Phương pháp thi đua trong công tác Đội

LÍ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỘI THIẾU NIÊN

TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH

PHẦN I/ NHẬP MÔN CÔNG TÁC ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG

HỒ CHÍ MINH

I/ Công tác Đội là một môn học về cái gì?

– Công tác Đội là môn khoa học nghiên cứu về tổ chức hoạt động xã hội nói chung và công tác Đội nói riêng, môn học này chỉ ra các nguyên tắc, phương pháp, nội dung, hình thức hoạt động của tổ chức Đội, thông qua đó giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo mục tiêu giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và lý tưởng của Bác Hồ.

II/ Đặc điểm của môn học:

          * Phương pháp công tác Đội vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật.

          Vẫn còn nhiều người cho rằng công tác Đội TNTP chỉ là hoạt động tổ chức vui chơi cho thiếu nhi một cách đơn thuần. Một số giáo viên, cán bộ làm công tác thiếu nhi không hiểu rõ tính khoa học và nghệ thuật của công việc mình đang đảm nhận. Điều đó làm hạn chế chất lượng hoạt động Đội, hạn chế việc phát huy vai trò tổ chức Đội trong quá trình giáo dục thiếu nhi.

          Vậy tính khoa học thể hiện như thế nào?

– Như trên đã trình bày, môn công tác Đội là một phân môn của giáo dục học, nó phải tuân thủ những nguyên tắc, phương pháp, hình thức, nội dung… của lý luận giáo dục học. Hoạt động Đội bao giờ cũng phải tính đến đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm cá nhân… của thiếu nhi và tập thể Đội. Đó chính là khoa học tâm lý. Tuy nhiên, công tác Đội có đặc thù riêng, vì vậy không máy móc thực hiện theo những nguyên tắc, phương pháp… của khoa học giáo dục, không máy móc thực hiện theo lý luận của khoa học tâm lý, mà phải vận dụng sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục, nguyên tắc hoạt động, phương pháp công tác…của tổ chức chính trị quần chúng trẻ em – tổ chức Đội TNTP.

– Mặc khác, cũng như các môn khoa học khác, lĩnh vực khoa học về công tác Đội có mối liên hệ với nhiều môn khoa học tự nhiên, xã hội, kể cả lĩnh vực khoa học mới phát triển ở nước ta như tin học, tật học, môi trường…Ngoài ra, để tổ chức tốt các hoạt động Đội, cần phải biết sử dụng nhiều trang thiết bị, trong đó có những thiết bị mới, hiện đại như trang thiết bị âm thanh, truyền hình, nhạc cụ, máy tính điện tử, dụng cụ thể dục thể thao… Như vậy, môn học về công tác Đội ngoài tính riêng biệt, đặc thù, còn có tính tổng hợp, đòi hỏi người dạy vừa hiểu biết chuyên ngành, vừa có kiến thức tổng hợp và biết tổ chức, huy động các lực lượng giáo dục khác cùng tham gia với mình.

          Tính nghệ thuật thể hiện ở chỗ:

– Hoạt động Đội rất đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, do các em tự quản, tự giác, chủ động thực hiện, có sự phụ trách của Đoàn thanh niên cộng sản và hướng dẫn của người lớn. Như vậy, hoạt động Đội khác với hoạt động dạy học trong nhà trường. Ở đây, hoạt động của các anh/chị phụ trách và các nhà sư phạm chỉ có tính định hướng, hướng dẫn. Hoạt động của thiếu nhi là chủ động sáng tạo, tự quản, không bị gò bó, áp đặt bởi những gì do người lớn định trước. Sự phối hợp giữa hoạt động của bản thân thiếu nhi và hoạt động định hướng giúp đỡ của người lớn với các em và tổ chức của các em là một nghệ thuật, đòi hỏi ở cả hai phía không ngừng tích lũy kinh nghiệm và học tập nghiên cứu mới có được.

– Hoạt động Đội luôn mang tính lãng mạn và màu sắc vui chơi, thu hút đông đảo thiếu nhi ở các lứa tuổi, không phân biệt dân tộc, giới tính, hoàn cảnh…cùng tham gia. Vì vậy, hoạt động Đội phải luôn đổi mới hình thức, luôn phát triển về nội dung và tổ chức với đủ loại quy mô thì mới đáp ứng yêu cầu của thiếu nhi, Ngay từ việc đặt tên cho mỗi hoạt động Đội ở mỗi địa phương cũng đã là nghệ thuật. Có những cái tên hoạt động đã từng hấp dẫn hàng triệu thiếu niên như: “Công tác Trần Quốc Toản”, “Hợp tác xã măng non”, “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”…và gần đây như “Áo lụa tặng bà”, “Người con hiếu thảo”…Có những hoạt động tưởng như nặng nề, khô khan đối với thiếu nhi nhưng nhờ có nghệ thuật công tác Đội làm cho nó trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, hấp dẫn, các em tự giác tham gia; có những hoạt động tưởng như chỉ người lớn mới làm được, nhưng nhờ có nghệ thuật công tác Đội đã huy động đông đảo thiếu nhi tham gia và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung.

– Hoạt động Đội mang tính xã hội, bởi vì trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em không chỉ là của nhà trường, của Đoàn – Đội mà là của toàn xã hội. Công tác Đội phải tìm và đưa ra được con đường, biện pháp, hình thức để huy động được mọi lực lượng xã hội tham gia. Vận động các lực lượng xã hội tham gia công tác Đội cũng là nghệ thuật mà không phải bất kì người làm công tác Đoàn – Đội nào cũng làm tốt được.

          III/ Mục đích và yêu cầu của môn học:

– Trang bị những nội dung cơ bản về lí luận và phương pháp công tác Đội TNTP và nhi đồng Hồ Chí Minh, làm cơ sở khoa học để nghiên cứu, thiết kế chỉ đạo các hoạt động cho thiếu nhi trong trường tiểu học.

– Giúp người học có những nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Đội TNTP và nhi đồng Hồ Chí Minh trong trường tiểu học, xác định trách nhiệm của người giáo viên đối với công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

– Cũng cố những kiến thức cơ bản nhất về kĩ năng, nghiệp vụ, rèn luyện tay nghề và khả năng tiếp cận tổ chức các hoạt động thiếu nhi một cách sáng tạo.

– Bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp, rèn luyện phong cách của giáo viên trẻ.

– Môn học công tác Đội cần có sự liên hệ của môn tâm lý học, giáo dục học, nhạc, GDTC, chính trị Mác – Lênin… để có thể hỗ trợ tốt cho việc học cũng như tổ chức các hoạt động trong thực tiễn, đồng thời tăng cường thêm về lý luận cho các giáo viên trong việc định hướng giáo dục cho các em.

PHẦN II/ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC ĐỘI

CHƯƠNG I/ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

I/ Sự quan tâm của Đảng cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ và của nhà nước ta với thiếu nhi Việt Nam và tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh.

          1/ Trẻ em là tương lai của đất nước, là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình.

          Nhân dân ta thường nói “tre già măng mọc” là thể hiện niềm hy vọng vào thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của đất nước. Trẻ em  là tương lai của đất nước, là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ở nước ta, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 bọn thực dân phong kiến đã thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, đa số trẻ em – con em nông dân và nhân dân lao động không được đến trường, ốm không có thuốc, ăn đói mặc rách, hàng ngày phải theo bố mẹ đi cuốc mướn, làm thuê để kiếm sống. Nhiều người phải bán con đi làm tôi tớ cho người khác. Chính sách ngu dân của thực dân phong kiến của nước ta trước đây đã kìm hãm sự phát triển thể lực, trí tuệ của thế hệ trẻ Việt Nam.

Ngay sau khi Cách mang tháng Tám thành công, Hồ Chủ Tịch đã chỉ thị rằng cần xây dựng “Một nền giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu” và “Chăm lo dạy dỗ con em nhân dân thành người cán bộ tốt của nước nhà”. Chỉ thị của Bác Hồ chính là thể hiện tư tưởng của Đảng, Nhà nước và toàn dân về vai trò, vị trí của trẻ em Việt Nam với tương lai đất nước. Tư tưởng đó còn thể hiện ở lời khuyên bất hủ của Bác Hồ mà mọi người dân Việt Nam ai ai cũng ghi nhớ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Gia đình là tế bào của xã hội. Ở bất kì thời đại nào, ở bất cứ đâu trên thế giới, con cái luôn là nhân vật được mọi thành viên trong gia đình quan tâm nuôi dưỡng, giáo dục. Con cái trưởng thành, ngoan ngoãn chính là niềm hạnh phúc của gia đình. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Gia đình có phúc thì tương lai đất nước mới sáng lạn được.

2/ Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam và tổ chức Đội TNTP HCM

– Từ năm 1926 – 1929 khi còn ở Quảng Châu – Trung Quốc, Bác Hồ đã chú ý tập hợp, giáo dục và bồi dưỡng lí tưởng cách mạng cho một số thiếu nhi Việt Nam yêu nước, đào tạo họ trở thành những hạt nhân cách mạng của Đảng. Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Bác Hồ đã viết thư đề nghị cho 8 thiếu nhi ưu tú đầu tiên của Việt Nam được sang học ở Liên Xô.

