Phần các con các con bảo thầy là ai

Bài Tin mừng hôm nay đặt ra cho con một dấu hỏi rất lớn “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Có người cho rằng đọan trích của Thánh Maccô cho thấy Đức Giêsu là một diễn giả rất đáng khâm phục, một nhà tâm lý lỗi lạc đáng để các nhà sư phạm, những nhà họat động xã hội, những người lãnh đạo một tổ chức trong đạo, ngòai đời noi theo cung cách của Người. Đó là sau một thời gian giảng dạy, họat động thì lui vào một nơi nào đó để chiêm nghiệm, nhìn lại mình. Suy đi nghĩ lại về những việc đã làm, đã nói, đã sống hầu rút ra những bài học kinh nghiệm. Miền đất Xê-da-rê-Phi-lip-phê, một nơi thị tứ, khi ấy đang nổi lên phong trào xưng danh của những nhân vật đương thời trong xã hội. Họ muốn trở thành các lãnh tụ hầu tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong vùng. Đức Giêsu đã hỏi các học trò về dư luận của dân chúng, những người đi theo Chúa, những người đang cư ngụ những nơi Người đến rao giảng: “Người ta bảo Thầy là ai? ”. Một cách thành thật nhà Đạo, các ông nhanh nhảu phản ánh: “ Thưa là Gioan Tẩy giả, một số bảo là Êlia, số khác lại cho là một trong các vị tiên tri “, những vị cao trọng, có uy tín trong dân Israel. Đức Giêsu không làm động tác thăm dò dư luận, Người muốn các tông đồ nói lên suy nghĩ của bản thân sau những ngày theo Chúa, được Người dạy dỗ, từng chứng kiến việc Người đã làm, đã sống. Người hỏi các ông: “ Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Một câu hỏi không dễ trả lời. Các ông đã nhận ra Người là đấng có uy quyền. Những người chỉ đi theo Chúa, chỉ nghe tiếng Người, chỉ một vài lần chứng kiến phép lạ Chúa làm mà còn lên tiếng ca ngợi, cho rằng Đức Giêsu, một vị ngôn sứ trong dân ISRAEL đã tái thế. Họ nói dưới nhãn quan của họ, cho rằng: Nếu không phải các bậc xuất chúng, cao trọng trong dân mà họ được biết đến trong kinh Thánh, thì không thể rao giảng và làm những điều lạ lùng như thế. Các tông đồ, đại diện là Phêrô, đã nói lên điều ông nhận ra nơi Thầy mình: “ Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “. Phêrô, một người học trò đã nói lên những gì mà ông cảm nghiệm được sau những ngày tháng theo Thầy. Ông không nói theo cách thậm xưng của người đời, không theo kiểu xông hương tâng bốc, xu nịnh, đưa Thầy mình lên cao vút theo cung cách ngôn ngữ thời đại hôm nay, thường gọi là những lời có cánh, nhưng là theo lương tâm chân thật của chính mình. Đức Giêsu đã chúc phúc cho ông:”Này anh Si-Mon con ông Gio-Na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. . .”. Câu hỏi của Đức Giêsu đặt ra cho các tông đồ vẫn là câu hỏi mang tính thời đại hôm nay. Chúa cũng đang hỏi chúng con :“ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Đã có những câu trả lời trong thực tế, con từng nghe, từng đọc được: là bậc Thầy trong dân Israel; là một bậc vĩ nhân, một nhà hiền triết sánh ngang vị này vị khác trong lịch sử; Người khai sáng đạo Kitô; vị lãnh tụ của người nghèo, người bị bỏ rơi, bị bách hại. . . Những điều đó không sai. Phần con, Lạy Chúa, xin cho con nhận biết “ Người là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống “. Nhưng để xác tín điều ấy , con phải vâng nghe và giữ Lời Người, noi gương các Tông đồ trong suốt cuộc đời, để có thể trả lời tiếp câu hỏi có ai đó đặt ra cho con:“Nhưng Đức Kitô là ai ?”. Con có sẵn sàng trả lời cho được bằng chính cuộc sống và niềm tin của con ?

Lạy Chúa ! Xin thương cứu giúp con, xin ban thêm Đức tin cho con. AMEN.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


 


 

“PHẦN CÁC CON, CÁC CON NGHĨ THẦY LÀ AI?”

 ĐTGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

… “PHẦN CÁC CON, CÁC CON NGHĨ THẦY LÀ AI?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Anh chị em thân mến,

Có thể nói Chúa Giêsu không quan tâm đến dư luận nghĩ như thế nào về Ngài: Là Gioan Tẩy Giả mà Hêrôđê giết chết nay sống lại, là Elia, Giêrêmia, một tiên tri nào đó … điều đó không quan trọng. Người đời tự do nhận hay khước từ Chúa Giêsu, việc đó từ khi Ngài xuống thế gian cho đến bây giờ vẫn luôn xảy ra, chẳng những thế người ta còn gán cho Ngài những danh xưng, những đức tính hay những tật xấu … việc đó cũng không quan trọng.

Quan trọng là chúng ta, những người Ngài đã kêu gọi và được thanh tẩy trong Bí Tích Rửa Tội, Ngài đã ban cho Thần Khí của Ngài, Ngài đã dùng Lời và Mình Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng, Ngài đã không ngớt yêu thương và chăm sóc … Chúa sẽ hỏi chúng ta: “Còn con, con nghĩ Thầy là ai?”

Qua bài Tin Mừng Mt 16, 13 – 19: Hỏi về dư luận chỉ là cớ để Chúa Giêsu bắt vào câu chuyện, còn vấn đề chính là dành cho các tông đồ: “Chúng con nghĩ Thầy là ai?” sau khi Phêrô trả lời, Chúa Giêsu nói ngay: “Chẳng phải [điều con tuyên xưng] do xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Chính Chúa Cha đã mạc khải, đã chọn, đã tỏ cho thấy con có đức tin đó, cho nên Thầy chọn con, con trở nên tảng đá vững chắc, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy trên con và Giáo Hội sẽ không bao giờ lay chuyển…

Thưa anh chị em,

Kể từ giây phút đó, dường như Chúa Giêsu bắt đầu đổi hướng trong việc rao giảng và giáo huấn. Ngài dành nhiều thì giờ cho nhóm Mười Hai, Ngài dạy dỗ, chỉ bảo cho các ông, vì Ngài biết rằng đây là nhóm người mà Chúa Cha đã chọn, đã trao cho Ngài và từ những con người này [những con người còn đầy dẫy những khuyết điểm, yếu đuối…] Ngài xây dựng làm nền tảng cho Hội Thánh. Trải qua bao nhiêu thử thách, không quyền lực nào có thể lay chuyển được Hội Thánh mà Ngài đã xây dựng. Chúng ta chính là Hội Thánh đó, là những con người Ngài xây dựng và luôn gìn giữ.

Trở lại với bài sách Công Vụ [Cv 12, 1 – 11], tôi nghĩ rằng dù trình bày như thế nào, chúng ta cũng không quên trọng tâm của câu chuyện: Thiên Chúa giữ lời Ngài nói qua miệng Chúa Giêsu “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời Ngài được thực hiện khi thiên thần giải thoát Phêrô khỏi ngục tù cách lạ lùng [Phêrô được Chúa tuyển chọn và Phêrô được Chúa trao cho quyền tha – buộc tội lỗi, và trong chức năng đó, Chúa gìn giữ Phêrô…]. Giáo Hội trải qua 2000 năm với bao nhiêu thử thách nhưng vẫn là Giáo Hội của Đức Kitô, ngày hôm nay có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, những vị Giáo Hoàng khác nhau, nhưng vẫn là một Giáo Hội duy nhất, Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng Phêrô. Chúng ta thấy Lời Chúa vẫn luôn được thực hiện,

Chương trình của Thiên Chúa rất mầu nhiệm, phong phú và đa dạng. Chúng ta nghĩ rằng với thánh Phêrô, với đoàn tông đồ như thế là đã đủ và từ đó cứ tiếp nối để Giáo Hội trường tồn, nhưng không, bên cạnh đó Chúa đã tuyển chọn Phaolô cách rất đặc biệt: Từ con người hăng hái bắt đạo, Chúa đã biến đổi lòng dạ và làm cho Phaolô trở nên tông đồ nhiệt thành.

Vậy vai trò của Phaolô trong Hội Thánh lúc bấy giờ là gì? [Đọc trong những đoạn kinh Phụng Vụ để thấy Thiên Chúa nhiệm mầu trong chương trình của Ngài] Phêrô là người tuyên xưng đức tin, trên Phêrô đức tin được xây dựng; Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, là người đem đức tin đó gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh đó luôn có Trong Hội Thánh, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, sứ vụ đến với muôn dân … Ngày hôm nay chẳng những trong lòng Giáo Hội, chẳng những ở Giáo Hội địa phương mà ngay mỗi Giáo Xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi người luôn phải sống hai khía cạnh đó: một đàng phải luôn đào sâu đức tin, sống gắn bó với Chúa nhiều hơn, đàng khác chúng ta không chỉ được sống cho mình mà phải biết chia sẻ đức tin cho anh em, càng biết đến với anh em, càng biết chia sẻ đức tin, biết loan báo Tin Mừng thì đức tin chúng ta càng vững chắc. Đó là chương trình của Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta. Có thể chúng ta nói mình yếu đuối, tọi lỗi, nhưng thành thật mà nói, chắc chúng ta không tội lỗi hơn thánh Phaolô, cũng không tội lỗi hơn thánh Phêrô; còn nếu nói chúng ta yếu đuối thì tôi nghĩ rằng thánh Phaolô và thánh Phêrô còn có lúc yếu đuối hơn chúng ta. Thiên Chúa đã tuyển chọn và làm những việc lạ lùng với những con người tội lỗi, yếu đuối đó. Chúng ta cũng được Chúa tuyển chọn và ban Thánh Thần của Ngài, thế thì tại sao chúng ta lại không đi trên con đường đó và không can đảm nhận lấy trách nhiệm và sứ vụ đó?

Cử hành trọng thể lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta cám ơn Chúa đã yêu thương và xây dựng Hội Thánh để Ngài luôn hiện diện giữa thế gian. Nhờ có Hội Thánh, chúng ta được tiếp xúc với Thiên Chúa và được dạy dỗ để đi trên con đường của Ngài. Tin vào điều đó nhưng đồng thời cũng tin Chúa trao cho chúng ta [ở trong Hội Thánh] sứ vụ làm chứng cho Ngài, vì Ngài không chỉ muốn cứu độ một nhóm người, nhưng Ngài muốn tình yêu cứu độ của Ngài phải được loan báo cho muôn dân. Chúng ta là những người mà Ngài đang cần đến, là những người mà Ngài tuyển chọn để thi hành sứ mạng đó.

Mừng lễ hai thánh tông đồ, chắc chắn chúng ta thêm niềm tin trong Hội Thánh, thêm niềm tin trong sứ vụ mà Chúa đã trao cho Hội Thánh. Noi theo gương hai Ngài, chúng ta luôn tuyên xưng cách vững chắc “ Ngài là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống”, Ngài là Đấng đã đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại, Ngài đã xây dựng và đã sai Hội Thánh tiếp nối công việc của Ngài. Hiểu và tin được điều đó, chúng ta đã góp phần xây dựng Hội Thánh trường tồn và lan rộng cho đến tận cùng thế giới.

Video liên quan

Chủ Đề