa Nguyễn bị Nguyễn Huệ bắt giết hết. Về phần Nguyễn Ánh thời gian này đang đi cùng với Nguyễn Phúc Dương cũng xém bị bắt giết, may được một đứa trẻ con nhà kép hát che giấu nên trốn thoát.

Tiếp đến, Nguyễn Ánh được một linh mục Công giáo tên là Phaolô Hồ Văn Nghị và một thầy giảng tên Toán che chở tại khu vực Rạch Giá rồi sau đó lén giúp ông thoát sang Hà Tiên. Tại đây, Nguyễn Ánh ban đầu đến trú tại nhà của Giám mục thuộc Hội Thừa sai Ba Lê là Bá Đa Lộc [Pigneau de Behaine], rồi trốn vào rừng để ẩn nấp quân Tây Sơn truy kích. Nhận được tin báo từ Phaolô Hồ Văn Nghị, Bá Đa Lộc đang tránh Tây Sơn ở Cao Miên bèn trở về, mang theo một người Pháp tên Gioang [Jean] đến gặp và theo giúp Nguyễn Ánh. Sau đó, Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh trốn sang đảo Poulo Panjang [đảo Thổ Châu] sau khi quân lùng bắt của Tây Sơn rút đi.

Sau chừng một tháng trốn chạy, khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã về Quy Nhơn thì Nguyễn Ánh lại trở lại Long Xuyên, tiến lên Sa Đéc với Đỗ Thanh Nhơn và Lê Văn Quân; ông ra hịch cáo quân và thu nhận được thêm một đội quân cùng các tướng Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Luông và Hồ Văn Lân... Khi Nguyễn Ánh lưu lạc trong dân gian đã để lại nhiều giai thoại. Những địa danh ở Nam Bộ ngày nay có tên Long đánh dấu những nơi ngày xưa Nguyễn Ánh từng đặt chân đến. Theo giai thoại, ông dẫn quân về nơi ngày nay là Lấp Vò [Đồng Tháp], bị quân Tây Sơn truy đuổi, khi đi qua vùng đất ẩm đoàn quân để lại dấu chân rất dễ bị địch lần theo. Đêm đó Nguyễn Ánh khấn rằng "Nếu số mạng của quân ta chưa tận xin hãy lấp dấu chân đi để kẻ địch không thể truy tìm". Sáng ra thì trời mưa to, mọi vết tích của đoàn quân đều mất. Về sau người ta gọi địa danh đó là "Lấp Vò", cách nói trại của lấp giò, ám chỉ lấp dấu chân, dấu giò. Cũng trong thời gian đóng quân ở Đồng Tháp, Nguyễn Ánh đã cho lập hai căn cứ đóng quân tại nơi mà ngày nay huyện Lai Vung, với mục đích trấn thủ hai vị trí chiến lược dẫn ra sông Hậu và sông Tiền. Hai căn cứ đó là Bảo Tiền và Bảo Hậu, ngày nay chỉ còn là phế tích. Tại Bảo Tiền vẫn còn đền thờ Gia Long và cây cổ thụ mấy trăm tuổi.

Tháng 11 âm lịch năm 1777, ông tập hợp một đạo quân mặc toàn áo tang bất ngờ tấn công dinh Long Hồ và sau đó nhanh chóng đuổi quan trấn thủ Tây Sơn tại Gia Định là Tổng đốc Chu [hay Tổng đốc Châu], lấy lại thành Sài Gòn tháng 12 cùng năm.

