Muc tieu phat trien kinh te của tinh thanh hóa năm 2024

Trong năm 2023, cũng như nhiều địa phương khác, Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức, do những yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới, trong khu vực và trong nước. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, năng động và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, cộng đồng các doanh nghiệp cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa có 19/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] ước đạt 7,01%, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Gần 42 nghìn tỷ đồng là tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa năm 2023, đạt 118,6% dự toán và tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 4,16% so với năm 2022. Công nghiệp tăng 8,67%. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; ổn định đời sống của nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tại Hội nghị toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo đà bứt phá để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: “Trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả; tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024”.

Mục tiêu tổng quát năm 2024 của Thanh Hóa là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 03 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế, 08 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá. Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn xã hội.

Thanh Hóa cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] đạt 11% trở lên; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14% trở lên. Dịch vụ tăng 9,2% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên. Thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở l, ên. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, Thanh Hóa đã xây dựng các nhóm giải pháp, gồm: Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, quy hoạch; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Thanh Hóa xác định năm 2024 là năm then chốt đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển” đã được xác định trong toàn hệ thống chính trị, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các địa phương cần tập trung phân tích, dự báo sát đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước để xây dựng các phương án, kịch bản, kế hoạch hàng tháng, hàng quý và cả năm cho phù hợp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh quyết nghị, tạo đà bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, với đà bứt phá đạt được trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ, với mong muốn đưa tỉnh nhà sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc./.

Theo Nghị quyết số 58 đã được Bộ Chính trị ban hành, tỉnh Thanh Hóa được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 để Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách đặc thù. Đây được xem là cơ hội “vàng” để tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp, giúp kinh tế Thanh Hóa tăng tốc và bứt phá.

Để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần Nghị Quyết số 58 thì địa phương phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng, miền. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tiến được những bước quan trọng trong việc đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực.

Một góc thành phố Thanh Hóa về đêm [Ảnh: Cổng TTĐT TP. Thanh Hóa]

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt các dự án phát triển hạ tầng giao thông có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị như: Đường Hoằng Kim - Thiệu Long với nút giao Thiệu Giang, đường thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân với nút giao Đồng Tiến, đường Vạn Thiện – Bến En với nút giao Vạn Thiện. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các tuyến đường Đông Xuân - TP Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã [giai đoạn 2]; đường vành đai 3 nhánh Đông; đang hoàn tất thủ tục đến cuối năm 2023 khởi công đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng biển Nghi Sơn... Những “tuyến đường tương lai” ấy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, tạo tiền đề cho sự bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần của NQ số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh này trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn... Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 15%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước và đứng Top đầu các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023 tăng trưởng bình quân 17,5%, cao hơn kế hoạch đề ra là 11,2%. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 230 nghìn tỷ đồng; năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng, năm 2025 dự kiến đạt 280 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Với những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 58, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực...

Chủ Đề