– Trong những năm từ 1930 – 1941, nhiều nhóm Đồng tử quân, Hồng nhi đội, Thiếu niên cách mạng được thành lập bên cạnh các chi bộ thanh niên cộng sản, do chi bộ Thanh niên Cộng sản lãnh đạo. Những nhóm thiếu niên cách mạng này là những lực lượng kế cận tin cậy của các chi bộ thanh niên cộng sản. Nhiều thành viên trong nhóm thiếu niên cách mạng trở thành những đảng viên, những cán bộ nòng cốt của các chi bộ, các tổ chức cách mạng của Đảng.

– Ngày 15/5/1941 Đảng cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Đội TNTP cho trẻ em từ 13 – 16 tuổi và thành lập Hội nhi đồng cứu vong cho trẻ em từ 9 – 12 tuổi và giao cho Đoàn TNCS phụ trách.

– Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV nhấn mạnh “Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, chăm lo giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo năm điều Bác Hồ dạy”.

          II/ Việt Nam với công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em

          1/ Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

– Công ước có 54 điều, chia làm 3 phần

          + Phần 1 của Công ước quy định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các quyền này.

          + Phần 2 và 3 quy định việc thực hiện Công ước.

– Ngày 20/11/1989 Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và có hiệu lực như Luật quốc tế vào ngày 2/9/1990.

– Công ước là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện và xác định về mặt pháp lý các quyền của trẻ em theo hướng tiến bộ, thừa nhận trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

          2/ Việt Nam với việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền trẻ em

– Việt Nam tham gia thực hiện công ước ngày 20/2/1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, nước đầu tiên của châu Á đã phê chuẩn công ước. Điều đó chứng tỏ thái độ và chính sách của Việt Nam đối với quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng.

– Ngày 5/3/1991, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã kí “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em” do Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em thông qua năm 1990 ở Mỹ. Việt Nam đã đề ra chương trình hành động quốc gia “Vì trẻ em Việt Nam” gồm 7 mục tiêu lớn: …

– Tháng 8 năm 1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [Khóa VII, kì họp thứ 9] đã thông qua 2 bộ luật quan trọng “Vì trẻ em” đó là: Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em [gồm: 5 chương, 16 điều] và Luật phổ cập Giáo dục Tiểu học [gồm: 5 chương và 28 điều]. thông qua  ngày 12/8/1991 và có hiệu lực ngày 16/8/1991.

          III/ Sơ lược lịch sử Đội TNTP HCM

          1/ Hoàn cảnh lịch sử và xã hội nước ta trước ngày thành lập Đội thiếu nhi cứu quốc.

– Năm 1858 thực dân Pháp đặt chân tại bến cảng Đà Nẵng mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Dưới chế độ thực dân Pháp, phát xít Nhật và vua quan phong kiến, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ, cha mẹ bị nô lệ, áp bức, mất tự do còn con cái thì cơm không no, áo mặc không ấm và không được đến trường.

– Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đổi tên là Văn Ba, rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với công việc phụ bếp một tàu buôn Pháp.

– Ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long – Hương Cảng [Trung Quốc] dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, là cơ sở dẫn đến những thắng lợi oanh liệt và những bước nhảy vọt lớn của lịch sử dân tộc trong những năm về sau.

          2/ Một số hoạt động của thiếu nhi Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đội trước ngày thành lập

– Trong phong trào 1930 – 1931, các chi bộ ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tập hợp được 513 đội viên thiếu niên cách mạng sinh hoạt trong các Đội Đồng Tử quân. Tại Thái Bình Đội Đồng Tử quân huyện Tiền Hải cũng được thành lập ngoài việc canh gác, làm giao liên, các đội viên còn tham gia học tập quân sự, rải truyền đơn, treo cờ Đảng, tham gia cùng nông dân đi đấu tranh đòi giảm thuế, chống địa chủ cướp đất.

– Đến thời kì 1936 – 1939, thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động của Đảng, dưới sự hướng dẫn của Đoàn thanh niên Dân chủ, nhiều tổ chức Hồng Nhi đoàn được thành lập ở một số tỉnh như Hà Đông, Nam Định, Hải Phòng… Nhiều đội viên hoạt động rất hăng hái trong các đội kịch, đội múa, đội ca nhạc, đội bóng… Tổ chức Đội thiếu niên từng bước được hình thành.

          3/ Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập Đội TNTP HCM

– Đội TNTP HCM được thành lập theo nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước. Bởi lẽ lịch sử Đội TNTP HCM và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận hữu cơ trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử Đoàn TNCS HCM.

– Đội TNTP HCM được thành lập cho thấy thiếu niên nhi đồng đã có tổ chức của mình, có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của thiếu niên nhi đồng.

– Việc thành lập Đội TNTP HCM còn có tầm quan trọng vì tập hợp các em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng như vậy các em có cùng chung về mặt tâm lý, ý thức hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và trưởng thành.

          4/ Ngày thành lập Đội nhi đồng cứu quốc [Đội TNTP HCM]

– Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyến Ái Quốc chủ trì đã quyết định thành lập Hội Nhi đồng cứu vong là đoàn thể cứu quốc của trẻ em từ 10 – 16 tuổi và giao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.

– Ngày 15/5/1941, Đội Nhi đồng cứu quốc chính thức được thành lập tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập gồm 5 đội viên đầu tiên: Nông Văn Dền bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn bí danh là Cao Sơn, Lý Văn Tinh bí danh là Thanh Minh, Lý Thị Nì bí danh là Thủy Tiên, Lý Thị Xậu bí danh là Thanh Thủy. Anh Kim Đồng được bầu làm đội trưởng. Đội Nhi đồng cứu quốc được mặt trận Việt Minh coi là một thành viên của mình.

– Ngày 15/5/1941 trở thành ngày thành lập Đội TNTP HCM, mở đầu cho lịch sử vẻ vang của Đội TNTP và phong trào thiếu nhi Việt Nam trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          5/ Các mốc son tiêu biểu của Đội  TNTP Hồ Chí Minh

– Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Nước ta ở vào tình thế “Nghìn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự phụ trách của Đoàn, tổ chức Đội đã tập hợp các em thiếu nhi tham gia tích cực các phong trào cách mạng chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

– Giữa năm 1946, hai tổ chức Đội TNTP và Hội Nhi đồng cứu vong sát nhập lấy tên là Đội Thiếu nhi cứu quốc.

– Tháng 3/1951, Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã quyết định thống nhất lực lượng thiếu nhi lại, lấy tên là Đội Thiếu nhi tháng Tám và thống nhất một số chủ trương mới như thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, bài ca chính thức, khẩu hiệu, đẳng hiệu, cấp hiệu, phiên chế tổ chức của đội.

– Ngày 1/6/1954, tại chiến khu Việt Bắc, tờ báo đầu tiên của tổ chức Đội ra đời với tên gọi “Tiền phong Thiếu niên”, tiền thân của tờ báo “Thiếu niên Tiền phong” ngày nay. Tờ báo là người tổ chức tập thể các phong trào của Đội và phong trào thiếu nhi Việt Nam trên toàn quốc, nhằm hướng các em vào những hoạt động có ích, góp phần giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức và trách nhiệm xã hội cho các em.

– Tháng 11/1956, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II đã quyết định đổi tên Đội Thiếu nhi tháng Tám thành Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, thống nhất cho cả hai lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Đại hội khẳng định vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đoàn đối với thế hệ thanh niên tương lai, coi thiếu nhi là lực lượng quan trọng, là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ của Đoàn. Đại hội đã quyết định trao cho tổ chức Đội TNTP Việt nam khẩu hiệu: “Vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và thống nhất Tổ quốc, sẵn sàng!”.

– Năm 1956, nhiều địa phương tiếp tục thí điểm việc tổ chức Đội theo cơ sở trường học, nhằm phát huy tác dụng chính trị của tổ chức Đội TNTP đối với nhiệm vụ học tập và giáo dục toàn diện, tạo điều kiện để các em học tốt, góp phần xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa.

– Ngày 17/6/1957, nhà xuất bản Kim Đồng chính thức thành lập và nhiều loại trang thiết bị phục vụ cho hoạt động Đội như: trống, cờ, khăn quàng đỏ cũng được đầu tư sản xuất.

– Năm 1961, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội TNTP Việt Nam, Bác hồ đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước và căn dặn các em 5 điều: …

– 15/5/1966, nhân kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Đội TNTP Việt Nam, Bác Tôn Đức Thắng, thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao cho Đội lá cờ thêu 16 chữ vàng:

“Vâng lời Bác dạy

Làm nghìn việc tốt

Chống Mỹ, cứu nước

Thiếu niên sẵn sàng”

– Ngày 30/1/1970, sau khi bác mất, thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ cả nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị cho Đoàn, Đội được mang tên Bác Hồ vĩ đại: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh. Trao cho Đoàn, Đội vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta mong muốn tuổi trẻ Việt Nam suốt đời trung thành với lý tưởng của Bác, học tập phẩm chất và đạo đức cao quý của Bác Hồ, đưa sự nghiệp của Bác, của Đảng đến thắng lợi hoàn toàn.

– Tháng 6/1976, Hội nghị lần thứ 22 Ban chấp hành Trung ương Đoàn đã quyết định thống nhất trong cả nước tổ chức Đoàn, Đội, Hội và trao cho Đội khẩu hiệu mới: “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại, hãy sẵn sàng!”

– Tháng 5/2001, nhân kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Đội, Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao vàng – huân chương cao quý nhất cho tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam vì đã có nhiều công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

– Ngày 25/7/2003, Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đoàn lần 3 khóa 8 đã quyết định sửa đổi và ban hành Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.

          6/ Nhiệm vụ của Đội TNTP HCM qua các thời kì đổi tên

– Đội Nhi đồng cứu quốc [1941]

          + Giao thông liên lạc.

          + Canh gác các cuộc họp bí mật của cán bộ.

          + Dự bị đánh tây đuổi Nhật.

– Đội Thiếu nhi cứu quốc [1946]

          + Giao thông liên lạc

          + Trinh sát, tham gia đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

– Đội Thiếu nhi tháng Tám [1951]

          + Làm theo lời Bác dạy “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”

– Đội TNTP Việt Nam [1956]

          +Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

– Đội TNTP Hồ Chí Minh [1970]

          + Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

          7/ Ý nghĩa của những lần đổi tên Đội

– Sau CMT8 thành công, để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của đất nước, Đội Thiếu nhi cứu quốc được đổi tên gọi là Đội Thiếu nhi tháng Tám.

– Tháng 11/1956, Đội được đổi tên, Đội TNTP Việt Nam với ý nghĩa “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Đội luôn tiên phong xung kích đi đầu trong mọi hoạt động của Đội, góp phần cùng cha anh chống Mỹ cứu nước.

– Ngày 30/1/1970, mang tên Bác Hồ kính yêu, Đội TNTP Hồ Chí Minh với ý nghĩa lớn đó là để tưởng nhớ công ơn vun trồng, dạy dỗ, nâng niêu thiếu niên, nhi đồng của Bác Hồ.

          8/ Sơ lược tiểu sử anh Kim Đồng

– Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, sinh ra ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cha của anh Kim Đồng bị thực dân Pháp bắt đi phu và bị chết.

– Nhận nhiệm vụ do Bác Hồ trực tiếp giao, anh Đức Thanh Bí thư tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc Cao Bằng và anh Bát Ngư đã giác ngộ Dền vào Đội Nhi đồng cứu quốc và đi theo cách mạng. Ngày 15/5/1941, trong buổi lễ thành lập Đội, Dền được anh Đức Thanh đặt tên bí danh là Kim Đồng. Kim Đồng theo cách mạng làm giao thông liên lạc từ Đào Ngạ lên Pác Pó, nơi Bác Hồ ở. Trong một lần đi theo liên lạc về giữa đường gặp địch phục kích gần nơi họp của mặt trận Việt Minh, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng nổ báo động ấy, cán bộ của mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng thoát lên rừng. Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại một địa điểm gần ngay bờ suối Lênin. Hôm ấy là ngày 15/2/1943. Để ghi công ơn Kim Đồng, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng anh danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

CHƯƠNG II : TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNTP

HỒ CHÍ MINH

          I/ Khái niệm:

– Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đoàn TNCS HCM trực tiếp phụ trách và chỉ đạo.

– Là lực lượng giáo dục trong và ngoài trường, lực lượng hậu bị của Đoàn TNCS HCM và là lực lượng nồng cốt trong các phong trào thiếu nhi.

– Được tổ chức và hoạt động trong trường và địa bàn dân cư.

– Lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng là mục tiêu phấn đấu, rèn luyện cho đội viên, giúp đỡ thiếu nhi trong học tập, hoạt động vui chơi, thực hiện quyền và bổn phận theo luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em.

– Đội TNTP HCM đoàn kết, hợp tác với các tổ chức, phong trào thiếu nhi khu vực và thế giới vì quyền lợi của trẻ em, vì hòa bình, hạnh phúc các dân tộc.

          II/ Mục đích, tính chất và nhiệm vụ của tổ chức Đội TNTP HCM.

          1/ Mục đích của tổ chức Đội TNTP HCM

– Mục đích trước mắt: Giáo dục và rèn luyện đội viên theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt.

– Mục đích lâu dài: Giáo dục đội viên thực hiện lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại và của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          2/ Tính chất của tổ chức Đội TNTP

          2.1/ Tính chất quần chúng

– Đội TNTP HCM là tổ chức của thiếu niên Việt Nam từ 9 – 14 tuổi, do các em làm chủ, tự quản dưới sự hướng dẫn của phụ trách đội.

– Đội thu hút tất cả thiếu niên trong độ tuổi tham gia, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, thành phần xuất thân, dân tộc, vùng lãnh thổ, khuyết tật…miễn là các em có nguyện vọng, tự nguyện xin gia nhập Đội được quá nửa đội viên trong chi đội đồng ý kết nạp. Nhi đồng [từ 6 đến 8 tuổi] là lực lượng dự bị của Đội. Các hoạt động của Đội đều thu hút nhi đồng tham gia. Như vậy Đội TNTP HCM là tổ chức quần chúng của thiếu nhi Việt Nam.

          2.2/ Tính chất giáo dục

– Hoạt động Đội nhằm mục tiêu giáo dục của Đảng.

– Lấy 5 điều Bác Hồ dạy làm mục tiêu giáo dục thiếu nhi cùng với nhà trường, gia đình và xã hội.

          2.3/ Tính chất chính trị

– Đội cùng với nhà trường XHCN giáo dục thế hệ trẻ theo đường lối quan niệm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh.

– Là tổ chức quần chúng, tổ chức giáo dục vì vậy mang tính chất giai cấp và phục vụ cho quyền lợi của một giai cấp nhất định.

          3/ Nhiệm vụ của Đội TNTP HCM

– Tập hợp, đoàn kết thiếu niên nhi đồng, tạo điều kiện cho thiếu niên nhi đồng phát triển mọi khả năng, sáng kiến trong hoạt động công tác, lao động, vui chơi.

– Xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, giúp đội viên trở thành Đoàn viên TNCS HCM, phụ trách sao nhi đồng, giúp nhi đồng phấn đấu trở thành đội viên.

– Đoàn kết hữu nghị, tích cực tham gia các hoạt động phong trào thiếu nhi quốc tế.

          4/ Mục đích nhiệm vụ của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện qua các biểu trưng nghi thức Đội

          4.1/ Tên gọi

          “Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh”

          4.2/ Khẩu hiệu của Đội

          “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!”

– Ý nghĩa: Là mục đích, mục tiêu giáo dục của đội, là thể hiện quyết tâm hành động của thiếu nhi Việt Nam. Thiếu nhi Việt Nam sẵn sàng tham gia vào mọi hoạt động của Đội, sẵn sàng học tập, tu dưỡng, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

          4.3/ Lời hứa của đội viên

          “Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, tuân theo điều lệ Đội, giữ gìn danh dự Đội”

– Ý nghĩa: Là lời tuyên thệ thiêng liêng trước cờ Tổ quốc, cờ Đội, trước tập thể chi đội. Lời hứa nhắc nhở mỗi đội viên ghi nhớ và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ Đội, xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, công dân tốt, phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản.

          4.4/ Cờ đội

– Nền đỏ

– Hình chữ nhật, chiều rộng bằng [2/3] chiều dài

– Chính giữa có hình huy hiệu Đội

– Đường kính huy hiệu bằng hai phần năm [2/5] chiều rộng cờ.

– Ý nghĩa: Cờ Đội tượng trưng cho truyền thống cách mạng, truyền thống Đội, là yêu tổ quốc, niềm vinh dự và tự hào của Đội. Dưới cờ Đội, hàng ngũ sẽ chỉnh tề hơn, thúc dục đội viên tiến lên.

          4.5/ Huy hiệu măng non

– Hình tròn, đường kính 1,5 cm

– Trong có hình măng non và 5 lá tre trên nền cờ đỏ sao vàng.

– Dưới có băng chữ “sẵn sàng”

– Ý nghĩa:

          + Nền đỏ sao vàng tượng trưng cho cờ Tổ quốc.

          + Măng non tượng trưng cho lứa tuổi thiếu niên là thế hệ tương lai của đất nước.

          + 5 lá tre tượng trưng cho 5 điều Bác Hồ dạy để Đội luôn ghi nhớ và làm theo.

          + Chữ sẵn sàng là khẩu hiệu hành động của Đội luôn phấn đấu học tập, rèn luyện để sẳn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc.

          4.6/ Khăn quàng đỏ

– Bằng vải màu đỏ, hình tam giác cân, có chiều cao bằng ¼ cạnh đáy

– Khăn quàng đội viên có kích thước

          + Chiều cao: 0.25 m

          + Cạnh đáy: 1 m

– Khăn quàng đỏ phụ trách

          + Chiều cao: 0,3 m

          + Cạnh đáy: 1.2 m

– Ý nghĩa:

          + Khăn quàng đỏ là một phần của cờ tổ quốc, màu đỏ tượng trưng cho lý tưởng cách mạng.

          + Đeo khăn quàng đỏ, đội viên tự hào về tổ quốc, về Đảng Cộng sản Việt Nam anh hùng và nguyện phấn đấu trở thành Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh.

          + Đội viên và phụ trách đeo khăn quàng đỏ trong mọi hoạt động của Đội.

          + Trường hợp đặc biệt đội viên chưa có khăn quàng đỏ thì nhất thiết phải đeo huy hiệu Đội.

          4.7/ Chào của đội viên

– Khi chào cờ, chào nhau khi báo cáo, chào mừng các đại biểu… đội viên phải chào theo nghi thức Đội.

– Ý nghĩa:

          + Khi chào tay giơ trên đầu, biểu hiện đội viên luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của tổ chức Đội lên trên hết. Năm ngón tay khép kín tượng trưng cho ý thức đoàn kết, thống nhất để xây dựng Đội vững mạnh.

          4.8/ Đội ca

– Là bài hát “Cùng nhau ta đi lên” – Nhạc và lời của nhạc sĩ Phong Nhã.

– Đội ca được hát trong lễ chào cờ, hát sau khi hát quốc ca [không dùng nhạc thay lời hát]

– Ý nghĩa:

          + Đội ca là bài hát cổ động, nhắc nhở thiếu nhi phấn đấu làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, đồng thời thể hiện rõ mục đích và con đường phấn đấu của tất cả đội viên thiếu niên tiền phong.

          4.9/ Đồng phục Đội

– Đội viên nam: Áo sơ mi trắng, quần tây xanh.

– Đội viên nữ: Áo sơ mi trắng, quần hoặc váy xanh.

– Phụ trách: Áo sơ mi xanh hòa bình, quần màu xanh thẵm.

– Ý nghĩa:

          + Thể hiện tính thống nhất và đặc trưng của tổ chức Đội

          + Khi mặc đồng phục đội viên và phụ trách thấy tự hào và trách nhiệm của mình với tổ chức Đội TNTP HCM.

          4.10/ Trống, kèn Đội

– Mỗi Liên đội ít nhất có một bộ trống [ gồm một trống lớn và ít nhất 2 trống con ] – Một kèn [nếu có điều kiện] – Các bài trống : chào cờ, hành tiến, chào mừng

– Các bài kèn : kèn hiệu, chào mừng, tập hợp.

4.11/ Phòng truyền thống

– Mỗi Liên đội có một phòng truyền thống là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật truyền thống, thành tích của Đội. – Phần giới thiệu về lịch sử đất nước, về Bác Hồ, về lịch sử địa phương, truyền thống của Đội và phong trào của đơn vị mình.

– Là nơi tổ chức lễ kết nạp đội viên mới, sinh hoạt truyền thống, họp ban chỉ huy Liên đội hoặc các hoạt động của Liên đội với quy mô nhỏ…

4.12/ Cấp hiệu của Đội

CẤP HIỆU CHỈ HUY ĐỘI

– Cấp hiệu chỉ huy Đội hình chữ nhật đứng, khổ 5 cm x 6 cm, hai góc dưới bo tròn, nền màu trắng, ở trong có sao đỏ và vạch đỏ.
– Mỗi sao đỏ có đường kính 0.8 cm, mỗi vạch đỏ có kích thước 0.5 cm x 0.4 cm.

Phân biệt các cấp chỉ huy Đội bằng số lượng sao và vạch được quy định như sau : – Phân đội trưởng : Hai sao một vạch – Phân đội phó : Một sao một vạch – Chi đội trưởng : Hai sao hai vạch – Chi đội phó : Một sao hai vạch – Ủy viên ban chỉ huy chi đội : Hai vạch – Liên đội trưởng : Hai sao ba vạch – Liên đội phó : Một sao ba vạch

– Ủy viên ban chỉ huy liên đội : Ba vạch

          III/ Hệ thống tổ chức của Đội TNTP Hồ Chí Minh

          1/ Khái quát chung

– Hệ thống tổ chức của Đội bao gồm các cấp: Chi đội, Liên đội. Trên Liên đội là Hội đồng đội các cấp từ phường, xã đến Trung ương, do Ban chấp hành Đoàn cùng cấp lập ra để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phụ trách Đội. Hội đồng đội các cấp vừa đại diện cho tổ chức Đội, vừa là bộ phận hữu cơ của Đoàn làm công tác phụ trách Đội.

– Tổ chức cơ sở Đội được xây dựng trong các trường học và trên địa bàn dân cư. Trong mỗi trường Tiểu học và Trung học cơ sở thường tổ chức một Liên đội, mỗi lớp là một Chi đội và các tổ chức Phân đội tương ứng.

          2/ Hệ thống tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh

          2.1/ Liên đội

– Mỗi Liên đội tương đương với một trường học. Có từ 2 Chi đội trở lên thì được thành lập Liên đội.

– Liên đội có Ban chỉ huy Liên đội do đại hội bầu ra  mỗi năm 1 lần. Mỗi Liên đội có 1 tổng phụ trách, làm nhiệm vụ thay mặt tổ chức Đoàn phụ trách Đội.

– Nhiệm vụ của Liên đội:

          + Chủ trì việc phát động các phong trào hành động, đề xuất các chủ đề và tổ chức thực hiện một số hoạt động lớn [theo năm học, học kì] như: Hội trại, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ, các hội thi, các công trình măng non…

          + Tổ chức Đại hội Liên đội thường kì hàng năm, hướng dẫn các Chi đội tổ chức Đại hội.

          + Chỉ đạo các hoạt động của các Chi đội, đánh giá xếp loại các Chi đội, khen thưởng, đề nghị tặng các danh hiệu cho các Chi đội, các cá nhân và cử đại biểu đi dự Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” ở cấp cao hơn.

          + Bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho Ban chỉ huy các Chi đội, Phân đội. Bồi dưỡng các đội viên lớp lớn phát triển vào Đoàn.

          + Phụ trách, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo công tác nhi đồng của các Chi đội.

          + Liên kết, phối hợp với các lực lượng khác: nhà trường, gia đình, các ban ngành, với các Liên đội bạn trong công tác giáo dục thiếu nhi để xây dựng và phát triển Đội.

          2.2/ Chi đội

– Mỗi Chi đội tương đương với 1 lớp học. Có từ 3 Phân đội trở lên thì được thành lập Chi đội [1 Phân đội từ 9 – 12 đội viên]. Nếu trong 1 lớp không đủ số lượng đội viên và Phân đội thì sẽ thành lập Chi đội ghép để sinh hoạt.

– Để phù hợp với từng đối tượng đội viên, Chi đội được phân làm 3 loại:

          + Chi đội nhỏ tuổi: tập hợp các em học lớp 4 và 5.

          + Chi đội tuổi vừa: tập hợp các em lớp 6 và 7.

          + Chi đội tuổi lớn: tập hợp các em lớp 8 và 9.

 – Nhiệm vụ của Chi đội:

          + Chi đội là đơn vị cơ sở của tổ chức Đội, trực tiếp quản lý và giáo dục các bạn đội viên.

          + Thực hiện các chủ trương và hoạt động do Liên đội đề ra.

          + Bình xét “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp Chi đội. Kết nạp đội viên mới, bồi dưỡng đội viên lớn tuổi, nhận xét và giới thiệu đội viên lớn đủ tiêu chuẩn để Đoàn xét kết nạp. Tổ chức lễ trưởng thành cho đội viên hết tuổi Đội.

          + Chi đội Đại hội mỗi năm 1 lần, bầu ra Ban chỉ huy Chi đội, cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

          + Giám sát, chỉ đạo hoạt động của các Phân đội trong Chi đội, cử các Phân đội trưởng.

          2.3/ Phân đội

– Phân đội là đơn vị nhỏ nhất của Đội. Trong trường học, Phân đội được tổ chức tương ứng với tổ học tập trong lớp.

– Về cơ cấu tổ chức: gồm 1 Phân đội trưởng và 1 Phân đội phó do tập thể Phân đội tín nhiệm bầu ra [không do đại hội bầu].

– Nhiệm vụ của Phân đội:

          + Đôn đốc các đội viên trong Phân đội thực hiện các công tác được giao.

          + Giới thiệu đội viên mới để Chi đội xét, kết nạp.

          + Đoàn kết, sẵn sàng phối hợp với Phân đội bạn trong mọi công tác.

          3/ Nhi đồng và Sao nhi đồng ở Tiểu học

Sao nhi đồng là tổ chức của nhi đồng do Đội TNTP HCM lập ra để tập hợp nhi đồng từ 6 – 8 tuổi, sinh hoạt và vui chơi theo chương trình rèn luyện đội viên.

– Sao nhi đồng là một nhóm từ 5 – 10 em ở gần nhau, cùng học tập, vui chơi với nhau hoặc theo nhóm sở thích. Để phân biệt các Sao, mỗi Sao đều có một tên Sao do các em chọn, có sự gợi ý của phụ trách Sao [Ví dụ như: Sao chăm chỉ, Sao dũng cảm, Sao vui vẻ, Sao thật thà…]

– Mỗi Sao nhi đồng có một trưởng sao [không có cấp phó] có thể do được bầu hoặc chỉ định theo hình thức luân phiên.

– Ở Tiểu học, giáo viên chủ nhiệm lớp đồng thời là phụ trách nhi đồng lớp mình.

– Mục tiêu rèn luyện phấn đấu của nhi đồng là: Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, bạn tốt và trở thành đội viên TNTP. Nhi đồng cần luôn luôn ghi nhớ:

“Vâng lời Bác Hồ dạy,

Em xin hứa sẵn sàng,

Là con ngoan trò giỏi,

Cháu Bác Hồ kính yêu”.