[Ảnh: Tran bìa tác phẩm "Gia Long Tẩu Quốc" mô tả về quá trình Nguyễn Ánh bôn tẩu khắp chốn Nam Hà, điều này đã làm nảy sinh cụm từ "Gia Long tẩu quốc" [Gia Long bôn tẩu vì nước], về sau trở thành chủ đề văn học được viết thành tiểu thuyết, chuyển thể thành cải lương, được in chạm vào các sản phẩm gốm sứ ở miền Nam Việt Nam]

Xưng vương ở Nam Bộ

Năm 1778, khi Nguyễn Ánh được 17 tuổi, các tướng tôn ông làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Ngay lập tức, vào tháng 2 năm 1778, Tây Sơn phái Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy và Hộ giá Phạm Ngạn vào đánh Gia Định. Họ nhanh chóng đánh chiếm các vùng Trấn Biên, Phiên Trấn và một số khu vực ven biển. Nguyễn Ánh để Đỗ Thanh Nhơn giữ Gia Định rồi cùng Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Hoằng đi đánh quân Tây Sơn ở khu vực Bến Lức. Tại Bến Lức, quân Nguyễn chặn được Tây Sơn rồi sau đó mở cuộc phản công, ngăn chặn và đẩy lùi được thủy binh Tây Sơn do Tư khấu Uy chỉ huy ở Bến Nghé rồi chiếm lại được Trấn Biên. Thủy binh của Phạm Ngạn thì bị Lê Văn Duyệt phá, buộc ông này phải rút về lại Quy Nhơn.

Suốt các năm 1778 và 1779, Nguyễn Ánh ra sức củng cố và mở mang Phiên An trấn [vùng Sài Gòn-Gia Định-Long An hiện giờ] với mục đích biến vùng này thành căn cứ địa chống Tây Sơn. Ông cho tổ chức phân chia hành chính đất Gia Định dưới sự cố vấn của Bá Đa Lộc, đặt quan coi giữ, đóng thuyền, trữ lương chuẩn bị, xây dựng chiến lũy phòng thủ và củng cố lực lượng thủy bộ. Trong đó Nguyễn Ánh đặc biệt quan tâm tới thủy binh: ngay sau khi vừa được tôn làm Đại Nguyên soái, ông liền cho đóng ngay 50 chiến hạm đầu nhọn gọi là Long Lâm Thuyền. Hai năm sau, tướng Đỗ Thanh Nhơn lại đưa ra sáng kiến đóng thủy sư hai bánh [thuyền hai lái] với một bánh lái dài đi biển và bánh lái tròn đi sông, phía dưới thuyền có gác sàn che phiên tre hai bên bảo vệ thủy binh chèo thuyền, phía trên là bộ binh xung kích. Đây được xem là một sáng kiến cho kỹ thuật đóng thuyền thời bấy giờ.

Đỗ Thanh Nhơn vì có nhiều công lớn nên được Nguyễn Ánh trọng đãi, nhưng lại có biểu hiện hung bạo, cậy công, lấn lướt quyền hành với Nguyễn Ánh, tạo thêm vây cánh thậm chí muốn giành quyền lực. Thấy vậy, tướng Tống Phúc Thiêm bèn bày mưu để giết Đỗ Thanh Nhơn. Tháng 3 năm 1781, Nguyễn Ánh cùng Tống Phúc Thiêm lập mưu giả bệnh, gọi Thanh Nhơn đến rồi sai võ sĩ giết chết. Đây là một việc gây nhiều tai hại cho Nguyễn Ánh: sau đó dù ông đã nhanh chóng đưa ra chính sách chia cắt để làm suy yếu quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn nhưng họ vẫn phản lại Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh phải ra sức đánh dẹp mãi, trong việc đánh dẹp này Thống binh Tống Văn Phước đã tử trận.

Quan hệ với Chân Lạp và Xiêm La

Năm 1779, Chân Lạp xảy ra nội loạn do tranh giành ngôi vua, Nguyễn Ánh bèn sai Đỗ Thanh Nhơn, Hồ Văn Lân và Dương Công Trừng đi đánh Chân Lạp và giữ quân lại bảo hộ. Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bửu" làm ấn truyền quốc, phong cho Đỗ Thanh Nhơn chức Ngoại hữu, Phụ chính, Thượng tướng công. Cùng năm, người Miên ở Trà Vinh dưới sự chỉ huy của tù trưởng Ốc Nha lợi dụng tình hình nổi lên chống Nguyễn Ánh, ông sai Đỗ Thanh Nhơn và Dương Công Trừng đi đánh dẹp. Nguyễn Ánh ngoài ra còn cho đặt quan hệ ngoại giao với Xiêm La.

