Thất diệp nhất chi hoa trong ở đâu

LCĐT - Giữa mênh mông đất trời, dãy núi Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa sừng sững, hiên ngang như bàn tay của “những người con của núi”, vững chắc vươn lên bảo vệ miền đất, bảo vệ cây thuốc quý thất diệp nhất chi hoa, loại cây được ví như “báu vật của đại ngàn”.

Tháng Chạp, thị xã Sa Pa tê tái trong cái rét thấu tâm can. Xé toạc màn sương dày đặc, tôi ngược con dốc cao lên thôn Phìn Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn để tìm hiểu về việc bảo vệ loài cây này. Tuyến đường lên thôn đang được đổ bê tông cộng với mưa ướt nên vốn dĩ đã cao vút, chênh vênh nay lại khó đi thêm bội phần. Bất lực trước đoạn đường lầy trơn trượt, tôi gửi tạm chiếc xe dã chiến ở một nhà dân rồi cuốc bộ lên thôn.

Bà Lý Lở Mẩy bên cây thất diệp nhất chi hoa.

Vì đã có hẹn từ trước nên hôm nay, vợ chồng ông Lý Quẩy Tình và bà Lý Lở Mẩy không lên nương mà ở nhà đón khách. Nhìn bộ dạng run rẩy vì mưa rét cùng đôi giày bùn đất bám quá nửa của tôi, ông Tình bảo: Thế mới biết, khi Sa Pa vào đông, đôi giày hàng hiệu cũng không quý bằng chiếc ủng nhựa và tấm ni-lông!

Nói rồi, vợ chồng ông mời tôi vào ngồi bên bếp lửa bập bùng và kể cho tôi nghe về công cuộc bà con người Dao ở Phìn Hồ bảo tồn cây thuốc quý.

Thôn Phìn Hồ có 47 hộ thì 70% trồng cây chản ton sinh, còn gọi là cây chữa rắn cắn, cây thất diệp nhất chi hoa [nghĩa là 7 lá, 1 hoa]. Ngày còn nhỏ, ông Tình vẫn thường theo bố mẹ lên rừng hái thuốc. “Hồi đó, cây chản ton sinh mọc rất nhiều trên dãy Ngũ Chỉ Sơn và những ngọn núi cao trong xã. Chỉ cần đi đến bìa rừng là đã bắt gặp loại cây này. Dù biết là cây quý nhưng bà con trong xã có quy định, chỉ đào những cây trưởng thành. Vào mùa nở hoa, kết quả, chản ton sinh đẹp lộng lẫy đúng như tên gọi của mình. Có hôm, bố mẹ tôi đào được những gốc to phải làm cáng khiêng về. Người dân trong xã vẫn thường lên rừng lấy cây này về để chữa bệnh ho, khó thở do hen suyễn mỗi khi trời trở lạnh. Trong nhà tôi lúc nào cũng có cây thuốc này để không may khi đi làm nương bị đứt tay hoặc rắn cắn thì lấy lá đắp vào vết thương”, ông Tình nhớ lại.

Y học phát triển, công nghệ thông tin lan mạnh, qua báo chí, mạng xã hội, người ta biết nhiều hơn về công dụng của cây thuốc quý này và nơi sinh sống của chúng. Chỉ trong vài năm, qua sự săn lùng của con người, thất diệp nhất chi hoa thưa thớt dần, rất khó để gặp những cây lâu năm. Sinh ra và lớn lên bên những cánh rừng, cuộc mưu sinh cũng dựa vào đại ngàn, nhìn giống cây quý đứng trước nguy cơ bị tận diệt, ông Tình và nhiều người Dao khác ở Phìn Hồ không khỏi lo lắng. Và rồi, để bảo vệ “báu vật”, trả ơn đại ngàn, hơn 20 năm trước, ông Tình đã đưa ra quyết định bảo tồn cây quý bằng cách đưa về trồng trong vườn nhà.