– Bài hát truyền thống của nhi đồng là bài hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, nhạc và lời của nhạc sĩ Phong Nhã.

          4/ Hội đồng Đội

– Gồm 4 cấp:

          + Hội đồng Đội cấp: Phường, xã, thị trấn.

          + Hội đồng Đội cấp: Quận, huyện, thị xã.

          + Hội đồng Đội cấp: Tỉnh, thành phố.

          + Hội đồng Đội cấp: Trung ương.

– Hội đồng Đội các cấp do Ban chấp hành hoặc Ban thường vụ Đoàn cùng cấp lập ra, vừa là đại diện cho tổ chức Đội, vừa là bộ phận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách Đội.

– Ban chấp hành cùng cấp sẽ cử 1 đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Đội.

– Nhiệm kì của Hội đồng Đội theo nhiệm kì của Ban chấp hành Đoàn cùng cấp.

          IV/ Phụ trách Đội TNTP HCM ở trường học

          1/ Tổng phụ trách Đội

– Là Đoàn viên, được tổ chức Đoàn giao nhiệm vụ quản lý tổ chức Đội.

– Là nhà giáo dục:

          + Thông qua việc thiết kế, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động, nhằm giáo dục và tổ chức giáo dục các em kể cả các em ngoài nhà trường.

          + Bồi dưỡng và huấn luyện cho các thành viên làm công tác Đội trong trường học.

– Là nhà quản lý: 3 nhiệm vụ

          + Tổ chức bộ máy [phụ trách] và lực lượng chỉ huy Đội.

          + Tổ chức và điều hành các hoạt động Đội.

          + Tham mưu với Ban giám hiệu, Hội đồng Đội, vận động và phối hợp với các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường.

          2/ Phụ trách Chi đội

– Phải là Đoàn viên, thông thường là giáo viên chủ nhiệm kiêm luôn vai trò này.

– Các mối quan hệ:

          + Với Tổng phụ trách: Phải phục tùng sự chỉ đạo của Tổng phụ trách về các hoạt động Đội.

          + Với các phụ trách Chi đội khác: Tôn trọng, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

          + Với GVCN và hội đồng sư phạm:  Phối hợp và hợp tác giáo dục.

          + Với đội viên và thiếu niên:  Giáo dục hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức hoạt động để thông qua đó thực hiện mục đích giáo dục.

          3/ Phụ trách nhi đồng

– Là GVCN lớp 1, 2, 3 đồng thời phụ trách nhi đồng của lớp [quản lý lớp nhi đồng].

– Chức danh này không do Ban chấp hành Đoàn chọn hay chỉ định mà do Tổng phụ trách tham mưu đề xuất với ban giám hiệu.

* Phụ trách Sao nhi đồng là những thiếu niên của lớp trên được Đội TNTP cử làm phụ trách Sao.

CHƯƠNG III: NHỮNG NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNTP

HỒ CHÍ MINH

I/ Cơ sở xây dựng các nguyên tắc hoạt động Đội TNTP HCM

– Cơ sở để xây dựng các nguyên tắc hoạt động Đội là phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, lí luận giáo dục học, lí luận thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỉ qua cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng các nguyên tắc hoạt động.

– Các nguyên tắc hoạt động Đội chi phối toàn bộ các hoạt động Đội được coi là căn cứ để xác định nội dung, tìm tòi các hình thức và phương pháp công tác Đội.

– Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của cách mạng, nội dung, hình thức, phương pháp công tác Đội có thể đổi mới, song các nguyên tắc này vẫn được giữ vững. Chúng liên hệ với nhau một cách chặt chẽ và thể hiện trong thực tiễn một cách thống nhất.

          II/ Những nguyên tắc hoạt động của Đội TNTP HCM

          1/ Nguyên tắc đảm bảo định hướng chính trị – xã hội

– Ý nghĩa:

          + Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt trong các hoạt động của Đội, nhằm giữ vững mục tiêu giáo dục của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, để rèn luyện đội viên trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, bạn tốt, người công dân tốt, con người mới xã hội chủ nghĩa, phấn đấu cho lí tưởng độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

– Yêu cầu:

          + Hoạt động đội phải góp phần hình thành cho đội viên thế giới quan khoa học, giúp các em định hướng mục đích cuộc sống đúng đắn, lành mạnh.

          + Hoạt động Đội từng bước hình thành và củng cố niềm tin cho các em vào sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và nhân dân ta.

+ Hoạt động Đội phải nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng và nhân dân ta, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

          + Hoạt động Đội giúp các em thêm yêu quý cuộc sống, ra sức rèn luyện phẩm chất, năng lực, sẵn sàng tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước.

          2/ Nguyên tắc đảm bảo tính tự nguyện gia nhập Đội và tích cực tham gia vào các hoạt động Đội của thiếu niên và đội viên

– Ý nghĩa:

          + Khẳng định tổ chức Đội đích thực là tổ chức quần chúng của trẻ em.

          + Mọi hoạt động Đội phải do các em quyết định.

          + Mọi thiếu niên đều có thể tự nguyện viết đơn xin gia nhập vào Đội, khi thấy mình có đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định theo Điều lệ Đội.

          + Thiếu nhi có quyền được tham gia vào các hoạt động do Đội tổ chức một cách chủ động, sáng tạo.

– Yêu cầu:

          + Hoạt động Đội cần đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, hấp dẫn và vui tươi có như thế thì mới huy động được đông đảo các em tham gia.

          + Hoạt động Đội cần phải phù hợp với thực tiễn, có khả năng lôi kéo toàn thể thiếu nhi tham gia, kể cả những em bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.

          + Hoạt động Đội cần phải hướng vào việc xây dựng tập thể đoàn kết, tương thân, tương ái. Có như vậy, mỗi đội viên mới thực sự có điều kiện phát huy hết khả năng, sức lực của mình cho công tác Đội.

          + Cần tạo điều kiện cho các em hoạt động và thực hiện mục đích giáo dục nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

          3/ Nguyên tắc đảm bảo tính tự quản và phát huy năng lực sáng tạo của đội viên, trên cơ sở có sự phụ trách trực tiếp của Đoàn và sự hướng dẫn sư phạm của người lớn

– Ý nghĩa:

          + Phát huy vai trò dân chủ, năng lực sáng tạo của tổ chức Đội và đội viên.

          + Ở lứa tuổi này, các em có tâm lí muốn tự lập, muốn được coi là người lớn, muốn khẳng định năng lực, sở trường của mình trong tập thể, muốn được tìm tòi, thể nghiệm sức sáng tạo trong hoạt động. Nhưng do nhận thức của các em chưa sâu sắc, chưa đủ kinh nghiệm, không có tư duy khoa học, thiếu phương pháp làm việc, nên phải có sự hướng dẫn của các nhà sư phạm và sự lãnh đạo của Đoàn TNCS HCM.

– Yêu cầu:

          + Quan tâm, bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội để các em có thể hoàn toàn chủ động, tự quản và điều hành các công việc, phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của đội viên và tập thể đội trong mọi hoạt động.

          + Tin tưởng vào khả năng của tập thể Đội và đội viên, chỉ hướng dẫn các em khi cần thiết.

          + Động viên kịp thời những cố gắng, sáng tạo của các em. Đánh giá đúng mức thành tích mà tập thể hoặc cá nhân đạt được. Giúp đỡ, động viên những thiếu nhi nhút nhát hoặc có mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh khó khăn của mình.

          + Khi thực hiện kế hoạch càng hạn chế chỉ bảo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, nhằm phát huy vai trò tự quản của các em.

          4/ Nguyên tắc đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và đặc điểm cá nhân của đội viên

– Ý nghĩa:

          + Lứa tuổi thiếu niên – nhi đồng từ 6 – 14 tuổi có nhiều biến đổi về thể chất – tâm sinh lý. Vì vậy khi tổ chức các hoạt động và giao nhiệm vụ thì phải tính đến đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân của đối tượng giáo dục sao cho phù hợp.

– Yêu cầu:

          + Dựa vào đặc điểm lứa tuổi. Đội TNTP HCM  đã thống nhất chia ra thành 3 loại:

                   ~ Thiếu niên nhỏ tuổi: 9 – 10 tuổi

                   ~ Thiếu niên tuổi vừa: 11 – 12 tuổi

                   ~ Thiếu niên lớn tuổi: 13 – 14 – 15 tuổi

          + Sự phân chia như trên chính là thực hiện nguyên tắc tính đến đặc điểm lứa tuổi đội viên. Trên cơ sở đó, nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động Đội được xây dựng sao cho phù hợp với từng lứa tuổi.

          + Đặc điểm cá nhân đội viên không chỉ là cá tính, giới tính, cơ thể…mà bao gồm cả hoàn cảnh và môi trường sống.

          + Để thực hiện nguyên tắc này, người phụ trách Đội phải có những tri thức về tâm lí học, giáo dục học và có phương pháp sư phạm khéo léo, sâu sát đến từng đội viên. Cũng cần quan tâm đến việc thực hiện “Chương trình rèn luyện đội viên”, “Chương trình hoạt động Đội hàng năm”, “Chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp” Trên cơ sở đó biết lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính và phù hợp với từng bậc học, cấp học.

          5/ Nguyên tắc đảm bảo tính lãng mạn, gây hứng thú, mang màu sắc vui chơi trong các hoạt động Đội

– Ý nghĩa:

          + Nguyên tắc này phù hợp với lý luận giáo dục nói chung và phù hợp với tính chất của tổ chức Đội và thực tiễn công tác Đội “Học mà chơi, chơi mà học”là hoạt động phù hợp với đặc điểm hoạt động của lứa tuổi thiếu nhi, thông qua đó để giáo dục và rèn luyện cho các em.

          + Trong hoạt động Đội vui chơi tạo một liên kết hấp dẫn, lôi kéo sự tò mò của các em.

          + Tính lãng mạn trong công tác Đội thể hiện sự tươi trẻ, lành mạnh chứ hoàn toàn không mang tính phiêu lưu, huyền bí, viễn vong.

          + Tính lãng mạn, gây hứng thú, mang màu sắc vui chơi thể hiện ngay từ chủ đề của mỗi hoạt động [VD: Đi tìm địa chỉ đỏ, Chiến sĩ Điện Biên, Theo bước chân những người anh hùng, hoa điểm 10…]

          6/ Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống, liên tục trong các hoạt động Đội

– Ý nghĩa:

          +Hoạt động Đội là một hoạt động giáo dục. Giáo dục là một quá trình liên tục, có hệ thống, có kế hoạch. Quá trình đó diễn ra qua các giai đoạn từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ hoàn thiện, phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, nhận thức của đối tượng giáo dục.

          + Tính hệ thống và liên tục trong hoạt động Đội còn thể hiện ở sự thống nhất giữa hoạt động giáo dục của gia đình, nhà trường và của xã hội với hoạt động của Đội.

– Yêu cầu:

          + Phải có cái nhìn tổng thể, toàn diện về hoạt động giáo dục trong nhà trường, ở địa phương và hoạt động giáo dục của Đội để từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp.

          + Xây dựng kế hoạch hoạt động phải có sự thống nhất giữa kế hoạch Liên đội, Chi đội với kế hoạch của đội viên.

          +Hoạt động của Đội phải gắn chặt với hoạt động của nhà trường và hoạt động của Đoàn cơ sở. Các nghị quyết của Đoàn về công tác thiếu nhi và chương trình rèn luyện đội viên là một thể thống nhất, gắn bó với nhau.

CHƯƠNG IV/ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

I/ Khái niệm phương pháp công tác Đội

– Phương pháp công tác Đội là lề lối, cách thức và biện pháp tổ chức hoạt động Đội nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách của đội viên.

– Phương pháp công tác Đội còn là sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa hoạt động hướng dẫn, định hướng giáo dục của phụ trách Đội và hoạt động tự quản tự giáo dục của đội viên.

– Phương pháp công tác Đội thống nhất với phương pháp dạy và học, giáo dục và tự giáo dục ở trường phổ thông, nhưng có những đặc điểm riêng do tính chất đặc thù của tổ chức Đội quy định.

–  Nét đặc thù của phương pháp công tác Đội thể hiện ở chỗ:

          + Đề cao vai trò tự quản, tự giáo dục của Đội viên.

          + Giáo dục đội viên bằng các biện pháp mềm dẻo như: lời nói, dư luận, dùng các tấm gương, thông qua người thật, việc thật để thuyết phục.

+ Đưa đội viên vào các hoạt động tập thể, mang tính xã hội, thông qua vui chơi để giáo dục.

+ Khen và thưởng của Đội chủ yếu sử dụng dư luận tập thể hơn là dùng biện pháp hành chính, sử dụng nội quy, quy chế, điều lệ.

II/ Các phương pháp công tác Đội.

1/ Phương pháp hoạt động tập thể, mang tính xã hội, hữu ích

 a/ Ý nghĩa:

– Hoạt động tập thể mang tính xã hội, hữu ích của tổ chức Đội tạo ra những điều kiện, khả năng tốt trong giáo dục và rèn luyện phẩm chất đội viên.

– Thông qua hoạt động tập thể, các em đội viên tự khẳng định mình, gắn bó với tập thể, hình thành thái độ tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong mọi công việc và trong cuộc sống.

– Hoạt động tập thể mang tính xã hội của Đội là trường học đầu tiên của quá trình giáo dục chính trị – xã hội.

– Thông qua hoạt động Đội, các em được tiếp xúc và nhập cuộc vào đời sống hằng ngày.

* Hoạt động của các em tuy mang lại những thành quả nhỏ bé nhưng ý nghĩa giáo dục lại rất lớn. Các em tự hào về đóng góp nhỏ bé của mình vào công việc xây dựng, đổi mới đất nước.

          b/ Yêu cầu:

– Làm cho toàn thể đội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu đặt ra trong những hoạt động tập thể, mang tính xã hội của Đội.

– Mỗi hoạt động phải lập kế hoạch và tự các em đề xuất, bàn bạc, tìm ra các biện pháp cụ thể để thực hiện đến cùng.

– Dự kiến các tình huống, những khó khăn có thể gặp phải và biện pháp giải quyết.

– Phân công công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và năng lực, sở trường của từng đội viên.

– Sử dụng các hình thức thi đua, khuyến khích đội viên tích cực tham gia các hoạt động Đội.

– Khi hoàn thành công việc cần kịp thời sơ kết, nhận xét, đánh giá công bằng, khách quan.

          2/ Phương pháp trò chơi và vui chơi

          a/ Ý nghĩa:

– Trò chơi có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với đời sống của thiếu nhi. Trò chơi chẳng những đáp ứng nhu cầu của các em mà còn là phương pháp giáo dục các em có hiệu quả.

– Đặc thù của trò chơi là có sức lôi cuốn trẻ em rất cao, dễ đưa các em đến sự say mê, hứng thú. Trò chơi mang đến cho các em niềm sung sướng, sự thỏa mãn, niềm sảng khoái.

– Trò chơi giúp các em lĩnh hội tri thức tự nhiên, xã hội và tư duy, tạo cho các em những nhạy cảm, nhạy bén, phản xạ tinh thần tốt, hình thành trong các em kĩ năng, kỉ xảo hoạt động mà trên lớp khó có điều kiện rèn luyện.

– Trò chơi còn giúp cho các em khả năng ứng xử linh hoạt, khả năng giao tiếp và quan hệ xã hội rộng rãi.

          b/ Yêu cầu:

– Nội dung và hình thức trò chơi phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm giới tính, đặc điểm thể chất của người chơi.

– Hình thức trò chơi cần luôn luôn đổi mới, hấp dẫn. Nội dung và mức độ yêu cầu của trò chơi được nâng cao dần [từ đơn giản đến phức tạp]

– Trò chơi cần được lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với yêu cầu giáo dục và cần phải được chuẩn bị chu đáo, nhất là những trò chơi cần sử dụng dụng cụ và các điều kiện vật chất khác.

– Phải chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn và sự thành công của trò chơi, nhất là những trò chơi vận động, trò chơi ngoài trời, trò chơi lớn, dã ngoại…

– Anh/Chị phụ trách cần có cẩm nang trò chơi và phổ biến nó cho đội viên để các em thường được chơi trò chơi mới, có thể tự sáng tạo ra trò chơi cho mình và cho các em nhi đồng.

– Cần có các điểm vui chơi để tự các em tổ chức hoạt động vui chơi theo sở thích riêng của từng em, từng nhóm sở thích, nhưng luôn luôn được người lớn giám sát, để phòng ngừa những tình huống bất trắc như: cãi lộn, xô sát, tai nạn thương tích…

          3/ Phương pháp thuyết phục trong công tác Đội

          a/ Ý nghĩa:

– Thuyết phục được thể hiện qua lời nói: chứng minh, giải thích, phân tích, đàm thoại…, thể hiện qua những tấm gương của bạn bè, anh chị em, cha mẹ, các anh chị phụ trách, các thầy cô giáo, những tấm gương anh hùng liệt sĩ, gương Bác Hồ, gương các danh nhân lịch sử văn hóa…

– Thuyết phục bằng lời nói được sử dụng rộng rãi trong các cuộc họp, sinh hoạt, hội thảo, phát thanh truyền hình của Đội hoặc trong các buổi nói chuyện giữa các em và người lớn, trong lao động sản xuất và chiến đấu.

– Thuyết phục bằng lời nói chủ yếu là phân tích, giảng giải, chứng minh để thuyết phục các em làm việc tốt, noi gương tốt, nhận thức được cái sai, tránh cái sai, biết phê phán, đấu tranh với cái sai.

          b/ Yêu cầu:

– Không khí buổi thảo luận, hội thảo hay thuyết minh phải chân thành cởi mở, hấp dẫn.

– Lời nói cần rõ ràng, sinh động, ngắn gọn. Phân tích, giảng giải, thuyết trình phải có sức thuyết phục.

– Động viên đa số đội viên tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, báo cáo…và lắng nghe ý kiến của người khác.

– Thuyết phục bằng những tấm gương tốt điển hình là phương pháp được Đội thường xuyên sử dụng bởi vì nó có tác dụng mạnh mẽ đến quá trình tự giáo dục ở mỗi đội viên. Tấm gương điển hình nhất mà Đội luôn luôn đề cao là cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, điều này thể hiện ngay từ khẩu hiệu của Đội.

– Trong đời sống thường ngày có những tấm gương tốt trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu…đó là những tấm gương thực tế sinh động nhất để Đội thuyết phục đội viên của mình.

– Truyền thống của dân tộc, của địa phương, các danh nhân lịch sử, các anh hùng liệt sĩ…thường được Đội lấy để đặt tên cho các hoạt động, tên đơn vị tổ chức của Đội, đó là những biểu tượng cao đẹp, là những tấm gương sáng ngời của các em.

– Những gương người tốt việc tốt trong trường học và trên địa bàn dân cư đều có tác dụng giáo dục rất thấm thía, sâu sắc đối với các em.

          4/ Phương pháp giao nhiệm vụ cho đội viên và tập thể Đội

          a/ Ý nghĩa:

– Giao nhiệm vụ cho đội viên và tập thể Đội nhằm lôi cuốn tất cả đội viên vào công tác Đội, việc giao nhiệm vụ cho đội viên chủ yếu được tiến hành ở chi đội và phân đội.

– Phương pháp giao nhiệm vụ cho đội viên là tạo sự kích thích tính tích cực, chủ động sáng tạo của mỗi thành viên trong tổ chức Đội đóng góp sức mình vào các hoạt động Đội, qua đó giáo dục lòng tự tin, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỉ luật và tính tự quản cao của các em.

          b/ Yêu cầu:

– Phải nắm vững trình độ, khả năng của đội viên và tập thể Đội khi giao nhiệm vụ. Đảm bảo tính vừa sức và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Làm cho mỗi đội viên và tập thể Đội hiểu sâu sắc nhiệm vụ được giao và tiếp nhận nhiệm vụ một cách hồ hởi, phấn khởi và với tinh thần trách nhiệm cao.

– Phân công nhiệm vụ hợp lí cho đội viên và tập thể Đội, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập và giúp đỡ gia đình…của các em.

– Có kế hoạch giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện và hỗ trợ giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện.

– Đánh giá công bằng, khách quan, kịp thời từng kết quả đạt được của đội viên cũng như tập thể Đội.

          5/ Phương pháp thi đua trong công tác Đội

          a/ Ý nghĩa:

– Là phương pháp đề cao và kích thích hoạt động của đội viên và tập thể Đội, thi đua làm cho đội viên và tập thể đội không thỏa mãn với những gì đạt được, không ngừng phấn đấu vươn lên giành kết quả cao hơn.

– Phương pháp thi đua được sử dụng tốt sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho tổ chức Đội hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện mình.

– Đội tổ chức thi đua trong các hoạt động:

          + Thi đua học tập giữa các đội viên và tập thể Đội về ý thức học tập, phương pháp học tập, kết quả học tập, chế tạo các dụng cụ học tập…

          + Thi đua trong lao động, sản xuất: ở trường, ở nhà và giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ…

          + Thi đua trong hội diễn văn nghệ, hội thao, hội khỏe, trò chơi…

– Phương pháp thi đua là phương pháp đặc trưng của các tổ chức chính trị – xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Thi đua hiểu theo đúng nghĩa của nó hoàn toàn khác với sự cạnh tranh, đố kị, níu kéo nhau, chạy theo thành tích, phô trương hình thức.

          b/ Yêu cầu:

– Cần giải thích cho mỗi đội viên hiểu rõ mục đích, nội dung và tiêu chuẩn thi đua.

– Hình thức thi đua cần phong phú, sinh động và nghiêm túc. Tránh qua loa, đại khái, hình thức chủ nghĩa “có phát mà không động”.

– Tránh biến thi đua thành ganh đua, ăn thua. Giáo dục uốn nắn kịp thời các thủ đoạn xấu, tính ích kỉ, hẹp hòi, hiếu thắng ở mỗi cá nhân và tập thể Đội.

– Đánh giá kết quả thi đua phải công bằng, dân chủ, công khai. Phụ trách Đội hay tập thể chỉ huy Đội không được áp đặt ý muốn chủ quan của mình mà phải lắng nghe ý kiến, dư luận của tập thể Đội.

– Thi đua phải đạt được sự đoàn kết, thái độ cầu thị, sự vui sướng, tự hào lành mạnh về thành tích của mỗi cá nhân và tập thể Đội.

          6/ Phương pháp khen thưởng và khiển trách

          a/ Ý nghĩa:

– Trong công tác Đội, không chỉ có thi đua mới có khen thưởng mà khen thưởng và khiển trách được tiến hành thường xuyên trong mọi hoạt động.

– Có nhiều biện pháp khen thưởng: Khen bằng lời, khen bằng nhận xét bình bầu có giấy chứng nhận, có tặng phẩm.

– Có nhiều biện pháp khiển trách: Khiển trách bằng nhắc nhở khéo léo, bằng việc giáo dục thông qua tập thể góp ý kiến bằng dư luận. Tổ chức Đội không coi khiển trách là kỉ luật mang tính hành chính như: cho ra khỏi Đội, tạm dừng sinh hoạt Đội, thu thẻ đội viên…hay bằng nhục hình. Khiển trách của Đội là sự nhắc nhở khéo léo, giáo dục để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

          b/ Yêu cầu:

– Khen thưởng và khiển trách phải khách quan, công bằng, chính xác. Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ dẫn đến phản giáo dục và mất lòng tin trong các em.

– Phát huy vai trò tự quản của Đội trong việc xem xét, khen thưởng và khiển trách. Tránh sự áp đặt chủ quan của phụ trách Đội hay BCH Đội.

– Phối hợp các lực lượng giáo dục có liên quan [nhà trường, đoàn thể] trong việc khen thưởng và khiển trách.

CHƯƠNG V/ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG ĐỘI TNTP HCM

I/ Khái niệm về nội dung và hình thức hoạt động Đội

          1/ Hoạt động Đội là gì?

– Là hệ thống những hoạt động giáo dục do Đội TNTP HCM tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đoàn TNCS HCM, nhằm giáo dục thiếu nhi theo 5 điều Bác Hồ dạy, diễn ra trong trường học và địa bàn dân cư.

          2/ Mục đích, ý nghĩa của hoạt động Đội

* Mục đích:

– Nhằm giáo dục toàn diện thiếu nhi theo 5 điều Bác Hồ dạy để các em trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, phấn đấu với danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.

          * Ý nghĩa:

– Tạo môi trường để các em tìm hiểu tham gia vào thực tiễn lao động sản xuất, văn hóa, xã hội.

– Tạo điều kiện để các em thể hiện, tự khẳng định mình trước tập thể. Qua đó, xác định trách nhiệm của mình trong việc củng cố và phát triển tổ chức Đội.

          + Hoạt động Đội để Đội TNTP HCM phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

          + Góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong tổ chức Đội, xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh.

          + Hoạt động Đội cũng là nơi thể hiện tinh thần dân chủ.

          3/ Tính chất giáo dục của hoạt động Đội

* Tính mục đích:

– Thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đa số đội viên.

– Đáp ứng nhu cầu rèn luyện đội viên một cách toàn diện, nâng cao chất lượng đội viên, xây dựng và phát triển tổ chức Đội.

– Đảm bảo tính công ích xã hội, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của nhà trường, địa phương và lợi ích xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

          * Tính tổ chức:

– Hoạt động giáo dục của Đội là hoạt động theo chương trình, kế hoạch do các em xây dựng nhưng được cấp Đoàn phê duyệt.

– Hoạt động Đội được toàn thể đội viên thiếu nhi tham gia dưới sự điều khiển của chỉ huy Đội và sự hướng dẫn của phụ trách Đội.

– Hoạt động giáo dục của Đội diễn ra theo quy trình xác định, có sự chuẩn bị chu đáo, có tổng kết, đánh giá rút ra kinh nghiệm.

          * Tính đối tượng:

– Hoạt động Đội không chỉ phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của đội viên mà còn phải thu hút cả sự tham gia của quần chúng thiếu niên, nhi đồng.

– Hoạt động Đội không chỉ là hoạt động tập thể của các em cùng tuổi mà còn mở rộng cho các lứa tuổi khác nhau mà phải đảm bảo tính vừa sức với đối tượng.

          * Tính tự nguyện, tự giác:

– Hoạt động giáo dục của Đội là đề cao vai trò tự nguyện tham gia của các em vì vậy tự nguyện, tự giác của thiếu nhi khi tham gia hoạt động Đội được thể hiện mọi lúc, mọi nơi.

          * Tính địa bàn:

– Hoạt động Đội diễn ra trong và ngoài lớp học, trong địa bàn dân cư và trong trường học, các hoạt động ấy hỗ trợ nhau và quan hệ mật thiết.

– Hoạt động giáo dục của nhà trường và hoạt động giáo dục của Đội nhằm mục tiêu giáo dục và có quan hệ tương tác.

          * Tính thời gian:

– Hoạt động giáo dục của Đội diễn ra trong không gian và theo thời gian nhất định, tùy theo nội dung hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất và yêu cầu của công tác chỉ đạo.

          4/ Mối quan hệ giữa hoạt động giáo dục của Đội TNTP và hoạt động giáo dục của nhà trường

– Hoạt động giáo dục của Đội có quan hệ chặt chẽ với hoạt động của nhà trường bởi có cùng mục tiêu giáo dục:

          + Giáo dục thiếu nhi trở thành con người mới, công dân tốt có ích cho xã hội.

          + Trong nhà trường, hoạt động giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch, chương trình của nhà trường là hoạt động chủ đạo.

          + Hoạt động giáo dục của Đội nhằm hỗ trợ cho hoạt động của nhà trường đạt kết quả tốt hơn.

          * Hoạt động giáo dục đạo đức:

– Giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường phổ thông là thông qua những bài giảng về đạo đức, pháp luật, giáo dục công dân và các môn khác trên theo chương trình và thời khóa biểu.

– Hoạt động giáo dục đạo đức của Đội mềm dẻo hơn về nội dung, hình thức và phương pháp.

          + Về nội dung: Đội tập hợp và sử dụng tất cả nội dung có trong sách giáo khoa và trong sách báo, tạp chí, thông tin đại chúng.

          + Về hình thức: Đội chủ yếu theo hình thức hoạt động tập thế, tự quản, tự giác làm cho hoạt động trở nên sinh động hơn.

          + Đội sử dụng phương tiện có thể có trong nhà trường và ngoài xã hội để giáo dục cho thiếu nhi như: sách báo, tạp chí, phát thanh truyền hình, múa hát, vui chơi giải trí…

          * Hoạt động giáo dục học tập vắn hóa, khoa học và công nghệ

– Hoạt động học tập là giáo dục ý thức trách nhiệm trong học tập văn hóa, khoa học và công nghệ làm cho các em hiểu rõ mục đích, động cơ, thái độ học tập và xây dựng cho các em biết vận dụng những điều đã học và thực tiễn cuộc sống theo tinh thần chủ động nhận thức, tích cực hóa hoạt động học tập.

– Đội hỗ trợ các bài giảng trên lớp bằng việc tổ chức các hoạt động học tập hấp dẫn thiếu nhi như: tổ chức các câu lạc bộ, cuộc thi, trò chơi, tham quan…

– Các danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, Liên đội, Chi đội mạnh của Đội là những hình thức động viên cá nhân và tập thể phấn đấu học tập tốt.

          * Hoạt động giáo dục với lao động, thể chất

– Hoạt động giáo dục lao động, giáo dục sức khỏe trong nhà trường cũng được quy định chặt chẽ trong chương trình và theo thời khóa biểu.

– Giáo dục lao động của Đội là lao động tập thể, công ích, lập quỹ xây dựng Đội. Qua đó, giáo dục cho thiếu nhi yêu lao động và yêu quý người lao động.

– Giáo dục thể chất, sức khỏe, vệ sinh của Đội chủ yếu mang tính tập thể, tự giác, tự quản.

– Hoạt động giáo dục của Đội cần sự hỗ trợ thường xuyên, tích cực của nhà trường:

          + Về tổ chức: Đội cần có đội ngũ giáo viên làm phụ trách chi đội, tổng phụ trách Đội có năng lực, nhiệt tình.

          + Về cơ sở vật chất: Đội cần được sự giúp đỡ của nhà trường như: phòng đội, các trang thiết bị.

          + Về tinh thần: lãnh đạo nhà trường và tập thể sư phạm cần sự ủng hộ, động viên và tích cực tham gia các hoạt động Đội.

– Thực tế cho thấy ở các trường phổ thông tiên tiến thì đều có tổ chức Đội vững mạnh, phong trào Đội sôi nổi, đạt kết quả tốt. Vì vậy, hoạt động giáo dục của nhà trường và của Đội có aun hệ chặt chẽ với nhau.

          II/ Những nội dung và hình thức hoạt động Đội

          1/ Quan niệm về nội dung công tác Đội và hình thức hoạt động Đội

– Nội dung công tác Đội là sự thể hiện mục đích, mục tiêu giáo dục của Đội và của nhà trường.

– Hình thức hoạt động Đội là sự thể hiện nội dung của công tác Đội.

– Nội dung công tác Đội và hình thức hoạt động Đội phù hợp, thống nhất với nhau một cách biện chứng. Sự kết hợp giữa nội dung và hình thức hoạt động Đội là sự tổng kết, đúc kết, eu1t kinh nghiệm của cả quá trình hoạt động lâu dài của Đội.

– Nội dung công tác Đội và hình thức hoạt động Đội không ngừng bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tổ chức Đội, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và của thời đại.

          2/ Nội dung và hình thức công tác Đội

Nội dung

Hình thức

Giáo dục

1/ Hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống

– Sinh hoạt truyền thống.

– Xây dựng nhà truyền thống.

– Hoạt động tập thể.

– Sinh hoạt theo chủ đề.

– Tuyên truyền, cổ động, báo tường.

– Tìm hiểu các ngày lễ lớn.

– Tổ chức, xây dựng quỹ giúp bạn vượt khó.

– Tổ chức hội thảo nghe báo cáo về tình hình chính trị.

– Tổ chức các cuộc gặp mặt, thi.

– Tổ chức các đội công tác.

Phong trào nói lời hay, làm việc tốt.

– Giáo dục chính trị, tư tưởng, dạo đức giúp các em hiểu Đảng CSVN, nhà nước và pháp luật.

– Hiểu trách nhiệm của cá nhân với tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

– Xác định trách nhiệm của mình đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

– Trở thành người con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt.

2/ Hoạt động học tập văn hóa, khoa học và công nghệ

– Hội thảo gặp gỡ các nhà khoa học, những người lao động giỏi.

– Hội vui học tập, thi về vở sách chữ đẹp.

– Tổ chức các nhóm bạn giúp nhau học tập, các câu lạc bộ học tập.

– “Tiết học hay, ngày học tốt”, đôi bạn chuyên cần.

– Tổ chức các cuộc tham quan, du lịch, cắm trại.

– Giáo dục ý thức trách nhiệm.

– Giáo dục mục đích động cơ, thái độ học tập, xây dựng nề nếp, hứng thú học tập và khả năng vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống.

3/ Hoạt động lao động, kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp

– Sinh hoạt chủ đề, hội thảo.

– Tham quan cơ sở sản xuất nông nghiệp và công nghiệp…

– Tổ chức các buổi lao động.

– Tổ chức các buổi triển lãm.

– Tổ chức các hội thi.

– Kết nghĩa với các đơn vị quân đội, xí nghiệp.

– Giáo dục lòng yêu lao động, tôn trọng người lao động.

– Yêu quý thành quả lao động.

– Ý thức trách nhiệm trong công tác.

– Làm quen lao động từ đơn giản đến phức tạp.

– Có sức khỏe, tính khéo léo.

– Định hướng nghề nghiệp cho các em.

4/ Hoạt động sức khỏe, vệ sinh môi trường

– Thường xuyên tập TDTT thông qua thực hành nghi thức Đội.

– Tham quan du lịch, hành quân, cắm trại.

– Tổ chức câu lạc bộ y tế, lớp học cứu thương nhỏ tuổi, ngày không hút thuốc lá.

– Nhận thức về mục đích của việc tập TDTT, rèn luyện sức khỏe, vệ sinh cá nhân.

– Thường xuyên tập thể dục, nâng cao sức khỏe.

– Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

5/ Hoạt động về thẩm mĩ, văn hóa nghệ thuật

– Tổ chức hướng dẫn các em tham quan du lịch, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, đọc sách, truyện.

– Tổ chức tham quan viện bảo tàng, danh lam thắng cảnh.

– Xem phim ảnh, ca múa kịch, hòa nhạc…

– Sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật.

Thi hát, vẽ theo chủ đề.

– Giáo dục cho thiếu nhi có những hiểu biết sơ đẳng về cái đẹp trong cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật.

– Giáo dục truyền thống cách mạng, hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn.

6/ Hoạt động xây dựng tổ chức Đội và tinh thần đoàn kết hữu nghị quốc tế

– Đảm bảo sinh hoạt Đội.

– Rèn luyện nghi thức Đội.

– Thực hiện chương trình rèn luyện đội viên.

– Tổ chức các câu lạc bộ hữu nghị quốc tế: tổ chức hội thi đề tài quốc tế.

– Tổ chức giao lưu, tham quan các trại hè, cuộc thi, tham quan du lịch nước ngoài.

– Tham gia các hoạt động quốc tế của thanh thiếu niên và nhi đồng các nước.

– Gặp gỡ các bạn thiếu nhi quốc tế.

– Giáo dục tổ chức kỉ luật, tính đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn, kỉ năng tổ chức của ban chỉ huy.

– Làm cho các em hiểu biết về các bạn thiếu nhi, về tổ chức và hoạt động của thiếu nhi quốc tế.

– Củng cố và tăng cường tính đoàn kết.

– Tham gia các phong trào đấu tranh, vì hòa bình, vì tiến bộ xã hội.

CHƯƠNG VI/ NHỮNG KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC ĐỘI

          I/ Kỹ năng truyền tin: Morse – Semafore – Mật thư

II/ Kỹ năng: Nút dây – Dấu đi đường – Trò chơi – Múa hát thiếu nhi

Video liên quan

Chủ Đề