Các đề cương so sánh của môn luật thuế năm 2024

Ngày 13/6/2019, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 7 khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH19.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã ký lệnh số 02/2019/L-CTN ngày 27 tháng 6 năm 2019 công bố Luật Quản lý thuế.

  1. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT QUẢN LÝ THUẾ THAY THẾ LUẬT QUẢN LÝ THUẾ NĂM 2006

Luật Quản lý thuế năm 2006 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, từ đó đến nay Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc quản lý tập trung tiền thuế, nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế nói riêng cũng có những hạn chế bất cập nhất định, cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp nhằm các mục đích:

– Pháp luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương giải pháp tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó cần tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm tăng thu từ thuế, phí, mở rộng cơ sở thu bảo đảm bao quát toàn bộ nguồn thu thì ngoài việc bổ sung, sửa đổi các luật thuế cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý thuế cho phù hợp.

– Đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, trong đó có cải cách tài chính công, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

– Tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế.

– Tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản lý để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định đa phương, song phương về thuế.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

– Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay về công tác quản lý thuế.

II. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ SỐ 38/2019/QH14

1. Bố cục của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều, cụ thể:

Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 13) bao gồm các nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung quản lý, nguyên tắc quản lý thuế và một số vấn đề chung khác.

Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế (từ Điều 14 đến Điều 29) bao gồm Chính phủ; các bộ và cơ quan ngang bộ; người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chương III: Đăng ký thuế (từ Điều 30 đến Điều 41) bao gồm các nội dung như đối tượng đăng ký thuế, hồ sơ đăng ký thuế; đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế; sử dụng, chấm dứt hiệu lực, khôi phục mã số thuế.

Chương IV: Khai thuế, tính thuế (từ Điều 41 đến Điều 48) bao gồm các nội dung như nguyên tắc khai thuế và tính thuế, hồ sơ khai thuế, gia hạn, khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Chương V: Ấn định thuế (từ Điều 49 đến Điều 54) bao gồm các nội dung như nguyên tắc ấn định thuế, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế trong việc ấn định thuế.

Chương VI: Nộp thuế (từ Điều 55 đến Điều 65) bao gồm các nội dung như thời hạn nộp thuế; xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; gia hạn nộp thuế; thẩm quyền gia hạn nộp thuế.

Chương VII: Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (từ Điều 66 đến Điều 69) bao gồm các nội dung như hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, tổ chức lại doanh nghiệp.

Chương VIII: Thủ tục hoàn thuế (từ Điều 70 đến Điều 77) bao gồm các nội dung như hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, thẩm quyền quyết định hoàn thuế.

Chương IX: Không thu thuế; miễn thuế, giảm thuế; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (từ Điều 78 đến Điều 88).

Chương X: Áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử (từ Điều 89 đến Điều 94) bao gồm các nội dung như nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử.

Chương XI: Thông tin về người nộp thuế (từ Điều 95 đến Điều 100) bao gồm các nội dung như xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế; bảo mật, công khai thông tin của người nộp thuế.

Chương XII: Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan (từ Điều 101 đến Điều 106) bao gồm các nội dung như điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh làm thủ tục về thuế; tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan.

Chương XIII: Kiểm tra thuế, thanh tra thuế (từ Điều 107 đến Điều 123) bao gồm các nội dung như nguyên tắc thanh tra thuế, kiểm tra thuế; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế; nhiệm vụ quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế.

Chương XIV: Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (từ Điều 124 đến Điều 135) bao gồm các nội dung như các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Chương XV: Xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế (từ Điều 136 đến Điều 146) bao gồm các nội dung nguyên tắc, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, miễn xử phạt hành vi vi phạm về lĩnh vực quản lý thuế.

Chương XVI: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện (từ Điều 147 đến Điều 149).

Chương XVII: Điều khoản thi hành (gồm Điều 150 và Điều 152).

2. Nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

2.1 Về phạm điều chỉnh (Điều 1)

Luật Quản lý thuế quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.Trong đó tại Điều 3 quy định rõ các khoản thu khác do cơ quan quản lý thuế quản lý thu và các khoản thu khác không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu, cụ thể:

– Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm: (i) phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí; (ii) tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước; tiền thuê đất, thuê mặt nước; (iii) tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; (iv) tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (v) tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; (vi) tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

– Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm: (i) tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; (ii) tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai; (iii) tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan; (iv) tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí; (v) thu viện trợ; (vi) các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Về nội dung quản lý thuế (Điều 4)

Nội dung quản lý thuế bao gồm: (i) đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; (ii) thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế; (iii) khoanh tiền thuế nợ; xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; (iv) quản lý thông tin về người nộp thuế; (v) quản lý hoá đơn, chứng từ; (vi) kiểm tra thuế, thanh tra thuế, biện pháp phòng chống ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế; (vii) cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; (viii) xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế; (ix) giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; (x) hợp tác quốc tế về thuế; (xi) tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

2.3. Về nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5)

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc quản lý thuế như sau:

(i) Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;

(ii) Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế;

(iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật;

(iv) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam;

(v) Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.

2.4. Về hành vi bị cấm trong quản lý thuế (Điều 6)

Luật Quản lý thuế quy định một số hành vi bị cấm như:

(i) Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế;

(ii) Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế;

(iii) Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế;

(iv) Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp;

(v) Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ;

(vi) Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật;

(vii) Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

(viii) Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.

2.5. Về đồng tiền khai thuế, nộp thuế (Điều 7)

Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

2.6. Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Điều 8)

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.

Cơ quan quản lý thuế khi tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử phải xác nhận việc hoàn thành giao dịch điện tử của người nộp thuế, bảo đảm quyền của người nộp thuế. Cơ quan, tổ chức đã kết nối thông tin điện tử với cơ quan quản lý thuế thì phải sử dụng chứng từ điện tử trong quá trình thực hiện giao dịch với cơ quan quản lý thuế; sử dụng chứng từ điện tử do cơ quan quản lý thuế cung cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế và không được yêu cầu người nộp thuế nộp chứng từ giấy.

Người nộp thuế đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế thì không phải thực hiện phương thức giao dịch khác. Người nộp thuế phải thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý thuế nêu tại thông báo, quyết định, văn bản điện tử như đối với thông báo, quyết định, văn bản bằng giấy của cơ quan quản lý thuế.

2.7. Về quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 9)

Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản l‎ý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong khai thuế, hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

2.8. Về hợp tác quốc tế về thuế của cơ quan quản lý thuế (Điều 12)

Ngoài các quy định kế thừa của Luật Quản lý thuế hiện hành, thì Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung nội dung quy định các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trong việc đàm phán ký kết; đối với thoả thuận song phương giữa hai cơ quan thuế (cả cơ quan thuế và hải quan), tuỳ theo thẩm quyền được phân cấp, cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện việc khai thác, trao đổi thông tin, hợp tác nghiệp vụ, hỗ trợ thu thuế cho phù hợp.

2.9. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế

– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, có nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 của Luật. Một số Bộ, ngành có liên quan phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành (những nhiệm vụ, quyền hạn có tính chất đặc thù của Bộ trong việc quản lý thuế, không phải công việc thường xuyên đã được quy định tại văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ) gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, Điều 15 của Luật quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý thuế theo quy định của Chính phủ.

– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước trong công tác quản lý thuế. Theo đó, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, thanh tra; quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan (Điều 21, Điều 22).

– Đối với ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản… theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định việc khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển Chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế đảm bảo sự bình đẳng, trong đó có bổ sung nội dung không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Quy định này tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực thi công vụ.

2.10. Về đăng ký thuế (Chương III)

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định việc đăng ký thuế bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế, thông báo khi tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, khôi phục mã số thuế…; đồng thời đã quy định để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế (i) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh (ii) Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu đăng ký thuế.

2.11. Về khai thuế, tính thuế (Chương IV)

– Về nguyên tắc khai thuế, tính thuế quy định tại Điều 42 như sau:

(i) Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

(ii) Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(iii) Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.

(iv) Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(v) Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau: Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập; Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế; người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

2.12. Về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Tại Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định hồ sơ khai thuế như sau:

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng; Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế; Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

– Trường hợp người nộp thuế khai thuế thông qua giao dịch điện tử trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tiếp tục hoạt động.

Điều 47. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế:

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

– Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật Quản lý thuế.

– Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

+ Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

+ Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.