Phương thức giao dịch mua bán qua trung gian

Bên cạnh việc giao dịch trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp nên cân nhắc các hình thức trung gian thương mại để tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường.

I. Cơ sở pháp lý:

Luật thương mại 2005

1. Khái niệm hoạt động trung gian thương mại

Khoản 11 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có nêu: “hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại.”

Giao dịch qua trung gian trong hoạt động thương mại là phương thức giao dịch trong đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua và người bán hàng hoá [người cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ] và việc xác định các điều kiện giao dịch phải thông qua một người trung gian. Trong phương thức giao dịch qua trung gian sẽ xuất hiện một chủ thể thứ ba, người này đứng ở vị trí độc lập với hai bên còn lại trong quan hệ và là người thực hiện dịch vụ theo sự ủy quyền và vì lợi ích của người khác để hưởng thù lao. Phương thức giao dịch qua trung gian được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực phân phối thương mại và đối với nhà sản xuất thì thông qua bên trung gian giúp họ tiếp cận với khách hàng, với người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn.

2. Đặc điểm hoạt động trung gian thương mại

Thứ nhất, đây là loại hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại được thực hiện theo phương thức giao dịch qua trung gian. Theo đó, bên trung gian được bên thuê dịch vụ trao quyền tham gia vào việc xác lập, thực hiện giao dịch thương mại với bên thứ ba vì lợi ích của bên thuê dịch vụ để hưởng thù lao.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại 2005 thì bên trung gian phải là thương nhân và có tư cách pháp lý độc lập với bên thuê dịch vụ và bên thứ ba. Ngoài ra, với mỗi hình thức trung gian thương mại, bên trung gian còn phải đáp ứng điều kiện mà pháp luật đặt ra đối với mỗi hình thức trung gian đó.

Thứ ba, hoạt động này tồn tại song song hai nhóm quan hệ: [i] Quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên trung gian thực hiện dịch vụ; [ii] Quan hệ giữa bên thuê dịch vụ, bên trung gian thực hiện dịch vụ với bên thứ ba. Các quan hệ này phát sinh trên cơ sở hợp đồng [Ví dụ: Hợp đồng đại diện cho thương nhân; Hợp đồng môi giới; Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa; Hợp đồng đại lí thương mại]. Các hợp đồng này đều có tính chất là hợp đồng song vụ, ưng thuận và có tính đền bù.

3. Các hoạt động trung gian thương mại

Theo quy định của pháp luật, hiện nay đang tồn tại 4 hoạt động. Đó là:

- Đại diện cho thương nhân: là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm [gọi là bên đại diện] của thương nhân khác [gọi là bên giao đại diện] để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

- Môi giới thương mại: là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian [gọi là bên môi giới] cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ [gọi là bên được môi giới] trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

- Ủy thác mua bán hàng hóa: là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.

- Đại lý thương mại: là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Khi nào thì nên chọn hoạt động trung gian thương mại làm phương thức giao dịch?

Trong thương mại có rất nhiều phương thức giao dịch khác nhau. Phương thức giao dịch mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phổ biến nhất là phương thức giao dịch trực tiếp.

Giao dịch trực tiếp là phương thức giao dịch trong đó người bán và người mua trực tiếp bàn bạc và thỏa thuận với nhau về các nội dung giao dịch như: Đối tượng, giá cả, phương thức thanh toán và các điều kiện giao dịch khác. Phương thức giao dịch này có những ưu điểm như:

- Các bên trực tiếp thương thảo hợp đồng nên ít xảy ra hiểu lầm, sai sót đáng tiếc, do đó nâng cao hiệu quả của đàm phán giao dịch;

- Thương nhân có điều kiện trực tiếp tiếp cận thị trường, do đó có thể nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thị trường một cách tốt nhất;

- Thương nhân có thể trực tiếp phát triển mối quan hệ với bạn hàng một cách nhanh chóng.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, phương thức giao dịch trực tiếp sẽ không thuận lợi khi thương nhân mua bán hàng hoá ở thị trường mới hay đối với sản phẩm mới, do còn bỡ ngỡ nên dễ bị ép giá, dễ phạm sai lầm và rủi ro sẽ lớn. Mặt khác, phương thức giao dịch trực tiếp chỉ có thể đạt hiệu quả khi thương nhân có đội ngũ thực hiện giao dịch giàu kinh nghiệm và phải tốn khá nhiều chi phí giao dịch.

Do đó, đôi với các thương nhân vừa và nhỏ hoặc lần đầu tiên tham gia thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế hoặc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ mới hoặc tại thị trường mới thì phương thức giao dịch trực tiếp chưa hẳn đã tốt, dễ gây rủi ro. Trong những trường hợp này, thương nhân có thể lựa chọn phương thức giao dịch qua trung gian.

4. Ưu, nhược điểm của hoạt động trung gian thương mại đối với doanh nghiệp.

*Ưu điểm

Hoạt động trung gian thương mại mang lại hiệu quả lớn cho các thương nhân trong quá trình tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cụ thể

+ Giúp cho nhà sản xuất chuyên tâm vào việc sản xuất. Bởi, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, các khâu trong quá trình sản xuất - phân phối cần phải được chuyên môn hoá lao động. Nêu nhà sản xuất phải dành thời gian và các nguồn lực cho cả việc sản xuất và phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá thì hai việc này đều sẽ bị ảnh hưởng và không đạt hiệu quả cao. Do đó, nếu nhà sản xuất dành nhiều thời gian và năng lực vào sản xuất, các trung gian thương mại tập trung vào công việc phân phối, lưu thông sản phẩm, hàng hoá, thì hoạt động kinh doanh của cả hai bên đều đạt được hiệu quả.