Ngay sau khi xưng vương, tháng 6 năm Canh Tý [1780], Nguyễn Ánh sai sứ là Cai cơ Sâm và Tĩnh đi sứ nước Xiêm. Khi ấy, thuyền buôn Xiêm từ Quảng Đông trở về đến phần biển Hà Tiên, bị lưu thủ Thăng [không rõ họ] giết và cướp hết của cải. Vua Xiêm là Taksin giận, đem Sâm và Tĩnh giam vào ngục. Lại có người Chân Lạp là Bô Ông Giao nói gièm với vua Xiêm rằng quân Gia Định đã gởi mật thư bảo Tôn Thất Xuân và Mạc Thiên Tứ làm nội ứng, mưu lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm rất ngờ, liền bắt hết mọi người để tra hỏi. Mạc Tử Duyên [con của Thiên Tứ] hết sức cãi đó là chuyện vu cáo, bị vua Xiêm đánh chết. Thiên Tứ tự tử. Tôn Thất Xuân cùng Sâm, Tĩnh và quyến thuộc của Mạc Thiên Tứ cộng 53 người đều bị hại hết. Người Việt ngụ ở Xiêm đều bị dời hết ra nơi biên thùy.

Tháng 10 âm lịch năm 1781, vua Xiêm La là Taksin sai hai anh em đại tướng Chakri [Chất Tri] và Surasi [Sô Si] chỉ huy quân sang đánh Chân Lạp. Nguyễn Ánh cho sai Nguyễn Hữu Thụy và Hồ Văn Lân mang quân sang cứu Chân Lạp. Khi quân Việt và quân Xiêm còn đang đánh nhau thì ở Xiêm La, vua Taksin, có lẽ bị rối loạn tâm thần, bắt giam vợ con hai tướng Chakri, ở Xiêm lại xảy ra loạn do tướng Phraya San [Phan Nha Văn Sản - Oan Sản] cầm đầu. Hai tướng Xiêm là Chất Tri và Sô si buộc phải thỏa hiệp với Nguyễn Hữu Thụy, thề cứu nhau trong lúc hoạn nạn, rồi rút quân về nước dẹp loạn Phan Nha Văn Sản và giết luôn Taksin. Chất Tri đoạt ngôi, xưng là vua Rama I của Xiêm La, mở đầu nhà Chakri. Chính biến ở Xiêm khiến quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Xiêm La thay đổi: từ chỗ đối kháng trở thành đồng minh.

Thất thế trước Tây Sơn

Đến thời điểm mùa hè năm 1781, quân đội của Nguyễn Ánh phát triển lên đến khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền đi biển, trong đó có 3 thuyền lớn và 2 tàu đánh thuê Bồ Đào Nha do Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh mời được. Có lực lượng khá mạnh, ông bèn tổ chức tấn công Tây Sơn đánh tới tận đất Phú Yên nhưng sau cùng phải rút chạy vì gặp lực lượng bộ binh rất mạnh của Tây Sơn. Tức giận vì tốn kém nhưng không thu được kết quả, quan lại Gia Định để cho một người phụ việc của Bá Đa Lộc là cai cơ Manuel lập mưu giết chết các tay lính đánh thuê Bồ Đào Nha và cướp tàu của họ.

Tháng 3 năm 1782, vua Tây Sơn là Thái Đức đế Nguyễn Nhạc cùng em trai là Nguyễn Huệ mang quân thủy bộ Nam tiến. Tây Sơn đụng trận dữ dội ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ với quân Nguyễn do chính Nguyễn Ánh chỉ huy. Dù lực lượng thuyền của Tây Sơn yếu hơn, nhưng nhờ lòng can đảm, họ đã phá tan quân Nguyễn đồng thời buộc Manuel tự sát, tuy vậy quân Tây Sơn cũng thiệt hại khá nhiều binh lực. Nguyễn Ánh thất trận bỏ chạy về Ba Giồng, rồi có khi trốn sang tận rừng Romdoul, Chân Lạp [rừng Romdoul là khoảng khu vực phía bắc tỉnh Svay Rieng]. Tây Sơn đuổi theo vào cuối tháng 4 âm lịch, bắt vua quan Chân Lạp là Ang Eng hàng phục và buộc tất cả những người Việt ở đấy phải về nước nhưng Nguyễn Ánh lại trốn kịp. Tướng Tống Phước Thiêm bị quân Đông Sơn bắt giết.

