Key Level Forex là gì

Trong phân tích kỹ thuật, key levels là bước tiếp theo sau khi xác định được xu hướng thị trường. Nó là yếu tố để xác định các vùng giá có thể vào lệnh, đặt dừng lỗ SL và chốt lời TP. Và nó rất khó, bạn cần nhiều thời gian để thực hành việc xác định key levels và thuần thục nó.

Tôi thường hay liên tưởng trading là một cuộc đi săn mà kẻ đi săn là những người biết chờ đợi và con mồi là những trader thiếu kỷ luật, tham lam và sợ hãi.

Trong chuyến đi săn kỳ thú đó, key levels chính là những vùng giá mà nơi đó sự tham lam, sợ hãi xuất hiện nhiều nhất. Nơi mà kẻ đi săn chờ đợi tìm kiếm cơ hội làm thịt con mồi của mình.

Nói đến đây chắc chắn các bạn đã hiểu key levels quan trọng thế nào. Vậy thì hãy chú ý thật kỹ, nhấp một ngụm nước nhỏ trước khi bắt đầu nói về nó.

Định nghĩa

Như đã nói ở trên, key levels là những vùng giá quan trọng nơi mà những tâm lý tham lam, sợ hãi bộc lộ nhiều nhất.

Có 2 điều bạn cần lưu ý:

  • Tại sao lại là vùng giá mà không phải là mức giá chính xác?
  • Tâm lý tham lam, sợ hãi bộc lộ nhiều nhất

Tâm lý con người không biến đổi đột ngột, nó theo hình sin, lên rồi xuống. Với những trader mới, sự tham lam hay sợ hãi có thể thay đổi theo từng hành vi giá vì hầu như họ có niềm đam mê với việc nhìn giá thay đổi liên tục sau khi vào lệnh. Cứ mỗi lần giá thay đổi, họ lại nhẩm nghĩ mình lãi hay mất bao nhiêu tiền.

Giá thị trường phản ánh kết quả của đám đông mua / bán đó. Trong thị trường forex, không thể có 1 đám đông đủ lớn để cùng nghĩ về một mức giá. Bạn nghĩ về mức key level ở mức giá A, người khác có thể nghĩ A+1 hoặc A-1. Vì vậy nó không thể là một mức giá chính xác mà là một vùng giá.

Khi đến vùng giá đó:

  • Giá đang tăng có thể đảo chiều đi xuống: Tâm lý sợ hãi của những người mua ở giá cao và tham lam của những người bán bắt đỉnh tăng dần. Hai điều này dẫn đến việc giá sụt giảm mạnh dần.

  • Ngược lại, giá đang giảm có thể đảo chiều đi lên: Tâm lý tham lam của những người bắt đáy và sợ hãi của những người bán ở giá thấp tăng dần. Hai điều này dẫn đến việc giá tăng mạnh dần như đường cong trong hình minh hoạ.

Có một điểm mà các bạn có thể nhận ra đó là: do tâm lý đám đông không đồng nhất tại một thời điểm và tâm lý FOMO [fear of missing out] đám đông có xu hướng tăng dần theo hiệu ứng domino, ta có thể tối ưu điểm vào lệnh bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích đa khung thời gian.

Cách xác định key levels chính xác

Có nhiều phương pháp để xác định vùng giá key levels. Có những phương pháp kỳ diệu mà tôi cũng không biết giải thích như nào, nhưng có những phương pháp ta hoàn toàn có thể giải thích được dựa trên phương diện tâm lý.

Có 4 phương pháp chính và phổ biến nhất:

  • Sử dụng chỉ báo Fibonacci
  • Sử dụng trendline
  • Sử dụng kháng cự, hỗ trợ
  • Sử dụng vùng cung cầu [Supply Demand Zone]

Với mỗi phương pháp này, các bạn cần hiểu để không sử dụng sai, cần thực hành để thuần thục và làm chủ nó.

Sử dụng chỉ báo Fibonacci

Giải thích ngắn gọn: Fibonacci là một dãy các chữ số, bắt đầu từ 0 và 1, các số liên sau bằng tổng 2 số đứng liền trước.

Cụ thể dãy số Fibonacci sẽ là : 0,1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610

Điều thú vị là tỷ lệ giữa 2 số liên tiếp nhau luôn luôn gần bằng với 1,61803.

Ví dụ: 3/2=1,5; 5/3= 1,66; 8/5= 1,6; 13/8= 1,625

Tỷ lệ này gọi là tỷ lệ vàng và được áp dụng nhiều trong thiết kế kiến trúc và xây dựng. Tôi nghĩ tỷ lệ này có sự kết nối với não bộ của con người mà khi nhìn vào ta thấy thuận mắt. Just kidding!

