Vừa hồng vừa chuyên có nghĩa là gì

TP - Chiều 18/5, tại trụ sở Bộ Công an [Hà Nội] diễn ra hội thảo Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, hội thảo nhằm giúp cán bộ Đoàn nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời nhắc nhở cán bộ Đoàn hôm nay và mai sau học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện những lời dạy trong Di chúc thiêng liêng của Người, từ đó khẳng định mạnh mẽ niềm tin của thanh niên Việt Nam hôm nay vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta và các thế hệ thanh niên đi trước đã chọn, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong tiếp nối truyền thống yêu nước, thắp sáng lý tưởng cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh Huy mong muốn nhận được nhiều đóng góp về giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng [Ban Tổ chức T.Ư] cho rằng, việc đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” là theo đúng cụm từ mà Bác sử dụng trong Di chúc. Hồng và chuyên cũng đồng nghĩa với đức và tài. Phải coi trọng cả hồng, cả chuyên, cả đức, cả tài. Ông Hà phân tích, trong bản Di chúc, bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến, Bác Hồ cũng để lại một di sản vô cùng to lớn, một báu vật quốc gia. Theo ông Hà, trong Di chúc, điều đầu tiên Bác nhắc đến là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay sau đó, Bác nói về công tác thanh niên, dặn dò phải chăm lo, giáo dục, đào tạo thế hệ kế cận để kế thừa sự nghiệp. Cũng vì thế trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. Ông Hà cho rằng, trong những năm tới sẽ diễn ra sự chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo, từ những người trưởng thành trong chiến tranh đến những người trưởng thành trong thời bình. Một trong những yêu cầu chuẩn bị cho sự chuyển giao đó là những cán bộ trẻ phải có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, có ngoại ngữ, có trình độ công nghệ thông tin. “Thế hệ bây giờ phải hết sức chăm chút, bồi dưỡng kiến thức, lập trường chính trị cho lớp trẻ. Để vừa hồng, vừa chuyên thì cán bộ trẻ phải được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Phải đảm bảo chuyển giao liên tục, vững vàng, không bị động, hụt hẫng và không quay ngang”, ông Hà nói.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, cán bộ Đoàn phải nắm bắt công nghệ thông tin, biết được cái mới, hiểu thanh niên nghĩ gì, thích gì, “like” gì trên mạng xã hội để dẫn dắt thanh niên. Tuy nhiên, hòa nhập nhưng không được hòa tan, vẫn phải giữ phẩm chất, bản lĩnh của thanh niên Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Hằng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là giản dị, gần dân, quần chúng. Cán bộ Đoàn, người trẻ, tiếp cận với thanh niên cần học theo điều này, gần gũi, hòa đồng với thanh niên, thực hành dân chủ. Trong thời đại mới, cần nhanh nhạy, nắm bắt được định hướng, thời cuộc, thậm chí “làm chủ cuộc chơi, biết cách tiếp cận cái mới, dẫn dắt thanh niên đi theo, đi đến cái mới”. “Trong thời đại công dân toàn cầu, cán bộ Đoàn phải vận dụng được các kỹ năng, có tác phong khoa học, dẫn dắt được thanh niên. Cán bộ Đoàn không thể dốt được”, bà Hằng nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh trí tuệ, thể lực cũng quan trọng, thanh niên thời đại mới cần rèn luyện thể lực, đảm bảo đủ đức, trí, thể, mỹ theo lời dạy của Bác Hồ.

Trường Phong

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng lớp thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” phục vụ sự nghiệp cách mạng

  Tóm tắt: Thế hệ trẻ Việt Nam, lực lượng xã hội đông đảo, là đoàn viên, thanh niên có vai trò to lớn trong sự tồn tại và phát triển của đất nước. Lịch sử của dân tộc ta ở mọi giai đoạn, nhất là trong điều kiện đất nước khó khăn, hiểm nguy, vai trò của thế hệ trẻ càng nổi bật, nó đã được kiểm nghiệm không chỉ trong quá trình đấu tranh giữ nước, mà còn trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Vậy nên, sinh thời, Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân và toàn dân tộc đã đặc biệt quan tâm đến lực lượng này, và có nhiều quan điểm, tư tưởng chăm lo bồi dưỡng, phát triển họ vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Bài viết chủ định phân tích, nêu bật giá trị của hệ thống quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên: tính cấp thiết và nội dung chăm lo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên Việt Nam vừa “Hồng” vừa “Chuyên” phục vụ sự nghiệp cách mạng cho đời sau.