Cây quý nên cũng “đỏng đảnh”, vốn sống ở đại ngàn, khi theo ông Tình về vườn nhà, năm đầu tiên, toàn bộ số thất diệp nhất chi hoa bị úng hỏng. Không nản chí, ông tìm đến những vị cao niên trong làng để hỏi về đặc tính của giống cây này. Sau nhiều ngày quên ăn, mất ngủ cùng cây, bằng sự kiên trì, ông cũng chinh phục được “nàng công chúa”. Ông trồng thành công cây dược liệu quý khiến bà con trong thôn rất thán phục, nhiều hộ đã “cắp tráp” đến tận nhà xin ông truyền dạy cách trồng, chăm sóc và nhân giống. Ông Tình không hề giấu nghề, mà ngược lại tận tình chỉ bảo bà con cùng trồng và coi đây là cách tốt nhất để hồi sinh “công chúa của đại ngàn”…

Tiếng nổ lép tép của những cây củi nứa cắt ngang dòng tâm sự của ông Tình. Vợ ông - bà Mẩy ngồi kế bên bảo, vì là loại cây quý nên thường xuyên bị mất trộm. Chúng tôi phải mất 4 đến 5 năm chăm sóc để cây ra hoa, kết quả, nhưng nhiều lần chỉ sau một đêm, thành quả của những tháng ngày dài đằng đẵng ấy bỗng dưng biến mất.

Dẫn tôi ra thăm đồi trồng thất diệp nhất chi hoa, bà Mẩy bảo, vì bị mất trộm nhiều lần nên vợ chồng bà quyết định chuyển nhà lên khu đất cao trong thôn và đầu tư mua lưới sắt về rào toàn bộ diện tích trồng loại cây này. Trong khu đồi rộng chừng 5.000 m2, những cây thất diệp nhất chi hoa vươn mình, mơn mởn bên cạnh cỏ dại. Thấy vậy, tôi liền thắc mắc, bà Mẩy cười và bảo, đó là cách để “ngụy trang”, bảo vệ loại dược liệu này khỏi sự rình mò của những tên trộm.

Theo bà Mẩy đi sâu vào khu đồi, vừa đi tôi vừa được nghe bà kể về cách chăm sóc loài cây này. Hóa ra nghề nào cũng lắm công phu, để thuần hóa cây của rừng, người trồng phải dành rất nhiều thời gian chăm sóc, thường xuyên xới đất, phải đảm bảo đất vừa đủ độ ẩm, bởi chỉ cần hơi úng nước, cây sẽ bị thối củ.

Càng đi sâu vào đồi cây, màu xanh và vẻ đẹp của thất diệp nhất chi hoa càng khiến tôi mê mẩn. Tôi phải rất cẩn thận bởi chỉ cần sơ ý sẽ dẫm phải những mầm non của loại cây quý. Bỗng ánh mắt của tôi bất ngờ bị giữ lại bởi màu đỏ nhỏ như một đốm lửa giữa trời đông, nổi bật giữa triền xanh bạt ngàn. Đó là quả của cây thất diệp nhất chi hoa đã có tuổi gần 5 năm. “Người Dao Phìn Hồ chúng tôi mong chờ cái màu đỏ đó từng ngày, từng giờ. Nó sẽ là nguồn giống để chúng tôi nhân rộng diện tích trồng loại cây dược liệu quý này”, bà Mẩy nói.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rét thêm phần tê tái. Bà Mẩy khiến tôi rất ngạc nhiên khi bảo, chỉ mong trời thật rét. Hóa ra, cái lạnh vượt quá sức chịu đựng của con người lại là điều kiện lý tưởng để thất diệp nhất chi hoa sống khỏe. Gió đông luồn qua lớp áo gió dày sụ khiến những mạch máu hai bên thái dương tôi như co lại. Không thể vượt qua giới hạn chịu lạnh, tôi ngỏ ý muốn trở về bên bếp lửa. Như đoán trước được, ông Tình chuẩn bị sẵn một ấm nước đun từ lá rừng để chúng tôi nhâm nhi cho ấm bụng. Ánh lửa bập bùng, làn khói bếp bảng lảng bay, đôi mắt ông Tình ánh lên niềm vui khi nghe vợ thông báo có thêm vài cây thất diệp nhất chi hoa đậu quả. Nụ cười rạng rỡ, ông bảo, Tết này phải mổ con lợn thật to để mời họ hàng đến chung vui.

