Tiểu luận về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh

QPTD -Thứ Năm, 10/02/2022, 08:25 [GMT+7]

Văn hóa quân sự Việt Nam nhìn từ góc độ nghệ thuật quân sự

Văn hóa quân sự Việt Nam là nét đặc sắc, độc đáo của nền văn hiến nước nhà; là sự kết tinh từ truyền thống, nghệ thuật đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc; được in dấu trên nhiều phương diện; trong đó, lĩnh vực nghệ thuật quân sự là dấu ấn tiêu biểu.

Đặc điểm cơ bản của văn hóa quân sự Việt Nam chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc, sự hòa quyện giữa tư tưởng yêu nước với tinh thần độc lập dân tộc, tạo thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả với nội dung cốt lõi được Nguyễn Trãi khái quát: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”1. Văn hóa đó được thể hiện trong toàn bộ các hoạt động quân sự, nhưng rõ nét nhất, đặc sắc nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với nghệ thuật: lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh và lấy thắng địch bằng phương pháp thay vì thắng địch bằng phương tiện chiến tranh. Bài viết xin đề cập đến văn hóa quân sự Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật quân sự:

Nghệ thuật thắng giặc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc

Đây là một trong những nội dung cơ bản của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, thực chất là đề cao vai trò của quần chúng, của nhân dân trong chiến tranh, theo quan điểm toàn dân đánh giặc. Cơ sở văn hóa của nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc bắt nguồn từ tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, sự kiên cường, bất khuất, tính cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam, tạo nên truyền thống: cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, chúng chí thành thành, cử quốc nghênh địch.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tính cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù xâm lược trở thành truyền thống mang bản sắc riêng và bền vững của dân tộc Việt Nam - giá trị văn hóa quân sự vĩnh hằng của dân tộc. Thời Lý - Trần, các vương triều đề cao tư tưởng: vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức. Thời Hậu Lê coi trọng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc: chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân và trong chiến tranh phải đoàn kết một lòng - hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, để tập hợp bốn phương manh lệ. Tất cả đều nhằm phát huy cao nhất sức mạnh nơi dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp - sức mạnh của toàn dân, để đánh giặc giữ nước với lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và phát triển quan điểm toàn dân đánh giặc lên tầm cao mới với các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của nhân dân, như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”2. Được thể hiện thành những phương thức hành xử văn hóa quân sự đặc sắc với đường lối duy nhất đúng: quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, vũ trang toàn dân, đánh giặc bằng sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Vì vậy, để phát huy hơn nữa truyền thống đó, chúng ta cần coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, song không chỉ đánh giặc bằng lực lượng vũ trang mà còn phải đánh giặc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đó là giá trị của văn hóa trong các hoạt động quân sự.

Nghệ thuật đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời

Quan điểm tác chiến của nhiều quốc gia trên thế giới là coi trọng sức mạnh của phương tiện chiến tranh. Chính vì vậy, khi tiến hành chiến tranh họ thường dựa vào sức mạnh của vũ khí, trang bị, đánh phá các mục tiêu có tính hủy diệt, gây thương vong lớn cho đối phương, tàn phá nặng nề địa bàn tác chiến. Đó được coi là những hoạt động quân sự không nhân tính, phi văn hóa, bị nhân loại tiến bộ kịch liệt lên án. Vì thế, không thể nói việc quân đội Mỹ mang bom, đạn rải thảm ở chiến trường miền Nam, rải chất độc hóa học ở núi rừng Tây Nguyên hay sử dụng máy bay B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội và một số địa phương miền Bắc, hòng “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là những hoạt động quân sự có văn hóa. Lịch sử các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, tổ tiên ta luôn coi trọng dùng mưu kế lừa, dụ, điều địch, cùng với thế trận làng, xã, thế của địa hình và thời tiết, khí hậu, thủy văn, đẩy quân địch vào tình thế khốn quẫn, bị sát thương, tiêu hao, sa lầy, suy yếu, tạo thời cơ có lợi để phản công, tiến công giành thắng lợi quyết định. Như vậy, đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược của dân tộc, trở thành một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam - văn hóa quân sự.

Phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, khi chỉ đạo, điều hành chiến tranh, Đảng ta luôn coi trọng dùng mưu để nghi binh, lừa địch, dùng kế để điều động quân địch theo ý định của mình: “Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch”3, “Bám thắt lưng địch mà đánh”4,… để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch. Đặc biệt, Đảng ta đã phát triển khá hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các thế trận: chính trị tinh thần, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Riêng thế trận quân sự đã phát triển hết sức đa dạng, phong phú, với thế đánh rộng khắp, thế cài xen kẽ, thế đánh hiểm cùng với thế chiến dịch, thế chiến lược tiến công, tạo ra thế trận có lợi và đánh địch trên thế trận có lợi ấy ở những thời cơ quyết định để chiến thắng kẻ thù. Đó chính là sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố: lực, thế, thời, mưu để đánh giặc có văn hóa hay còn gọi là văn hóa đánh giặc.

Kết hợp đánh tiêu hao rộng rãi với đánh tiêu diệt có trọng điểm

Trong các thiết chế văn hóa của dân tộc Việt Nam, văn hóa làng, xã là một trong những thiết chế văn hóa rất cơ bản, có vai trò nền gốc cho sự hình thành các mối quan hệ xã hội và tổ chức hoạt động quân sự của dân tộc. Người Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu cũng gắn bó với một làng, xã, thôn, bản nhất định, mỗi làng, xã, thôn, bản lại có bản sắc riêng - quê hương và có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt. Quê hương là nơi mọi người đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng và phát triển, gìn giữ và đấu tranh bảo vệ, viết nên truyền thống kiên cường, bất khuất: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”, “ra ngõ gặp anh hùng”,… đó là giá trị văn hóa trong các hoạt động chiến đấu của lực lượng tại chỗ. Đánh du kích, đánh sâu, đánh hiểm, đánh rộng khắp, đánh thường xuyên, liên tục, căng kéo địch, bằng nhiều hình thức và cách đánh thích hợp, tiêu diệt bộ phận, sát thương, tiêu hao rộng rãi làm cho quân giặc suy yếu, sa lầy, tạo điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn ở các trọng điểm, thực hiện nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đoản binh chế trường trận”,… đó là văn hóa quân sự ở các địa phương đánh giặc.

Đánh tiêu diệt, nhất là đánh tiêu diệt về chiến dịch, chiến lược là quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh, chỉ có đánh tiêu diệt về chiến dịch, chiến lược mới tạo ra được đột biến về chiến dịch, chiến lược dẫn đến kết thúc chiến tranh. Nghệ thuật quân sự Việt Nam luôn quán triệt quy luật đánh tiêu diệt và khẳng định đánh tiêu diệt chứ không đánh hủy diệt, đánh tiêu diệt có trọng điểm, có lựa chọn. Trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự của dân tộc từ ngày đầu dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh, hầu hết các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chúng ta đều coi trọng tiến hành các trận đánh, chiến dịch tiêu diệt lớn quân xâm lược ở các trọng điểm, như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh,… để kết thúc chiến tranh. Chúng ta đánh tiêu diệt bằng sức mạnh tổng hợp với thế trận và thời cơ có lợi. Do vậy, có những nơi không cần đánh thì quyết không đánh, nơi nào dùng biện pháp khác mà giành được thắng lợi thì không tiến hành hoạt động quân sự để hạn chế đổ máu, thương vong, nơi nào quân địch tự tan rã thì không can thiệp sâu, v.v. Cùng với đó, coi trọng đánh vào ý chí của quân xâm lược, giữ gìn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá các công trình kiến trúc, công trình văn hóa, cơ sở hạ tầng. Kiên quyết tiêu diệt những kẻ cầm đầu, ngoan cố, nhưng khi kẻ địch đã sa cơ, lỡ vận, quy hàng thì để cho chúng con đường hiếu sinh, đó là văn hóa quân sự Việt Nam.

Kết hợp giữa đấu tranh quân sự với các hình thức đấu tranh khác

Giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, cho nên, ngay trong các hoạt động quân sự - hoạt động có tính chất tàn khốc nhất, chúng ta vẫn coi trọng đấu tranh quân sự kết hợp với các hình thức đấu tranh khác để hạn chế đổ máu, thương vong. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh mà dân tộc ta phải tiến hành, khi đương đầu với các thế lực hiếu chiến xâm lược, cùng với các hoạt động tiến công quân sự, tổ tiên ta luôn coi trọng các hoạt động đấu tranh, nêu cao chính nghĩa, đánh vào lòng người - “mưu phạt nhi tâm công”5, lợi dụng địa hình thiên hiểm để đánh giặc, tiến hành “kế thanh dã” - vườn không nhà trống kết hợp chặn đánh quân lương, đẩy giặc vào thể khốn quẫn, suy yếu, sa lầy. Đặc biệt, tổ tiên ta rất coi trọng đấu tranh ngoại giao, mở đường hòa hiếu để đi đến thắng lợi lâu dài, tránh cảnh binh đao cho hai bên tham chiến.

Trong chiến tranh giải phóng, Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các hoạt động về quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và ngoại giao, coi trọng đấu tranh chính trị, nhất là việc tuyên truyền tính chính nghĩa, tiến hành công tác binh, địch vận làm cho quân địch tự tan rã, kết hợp tiến công với nổi dậy của nhân dân. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, vừa vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do các thế lực hiếu chiến gây ra và thực hiện “vừa đánh, vừa đàm” - một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng ta. Tất cả, không ngoài mục đích hạn chế thấp nhất tổn thất về lực lượng, phương tiện mà vẫn giành được thắng lợi, đó là nghệ thuật quân sự - văn hóa quân sự Việt Nam.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
__________________

1 - Nguyễn Lương Bích – Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb QĐND, H. 1973, tr. 78.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.

3 - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – Bàn về Nghệ thuật quân sự, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 47.

4 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 24.

5 - Nguyễn Lương Bích – Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb QĐND, H. 1973, tr. 81.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề