Tường hồi bít đốc là gì

Đình và chùa thôn Nha không phải là một cụm di tích chung khuôn viên, hai di tích này nằm cách nhau khá xa, song đều là di sản văn hoá cổ truyền thuộc một địa bàn hành chính thấp nhất. Hai kiến trúc trên có hai hướng nhìn ngược hẳn nhau, một Nam [ đình] và một Bắc [ chùa]. Điều đó như đã được nhắc nhở chúng ta khi xem xét tới các công trình này cần phải thấy được một số vấn đề cơ bản về lịch sử, về phong thuỷ, niên đại và nghệ thuật… để từ đó có cách ứng xử thích hợp trong bảo tôn và phát huy giá trị.

Đình và chùa thôn Nha không phải là một cụm di tích chung khuôn viên, hai di tích này nằm cách nhau khá xa, song đều là di sản văn hoá cổ truyền thuộc một địa bàn hành chính thấp nhất. Hai kiến trúc trên có hai hướng nhìn ngược hẳn nhau, một Nam [đình] và một Bắc [chùa]. Điều đó như đã được nhắc nhở chúng ta khi xem xét tới các công trình này cần phải thấy được một số vấn đề cơ bản về lịch sử, về phong thuỷ, niên đại và nghệ thuật… để từ đó có cách ứng xử thích hợp trong bảo tồn và phát huy giá trị.

1- Về đình thôn Nha- Nhìn về hướng Nam, đó là hướng thích hợp nhất của các kiến trúc tín ngưỡng cổ truyền Việt. Đình nằm ngay ở chân đê sông Hồng, trước mặt là dòng chảy thuận từ phía phải sang trái đình, hướng từ dương về âm. Nhìn chung, ở lĩnh vực phong thuỷ là khá tốt đẹp, song đê cũng là đường chắn mặt có độ cao gần ngang mái đình, nơi xe cộ lớn nhỏ thường qua, khiến nơi ở của nhà Thánh không được yên tĩnh, đồng thời độ rung liên tục của đất cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự bền vững của ngôi đình. Vì thế, nếu có thể được, do hoàn cảnh, để duy trì một cách tốt đẹp sự thiêng liêng gắn với tâm linh, để Thánh không thường xuyên bị dày vò và để bảo vệ tốt hơn cho ngôi đình, thì theo chúng tôi, nên tịnh tiến cả hệ thống kiến trúc này về phía bắc một khoảng cho phép, nhằm tạo được không gian cho một hồ bán nguyệt ở phía trước [ vừa hợp tâm linh kiến trúc, vừa chống được độ rung của mặt đất…].

Hiện nay đình thôn Nha được bố cục theo kiểu chữ Tam không đều nhau, bố cục chung máng tạo cho không gian nội thất trở nên thống nhất theo kiểu " Trùng thiềm điệp ốc".

a- Về toà đại đình: kết cấu theo kiểu 5 gian tường hồi bít đốc, niên đại ghi dưới bụng câu đầu vào đời Minh Mạng thứ 3 [ 1822], về cơ bản, các mảng chạm còn lại cũng thống nhất với niên đại này hoặc muộn hơn. Điều này cho thấy – một là tới thời Minh Mạng thì đình mới được xây dựng. Hai là ngôi đình cổ của thời trước đó hoàn toàn đã bị huỷ hoại, không còn gì ở trên mặt đất…, tới đây được dựng lại. Như vậy, đình này, nếu tu sửa, không có cớ gì để chuyển hoá thành kết cấu có 4 góc mái cong, dù cho dáng dấp hiện nay có phần kém duyên dáng, song về lịch sử kiến trúc truyền thống đánh dấu cho một giai đoạn của nó thì không thể chối cãi.

Ở lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc – Bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu " giá chiêng chồng rường con nhị" từ thượng lương tới đầu cột cái gồm 5 khoảng hoành. Ở bộ vì, rường nọ đội rường kia thông qua một hoặc 2 đấu vuông thót đáy. Nhìn chung kết cấu này là sự kế thừa rất gần gũi của kiến trúc thuộc thế kỷ XVII. Điều đáng chú ý là, các thành phần kiến trúc đã có nét thanh mảnh hơn, các mảng chạm ở đầu rường vì nóc chủ yếu nổi khối lớn, song hạn chế về đề tài, chỉ tập trung vào các vân xoắn và các đao lớn hoá thân thành lá thiêng… Chúng ta vẫn có thể còn đọc được ở đó một phần về bóng dáng của những biểu tượng sấm chớp và các tia sáng, về ước vọng, thông qua thần linh, để cầu mưa cầu mùa sinh sôi. Ở đây, quá giang đã ăn mộng vào đầu cột cái, nhưng đỉnh cột vẫn còn sử dụng một đấu vuông thót đáy lớn, với chức năng chỉ để đỡ một hoành mái bình thường. Đội bụng quá giang [ ăn mộng vào đầu cột cái] là chiếc đầu dư được thể hiện hoàn toàn thành đầu rồng, dưới dạng chạm lộng bong kênh, theo hình thức và bố cục như của thời hậu Lê, song không quá phức tạp. Ở đây, đao mác đã bị giải thể, mà đao và tóc được chuyển thành vài ba đường vòng cong kép lớn đơn giản để mang nét nhấn mạnh.

