Nguyên nhân cái chết phượt thủ thi an kiện

Sau 8 ngày nỗ lực tìm kiếm của hơn 100 người, chiều 20/5, thi thể chàng phượt thủ Thi An Kiện 24 tuổi trong chuyến đi trekking Tà Năng đã được tìm thấy. Cái chết này không chỉ là nỗi đau mà còn là bài học thức tỉnh triệu người trẻ thích phượt, dấn thân, mạo hiểm. Ông Mang Xích, Phó chủ tịch xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận xác nhận đã tìm thấy thi thể nghi là của Thi An Kiện: “Khoảng 11h45, chúng tôi nhận được thông tin từ đoàn tìm kiếm. Thi thể nghi là của du khách đi lạc được tìm dưới tầng thứ 4, thác Lao Phào. Đây là khu vực nguy hiểm nhất”. Công an xã Phan Dũng đang phong tỏa khu vực tìm thấy thi thể để điều tra thêm và bàn giao lại cho gia đình, họ nhận định: “Có thể nạn nhân đã chết cách đây 3-4 ngày, phải khám nghiệm mới kết luận chính xác”.

Bức ảnh cuối cùng mà Thi An Kiện chụp gửi về cho gia đình khi tham gia đi trekking Tà Năng

Trước đó, vào ngày 11/5, Thi An Kiện cùng 6 người bạn khác tham gia trekking cung Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) nhưng đến 12h trưa ngày 12/05/2018, Kiện bị lạc đoàn. Các bạn kể lại là khi đến một ngã ba, Kiện và thành viên tên Hiếu trong nhóm phân vân không biết rẽ hướng nào, nhóm đi theo quyết định của Hiếu là lên hướng đồi bên phải. Sau đó cả nhóm rẽ trái và Kiện đi đầu tiên. Đi được tầm 2 phút thì Hiếu xem Trecklost, phát hiện nhóm đang đi sai hướng nên kêu mọi người quay lại. Lúc này mọi người không thấy Kiện đâu. Cả nhóm đã gọi Kiện quay lại nhưng gọi 5-7 tiếng vẫn không nghe trả lời, thậm chí đã dùng còi thổi mấy lần và chờ đợi nhưng không thấy dấu hiệu phản hồi. Ngày 15/5, đoàn tìm kiếm đã tìm thấy dấu vết Kiện để lại là túi nilon, cà phê, khăn giấy ở khu vực núi Lao Phào. Đến ngày 18/5 tìm được khăn đa năng, dây sạc điện thoại và một số vật dụng khác của Kiện.

Những vật dụng cá nhân mà Kiện để lại khi đi lạc

Ngay từ khi mất tích, rất nhiều người từ trẻ đến già, dù quen biết hay xa lạ đều hướng về cuộc tìm kiếm chàng phượt thủ trẻ kia. Trong đó có rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự lo lắng đến bóp nghẹt trái tim. Vì sao ư? Vì các bạn ý cũng trẻ như Kiện, cũng đã từng hoặc đang có kế hoạch tham gia một chuyến đi mạo hiểm. Tà Năng – Phan Dũng là cung đường phượt đẹp như mơ mà rất đông trong số các bạn ý hướng đến với mục tiêu: Thanh xuân có bao lâu đâu mà hờ hững, phải đi để dấn thân, để khám phá, để thể hiện mình là những người trẻ đầy nhiệt huyết, thích xê dịch, không thụ động ngồi chôn chân một chỗ. Lý tưởng là thế nhưng đến khi xảy ra vụ mất tích đáng tiếc, tiếp đến là phát hiện ra thi thể Kiện sau những ngày dài ròng rã tìm kiếm trong vô vọng đã làm họ cảm thấy hối hận và sợ hãi tột độ.

Người tham gia tìm kiếm bị thương

Cũng là một người trẻ nên mình theo dõi khá sát sự cố về chàng phượt thủ Thi An Kiện này. Cảm thấy bản thân nhiều lúc cũng ương bướng, một mình muốn làm cái nọ cái kia mà chưa suy nghĩ chín chắn lắm. Tối qua ngồi đọc tin vô tình thấy chia sẻ khá chân thành và hữu ích từ một “đàn chị” nên chia sẻ lại đây cho các bạn cùng theo dõi để rút ra bài học thức tỉnh người trẻ, rút ra kinh nghiệm đi trekking Tà Năng – Phan Dũng hoặc bất cứ cuộc hành trình nào khác:

Đường đi trong cuộc hành trình chinh phục Tà Năng - Phan Dũng khá hiểm trở

“Cuối tháng 9 năm ngoái, vì muốn cho 2 bạn nhỏ trải nghiệm du lịch khám phá mà mình cùng mấy bạn đồng nghiệp mua tour đi trekking cung đường Tà Năng. Vốn là người không biết sợ là gì, nhưng đây là lần đầu tiên mình cảm thấy kinh hoàng khi phải đối mặt với cái chết. Hôm ấy, sau khi đi bộ một chặng đường dài gần chục km, chỉ còn 1 con suối nữa là đến khu cắm trại, khoảng tầm 4h chiều, một cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống. Lúc đó, đoàn bị tách làm hai, con gái lớn của mình cùng vài người bạn sang được bên kia suối, mình, con gái nhỏ cùng 7 bạn nữa bị kẹt lại ở bên này. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước từ trên rừng đổ xuống ầm ầm, con suối hiền hoà bỗng nhiên gầm thét dữ dội. Dưới cơn mưa đó, cả đoàn ở hai bên suối chờ nhau. Một tiếng... hai tiếng... mưa không ngớt, nước suối không rút, trời thì sầm sập tối. Porter không có dao, chẳng có dây thừng, bật lửa ướt sũng cũng chẳng thể bật nổi lửa, sóng điện thoại tuyệt nhiên không có một vạch nào. Bóng tối, mưa và cái lạnh bắt đầu bủa vậy, bạn Si, cô con gái 12 tuổi của mình bắt đầu run vì lạnh và sợ. Tận cùng của tuyệt vọng, mình bảo với porter và mọi người trong đoàn, không thể chờ được vì trong điều kiện này, nếu kẹt ở giữa rừng, đêm nhiệt độ xuống thấp, không bạt, không lều, quần áo đồ đạc ướt sũng, kiểu gì cũng chết, chi bằng liều quay ra, mệt cũng phải quay ra. Mọi người đồng ý. Thế là đoàn 9 người còn lại quay trở ra khỏi rừng. Còn những người bên kia suối tiếp tục đi lên đỉnh đồi để dựng trại. Con đường đi về cực kỳ gian nan, cả đoàn phải băng qua 4 con suối. Có chỗ thì phải bám thanh tre để bò qua, có chỗ lòng suối rộng như một con sông nhỏ, nước ngập đến gần cổ, phải nắm tay nhau, chân phải bám thanh gỗ mà đi. Trộm vía, lúc đó chỉ cần 1 người ngã là cả đám chết theo. Trong hoàn cảnh ấy, mình chỉ biết ngửa mặt lầm rầm khấn thần rừng, khấn trời, khấn phật để xin cho mọi người an toàn vì thật sự con người hoàn toàn bất lực trước sự hung hãn của thiên nhiên. Cũng may, đến gần 1h sáng mọi người ra được đến đường. Và ngày hôm sau, con gái lớn cùng mấy đồng nghiệp sau khi cắm trại an toàn trên đỉnh đồi cũng trở về. Sau chuyến đi này, mình rút ra những điều sau: Trước khi đi trekking, bạn phải nghiêm túc và cẩn thận nghiên cứu về chuyến đi, vẽ lên mọi tình huống và phương pháp dự phòng. Kiểm tra thật kỹ năng lực, sự chuẩn bị của porter, người dẫn đường vì không phải ai cũng có đầy đủ kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp để ứng phó trong mọi tình huống. Không nên đi Tà Năng - Phan Dũng vào mùa mưa vì rất nguy hiểm, mưa và lũ có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Không được bỏ đoàn, phải luôn đi cùng nhau. Mình tự hứa với lòng sẽ không bao giờ đi du lịch kiểu này nữa vì quá rủi ro và nguy hiểm. Đây là thông tin mới nhất về em Thi An Kiện, người bị thất lạc khi đi trekking tuyến Tà Năng - Phan Dũng. Nếu là thông tin chính xác, xin chia buồn với gia đình em. Còn mình thì tởn đến già.” Không chỉ có Thi An Kiện, cung đường Tà năng – Phan Dũng đã từng xảy ra rất nhiều tai nạn khủng khiếp khác, phần lớn là do các bạn tham gia trekking chưa có sự tìm hiểu và chuẩn bị kĩ càng khi đi phượt mạo hiểm. Trước đó, vào tháng 10/2017, dư luận cũng vô cùng tiếc thương khi một nữ phượt thủ đã bỏ mạng khi đi trekking Tà Năng do bị nước lũ cuốn trôi trước sự chứng kiến đau đớn của bạn bè. Cụ thể là khoảng 15h ngày 7/10/2017, nữ phượt thủ Nguyễn Việt Tuyết Q. (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cùng nhóm bạn khám phá cung đường rừng Tà Năng – Phan Dũng. Khi vừa tới con suối Phan Dũng, gần thác Yavly thuộc xã Phan Dũng thì trời mưa rất to. Nhóm này đã tìm cách vượt suối khi lũ đang đổ về. Do bên dưới là đá trơn, chị Q. trượt chân và bị cuốn trôi. Đến 15h ngày 8/10/2017, thi thể của nạn nhân được tìm thấy.