Áp dụng vào phân tích kỹ thuật, với chỉ báo Fibonacci, 3 mức quan trọng cần chú ý là 0.382, 0.5 và 0.618.

Ví dụ khi nhìn vào mô hình giảm giá này, giá giảm xuống và bật lại đúng mức Fibo 0.618, rồi quay lại tiếp tục giảm.

Giá giảm đến mức 1.618 lại bật lại 1 lần nữa.

Để hiểu thêm về cách sử dụng Fibonacci, các bạn có thể tham khảo bài viết về : Fibonacci là gì? Cách sử dụng để vào lệnh và chốt lời

Sử dụng kháng cự, hỗ trợ

Hỗ trợ [Support] được hiểu nôm na là vùng mà giá chạm vào đó là có thể bật lên, ngược lại, Kháng cự [Resistance] là vùng mà giá có thể bật xuống sau khi chạm vào đó.

Giao dịch với các vùng Hỗ trợ và Kháng cự được xem là một trong những phương pháp cơ bản nhất trong trading.

Những yếu tố tạo nên vùng kháng cự hỗ trợ đó là:

  • Đáy cũ đỉnh cũ
  • Đường xu hướng trendline
  • Hỗ trợ chuyển thành kháng cự; kháng cự chuyển thành hỗ trợ
  • Vùng số tròn
  • Vùng nhảy giá [gap]

Ngoài ra, ta cũng có thể tiếp cận theo hướng sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như đường MA, Bollinger band,

Để hiểu thêm về cách sử dụng kháng cự hỗ trợ, các bạn có thể tham khảo bài viết về: Hỗ trợ và kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả

Sử dụng vùng cung cầu [Supply Demand Zone]

Vùng cung cầu bao gồm 2 vùng cơ bản: vùng cung và cung cầu. Hiểu được nguyên lý, tâm lý sâu xa đằng sau vùng cung cầu sẽ khiến bạn thực sự có cái nhìn khác biệt về thị trường.

Vùng cung có thể hiểu là vùng mà bên bán có xu hướng muốn bán. Vùng cầu là vùng mà bên mua có xu hướng muốn mua. Sức mạnh của vùng này phụ thuộc vào số lượng người bán/ người mua, khối lượng giao dịch mua bán và sự dứt khoát của bên mua hoặc bên bán.

Chúng ta có thể tham khảo ví dụ sau: Vùng cung xuất hiện khi xuất hiện bộ nến engulfing giảm gồm 1 nến xanh và 1 nến đỏ.

Ta có thể mô tả quá trình này như sau: nến xanh ban đầu phản ảnh một lượng người mua kỳ vọng giá tăng. Nến đỏ sau đó xuất hiện bao trùm và đóng dưới giá mở cửa của nến xanh trước đó, chứng tỏ thị trường không tăng và có xu hướng giảm. Người mua lúc trước bị kẹt lại với tâm lý bị thua lỗ. Có những người cắt lỗ, dính SL làm giá giảm xuống nhanh chóng, thể hiện bằng chuỗi nến đỏ sau đó. Có những người chưa cắt lỗ, họ chờ đợi cơ hội để ít nhất là hoà vốn khi giá hồi lại, tạo ra phản ứng giá sau đó như trong hình.

Hiểu được vùng cung cầu có thể giúp chúng ta trả lời được những câu hỏi triệu đô, đó là:

  • Khi nào big boy [hay cá mập] tham gia vào thị trường?
  • Khi nào sự tham lam, sợ hãi xuất hiện?
  • Cường độ của sự tham lam và sợ hãi cao hay thấp?

Khi vùng này xuất hiện, nhiệm vụ của trader là nhận biết và chờ đợi cơ hội khi giá hồi về vùng cung cầu để vào lệnh.

Các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về vùng cung cầu qua bài viết: Vùng cung cầu là gì?.

Tóm lược

Các phương pháp trên ngoài mục đích xác định key levels nó còn có thể là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh [cho bạn biết điểm vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời]. Vì vậy, các bạn có thể tham khảo ở những chủ để riêng biệt trong blog.

Tham khảo các bài viết về hệ thống giao dịch:

Quan điểm của tôi là phương pháp nào cũng được miễn là kiếm được tiền. Vì vậy các bạn không nên giới hạn bản thân chỉ ở 4 phương pháp này mà hãy thử nghĩ rộng ra, kết hợp nhiều phương pháp với nhau và nghiên cứu thị trường thường xuyên. Biết đâu, nếu đủ kiên trì và may mắn, các bạn có thể tìm ra phương pháp riêng của mình.

Chúc các bạn thành công. Enjoy trading!

Video liên quan

Chủ Đề