Tội rửa tiền phạt bao nhiêu năm tù

Rửa tiền là thuật ngữ được sử dụng để chỉ hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản có nguồn gốc do thực hiện các hành vi phạm tội. Hành vi rửa tiền không chỉ xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến những cá nhân, tổ chức khác. Do đó, pháp luật hiện hành quy định khung hình phạt tội rửa tiền đối với cá nhân cũng như pháp nhân thương mại phạm tội rất nghiêm khắc, không chỉ thể hiện tính răn đe, trừng phạt mà còn có tác dụng phòng ngừa tội phạm.

1. Tội rửa tiền là gì

Trước khi tìm hiểu về khung hình phạt tội rửa tiền, chúng ta cần hiểu rõ như thế nào là rửa tiền và tội rửa tiền. Căn cứ theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, rửa tiền là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Tài sản do phạm tội mà có là những tài sản có được từ hành vi phạm tội một cách trực tiếp hay gián tiếp, phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được do phạm tội và được căn cứ vào một trong những tài liệu sau đây: Bản án, quyết định của Tòa án; Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp; Tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội như tài liệu, chứng cứ của Interpol, tài liệu tương trợ tư pháp,...

Do đó, số tiền này không thể trực tiếp đưa vào lưu thông, không thể sử dụng ngay mà phải qua nhiều cách thức, thủ đoạn để rửa tiền, biến tiền bẩn có vỏ bọc bên ngoài là tiền hợp pháp.

Như vậy, rửa tiền là một quá trình bao gồm ba giai đoạn: phạm tội, có tài sản, rửa tiền.

  • Trước khi thực hiện hành vi rửa tiền, người rửa tiền phải thực hiện hành vi phạm tội để tạo ra tiền, tài sản từ phạm tội. Nghĩa là tội rửa tiền không thể là tội độc lập mà luôn đi kèm với tội phạm nguồn, và chỉ cần chứng minh nguồn gốc của số tiền là từ hành vi phạm tội trước đó mà không bắt buộc phải chứng minh tội phạm nguồn. Tội phạm nguồn là những tội phạm mà tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, ví dụ như: tội buôn lậu, mua bán chất ma túy, vũ khí và các hàng hóa bị cấm mua bán, trao đổi, tội làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc, các tội về tham nhũng ( nhận hối lộ, tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước để biết trước thông tin, chính sách của nhà nước và lợi dụng việc này để trục lợi cá nhân; Tội trốn thuế
  • Sau khi thực hiện tội phạm nguồn, người phạm tội rửa tiền sẽ tách tài sản do phạm tội mà có và “biến” nó thành “tiền hợp pháp” thông qua các thủ đoạn như gửi tiền vào ngân hàng, mua trái phiếu, chứng khoán bằng tiền mặt, mua đất, mua nhà, đá quý, kim loại quý hoặc các mặt hàng xa xỉ khác. Quá trình chuyển đổi khoản tiền từ nguồn tội phạm sang các loại tiền khác nhằm hướng tới sự thay đổi về dấu vết đến nguồn tiền. Càng nhiều lần chuyển đổi, “rửa tiền" thì số tiền có được do hành vi phạm tội sẽ được bao phủ bởi nhiều giao dịch tài chính khác nhau nhằm mục đích gây khó khăn cho các cơ quan lần theo dấu vết nguồn tiền. Đối tượng rửa tiền càng tinh vi, có hệ thống thì việc phát hiện và điều tra tội rửa tiền ngày càng khó khăn. Số tiền sau khi được rửa thì sẽ được bọc một lớp bề ngoài hợp pháp và tiếp tục đưa ra để hòa nhập vào các giao dịch khác như sử dụng tiền để trả lương, tặng quà, lãi từ hoạt động đầu tư, thắng cờ bạc, tiền bản quyền,….

Hiện nay, tội rửa tiền được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như:

  • Vận chuyển tiền mặt. Đây là hình thức rửa tiền truyền thống và được sử dụng rộng rãi bằng cách đưa tiền qua biên giới của các quốc gia chưa quy định hoặc quy định hạn chế về phòng chống rửa tiền
  • Sử dụng tiền vào các hoạt động đánh bài, trò chơi may rủi hoặc mua lại vé trúng thưởng với mức giá cao hơn. Ngoài ra, người phạm tội còn thực hiện rửa tiền thông qua các trò chơi đánh bạc trực tuyến bằng việc mua số lượng lớn thẻ đánh bạc nhưng chỉ sử dụng một trong số ít thẻ đánh bạc để sau đó yêu cầu được nhận lại được tiền dưới dạng séc và tuyên bố là tiền thắng cược.
  • Rửa tiền thông qua các công ty bảo hiểm, hệ thống tín dụng. Bằng cách đưa tiền đi gửi tiết kiệm, mua trái phiếu hoặc mua bảo hiểm, người rửa tiền sau đó sẽ thu được một khoản tiền mới cùng với lãi và khoản tiền này trở thành tiền hợp pháp
  • Rửa tiền thông qua các hoạt động mua vàng, bạc đá quý
  • Rửa tiền thông qua các tổ chức kinh doanh dịch vụ tiền tệ hoặc chuyển nhượng
  • Rửa tiền thông qua chứng từ giả. Chứng từ giả là những chứng từ được sử dụng không ghi nhận kèm theo tài sản hoặc giá trị của một tài sản dẫn đến việc khó khăn trong xác định chính xác số lượng tài sản như sử dụng hóa đơn hoàn toàn giả để gửi tiền bẩn vào thanh toán, thanh toán cho số hàng thật bằng tiền bẩn
  • Rửa tiền thông qua các hoạt động chứng khoán như mua cổ phiếu hay trái phiếu. Người phạm tội tiến hành chi nhỏ số tiền do phạm tội mà có, sau đó mua nhiều loại chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu khác nhau và có thể được phát hành ở nước ngoài để biến chúng thành tiền hợp pháp
  • Rửa tiền thông qua việc thực hiện các giao dịch bất động sản hoặc tài sản sinh lợi. Người rửa tiền sử dụng tiền bẩn để thực hiện chuyển nhượng. mua bán bất động sản hoặc có thể đầu tư nước ngoài với tư cách nhà đầu tư thông qua tiền mặt, chuyển khoản nhưng không thông qua sàn giao dịch bất động sản
  • Phạm tội rửa tiền thông qua thành lập các công ty nhưng núp bóng sau đó là rửa các nguồn tiền bất chính. Mặc dù được thành lập hợp pháp theo pháp luật nhưng công ty không hoạt động theo chức năng vốn có, các công ty thường thiết lập các hợp đồng khai khống giá trị hàng hóa thực tế để rửa tiền
  • Phạm tội rửa tiền thông qua cung cấp các dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo.

2. Dấu hiệu cấu thành tội rửa tiền là gì?

Tội rửa tiền phạt bao nhiêu năm tù
Dấu hiệu cấu thành tội rửa tiền là gì

Căn cứ theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người phạm tội rửa tiền là người thỏa mãn các đặc điểm sau:

  • Người phạm tội rửa tiền bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại
    • Cá nhân phạm tội rửa tiền là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội nhận thức được hành vi rửa tiền là trái pháp luật và có khả năng điều khiển, quyết định thực hiện hay không thực hiện hành vi rửa tiền
    • Pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền là pháp nhân được thành lập nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận bao gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội này còn là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập đúng quy định nhưng mục đích chính của pháp nhân là thực hiện hành vi rửa tiền.
  • Người phạm tội rửa tiền thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi rửa tiền, hợp pháp hóa tiền có được do thực hiện hành vi phạm tội bị pháp luật nghiêm cấm, biết rõ tiền, tài sản do chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện với mong muốn hợp pháp hóa số tiền, tài sản đó. Việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Trường hợp người phạm tội rửa tiền nhưng chưa đạt được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt
  • Người phạm tội rửa tiền đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, an toàn công cộng
  • Đối tượng tác động của tội rửa tiền là tiền (Việt Nam đồng, ngoại tệ) và tài sản (vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản tồn tại dưới dạng vật chất, phi vật chất hoặc hữu hình, vô hình,..) do hành vi phạm tội mà có
  • Người phạm tội rửa tiền thực hiện các hành vi: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; sử dụng hoặc che giấu nguồn gốc của số tiền do phạm tội mà có:
    • Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng là việc người phạm tội rửa tiện thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện các hoạt động rửa tiền dưới đây nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở biết tài sản đó là do phạm tội mà có gồm:
      • Cầm cố, thế chấp tài sản hoặc thực hiện bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng
      • Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị
      • Tham gia phát hành chứng khoán hoặc thực hiện giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác
      • Cho vay, cho thuê tài chính
      • Mở tài khoản và tiền gửi, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
      • Thực hiện góp vốn, huy động vốn vào doanh ghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức
      • Thực hiện quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể
      • Thực hiện quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác
      • Thực hiện quản lý, cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác hoặc các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.
    • Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác là việc người phạm tội rửa tiền trực tiếp thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua bên thứ ba hỗ trợ để thực hiện một trong các hành vi: Chơi, kinh doanh casino; Tham gia chơi, kinh doanh trò chơi có thưởng; Mua bán cổ vật hoặc các hành vi khác không liên quan đến tài chính ngân hàng
    • Biết hay có cơ sở để biết người khác phạm tội mà có là việc người phạm tội biết tiền, tài sản là tiền, tài sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
      • Người phạm tội trực tiếp được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết tiền, tài sản do người đó phạm tội mà có
      • Người phạm tội rửa tiền biết được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, ti vi, truyền hình đưa tin hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn
      • Người phạm tội bằng nhận thức của mình có thể biết được tài sản, tiền do người phạm tội mà có
      • Trong một số trường hợp bắt buộc người phạm tội phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.
    • Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có biết nguồn gốc của tài sản là bất hợp pháp vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác: Đây là trường hợp người phạm tội rửa tiền dùng tiền, tài sản thực hiện các công đoạn trong quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện việc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi hoặc dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học hoặc sử dụng dưới danh nghĩa từ thiện, tài trợ hoặc viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác
    • Che giấu, cản trở xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí cũng như quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc người khác phạm tội mà có: Trong trường hợp này, người phạm tội cố ý gây khó khăn, trở ngại trong quá trình làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tài sản như không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhưng không đầy đủ, cung cấp thông tin giả mạo, sửa chữa, xóa tài liệu chứng cứ,…)
    • Thực hiện một trong các hành vi tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng, sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc có hành vi che giấu đối với tiền, tài sản mà người phạm tội biết là tài sản có được từ việc chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Mọi người cũng xem: Sử dụng tiền giả để mua bán phạm tội gì? Xử phạt tội sử dụng tiền giả

3. Pháp luật quy định khung hình phạt tội rửa tiền như thế nào

3.1. Khung hình phạt tội rửa tiền đối với cá nhân phạm tội

Tội rửa tiền phạt bao nhiêu năm tù
Khung hình phạt tội rửa tiền đối với cá nhân phạm tội

  • Trong trường hợp cá nhân phạm tội rửa tiền thực hiện một trong bốn hành vi đã nêu ở Mục 2 của bài viết và không có tình tiết tăng nặng thì bị áp dụng khung hình phạt tội rửa tiền cơ bản là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Trường hợp cá nhân thực hiện một trong các hành vi rửa tiền nhưng thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị áp dụng khung hình phạt tội rửa tiền tăng nặng là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
    • Người phạm tội rửa tiền có tổ chức
    • Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội rửa tiền. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện tiên quyết để người đó phạm tội. Nếu không giữ chức vụ, quyền hạn này thì người đó không thể thực hiện hành vi phạm tội
    • Người phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là hai điều kiện đồng thời xảy ra và nếu thiếu một trong hai điều kiện thì không thuộc trường hợp này
    • Người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội lấy hành vi rửa tiền làm công việc, ngành nghề chính hoặc lấy khoản tiền thu lợi bất chính từ việc rửa tiền làm nguồn sống chính. Ngoài ra, người phạm tội phải thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên không phân biệt truy cứu trách nhiệm hay chưa nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xóa án tích
    • Cá nhân dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để rửa tiền như sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc sử dụng những thủ đoạn gian dối, mánh khóe nhằm tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, dẫn đến khó khăn cho việc điều tra, xử plys tội phạm
    • Tiền, tài sản phạm tội mà có có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
    • Hành vi rửa tiền giúp cho người phạm tội thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng
    • Người phạm tội tái phạm nguy hiểm.
  • Trường hợp tiền, tài sản do phạm tội mà có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc người phạm tội thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia như làm mất lòng tin của công chúng, làm mất khả năng thanh khoản, mất cân bằng hệ thống tài chính,… thì cá nhân bị áp dụng khung hình phạt tội rửa tiền cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm
  • Trường hợp cá nhân chuẩn bị công cụ, phương tiện để chuẩn bị phạm tội rửa tiền thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, cá nhân phạm tội rửa tiền còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm tính từ thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt tù.

Mọi người cũng xem: Người phạm tội là phụ nữ đang mang thai có phải đi tù không?

3.2. Khung hình phạt tội rửa tiền đối với pháp nhân phạm tội

Tội rửa tiền phạt bao nhiêu năm tù
Khung hình phạt tội rửa tiền đối với pháp nhân phạm tội

  • Trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi rửa tiền nhưng không có tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
  • Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, phạm tội từ 02 lần trở lên, tiền, tài sản phạm tội mà có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ hoạt động rửa tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng
  • Trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện rửa tiền, tài sản có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân từ 01 năm đến 03 năm
  • Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền đã gây ra thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây ra thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trường hợp pháp nhân thương mại được thành lập nhằm mục đích chính là để kinh doanh, buôn bán hàng cấm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung:

  • Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
  • Cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
  • Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Có thể bạn quan tâm: Xử lý vi phạm của pháp nhân: trách nhiệm và hình phạt theo quy định của pháp luật

Từ những nội dung đã trình bày ở trên, có thể thấy, bất kể người nào đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một trong các hành vi rửa tiền thì đều phạm tội rửa tiền và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi rửa tiền mà người phạm tội có thể bị áp dụng các khung hình phạt tội rửa tiền khác nhau.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Ánh Ngọc về Rửa tiền có bị đi tù không? Khung hình phạt tội rửa tiền? Nếu bạn còn có những thắc mắc liên quan cũng như cần hỗ trợ, tư vấn về pháp luật, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được đội ngũ luật sư có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và giải đáp kịp thời.