Vua Thái Đức khi chiếm lại Nam Bộ thì gặp phải sự chống đối mạnh của người Hoa ủng hộ Nguyễn Ánh tại đây. Tháng 4 âm lịch năm 1782, tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem Tả chi Trần Xuân Trạch, thuộc tướng là Trần Văn Tự, và thuộc tướng đạo Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu viện Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh giết được Hộ giá Tây Sơn là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Đô đốc Phạm Ngạn, người vốn rất thân thiết với Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, tử trận và đồng thời binh lính Tây Sơn thương vong nhiều trong khi đánh dẹp. Hay tin, Nguyễn Nhạc rất đau đớn và cho rằng người Hoa có tham gia trong đội quân Hòa Nghĩa giết Phạm Ngạn. Để trả thù, ông tiến hành tàn sát hơn một vạn người Hoa ở vùng Gia Định và tàn phá nặng nề vùng Cù lao Phố.[48][49] Vụ tàn sát này cộng với vụ tương tự trước kia Tây Sơn thực hiện ở Hội An khiến cho cộng đồng người Hoa giàu có, vốn dĩ trước đã có cảm tình nhiều hơn với Nguyễn Ánh, nay quay sang ủng hộ Nguyễn Ánh hết lòng cho đến hết cuộc chiến, khiến cho ông có được một nguồn lực kinh tế rất lớn. Ngoài ra, việc này còn cản chân Tây Sơn trong việc truy bắt Nguyễn Ánh, khiến cho Nguyễn Ánh có cơ hội quay trở về Giồng Lữ [Lữ Phụ]. Một đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Học đem quân đuổi theo Ánh bị quân Nguyễn bắt giết khiến cho Nguyễn Ánh thu giữ được 80 thuyền của Tây Sơn. Nguyễn Ánh thấy vậy định kéo về chiếm lại Gia Định nhưng gặp Nguyễn Huệ dàn binh quay lưng ra sông đánh bại khiến Nguyễn Ánh phải bỏ chạy, Lưu thủ Thăng và Tiên phong Túy đón Nguyễn Ánh về miền Hậu Giang.

Nguyễn Ánh sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch cùng Cai cơ Cao Phước Trí mượn đường Chân Lạp sang Xiêm La cầu viện nhưng quân Chân Lạp lại hợp tác với Tây Sơn, giết các tướng của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh lui về Rạch Giá, Chân Lạp lại cho 30 chiến thuyền vây đánh đến Sơn Chiết, Tiên phong Túy chặn được quân Chân Lạp. Nguyễn Ánh lại rút tiếp ra Hà Tiên rồi theo thuyền nhỏ trốn ra Phú Quốc.

Tháng 5 âm lịch năm 1782, nhận thấy Nguyễn Ánh đã hết sức phản kháng, anh em Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn, để lại hai hàng tướng của quân Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập và Hộ bộ Lãnh [hoặc Bá] lãnh 3.000 quân đóng ở đồn Bến Nghé để trấn giữ Gia Định. Châu Văn Tiếp, một tướng trước đây từng theo Tây Sơn, cùng Nguyễn Phước Mân [Tôn Thất Mân] lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Gia Định và đón Nguyễn Ánh trở về. Quân Tây Sơn do Đỗ Nhàn Trập chỉ huy rút chạy về Quy Nhơn. Ngay lập tức Nguyễn Ánh tìm cách tổ chức lại Gia Định nhưng quân của ông rất yếu ớt vì các thất bại trước, buộc ông phải sai sứ là Lê Phước Điển và Lê Phước Bình sang Xiêm kết giao trước để đề phòng Tây Sơn, đồng thời ủy thác cho Bá Đa Lộc chuẩn bị trước thuyền bè để khi Tây Sơn đến có đường mà đi. Sau đó, Nguyễn Ánh cho các tướng lập các đồn binh trên sông Vàm Cỏ và Gia Định để tăng sức phòng thủ trước Tây Sơn.