Cô gái bị lũ cuốn tử vong khi tham gia trekking Tà Năng - Phan Dũng Nơi cô gái bị cuốn trôi mất mạng

Chưa hết, vào khoảng tháng 9/2017, phượt thủ Thủy Nguyễn (TP HCM) đã suýt bị nước lũ cuốn trôi. Cô gái trẻ may mắn được bạn bè cứu sống tuy nhiên lần "chết hụt" ấy khiến cô nàng bị ám ảnh suốt đời. Thủy và nhóm bạn bắt đầu hành trình vào ngày 28/9/2017. Khoảng 14h, trời đổ mưa, Thủy và bạn bè tìm được một lán để trú tạm. Đến 16h, mưa nhỏ lại và nhóm quyết định đi tiếp để qua được đoạn đường nhiều ổ gà, sình lầy trước khi trời tối. Đi được khoảng 10m thì gặp phải đoạn đường ngập sâu. Thủy đề xuất cả nhóm quay lại lán vừa trú mưa ngủ tạm một đêm nhưng anh trưởng đoàn không cho vì sợ mọi người bị rắn, vắt cắn. Vậy nên, mục tiêu bắt buộc là cả nhóm phải ra tới chỗ gửi xe như dự kiến. Chướng ngại vật nhóm của Thủy phải vượt qua là 1 con suối mà theo cô miêu tả là rất rộng, nước cao gần đến cổ, dòng nước chảy xiết. Để vượt được qua suối, nhóm quyết định mỗi người đứng trên bờ lấy đà, cố nhảy qua rồi đưa tay cho 1 người đàn ông người bản địa đứng bờ bên kia kéo vào. Thủy cao 1,5m, cô chỉ nhảy được khoảng 2/3 chiều rộng con suối. Cô bị ngã xuống suối khi chưa kịp nắm lấy tay người đàn ông đứng trên, bắt đầu chìm dần, chân không chạm nổi đất để bật lên. Cô gái trẻ cố ngậm miệng để không sặc nước rồi đưa tay lên cao. Nước chảy xiết, nhưng may mắn là mọi người đã kéo được tay Thủy kịp lúc. Qua những vụ tai nạn khi đi trekking Tà Năng, Anh Q.B.N chia sẻ: "Tà Năng - Phan Dũng đi mùa khô thì nắng, mùa mưa thì trơn trượt, đường đi có nhiều thác cao và suối sâu, mưa lũ... đã có rất nhiều những tai nạn và biến cố đã xảy ra trên đường trekking và nhiều bạn trẻ đã không đi được đến đích. Nhưng nó chỉ càng tăng thu hút chinh phục. Hành trình trekking đến vùng rừng núi đòi hỏi không chỉ thể lực mà còn kỹ năng sinh tồn, sự tôn trọng đối với thiên nhiên và phương án ứng phó với thời tiết. Có rất ít nơi tuyệt vời như Tà Năng - Phan Dũng còn sót lại tại Việt Nam, nhưng đừng gấp rút chinh phục nó khi bạn chưa sẵn sàng". Vậy là An Kiện đã mất để lại thời thanh xuân còn dang dở. Biết bao việc anh chưa làm, bao con đường anh chưa đi. Tự hỏi một mực dấn thân với thần thiên nhiên làm chi để rồi những thử thách cần mình giải quyết nhất thì lại bỏ rơi. Anh nợ bố mẹ nửa đời già nua không thể nào trả được, nợ một nửa trái tim câu yêu thương và lời thề non hẹn biển, nợ một công việc, một mái ấm gia đình, nợ bạn bè những lời tâm tình tri kỉ… Người ta vẫn thường nói câu: “Nợ tiền có thể trả nhưng nợ thanh xuân một điều gì đó thì mãi mãi vẫn chỉ là kẻ nợ nần chồng chất”. An Kiện chỉ quan tâm đến cái nợ nhỏ trước mắt mà bỏ quên những món nợ lớn thời thanh xuân chẳng thể nào trả được. Các bạn trẻ hãy nhìn vào anh mà rút ra bài học cho chính mình. Không ai cấm cản các bạn theo đuổi đam mê, không ai cấm cản tuổi trẻ có những lần bồng bột. Nhưng một khi đã quyết định mạo hiểm với đam mê, sống chung với bồng bột thì nên chuẩn bị kĩ càng mọi thứ để đảm bảo an toàn cho mình trước tiên. Hãy một lần quay lại nghía xem những người thân yêu bên cạnh, họ đang như thế nào và họ đang mong đợi điều gì. Đừng để lúc mất đi rồi, mình nằm xuống đó, chôn vùi tất cả nhưng lại gieo rắc đau thương cho những người ở lại. Phép màu đã không đến với Thi An Kiện. Chia sẻ của anh Q.B.N - "Đừng gấp rút chinh phục khi bạn chưa sẵn sàng" vẫn còn hiện hữu trong đầu những người trẻ như mình. Đúng là cho dù đi trekking Tà Năng hay đi bất hành trình nào, các bạn cũng cần phải trang bị chu toàn cả về sức khỏe, hiểu biết lẫn kĩ năng. Tuyệt đối không được nóng vội, không được tách mình ra khỏi tập thể. Và cũng nên nhớ một điều rằng đôi khi chinh phục không có nghĩa là phải làm điều gì đó thật lớn lao, hùng vĩ. Chỉ cần bạn khiến những người thân bên cạnh cảm thấy vui vẻ, an tâm là đã đủ lắm rồi.