+ Các trung gian thương mại là chuyên gia trong lĩnh vực phân phối, tiêu thụ nên hơn ai hết họ biết tất cả những gì cần thiết cho công việc của mình. Họ có thể tư vấn cho nhà sản xuất, nhà đầu tư những điều tốt nhất trong lĩnh vực phân phối hàng hoá.

Ví dụ, người môi giới cổ phiếu có thể khuyên nhà đầu tư nên mua hoặc không nên mua loại cổ phiếu nào đồng thời họ biết rõ địa điểm, cách thức và thời gian mua hoặc bán cổ phiếu có lợi nhất cho nhà đầu tư. Mặt khác, người môi giới có thể tư vấn cho nhà đầu tư những tài liệu cần được sử dụng, cách thức chuyển giao cổ phiếu từ người này sang người khác. Người môi giới cổ phiếu có thể làm những công việc đó giúp nhà đầu tư một cách nhanh chóng và không có sai sót. Ngoài ra, các thương nhân trung gian này sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ các thông tin liên quan đến điều kiện thị trường, sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng của thị trường, các yêu cầu lã thuật của sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường, đặc biệt là các thông tin liên quan đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

+ Các trung gian thương mại là những chủ thể thực hiện dịch vụ trung gian một cách chuyên nghiệp nên họ thường hiểu biết nắm vững tình hình thị trường, pháp luật, tập quán địa phương và các đối tác. Do đó, họ có khả năng đẩy mạnh việc giao lưu buôn bán, hạn chế được rủi ro và nhiều khi mua, bán được hàng hoá, cung ứng dịch vụ với giá cả có lợi hơn cho bên thuê dịch vụ của họ.

+ Thương nhân trung gian thường thực hiện dịch vụ trung gian cho nhiều thương nhân nên có kiến thức về các mối quan hệ khách hàng tiềm năng. Vì thế, thông qua các thương nhân trung gian, hàng hoá, dịch vụ của bên thuê dịch vụ trung gian thường được phân phối nhanh chóng và hiệu quả.

+ Người trung gian là những chuyên gia thường xuyên thực hiện công việc liên quan đến phân phối nên họ biết cách tốt nhất và rẻ nhất để làm điều này. Ngoài ra, do họ thực hiện phân phối hàng hoá, dịch vụ cho nhiều nhà sản xuất nên chi phí sẽ không tốn kém bằng từng nhà sản xuất thực hiện.

+ Việc phân phối sản phẩm qua các trung gian thương mại được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng [thường là có xác định thời hạn]. Do đó, nếu tại địa bàn nào đó kinh doanh không thuận lợi, thương nhân có thể rút nhanh khỏi thị trường mà không phải lo giải quyết các tồn tại như thanh lý cơ sở và phương tiện không cần dùng, giải quyết số lao động dư thừa do ngừng hoạt động tại thị trường đó. Vì vậy, phương thức kinh doanh qua trung gian thương mại giúp thương nhân mở rộng hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh tại một địa bàn nào đó một cách linh hoạt, nhanh chóng.

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hoá, vai trò của các trung gian thương mại không chỉ được quan tâm trong hoạt động thương mại nội địa mà được chú trọng trong thương mại quốc tế. Thương nhân có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín của mình khi vươn tới thị trường nước ngoài. Khi xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, các nhà xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và luôn phải đối mặt với những rủi ro về việc lựa chọn đối tác, về thị trường, về tín dụng, về sự am hiểu pháp luật của nước nhập khẩu. Các rủi ro này có thể hạn chế được nếu nhà xuất khẩu hợp tác với các trung gian thương mại của nước nhập khẩu.

*Nhược điểm

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, phương thức kinh doanh qua các trung gian thương mại cũng có những mặt trái của nó. Nhược điểm lớn nhất của phương thức kinh doanh này là bên thuê dịch vụ sẽ không liên hệ trực tiếp với thị trường mà hoạt động thông qua người trung gian. Do đó, việc kinh doanh của bên thuê dịch vụ sẽ bị phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất của người trung gian và lợi nhuận cùa họ bị chia sẻ cho bên trung gian. Thực tế đã cho thấy, có nhiều tranh chấp phát sinh trong hoạt động trung gian thương mại. Các tranh chấp này khá phong phú, đa dạng về chủ thể cũng như nội dung. Chúng có thể là tranh chấp giữa bên thuê dịch vụ và bên trung gian phát sinh từ việc bên trung gian không trung thực làm ảnh hưởng tới lợi ích của bên thuê dịch vụ hoặc khi bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao hay đã đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc là tranh chấp giữa bên thứ ba với bên thuê dịch vụ, bên trung gian do các bên không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình ...

Trên đây là nội dung của Công ty Luật TNHH Gia nguyễn và cộng sự thông tin cho bạn.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ: Công ty Luật TNHH Gia nguyễn và cộng sự; địa chỉ: Số 79 Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; số điện thoại: 0243.8373.888 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng và cảm ơn! 

Video liên quan

Chủ Đề