Từ khóa: cách mạng; tư tưởng Hồ Chí Minh; thanh niên.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh giành nhiều sự quan tâm đến cho việc chăm lo bồi d­ưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thanh niên - một bộ phận hợp thành lực lượng cách mạng của đời sau. Khi sắp “đi xa”, Trong “Di chúc” Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]. Bởi vì, thanh niên không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác, giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung để kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp của những thế hệ đi trước. Tư tưởng này của Người còn nguyên giá trị, và việc nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm đó vào chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay là vấn đề có ý nghĩa chiến l­ược, nhằm đào tạo, bồi dưỡng lớp ng­ười kế tục vừa “hồng” vừa “chuyên” cho sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

  2. Nội dung

2.1. Quan điểm về sự cần thiết chăm lo bồi dưỡng thế hệ thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” cho cách mạng đời sau

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Theo Người, nhân dân chỉ trở thành vô địch khi họ được giáo dục, được giác ngộ, được thức tỉnh và được tổ chức chặt chẽ. Trong số quần chúng đông đảo đó, Hồ Chí Minh đã nhận ra những phẩm chất tuyệt vời của thế hệ trẻ, của đoàn viên, thanh niên, sứ mệnh của họ đối với vận mệnh Tổ quốc và dân tộc. Vì vậy, theo Người muốn thức tỉnh một dân tộc trước hết phải thức tỉnh thế hệ trẻ, thức tỉnh thanh niên. Bởi vì, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của họ, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người kêu gọi thanh niên: “Hỡi Đông D­ương đáng th­ương hại, Người sẽ bị chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Ngư­ời không sớm hồi sinh”[2].

Nhận thức được vị trí, vai trò to lớn của tuổi trẻ và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người trực tiếp bắt tay vào việc giáo dục, giác ngộ, tập hợp thanh niên yêu nước trong tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” [năm 1925], tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, đào tạo ra những cán bộ nòng cốt cho cách mạng sau này.

Cả lý luận và thực tiễn cho thấy sự nghiệp cách mạng là quá trình lâu dài, bao gồm nhiều nhiệm vụ và giai đoạn khác nhau. Vì vậy, sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi có sự tham gia của nhiều người, nhiều thế hệ. Thế hệ hiện tại đã tạo dựng cơ sở và thành công bước đầu, song vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần phải giải quyết. Hơn nữa, thành quả của cách mạng cần phải giữ gìn và bảo vệ, như V.I.Lênin đã căn dặn: “Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn”. Chính vì thế, thanh niên là lực lượng dự bị, lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng và là những người chủ tương lai của nước nhà. Các thế hệ trẻ mà trước hết là thanh niên, có trách nhiệm kế tục sự nghiệp cách mạng, thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà lớp người đi trước đã chuyển giao vào tay mình. Hồ Chí Minh khẳng định thanh niên là lớp người kế tục sự nghiệp của thế hệ đi trước, tiếp sức cho họ và là người dìu dắt thế hệ thiếu niên, nhi đồng: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng...thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[3].

Hồ Chí Minh rất tin tưởng, yêu mến thế hệ trẻ, lúc nào Người cũng dành muôn vàn tình thương yêu cho các thanh niên. Hơn thế nữa, Người còn gửi gắm niềm tin khi đặt trọn tương lai của cách mạng, của dân tộc vào họ. Nhân ngày khai trường đầu tiên khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã gửi thư khích lệ và động viên học sinh cả nước: “Ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4] . 

Để chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp xứng đáng với vị trí vai trò của họ thì phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn xã hội và của các thế hệ đi trước: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[5].