Thực sự các bộ cốn chính của đình đều theo kiểu chồng rường, nhưng diễn ra dưới hai dạng khác nhau.

- Dạng thứ nhất, với các con rường xếp khít lên nhau, tạo cảm giác đó là các cốn mê, không có đấu ken lồng ở giữa các rường – Hình thức này đã có tác dụng tạo thành một mặt không gian tam giác thống nhất để thể hiện trên đó đề tại tứ linh với rồng cuốn thuỷ, tam long vần vũ, rồi rừng tùng, rừng mai đầy chất tạo hình dân gian, mà có lần qua đây Cố giáo sư Trần Quốc Vượng, vốn là người rất yêu thích hoa mai, đã để lại mấy vần tâm sự sau:

" Giữa bích đào, đào phai lên ngôi

Giữa đào phai, bích đào làm chúa tể

Chỉ một mai riêng mình ngạo nghễ

Bên ghềnh đời thổn thức mảnh tình đời".

        Ở đây chúng ta vẫn còn thấy tùng và mai như biểu hiện chính nhân quân tử và sự thanh cao, như lời nhắn nhủ của người xưa gửi lại cho đời.

        - Dạng cốn thứ hai, cũng áp sát các con rường vào nhau, nhưng người xưa đã tạo nên những đấu vuông thót đáy và cột trốn giả, chúng không nhằm để kê hoặc chống/ đội, mà đã chuyển hoá sang thành một hình thức trang trí, trên thân " cột" được chạm nổi chữ thọ. Cả cột trốn và đấu đều cùng thân gỗ với con rường. Đó là đặc điểm gần như chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII [ thời Tây Sơn] trên các cấu kiện phụ [ lá gió…], tới nay phổ biến dần và xuất hiện cả trên cấu trúc, mà đình Nha được coi như một dẫn chứng cụ thể.

        b- Về toà hai tầng tám mái - Đây là toà nhà có nền hình chữ nhật, một gian hai chái lớn, cao nhất trong cả ba toà, có niên đại khá cụ thể vào năm Thành Thái Bính Ngọ [ 1906] kết cấu đơn giản, vì nóc có mái trên theo kiểu giá chiêng, không cốn, không có đầu dư, bẩy trơn… Mái dưới tỳ lực trên kẻ, chỉ có cốn ở mái đốc theo kiểu chồng rường trụ trốn. Nét chạm trên các rường của cốn là từng cặp vân xoắn [ kép] toả sang hai bên rồi nối với một cụm lá cách điệu ba chẽ… Hình thức này tuy vẫn mang ý nghĩa truyền thống, song trong cách thể hiện đã có nhiều nét mới như phần nào đã chịu ảnh hưởng tạo hình phương Tây.

        c- Toà nhà trong cùng, nay được coi là hậu cung, kết cấu ba gian tường hồi bít đốc, vì nóc theo kiểu chồng rường con nhị, thay cột chốn giá chiêng bằng hai con rường cụt không ăn mộng vào một thành phần kiến trúc nào khác. Kiến trúc này được làm theo kiểu bào trơn đóng bén, không chạm khắc, có bảy ngang, niên đại xây dựng rất muộn.

        Nhìn chung, đây là ba toà kiến trúc với ba bộ khung gỗ riêng biệt – Bằng vào nghệ thuật còn để lại, chúng ta có thể đưa ra được một vài nhận xét như sau:

        - Khởi đầu đình chỉ có một toà, tuy được làm dưới thời Minh Mệnh, nhưng vì một lý do riêng nào đó mà đình vẫn chỉ dựng theo kiểu chữ nhất với 5 gian tường hồi bít đốc [ ngang nền 17,40 cm, sâu nền 10.2 m], bàn thờ lửng nằm giữa hai cột cái trong và hai cột quân thuộc gian giữa. Sau đó đến đầu thế kỷ XX do nhu cầu tín ngưỡng mạnh hơn, người ta đã dựng thêm toà kiến trúc hai tầng tám mái, có bờ nóc và thượng lương mái trên cao hơn bờ nóc và thượng lương đại đình một cách rõ rệt. Với đặc điểm đó [ hai tầng mái và cao nhất], thì dễ dàng cho chúng ta hiểu, kiến trúc này mang tính chất quan trọng nhất, nơi ngự của thần, nơi làm lễ thông tam giới để cầu nguồn sinh lực thiêng liêng tràn về trần gian. Rồi sau cùng, khi tính chất cơ bản của ngôi đình không còn được chú ý đầy đủ nữa, tính chất truyền thống có phần bị suy lạc, người ta đã quan tâm nhiều hơn tới việc thâm nghiêm hoá vị thần [ không trên nền tảng văn hoá truyền thống] vì thế mà toà nhà thứ ba được dựng để giam hãm thần linh trong " Vòng vây tối tăm" thấp nhỏ, trong sự lầm tưởng như ở đình Sài Đồng.

        2- Về chùa Nha:     

        Chùa có một khuôn viên khá rộng- Trước đây chỉ có toà điện Phật kết cấu chữ đinh với tiền đường gồm 5 gian tường hồi bít đốc [ bề ngang 12,5 m], và ba gian thượng điện [ Toàn bộ chiều dọc của chùa 16,13 m]. Cách sau lưng chùa khoảng 4,10 m, cùng nằm trên trục linh đạo là toà nhà Tổ và Mẫu với kết cấu mặt bằng cũng theo hình chữ đinh, nhưng đó là sự kết nối ba toà khung gỗ khác nhau tạo thành một hệ thống kiến trúc " trùng thiềm điệp ốc" – Mặt toà ngoài gồm 7 gian tường hồi bít đốc [ bề ngang 17,30m, rộng 2,66 m và 2,35 m].

Nhìn chung giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc không cao, chỉ điểm đôi ba nét về hình văn cuộn lớn, lá ba chẽ… để tránh sự khô cứng của kết cấu… Chùa có một vườn tháp không cổ nhưng khá đẹp bởi sự sắp xếp cân đối và được dựng theo kiểu lộ gạch. Từ trước tới nay, chùa vốn không có tam quan, mà chỉ có cửa vào ở phía đông và nay có cả " cửa hậu" mở ra phía tây – Qua một thời gian, nhất là sau khi được xếp hạng/ công nhận, chùa đã được bổ sung nhiều ngôi nhà mới theo lối   " tiện đâu xây đấy", thiếu quy mô của một kiến trúc Phật giáo.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay ở chùa là: hướng và một số pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật vừa phải. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây bộ Tam Thế Phật, A Di Đà Phật và tượng đức Thế Tôn… là khá đẹp, tương đối có giá trị, kế thừa phong cách của tượng thế kỷ XVII. Tuy nhiên, tượng đã không chú ý lắm tới biểu tượng trí tuệ là nhục kháo [ Unisa], mà chỉ làm hằn nổi lớn tướng " Vô kiến đỉnh" [ Sahasrâra]. Mặt tượng bầu bĩnh, ít nét chân dung, áo tượng mặc theo phong cách của thế kỷ XVII – XVIII, song vạt áo ngang khuỷu tay đã vênh ra, một hình thức rất gần với phong cách từ cuối thế kỷ XVIII về sau. Đài sen tượng ngồi, có các cánh kép lớn múp phồng, được trang trí đôi chút ở mũi, chỉ còn một phần bông cúc cách điệu làm nhân cho ba vân xoắn ở dưới. Đây là một hình thức kế thừa gần gũi của nghệ thuật thế kỷ XVII [ nét khác ở chỗ, đỉnh của đường viền cánh sen bên trong đã không cuộn xuống theo thể cân đối để tạo vị trí treo cho một phần bông cúc mãn khai…]. Suy cho cùng, với niên đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà không theo phong cách của chùa Tây Phương, thì đó là một điều hiếm. Các tượng này như một sự nối mạch dòng chảy truyền thống nghệ thuật tạo tượng của người Việt ở đương thời.

Một điều khác đáng chú ý là: hướng Bắc.

Thông thường chùa Việt gắn với nhu cầu của tâm linh, người đang sống thì xưa kia không mấy khi quay hướng Bắc. Vì đây là hướng giá rét, không tốt đẹp gì! Chỉ có trong trường hợp rất riêng chùa mới theo theo hướng này. Điều kiện thứ hai, chùa quay hướng Bắc thường gắn với Nghĩa trang để phù trợ cho các kiếp đời đã qua. Điều kiện thứ ba là khi ngôi chùa vượt qua không gian tâm linh xóm làng, ít nhiều gắn với nền kinh tế khác, thì người ta không mấy quan tâm tới hướng cổ truyền nữa, mà chú ý nhiều tới việc quay nhìn ra con đường giao thông hay dòng sông… Như vậy, có thể nghĩ chùa Cổ Linh khó có thể có gốc từ thế kỷ XVII trở về trước. Mặt khác các chùa quay hướng Bắc nhiều khi không dựng tam quan [ tam quan chỉ có ở trước mặt, phía khác là cổng chùa].

Vì thế, khi tu bổ tôn tạo không nên bổ sung tam quan, đồng thời cần chú ý tới bản vẽ gần với hồ sơ xếp hạng để không bổ sung quá đáng làm cạn mòn bản chất của kiến trúc này.

Chủ Đề