Tháng 2 âm lịch năm 1783, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân tiến đánh Gia Định. Quân Tây Sơn từ biển Cần Giờ ngược dòng tiến lên đánh Gia Định. Dù Nguyễn Ánh đã lập tuyến phòng thủ trước nhưng vẫn bị quân Tây Sơn phá tan trong trận đánh ở cửa Cần Giờ. Tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phước Mân bị giết chết, Dương Công Trừng bị bắt sống, chỉ riêng Châu Văn Tiếp chạy thoát. Bản thân Nguyễn Ánh buộc phải bỏ chạy về Ba Giồng cùng tướng Nguyễn Kim Phẩm với tầm 100 quân.

Tháng 4 âm lịch, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Kim Phẩm làm tiên phong và Nguyễn Huỳnh Đức chỉ huy một đạo quân người Chân Lạp làm hậu ứng, tập hợp cùng các tướng Tôn Thất Dụ, Nguyễn Đình Huyên, Lại bộ Hồ Đồng, Binh bộ Minh, Tham nghị Trần Đại Thể, Tham mưu Trần Đại Huề [con Đại Thể], Hoảng làm Tả chi, Nguyễn Văn Quý làm Hữu chi, quay về đóng quân ở Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ hay tin, kéo quân đánh phá Đồng Tuyên, quân Nguyễn Ánh thua to. Trong trận này, Đồng bị Tây Sơn bắt, còn Minh, Quý, Thuyên và Huề đều chết. Riêng Nguyễn Ánh chạy về sông Lật Giang [nay là đoạn sông Vàm Cỏ Đông ngang Bến Lức] dưới sự truy sát của Tây Sơn, tới khúc sông gặp nước chảy mạnh, nhiều tùy tùng chết đuối, còn Nguyễn Ánh nhờ biết bơi nên bơi qua được. Chạy đến sông Đăng Giang, sông có nhiều cá sấu, không thể bơi qua được, may lúc ấy có con trâu nước đang nằm bên bờ, Nguyễn Ánh cưỡi trâu sang sông. Qua được sông, Nguyễn Ánh đi Mỹ Tho và dong thuyền đem theo mẹ và vợ con ra đảo Phú Quốc.

Cùng lúc, Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Cốc và tướng quân Hòa Nghĩa là Trần Đĩnh trở về cửa biển Cần Giờ dò xét quân Tây Sơn. Vì Cốc có mâu thuẫn nên giết Đĩnh. Việc này khiến hai thuộc hạ người Hoa của Đĩnh là Tổng binh Trần Hưng và Lâm Húc nổi dậy chiếm giữ Hà Tiên và chống Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Kim Phẩm lấy lại Hà Tiên và cho Thái trưởng công chúa là Ngọc Đảo [con gái thứ bảy của chúa Nguyễn Phúc Khoát, gả cho Trương Phước Nhạc là Cai cơ thuyền Nghi Giang] lo việc quân nhu. Trần Hưng dẫn quân đánh úp, giết chết Phẩm và công chúa. Nguyễn Ánh tức giận, tự mang quân đến đánh, phe Hưng thua chạy. Tướng Xiêm là Vinh Li Ma ở đảo Cổ Long mang hơn chục chiến thuyền và 200 quân tới Hà Tiên theo Nguyễn Ánh. Có quân binh trong tay, Nguyễn Ánh cho tổ chức tầm 2-3 đợt cướp vùng Hà Tiên để kiếm khí giới và lương thực cho binh lính, nhưng cũng chính các hoạt động này khiến cho nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh bị lộ.