2.2. Nội dung chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa “Hồng” vừa “Chuyên” cho cách mạng đời sau

Để xây dựng xã hội mới, thanh niên cần được bồi dưỡng toàn diện cả “đức” và “tài” hay nói cách khác là cả “hồng” và “chuyên”. Khi Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[6], chính là Hồ Chí Minh thấy rất cần thiết phải xây dựng một kiểu chủ thể của lịch sử trước một bước, trong đó xây dựng lớp người trẻ - thế hệ kế tiếp cũng phải đi trước một bước. Theo Hồ Chí Minh, việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau phải toàn diện: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”[7]. Cụ thể, nội dung chăm lo bồi dưỡng thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh có những nội dung cơ bản sau:

Một là, giáo dục, bồi d­ưỡng thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” cho cách mạng đời sau, tr­ước hết là phải giáo dục, bồi d­ưỡng lý t­ưởng cách mạng.

Đây là công việc đầu tiên trong bồi dưỡng thanh niên. Bởi không có một cuộc cách mạng nào có thể bùng nổ nếu không được dọn đường bằng sự chuẩn bị trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Cũng không có cuộc cách mạng nào thành công nếu không chuẩn bị giáo dục, đào tạo được một lớp người tiên phong, một lớp người kế tiếp mang trong mình một lý tưởng cách mạng cao đẹp. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, không có giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin cho lớp thanh niên yêu nước ở Quảng Châu [Trung Quốc], ở Liên Xô [cũ] và trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng năm 1945, thì không có thắng lợi của cách mạng tháng Tám và những thắng lợi sau này. Do vậy, tư tưởng của Người: Nếu thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thì gặp khó khăn gian khổ đến đâu, họ cũng không từ bỏ con đường đã chọn, con đư­ờng đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của Đảng.

Hai là, chăm lo bồi dưỡng phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng cho thanh niên

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa; là nền tảng cho trí tuệ, tài năng được phát huy. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[8]. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước; khi thuận lợi và thành công vẫn giữ được tinh thần khiêm tốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa để hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đề cập nhiều vấn đề, tựu chung lại là: Trung với Đảng, hiếu với dân, là quyết tâm phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình; là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là yêu thương con người...Trong đó, với thanh niên, Người chỉ rõ: “Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”. Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”[9].

Việc bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn gắn liền với việc chống các thói hư tật xấu, mà gốc gác của chúng là chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh gọi đó là “giặc nội xâm”, Người chỉ rõ: chủ nghĩa cá nhân trái ngược với chủ nghĩa tập thể”, “chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng”, “cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng theo Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giầy xéo lên lợi ích cá nhân”. Nếu lợi ích cá nhân đó không trái ngược với lợi ích tập thể thì không phải là xấu. Người còn khẳng định: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”[10].

Ba là, chăm lo bồi d­ưỡng thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” cho cách mạng đời sau về trình độ học vấn và năng lực hoạt động thực tiễn.

Trước hết, bồi d­ưỡng nâng cao trí tuệ, kiến thức toàn diện, sâu sắc, trên mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ. Tư tưởng của Người: Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu và “Dốt thì dại, dại thì hèn”, dốt nát cũng là một kẻ địch: “Địch dốt nát giúp cho giặc ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về mặt tinh thần, cũng  như giặc ngoại xâm tấn công ta bằng vũ lực”. Theo Người, không có trình độ học vấn thì không có khả năng tiếp thu những kiến thức khoa học, kỹ thuật và do đó không theo kịp yêu cầu của cách mạng, không làm chủ xã hội mới được. Người nói: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

          Bên cạnh chăm lo bồi dư­ỡng trình độ học vấn, Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của thế hệ trẻ, theo tư tưởng của Người: Thanh niên phải tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc. Tức là phải đưa thanh niên vào thực tiễn chiến đấu, lao động, sản xuất mà giáo dục, rèn luyện họ.

Bốn là, xây dựng mục đích, lối sống và đời sống vật chất - tinh thần cho thanh niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng mục đích và lối sống cho con người mới, nhất là thế hệ trẻ, đến thanh niên. Theo Người, đó là những con người sống có lý tưởng, có bản lĩnh, dù khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đến đâu cũng không từ bỏ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, không lùi bước, thắng không kiêu, bại không nản. Suốt đời phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng. Người đã dịch câu nói của Mạnh Tử để nhắc nhở chúng ta rằng: “Giàu sang không quyến rũ - Nghèo khó chẳng chuyển lay - Uy vũ không khuất phục”. Lối sống của thanh niên là lối sống dân chủ, phấn đấu trở thành người chủ của xã hội, mình vì mọi người; yêu tự do, lạc quan cách mạng, tin ở tương lai; yêu lao động, thấy lười biếng là xấu xa phải đấu tranh phê phán, lên án.

Trong tư duy cũng như trong hoạt động, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần cho từng con người và nhân dân lao động lên trên hết. Điều đó thể hiện rất rõ trong ham muốn tột bậc, ham muốn suốt đời của Người là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[11]. Người nói “dân lấy ăn làm trời”[12], nghĩa là “có thực mới vực được đạo”; dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Người luôn nhắc nhở Đảng, Chính phủ, các thế hệ đi trước, nhất là các đảng viên về việc chăm lo lợi ích của nhân dân, của thanh niên cả vật chất, tinh thần. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, thanh niên cũng là một thực thể của xã hội, những nhu cầu và lợi ích là động lực trực tiếp thúc đẩy thanh niên hoạt động tích cực hay không tích cực, hiệu quả hay không hiệu quả. Vì vậy, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ là bồi dưỡng trí tuệ, đạo đức, mục đích về lối sống mà còn phải chăm lo lợi ích và đời sống vật chất tinh thần cho họ. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nội dung cơ bản của sự nghiệp “trồng người” của Hồ Chí Minh.

Ngoài những nội dung nêu trên, trong chăm lo bồi dưỡng thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” cho cách mạng đời sau, ph­ương châm của Hồ Chí Minh là học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với xã hội. Người nói: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[13]. Theo Người, thực tiễn là cái đích, cái cần đạt đến và muốn đạt được thì cần phải có phương tiện, công cụ. Do vậy, học là phương tiện, công cụ để đạt mục đích. Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau phải xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống xã hội. Hồ Chí Minh viết: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y trí thức chỉ có một nửa. Trí thức của y là trí thức sách vở, chưa phải trí thức hoàn toàn”[14].

3. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thanh niên - thế hệ cách mạng cho đời sau thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Người. Người không chỉ quan tâm đến sự nghiệp cách mạng hiện tại mà còn ở cả tương lai. Có như vậy, sự nghiệp cách mạng mới được vun trồng từ cái gốc để trở nên đời đời bền vững. Do được chăm lo bồi dưỡng chu đáo, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã trưởng thành, hăng hái cống hiến tài năng và sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong thời đại cách mạng khoa học bùng nổ, nhất là giai đoạn 4.0 hiện nay, thanh niên Việt Nam với tinh thần và sức trẻ, nhiệt huyết và hoài bão đang được kỳ vọng sẽ tiếp bước các thế hệ đi trước lập nên những kỳ tích về khoa học công nghệ để đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như lời mong muốn của Người.

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H……., tr.612.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H……., tr.144.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập,tập 13, Nxb CTQG, H…….,  tr.298.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập,tập 4, Nxb CTQG, H……., tr.35.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H…….,, tr.528.

[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H……., tr.66.

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H……., tr.647.

[8] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H……., tr.292.

[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H……., tr.471.

[10] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H……., tr.292.

[11] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H……., tr.627.

[12] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H……., tr.518.

[13] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H……., tr.361.

[14] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H……., tr.275.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam [2011], Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2011.

2. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, 5, 10, 11, 13, 15, Nxb CTQG, H.2011.

3. Nguyễn Thị Kim Dung, Trần Thị Nhuần, Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lao động – Xã hội, H.2016.

4. Nguyễn Thị Thúy, Vai trò của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, số 4/2017 [331], tr.72-78.

Video liên quan

Chủ Đề