Danh sách giáo viên hướng dẫn đồ án bách khoa

Nhiều SV than "rình" gặp giáo viên hướng dẫn còn khó hơn... lên trời. Nhưng cũng có những SV đủng đỉnh, chưa tới hạn nộp khoá luận thì chưa buồn liên lạc với giáo viên. Sự thờ ơ cộng hưởng của cả thầy và trò dẫn đến hệ quả tất yếu là những khoá luận tốt nghiệp kém chất lượng.

Vất vả “rình” giáo viên

“Sau đợt làm khóa luận, thu hoạch lớn nhất của tôi là… tăng tính kiên nhẫn do suốt ngày phải đi “rình” để xin gặp giáo viên hướng dẫn.” – Thu Hà, SV khoa Tiếng Anh, Viện ĐH Mở tâm sự.

Theo lời Hà, mỗi lần xin gặp, thầy không báo bận thì cũng đi công tác vắng. Nhiều lúc rối bời vì không biết mình đã đi đúng hướng chưa, đọc đúng sách tham khảo chưa nhưng cũng không thể gặp được thầy để hỏi lại. Dù có cố gắng “rình rập” cũng chỉ gặp được thầy khoảng 10 phút, trình bày nhanh như “chảo chớp” rồi thầy lại hướng dẫn qua loa mấy câu.

Không chỉ riêng Thu Hà mà tình trạng gặp giáo viên hướng dẫn khó hơn… lên trời là tình trạng chung của nhiều SV năm cuối ở các trường ĐH.

H.L (SV khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) còn “bi đát” hơn khi đến sát hạn nộp khóa luận mới được gặp cô hướng dẫn nhưng cô cũng chỉ xem qua và sửa lỗi… chính tả. H.L tâm sự: “Ngay từ khi được chỉ định người hướng dẫn, tôi đã biết cô sẽ không quan tâm gì đến đề tài của mình. Cũng may anh trai tôi làm trong nghề nên đã trực tiếp hướng dẫn tôi hoàn thành khoá luận.”

Một số SV ĐH Thủy lợi còn lưu truyền câu chuyện về thầy hướng dẫn bố trí mãi mới có một buổi hẹn tất cả những SV thầy đang hướng dẫn tới nhà. Từ 7h30 sáng, những SV này đã xếp hàng nghiêm chỉnh trước cổng đợi thầy. 8h thầy mới mở cửa và mời SV vào nhà nhờ… dọn dẹp nhà cửa và vận chuyển đồ đạc.

Thậm chí, có một số trường hợp đề tài quá mới, cần những kiến thức mà giáo viên còn chưa kịp cập nhật nên đôi khi SV đành tự thân vận động. Bích Diệp (SV khoa Tiếng Anh thương mại, ĐH Ngoại thương) cho biết: “Chúng tôi phải viết khoá luận bằng tiếng Anh nên có một số vấn đề về chuyên môn mà ngay cả giáo viên hướng dẫn cũng không biết nên tôi đành tự mò mẫm vậy.”

Trong trường hợp này, đáng lẽ giáo viên hướng dẫn phải cùng với SV tìm hướng giải quyết nhưng ngược lại, thầy lại để trò tự “mò mẫm” tìm đường.

TS. Nguyễn Thị Thoa (Trưởng khoa Báo chí, HV Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Dù rất bận rộn, nhưng chỉ cần có cái tâm, có trách nhiệm với SV thì giáo viên sẽ làm tròn nhiệm vụ hướng dẫn của mình.”

Nguyễn Quốc Khánh (cựu SV ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) cho biết: “Khi chúng tôi làm đồ án tốt nghiệp, những vấn đề thuộc về chuyên môn mà thầy không biết thì thầy sẽ giới thiệu đến gặp một người khác để tìm hiểi. Có thể đó là một giáo sư khác trong trường hoặc là một người nào đó hoạt động trong lĩnh vực này.”

Cũng phải nhìn nhận thực tế rằng hệ số quy đổi hướng dẫn mỗi khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp của SV chỉ tương đương khoảng 20 tiết giảng dạy. Vì thế, cũng là dễ hiểu nếu giáo viên khó thu xếp thời gian để gặp gỡ và trao đổi về đề tài với SV.