Tháng 6 âm lịch, khi Nguyễn Ánh lui ra đóng ở tại đảo Điệp Thạch [hòn Đá Chồng] thuộc Phú Quốc thì một thống suất của quân Tây Sơn là Phan Tuấn Thuận bất ngờ kéo quân ra truy kích, tình thế bức bách khiến tướng Lê Phước Điển phải dùng kế hy sinh. Ông này mặc áo ngự đóng giả Nguyễn Ánh khiến Tây Sơn bắt nhầm. Nguyễn Ánh đi thuyền khác thoát chạy ra được đảo Côn Lôn trong khi các thuộc tướng khác đều bị Tây Sơn bắt và giết sau khi dụ hàng không được.

Tháng 7 âm lịch, dò biết được Ánh đang đóng ở ngoài đảo [là đảo nào thì sử liệu chép khác nhau: Huỳnh Minh ghi rằng Phú Quốc, Tạ Chí Đại Trường cho là Cổ Long còn Thực lục thì lại chép là Côn Lôn], Nguyễn Huệ sai phò mã Trương Văn Đa của Tây Sơn kéo quân vây đánh 3 vòng trùng trùng điệp điệp. Nhưng lúc này bất ngờ có bão biển, mây mù kín mít, các thuyền Tây Sơn phải giãn ra và một số bị đánh đắm. Nguyễn Ánh thừa cơ lên thuyền trốn và sau bảy ngày đêm lênh đênh trên biển, ông quay ra hòn Cổ Cốt rồi lại về Phú Quốc. Thời gian này, vì thiếu lương thực binh sĩ Nguyễn Ánh phải đi hái cỏ, tìm củ mà ăn. Có người đàn bà buôn bán ở Hà Tiên tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền Nguyễn Ánh gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng.

Chính trong thời gian này, với những khó khăn gặp phải và mối quan hệ của Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc ngày càng thắt chặt, hình ảnh nước Pháp ngày càng lớn dần trong tâm trí của Nguyễn Ánh, kèm theo đó là lời bày của Bá Đa Lộc khiến Nguyễn Ánh bắt đầu nảy sinh ý định cầu viện Pháp. Hay tin Bá Đa Lộc đang ở Chan Bô [Chanthaburi, Xiêm La], Nguyễn Ánh mời đến Phú Quốc và nhờ ông này làm sứ giả nhằm nhờ nước Pháp mang quân sang giúp. Nguyễn Ánh giao cho Bá Đa Lộc một tờ quốc thư 14 khoản cầu viện Pháp và cả quốc ấn để vị Giám mục này được toàn quyền thay mặt Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Đi kèm với Bá Đa Lộc là con cả của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Cảnh [để làm con tin] và Phó vệ úy Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm. Bá Đa Lộc đưa Nguyễn Phúc Cảnh đi rồi, Nguyễn Ánh cũng từ biệt gia đình đi nơi khác.

Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục tìm cách quay lại Gia Định qua cửa biển Ma Ly [một cửa biển xưa thuộc Bình Thuận ngày nay], Tây Sơn nghe tin liền đưa hơn 20 chiến thuyền đuổi bắt khiến ông phải giăng bồm chạy sang hướng đông, lênh đênh hơn 7 ngày đêm mới thoát được về Phú Quốc. Sau đó, Nguyễn Ánh cùng Cai cơ Võ Văn Chính quay về khu vực Long Xuyên [nay là Cà Mau] tập hợp quân đợi sẵn. Thuyền Nguyễn Ánh về tới cửa biển Đốc Công [sông Ông Đốc] bắt giết được tướng Tây Sơn là Quản Nguyệt. Việc này đánh động tới quân Tây Sơn, tháng 8 âm lịch năm đó, Lưu thủ Tây Sơn là Nguyễn Hóa đem 50 chiến thuyền ngầm phục kích Nguyễn Ánh ở của biển Đốc Công. Quân Nguyễn Ánh bắt được một chiến thuyền Tây Sơn và hay tin, vội chạy nhanh ra biển, Hóa đuổi theo không kịp. Lúc này anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã về Quy Nhơn, để Gia Định lại cho Trương Văn Đa và Chưởng tiền Bảo giữ. Nguyễn Ánh chạy ra hòn Chông, rồi sang đảo Thổ Châu.