Bên bếp lửa hồng, câu chuyện về “nàng công chúa của đại ngàn” như kéo dài mãi với niềm tin mãnh liệt của sự hồi sinh bất tận. Mong ước của ông Tình cũng như các hộ ở Phìn Hồ, một ngày không xa, chản ton sinh - thất diệp nhất chi hoa lại nở hoa rực rỡ giữa đại ngàn. Vui chung với niềm vui của chủ nhà, đóa trần mộng bên hiên cũng cựa mình bung cánh, rì rào với nhau rằng chản ton sinh cũng đang nở nụ cười hạnh phúc với những người yêu thương và bảo vệ nó.

Thất diệp nhất chi hoa là loịa cây dược liệu có giá trị cao, được dùng phổ biến trong Đông y để hỗ trợ điều trị bệnh. Việc nắm được quy trình trồng cây Thất Diệp nhất chi hoa sẽ giúp người dân chủ động được trong việc trồng và nâng cao hiệu quả trồng, tăng thu nhập cho gia đình.

Vườn cây Thất Diệp nhất chi Hoa tại Thành Công, Nguyên Bình, Cao Bằng

Quy trình trồng cây Thất Diệp nhất chi hoa gồm 6 bước:  

1. Chuẩn bị giống

Chọn cây con giống khỏe  mạnh, không sâu bệnh có chiều cao cây khoảng 10 cm -15 cm và số lá từ 4-5 lá trở lên.

2. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng thích hợp là vụ Xuân [khoảng từ 10/2- 10/3 hàng năm].

3. Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng Thất diệp nhất chi hoa nên chọn đất tơi xốp, thành phần cơ giới nhẹ, có hàm lượng mùn cao, có độ pH ở mức trung tính, có độ ẩm vừa phải và thoát nước tốt. Tiến hành cày đất 2 lần, bừa sạch cỏ dại, nếu đất có mầm mống sâu bệnh hại cần phải xử lý đất bằng nhiệt nóng của mặt trời, hoặc sử dụng chế phẩm vi sinh để tiêu diệt các nguồn sâu, bệnh hại trong đất trước khi trồng. Có thể lên luống để thoát nước khi cần và bổ hố kích thước 30 x 30 cm. Bảy lá một hoa là loại cây đặc biệt ưa bóng, vì vậy cần trồng dưới tán cây  khác hoặc ở vườn có mái che.

4. Cách trồng

   hoảng cách thích hợp để trồng Thất diệp nhất chi hoa là: hàng cách hàng 50 – 60 cm, cây cách cây 30 – 40 cm.

Khi trồng đặt nhẹ cây giống xuống hố sâu 7 – 12 cm [đã chuẩn bị trước], đặt cây thẳng đứng và lấy đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay để đất tiếp xúc tốt với rễ củ, sau đó phủ đất mịn cho bằng mặt luống.

Hàng năm định kỳ làm cỏ, xới xáo, vun gốc và bón thêm phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, NPK.
Tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng, thực trạng của cây mà lượng phân bón khác nhau. Kết quả nghiên cứu trồng thất diệp nhất chi hoa tại Cao Bằng cho kết quả bón phân tốt nhất: Bón lót 1-2 tấn phân chuồng/1 ha. Bón thúc 1 lần/năm vào tháng 5 – 6 hàng năm, sử dụng các công thức bón như sau: Bón [20N + 20P2O5 + 10K2O] kg/ha hoặc bón [30N + 30P2O5 + 15K2O]kg/ha.

- Tưới nước

Cung cấp đủ nước trong suốt quá trình sống cho cây. Đặc biệt trong thời gian 1-3 tháng đầu mới trồng cần tưới nước đầy đủ để đảm bảo độ ẩm cần thiết.

- Độ che phủ

Thất diệp nhất chi hoa là cây ưa bóng nên lựa chọn trồng dưới các tán cây hoặc che lưới đen đảm bảo độ che phủ từ 50% - 70% là thích hợp nhất giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

6. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Tùy vào mục đích sử dụng, có thể thu hoạch củ Thất diệp nhất chi hoa từ năm thứ 3 sau trồng trở đi vào tháng 9 - 10 hàng năm [thời kỳ rụng lá]. Khi thu hoạch, đào thân rễ rửa sạch, để nguyên đem phơi hoặc thái mỏng rồi phơi khô đều được. Củ Thất diệp nhất chi hoa cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

                                                                                                                                                                                                                    [ nguồn: Viện KHSS - ĐH Thái Nguyên]

Tác giả bài viết: ĐT [biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề