Nhân viên kỹ thuật máy tính là gì

KTV của DNTH Anpha đang bảo trì máy tính cho khách hàng.

Kỹ thuật viên máy tính [KTV] là nghề sửa chữa những lỗi phần mềm và phần cứng trên máy tính. Phần lớn những người đang hành nghề KTV đều còn khá trẻ...

* Họ là ai?

Những người hiện đang hành nghề KTV ở Bình Định chủ yếu là nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị tin học [DNTH]. Họ là những người đã tốt nghiệp ĐH, chuyên ngành Công nghệ thông tin [CNTT] và học qua lớp KTV, trong số đó phần lớn là những người đã tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ. Ông Võ Ngọc Vĩnh ­­­- Giám đốc Trung tâm Tin học Bình Định, cho biết: "Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian đào tạo KTV là 1 năm. Với thời gian trên, để đào tạo 1 KTV tốt là điều không dễ". Trên thực tế những công việc lẽ ra dành cho các KTV "chính hiệu" lại thuộc về những sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH chuyên ngành CNTT. Anh Như - cử nhân CNTT, đang làm việc tại một DNTH ở Quy Nhơn, cho biết: "Công việc hiện nay của mình là cài đặt máy tính mới, bảo hành và sửa chữa máy tính cho khách. Mình đến với nghề KTV chỉ là ngẫu nhiên. Hồi ở trường mình có học kiến thức nào liên quan đến sửa máy tính đâu, nhưng sau thời gian làm việc, va chạm với công việc cùng với kiến thức học được ở trường, thế là mình nghiễm nhiên trở thành KTV". DNTH còn là những nơi "nghỉ" chân của không ít sinh viên CNTT vừa ra trường. Để đắp vào khoảng thời gian trống khi chưa xin được một công việc ổn định, họ thường "đầu quân" vào các DNTH để nhận mức lương từ 400.000-600.000 đồng và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên họ sẵn sàng từ bỏ nghề KTV khi có công việc ổn định dù không ít các DNTH sẵn sàng chi trên dưới 1 triệu đồng/tháng để trả cho những người có tay nghề cao, như Infor Computer, Quy Nhơn Computer

Ông Ngô Văn Giai - Giám đốc DNTH Anpha, cho biết: "Những sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH chuyên ngành CNTT, tuy còn ít kinh nghiệm, nhưng so với những người đã qua lớp KTV thì họ có kiến thức cơ bản và khả năng tư duy tốt hơn nên dễ dàng thích ứng với công việc. Thời gian đầu chúng tôi trả cho họ từ 400.000-600.000đồng/tháng và sau đó tăng dần tuỳ theo năng lực chuyên môn. Tuy nhiên chỉ làm được thời gian là họ chuyển sang công tác cho một đơn vị khác thuộc Nhà nước mặc dù tại đây chúng tôi trả lương cao hơn".

* 1001 chuyện của nghề

Anh Sử Tín - Trưởng phòng kỹ thuật DN Tin học Anpha [Quy Nhơn], cho biết: "Một chiếc máy tính hỏng được chia làm hai loại: lỗi phần mềm và hỏng phần cứng. Phần mềm bao gồm hệ điều hành, chương trình cài đặt cho máy thông thường những lỗi này do người sử dụng gây ra. Phần cứng là những bộ phận máy tính như ổ CD, RAM, ổ đĩa cứng, nguồn thường thì khó sửa chữa và buộc phải thay. Lỗi phần mềm thì dễ sửa chữa, còn lỗi phần cứng thì khó hơn, KTV cần phải có kinh nghiệm mới có thể phát hiện những lỗi phần cứng. Ví dụ như máy bị hỏng RAM, thường phát ra âm thanh tít tít liên tục khi cho máy khởi động chẳng hạn".

Lỗi trên máy tính thường do chất lượng của máy và người sử dụng. Tuy nhiên với lỗi phần mềm, chủ yếu thường gặp ở những người ít kiến thức về tin học. Tập trung chủ yếu những thành phần này là máy tính gia đình mua về cho con học. Người sử dụng đã mày mò, và chỉ sau vài lần nhấp chuột vào những chương trình cài đặt hay chương trình phần mềm nào đó mà mình không biết là máy không hoạt động được. Anh Minh - một KTV của một DNTH ở Quy Nhơn, kể: "Chỉ mới đây thôi, DN mình làm vừa bán một chiếc máy tính cho một gia đình có con học lớp 9 ở huyện Hoài Ân. Chỉ 2 giờ sau khi giao máy xong là họ gọi vào Quy Nhơn bảo máy bị hỏng. Mình lập tức quay ra ngay, khi đến nơi bật máy lên thì hỡi ôi hệ điều hành Win 98 đã bị cậu chủ con xóa mất tiêu".

Sự thiếu am hiểu về máy tính của người sử dụng là kẻ hở cho không ít KTV lợi dụng để moi tiền. Anh Bích - một cử nhân CNTT, kể: "Tuần trước, mình về Phù Cát, đứa em nhờ mình sửa hộ chiếc máy tính hiệu Compaq PII-266, sau khi kiểm tra mình phát hiện lỗi phần mềm điều khiển hệ thống. Như vậy, chỉ cần dùng đĩa driver và phần mềm cài vào là xong. Vậy mà thằng em bảo, hôm trước cũng cái lỗi tương tự, một người sửa máy đến sửa với giá 150.000 đồng trong khi họ không hề thay một bất cứ đồ gì khác ngoài những thao tác cài đặt đơn giản".

* Lời kết

Được biết, ở Bình Định hiện có 3 điểm đào tạo KTV gồm Trường CNKT Quy Nhơn, Trung tâm Tin học Bình Định và Trung tâm Tin học Bà Triệu với tổng số lượng đầu ra khoảng 150 KTV/ năm. Tuy nhiên số KTV trên chỉ bằng 1/3 so với năm 2000. Điều này cho thấy nghề KTV dành cho những người theo học để hành nghề đã gần như không còn chỗ đứng. Vấn đề đặt ra cho những cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp kịp thời để mang lại đúng nghĩa cho những người được đào tạo để hành nghề KTV.

. Anh Lê

Video liên quan

Chủ Đề