Cầu viện Xiêm La

Khi Bá Đa Lộc chưa kịp đi vì trái mùa gió thì Nguyễn Ánh liên tiếp gặp những thất bại trước quân Tây Sơn, do đó ông có ý chuyển sang cầu viện Xiêm La. Nguyên trước đó, khi Nguyễn Ánh còn phải lênh đênh trốn chạy, một tướng thân tín của ông là Châu Văn Tiếp chạy thẳng qua Xiêm cầu cứu.

Tháng giêng âm lịch năm 1784, Chưởng cơ Hồ Văn Lân đem quân sở bộ tiến đến đồn Tinh Phụ. Tôn Thất Hội nghe tin có viện binh đến, trổ vòng vây mà ra, thẳng tới sông Tân Hòa, hợp với quân Lê Văn Quân. Phò mã Tây Sơn là Trương Văn Đa đuổi đánh. Các tướng của Nguyễn Ánh thua chạy và tan rã, còn Lê Văn Quân chạy sang Xiêm.

Đến tháng 2 âm lịch năm Giáp Thìn [tháng 5 năm 1784], vua Xiêm La là Rama I cho tướng Thát Xỉ Đa đem thuyền sang Hà Tiên đón Nguyễn ÁnhNguyễn Ánh, trước đó nhận được thư của Châu Văn Tiếp, tới Long Xuyên hội kiến tướng Xiêm rồi cùng 30 viên quan và mấy chục tướng sĩ theo sang Xiêm La hội kiến vua Xiêm tại Vọng Các [Bangkok] vào tháng 3 năm 1784 mà không màng việc thân tướng là Nguyễn Văn Thành hết sức can ngăn việc cầu viện nước ngoài.

Trước khi đi Xiêm, Nguyễn Ánh cho người đưa mẹ và vợ sang đảo Thổ Châu. Các thuộc hạ cùng đi sang Xiêm với Nguyễn Ánh là Tôn Thất Hội, Trương Phước Giáo, Hồ Văn Bôi, Lưu Văn Trung, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Huấn, Trần Văn Xạ, Nguyễn Văn Tồn [người Khmer],  Bùi Văn Khoan, Lê Thượng và Nội trù Nguyễn Văn Hội, hơn 30 người, quân theo cũng vài mươi người.

Tháng 3 âm lịch, Nguyễn Ánh tới Vọng Các. Vua Xiêm Rama I vốn từng giao ước với tướng Nguyễn Hữu Thụy của Nguyễn Ánh trước đây ở Chân Lạp và lại cũng đang e ngại sự lớn mạnh của Tây Sơn có thể tranh giành ảnh hưởng với Xiêm ở Lào và Chân Lạp, nên đồng ý giúp Nguyễn Ánh để phân tán lực lượng Tây Sơn. Ngoài ra, Nguyễn Ánh cũng trọng dụng con cháu còn sống sót ở Xiêm của Mạc Thiên Tứ, nhất là Mạc Tử Sinh.

Tháng 6, Nguyễn Ánh về đánh Gia Định. Vua Xiêm cử hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía Tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn. Tháng 7, liên quân Nguyễn Ánh - Xiêm La đánh bại đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Hóa ở sông Trấn Giang, lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Nguyễn Ánh cho Mạc Tử Sinh làm Tham tướng giữ Hà Tiên.

Tháng 10, Châu Văn Tiếp tử trận khi đánh nhau với quân Tây Sơn của Chưởng tiền Bảo tại Mân Thít. Lại thêm trong thế tiến quân nhanh chóng, quân Xiêm ỷ thế làm đủ điều tàn bạo với dân chúng khiến cho Nguyễn Ánh rất thất vọng.Tháng 11, Lê Văn Quân làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ, quân Nguyễn Ánh chiếm các đồn Ba Lai, Trà Tân. Thái giám Lê Văn Duyệt đến hội quân với Nguyễn Ánh. Tham tướng Mạc Tử Sinh giữ Trấn Giang, Tham tán Nguyễn Thừa Diễn giữ Bình Áo [Vũng Bèo]. Riêng về phía Tây Sơn thì tướng trấn thủ Gia Định là phò mã Trương Văn Đa thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo.