Ở các nước phát triển, đề tài khoá luận hoặc đồ án tốt nghiệp của SV thường là một nhánh nhỏ trong đề tài nghiên cứu lớn của giáo sư hướng dẫn hoặc một phần trong luận án của nghiên cứu sinh mà giáo sư đó đang hướng dẫn. Vì vậy, các giáo sư rất quan tâm, sâu sát với khoá luận của SV.

Tuy nhiên, PGS.TS Dương Đức Hồng (Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội) bày tỏ: “Đây là một cách làm rất hay nhưng khó thực hiện trong điều kiện của nước ta hiện nay. Ở nước ngoài, mỗi GS đều có kinh phí khá lớn để nghiên cứu khoa học nhưng ở VN các đề tài cấp Bộ và Nhà nước không nhiều nên bản thân thầy hướng dẫn cũng không có nhiều đề tài nghiên cứu. Vì thế, rất khó để yêu cầu hàng trăm đề tài của SV đều phải gắn với nghiên cứu của giáo viên hướng dẫn.”

SV đủng đỉnh

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, khoá luận là công trình nghiên cứu của SV, giáo viên chỉ có trách nhiệm hướng dẫn và định hướng nghiên cứu. SV phải chủ động tìm tòi và vận dụng hết vốn kiến thức cũng của mình, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên để cho “ra lò” sản phẩm tốt nhất.

Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận SV vẫn mang nặng tâm lý ỷ lại, thờ ơ với chính công trình nghiên cứu của mình.

Nguyễn Bá Tưởng (SV khoa Quản trị doanh nghiệp, ĐH Thương mại) bày tỏ: “Có những bạn SV trong suốt cả đợt làm khóa luận không liên lạc với giáo viên hướng dẫn lần nào khiến cho các thầy cô phải nhắn tìm qua cán bộ lớp. Cũng có những bạn không dám gọi điện cho thầy hoặc gọi điện vào thời điểm thầy đang lên lớp hoặc đang họp nên không gặp được. Đến gần hạn nộp thì thầy lại đi công tác nên mới cuống quít lên.”

Phương Thúy (cựu SV khoa Kế toán Tài chính, ĐH Thương mại) kể lại: “Lớp tôi có một bạn trao đổi với giáo viên hướng dẫn xong, cô yêu cầu sửa khá nhiều nhưng bạn đó lười, không sửa lại, tuần sau vẫn nộp bản cũ chưa hề chỉnh sửa. Thật bất ngờ là cô đọc xong vẫn duyệt.”

TS. Nguyễn Thị Thoa (Trưởng khoa Báo chí, HV Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: “Giáo viên rất bận nên không có thời gian đi tìm từng SV để trao đổi được. Trái lại, SV mới là người phải chủ động gọi điện báo cáo tình hình và hẹn gặp giáo viên.”

Theo TS Thoa thì SV phải theo đúng tiến độ thì giáo viên mới bố trí thời gian hướng dẫn cụ thể được. Trung bình mỗi giáo viên hướng dẫn khoảng 3 khóa luận nhưng cứ đến sát ngày nộp SV mới mang tới thì giáo viên không thể đọc kịp và nếu có những điều chỉnh lớn thì cũng khó có thể hoàn thành.

TS Thoa cho biết: “Tôi đã đề nghị các giảng viên trong khoa yêu cầu SV làm kế hoạch và báo cáo với khoa nhưng không SV nào làm.”

Một công cụ hiện đại có thể làm cầu nối rất hữu ích giữa giáo viên hướng dẫn và SV khi không thể bố trí thời gian trao đổi trực tiếp chính là email.

Đặng Hồng Nhung (SV ĐH Hanze, Groningen, Hà Lan) cho biết thời gian này Nhung về VN làm khóa luận nhưng giáo viên hướng dẫn ở Hà Lan. Hàng tuần Nhung đều gửi email cho thầy báo cáo tiến độ công việc và trình bày những vấn đề khúc mắc. Thầy hướng dẫn rất cụ thể, đầy đủ qua email. Kể cả khi thầy quá bận rộn, cũng sẽ có email tự động thông báo rằng thầy đã nhận được email và sẽ sớm trả lời.

Trên thực tế thì một số giảng viên ở độ tuổi từ 40 trở xuống cũng đã bắt đầu trao đổi thông tin với SV qua email. Nhưng những giáo viên lớn tuổi (và thường bận rộn hơn giáo viên trẻ) thì chưa quen với công cụ thời @ này.