Quyết toán hợp đồng đơn giá điều chỉnh

THANH TOÁN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG VÀ QUYẾT TOÁN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Việc thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng; giá hợp đồng, các điều kiện trong hợp đồng các bên đã ký kết.

Sau đây EQUITY LAW FIRM xin được tư vấn cho quý khách hàng như sau:

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 về hợp đồng xây dựng

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

Thanh toán và quyết toán trong Hợp đồng xây dựng phải dựa trên những quy định cụ thể; những số liệu xác thực.

2.1 Thanh toán Hợp đồng xây dựng

a] Điều kiện thanh toán Hợp đồng xây dựng

 Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng; các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết. Khi thanh toán theo các thỏa thuận trong hợp đồng các bên không phải ký phụ lục hợp đồng; trừ trường hợp bổ sung công việc chưa có trong hợp đồng.

Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán; thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán.

Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ [100%] giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng; tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp trong kỳ thanh toán các bên chưa đủ điều kiện để thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng [chưa có dữ liệu để điều chỉnh giá, chưa đủ thời gian để xác định chất lượng sản phẩm,…] thì có thể tạm thanh toán. Khi đã đủ điều kiện để xác định giá trị thanh toán thì bên giao thầu phải thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều này.

b] Thanh toán hợp đồng xây dựng với từng dạng hợp đồng cụ thể

– Đối với hợp đồng trọn gói

Thanh toán theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình; hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với các giai đoạn thanh toán mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồn; khi thanh toán không đòi hỏi có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.

– Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh

Thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành [kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có] được nghiệm thu của từng lần thanh toán và đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá đã điều chỉnh theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng theo thời gian việc thanh toán được quy định như sau

+ Chi phí cho chuyên gia được xác định trên cơ sở mức lương cho chuyên gia; các chi phí liên quan do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhân với thời gian làm việc thực tế được nghiệm thu [theo tháng, tuần, ngày, giờ].

+ Các khoản chi phí ngoài mức thù lao cho chuyên gia thì thanh toán theo phương thức thanh toán quy định trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng theo giá kết hợp, việc thanh toán phải thực hiện tương ứng với quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng được quy định từ Khoản 5, 6, 7 Điều 19 Nghị định 37/2015

– Thanh toán các khoản phát sinh trong hợp đồng xây dựng

Việc thanh toán các khối lượng phát sinh [ngoài hợp đồng] chưa có đơn giá trong hợp đồng thực hiện theo các thỏa thuận hợp đồng hoặc thỏa thuận bổ sung hợp đồng mà các bên đã thống nhất trước khi thực hiện và phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

– Thời hạn thanh toán

Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với quy mô và tính chất của từng hợp đồng. Thời hạn thanh toán không được kéo dài quá 14 ngày làm việc; kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng và được quy định cụ thể như sau:

+ Trong thời hạn bảy [07] ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của bên nhận thầu; bên giao thầu phải hoàn thành các thủ tục và chuyển đề nghị thanh toán tới ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước phục vụ thanh toán.

+ Trong thời hạn bảy [07] ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ của bên giao thầu; ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước phục vụ thanh toán phải chuyển đủ giá trị của lần thanh toán đó cho bên nhận thầu.

+ Đối với các hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ODA; vốn vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài thời hạn thanh toán thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế; Khi thỏa thuận về thời hạn thanh toán các bên phải căn cứ các quy định của Điều ước quốc tế; quy trình thanh toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật để thỏa thuận trong hợp đồng cho phù hợp.

2.2 Hồ sơ thanh toán Hợp đồng xây dựng.

Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng do bên nhận thầu lập phù hợp với từng loại hợp đồng xây dựng; giá hợp đồng và các thỏa thuận trong hợp đồng.

Hồ sơ thanh toán [bao gồm cả biểu mẫu] phải được ghi rõ trong hợp đồng xây dựng và phải được bên giao thầu xác nhận.

Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng gồm các tài liệu chủ yếu sau:

1. Đối với hợp đồng trọn gói

– Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Biên bản nghiệm thu khối lượng này là bản xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình; khối lượng công việc phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng [đối với hợp đồng thi công xây dựng phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện] mà không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết;

– Bảng tính giá trị nội dung của các công việc phát sinh [nếu có] ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung:

+ Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng;

+ Giá trị khối lượng các công việc phát sinh [nếu có];

+ Giảm trừ tiền tạm ứng;

+ Giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

2. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định

– Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế [tăng hoặc giảm so với khối lượng theo hợp đồng] trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Bảng tính giá trị cho những công việc chưa có đơn giá trong hợp đồng [nếu có]; trong đó cần thể hiện cả khối lượng và đơn giá cho các công việc này có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung:

+ Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng;

+ Giá trị khối lượng các công việc phát sinh [nếu có]

+ Giảm trừ tiền tạm ứng

+ Giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

3. Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh

– Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế [tăng hoặc giảm so với khối lượng theo hợp đồng] trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Bảng tính đơn giá đã điều chỉnh do trượt giá [còn gọi là đơn giá thanh toán] theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Bảng tính giá trị cho những công việc chưa có đơn giá trong hợp đồng [nếu có]; trong đó cần thể hiện cả khối lượng và đơn giá cho các công việc này có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu;

– Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung:

+ Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng;

+ Giá trị khối lượng các công việc phát sinh [nếu có];

+ Giảm trừ tiền tạm ứng

+ Giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

4. Đối với hợp đồng theo thời gian

– Biên bản nghiệm thu thời gian làm việc thực tế hoặc bảng chấm công [theo tháng, tuần, ngày, giờ] tương ứng với kết quả công việc trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và đại diện bên nhận thầu.

+ Trường hợp, trong quá trình thực hiện có công việc phát sinh cần phải bổ sung chuyên gia mà trong hợp đồng chưa có mức thù lao cho các chuyên gia này thì các bên phải thỏa thuận và thống nhất mức thù lao trước khi thực hiện.

+ Khi đó, hồ sơ thanh toán phải có bảng tính giá trị các công việc phát sinh [nếu có] ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng và được đại diện các bên: Giao thầu hoặc đại diện tư vấn [nếu có] và Bên nhận thầu xác nhận;

– Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung:

+ Giá trị hoàn thành theo hợp đồng

+ Giá trị cho những công việc phát sinh [nếu có]

+ Giảm trừ tiền tạm ứng

+ Giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

5. Đối với một số trường hợp khác

– Đối với các hợp đồng xây dựng có công việc cung cấp thiết bị

+ Khối lượng hoàn thành có thể căn cứ vào hóa đơn, chứng từ, vận đơn, biên bản nghiệm thu, bàn giao thiết bị và các tài liệu khác có liên quan.

– Đối với các hợp đồng xây dựng có công việc tư vấn khó xác định khối lượng hoàn thành

 + Khối lượng hoàn thành được xác định căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu hay các sản phẩm mà bên nhận thầu đã hoàn thành được bên giao thầu xác nhận phù hợp với giai đoạn thanh toán được thỏa thuận trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng theo giá kết hợp

+ Hồ sơ thanh toán cho từng loại công việc của hợp đồng thực hiện theo các quy định tương ứng nêu tại Khoản 1 Điều này.

– Khi thỏa thuận về hồ sơ thanh toán hợp đồng, các bên phải căn cứ vào quy mô, tính chất; nguồn vốn sử dụng cho hợp đồng để thỏa thuận cụ thể các tài liệu cần có trong số các tài liệu chủ yếu quy định tại Khoản 1 Điều này.

– Ngoài các tài liệu chủ yếu nêu tại Khoản 1 Điều này; đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn ODA; vốn vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài; hồ sơ thanh toán còn phải thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế.

6. Điều cấm

Nghiêm cấm bên giao thầu; các cơ quan, tổ chức; cá nhân liên quan đến việc thanh toán hợp đồng đề ra các yêu cầu về hồ sơ thanh toán trái với thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định tại Nghị định này nhằm cản trở việc thanh toán theo đúng thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực pháp lý.

Lưu ý: Tiền sử dụng để thanh toán và hình thức thanh toán Hợp đồng xây dựng

Đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thanh toán hợp đồng xây dựng là Việt Nam đồng [VNĐ]; trường hợp sử dụng ngoại tệ để thanh toán do các bên hợp đồng thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật về ngoại hối.

Trong một hợp đồng xây dựng có những công việc đòi hỏi phải thanh toán bằng nhiều đồng tiền khác nhau; thì các bên phải thỏa thuận rõ trong hợp đồng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đồng tiền thanh toán phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu.

Hình thức thanh toán có thể bằng tiền mặt, chuyển khoản và các hình thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật và phải được ghi trong hợp đồng.

Pháp luật không có quy định cấm sử dụng đơn vị Tiền tệ để thanh toán Hợp đồng xây dựng; tuy nhiên khi sử dụng các đơn vị Tiền tệ để thanh toán hợp đồng xây dựng; các Bên trong Hợp đồng xây dựng cần phải có sự thỏa thuận; sự thỏa thuận này không được trái với quy định của Pháp luật chung và Pháp luật chuyên ngành.

Hình thức thanh toán cũng rất mở đối với các Bên; tuy nhiên phải ghi trong hợp đồng, phù hợp các quy định của pháp luật. 

2.3 Quyết toán Hợp đồng xây dựng

Bên nhận thầu có trách nhiệm quyết toán hợp đồng xây dựng với bên giao thầu phù hợp với loại hợp đồng và hình thức giá hợp đồng áp dụng. Nội dung quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.

1. Khái niệm 

Quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Hồ sơ quyết toán Hợp đồng xây dựng

Hồ sơ quyết toán hợp đồng do Bên nhận thầu lập phù hợp với từng loại hợp đồng và giá hợp đồng;

Nội dung của hồ sơ quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng; bao gồm các tài liệu sau:

– Biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng và công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng.

– Bảng tính giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng [gọi là quyết toán A-B]; trong đó nêu rõ giá trị công việc hoàn thành theo hợp đồng; giá trị khối lượng công việc phát sinh [nếu có] ngoài phạm vi công việc theo hợp đồng đã ký; giá trị đã thanh toán hoặc tạm thanh toán và giá trị còn lại mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu.

– Hồ sơ hoàn công; nhật ký thi công xây dựng công trình đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng.

– Các tài liệu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng.

3. Thời gian quyết toán Hợp đồng xây dựng

Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng do các bên thỏa thuận.

Riêng đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước; thời hạn quyết toán hợp đồng không vượt quá 60 ngày; kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc của hợp đồng; bao gồm cả phần công việc phát sinh [nếu có]; Trường hợp hợp đồng xây dựng có quy mô lớn thì được phép kéo dài thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng nhưng không vượt quá 120 ngày.

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “THANH TOÁN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG VÀ QUYẾT TOÁN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG”

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: –

Fanpage: //www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250

Quét mã QR Zalo Luật sư:

Video liên quan

Chủ Đề