Càng tiến vào sâu thì mâu thuẫn giữa quân Nguyễn, quân Xiêm và nhân dân Việt càng trở nên sâu sắc. Quân Xiêm cậy mình là kẻ có ơn cứu giúp Nguyễn Ánh nên đàn áp, cướp bóc nhân dân, khinh mạn cả Nguyễn Ánh và quân Nguyễn. Bởi vậy, trong thư đề ngày 25 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Ánh đã than phiền với giáo sĩ J. Liot rằng:

Nay thì Xiêm binh tự do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ. Vậy nên, "giặc" Tây Sơn ngày một mạnh, thế quân Xiêm ngày một suy.

Tháng 12, Nguyễn Nhạc sai Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào đánh. Quân Tây Sơn đánh thắng lẫy lừng trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Xiêm cùng mấy ngàn quân Nguyễn Ánh, chỉ sót vài nghìn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Từ sau vụ việc này, Nguyễn Ánh không còn trông mong gì vào Xiêm nữa vì "họ [Xiêm La] sợ quân Tây Sơn như sợ cọp".

Trong tập Kỷ yếu Hội nghị khoa học lịch sử nhân kỷ niệm 200 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tại Tiền Giang vào tháng 12-1984, trong đó bài tham luận của nhà sử học Phan Huy Lê đánh giá, nhận xét như sau:

"Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm được bọn phong kiến phản bội Nguyễn Ánh tiếp tay, là cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc… Quân xâm lược lại được Nguyễn Ánh dẫn đường và được các thế lực phong kiến phản động bên trong, nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định ủng hộ. Thế mà với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn đã nghiền nát quân cướp nước và bán nước bằng một trận tiêu diệt sấm sét... Đó là một chiến công lớn, oanh liệt đầu tiên của nhân dân miền Nam, bất chấp những khó khăn, phức tạp của hoàn cảnh lịch sử và sự phản bội của bè lũ phong kiến trong nước."

Các tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chạy theo đường núi Chân Lạp mà về Xiêm. Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt trốn đi Trấn Giang với vài chục người. Nguyễn Ánh sai Mạc Tử Sinh và Cai cơ Trung [cậu Châu Văn Tiếp] sang Xiêm trước báo tin, còn mình thì theo đường thủy qua đảo Thổ Châu rồi về Cổ Cốt với một nhóm nhỏ quân tướng. Thời gian này, cuộc sống của Nguyễn Ánh khốn khổ đến mức Nguyễn Văn Thành phải đi làm ăn cướp nuôi chủ và bị đánh suýt mất mạng.

Tháng 3 âm lịch năm 1785, quân Tây Sơn đuổi tới đảo Thổ Châu, Nguyễn Ánh chạy sang đảo Cổ Cốt, Cai cơ tên Trung đem binh Xiêm đến đưa Nguyễn Ánh về Vọng Các, Xiêm La. Tháng 4 âm lịch năm 1785, Nguyễn Ánh tới Xiêm, được vua Xiêm cho trú tại khu vực Samsen và Bangpho [trong tiếng Việt gọi là Đồng Khoai hoặc Long Kỳ, hiện nay đều thuộc nội thành Bangkok], tháng 5, Lê Văn Quân mang hơn 600 quân sang Xiêm hội quân với Nguyễn Ánh. Binh tướng từ Gia Định nghe tin kéo sang và lực lượng của ông tụ tập lại được khoảng 1000 người. Khi ở Xiêm, người Xiêm gọi Nguyễn Ánh là Ong Chiang Su [องเชียงสือ, Chiang Sue] tức Ông Thượng Sư, sau này nhiều tài liệu khác của Thái Lan cũng hay đề cập tới Nguyễn Ánh với tên này.

[Ảnh: Vũ khí quân Xiêm bỏ lại sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút]

Bài viết hơi dài, bạn đọc vui lòng đón xem tập tiếp theo

[Nguồn: Wikipedia]

Video liên quan

Chủ Đề