Thế nào là kháng chiến toàn diện

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng không lâu sau ngày tuyên bố độc lập ấy, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Trải qua một thời gian nhân nhượng, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chuẩn bị tiềm lực mọi mặt, ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Sớm hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã tích cực, chủ động, chuẩn bị kháng chiến và kiến quốc, từ việc chuẩn bị thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đến sự đoàn kết toàn dân, đồng tâm khắc phục mọi khó khăn, tập trung xây dựng nhà nước mới, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, diệt trừ “giặc dốt”, thanh toán “nạn đói”, xây dựng một xã hội mới; tiến hành đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, kháng chiến ở miền Nam, đối phó quân Tưởng ở miền Bắc, tìm cơ hội để tránh cuộc chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng… đưa dân tộc vượt qua tình thế hiểm nghèo.

Thực tế, không phải đến thời điểm mở đầu toàn quốc kháng chiến, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới xác định đường lối kháng chiến mà điều đó đã được từng bước hình thành, mà ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn để mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai (23-9-1945), trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25-11-1945), Ðảng ta đã xác định: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”, “Cuộc cách mạng Ðông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Do xác định sớm và đúng kẻ thù chủ yếu nên ta có sách lược thích hợp với từng loại kẻ thù, tránh được hiểm họa phải chiến đấu vối nhiều kẻ thù cùng một lúc. Trên cơ sở đó, chủ trương của Ðảng ta là: “Ðộng viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp pháp triệt để”.

Cùng với đó, đường lối kháng chiến được hoạch định và từng bước hoàn thiện thể hiện qua những chỉ thị, văn kiện, lời kêu gọi…, kể từ Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-8-1945) đến Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-11-1945), Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19-10-1946), Văn kiện Công việc khẩn cấp bây giờ (5-11-1946); Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12-12-1946), đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (8-1947) của đồng chí Trường Chinh. Tổng hợp lại, tất cả các chủ trương đó đều cô đọng lại trong đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh, đường lối đó thể hiện nội dung cốt lõi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, qua đó tập hợp và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc chống lại và đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, am hiểu sâu sắc truyền thống, kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Đảng ta và Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xác định đúng vai trò quyết định của nhân dân. Bởi vậy sau này, trong Hồi ký “Lịch sử một cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ” của Xanhtni-Đặc phái viên của Chính phủ Pháp đã nhận định: “Đáng tiếc là nhân dân Pháp không đánh giá hết sức mạnh của ông Hồ Chí Minh và sức mạnh mà ông có trong tay. Sức mạnh ấy không phải là quân đội, không phải là kinh tế mà chính là sức mạnh của toàn dân Việt Nam kiên quyết đứng lên giành chính quyền sống cho mình”.

Trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo đã đề ra, Đảng ta đã tập hợp, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dưới khẩu hiệu lớn “độc lập, tự do thật sự cho dân tộc”; củng cố chính quyền cách mạng - cơ quan chỉ đạo và tổ chức kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được tổ chức chặt chẽ, sâu rộng, gắn bó với các tổ chức chính trị của nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Ta đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, điều hành kháng chiến từ Trung ương tới địa phương một cách tập trung thống nhất, chủ yếu dựa trên cơ sở chính quyền nhân dân các cấp tại các địa phương.

Trong giờ phút quyết định, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch non sông, vang vọng và khẳng định: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Hưởng ứng Lời hiệu triệu, quân và dân Hà Nội cùng quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Một lần nữa, ngọn lửa truyền thống, khí phách chống giặc hào hùng của dân tộc ta lại bừng cháy trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, nhân dân ta hăng hái tham gia kháng chiến, tổ chức đánh chặn địch, với ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, với khí thế của những công dân quyết đứng lên bảo vệ quyền làm chủ và cuộc sống của mình,.Toàn thể chiến sĩ vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng nhau thi đua giết giặc lập công; công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất; thanh niên thi đua xung phong trong mọi công việc: tòng quân, sản xuất, vận tải, học tập... cán bộ chính quyền và đoàn thể thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Toàn thể đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm thi đua chuẩn bị sẵn sàng để đấu tranh chống địch...

Với tinh thần “tất cà cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, nhân dân đều dồn sức người, sức của cho các chiến dịch. Có thể khẳng định, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ đã chứng minh vai trò to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng. Bài học về hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc trong toàn quốc kháng chiến đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong những năm trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt

Sau khi ra đời, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt để bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay từ Hội nghị quân sự toàn quốc (10-1946), Ðảng ta đã xác định, xây dựng lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Với phương châm chiến lược là đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ gìn thực lực, bồi dưỡng và phát triển lực lượng của ta; vừa đánh vừa học cách đánh, chuyển yếu thành mạnh. Bởi vậy, bước vào cuộc kháng chiến với thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là cuộc kháng chiến lâu dài, cách mạng phải trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công. Trong cuộc kháng chiến ấy, để giành được thắng lợi phải xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu, bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang hóa toàn dân của Ðảng, hàng triệu nam, nữ thanh niên đã hăng hái tham gia dân quân tự vệ, trong đó có hơn 8 vạn người tình nguyện xung phong gia nhập Vệ Quốc đoàn. Nhờ đó, “lực lượng vũ trang từ chỗ chỉ có khoảng 5.000 người (8-1945), đến tháng 12-1946 đã có hơn 85 nghìn cán bộ, chiến sĩ, được tổ chức thành 27 trung đoàn ở miền Bắc và 30 đơn vị vũ trang tập trung cấp chi đội và tiểu đoàn ở Nam Bộ, tăng gấp 70% so với cuối năm 1945”. Ngay tại Hà Nội, chưa đầy một tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung đoàn đầu tiên mang tên Trung đoàn Thủ Ðô đã ra đời, sau đó là Trung đoàn 52 và Trung đoàn 48 được thành lập. Các đơn vị lực lượng vũ trang cùng với khoảng 2 triệu dân quân du kích và tự vệ là lực lượng nòng cốt, quan trọng, quyết định đến thắng lợi của toàn quốc kháng chiến và cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Có thể khẳng định, toàn quốc kháng chiến được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động (19-12-1946) trong bối cảnh chúng ta không thể nhận nhượng thêm được nữa trước dã tâm của thực dân, đế quốc, đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Bao trùm hơn tất cả, quyết định ấy góp phần khẳng định cho đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp.

75 năm trôi qua nhưng sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, đó là bài học nhất quán, kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, mềm dẻo trong quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc. Đó là bài học về nắm vững tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, chủ động và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho các tình huống bảo vệ Tổ quốc. Bài học về phát huy ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học về nắm và chọn thời cơ, thời điểm phát động cuộc kháng chiến, giành và giữ quyền chủ động trong suốt cuộc chiến tranh. Bài học về kết hợp tác chiến với công tác binh địch vận. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến,  giai đọa hiện nay, cần “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cẩm Trang