Nguyễn đức thuận là ai

Nguyễn Đức Thuận, vị thủ lĩnh Công đoàn

Mỗi người thanh niên của chúng ta nên quan tâm suy nghĩ, dùng lý trí để tìm hiểu sự vật khách quan, tiếp thu sự giáo dục của tập thể, nắm quy luật khách quan mà hành động, đừng vì những ham muốn vật chất tầm thường mà bỏ phí cả tuổi thanh xuân

Xuất thân từ người thợ thủy tinh, trưởng thành từ phong trào công nhân [CN], đi cùng với CNLĐ cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Đó là Nguyễn Đức Thuận, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn [CĐ] VN. Năm 1964, thoát khỏi ngục tù Mỹ ngụy, Nguyễn Đức Thuận được tổ chức chuyển ra miền Bắc chữa bệnh. Giữa năm 1965 thể theo nguyện vọng, ông được Bác Hồ đưa về nhận nhiệm vụ ở Tổng CĐ VN. Mặc dù sức khỏe có hạn sau hai lần ngồi tù Côn Đảo, nhất là gần 8 năm nơi địa ngục trần gian ở các nhà tù Mỹ Diệm, Nguyễn Đức Thuận đã tập trung tất cả sức lực, tinh thần xây dựng tổ chức CĐ, nâng cao ý thức chính trị, bước đầu giáo dục tác phong công nghiệp, tổ chức kỷ luật, nâng cao tay nghề, tìm biện pháp cải thiện đời sống CN và nhân dân lao động. Tầm nhìn của người cộng sản chân chính Trong bài viết “Đào luyện thế hệ CN trẻ nhằm kế tục và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp CN” từ năm 1969, Nguyễn Đức Thuận đã thể hiện khá rõ những suy nghĩ và quyết tâm của mình với giai cấp CN. Ông khẳng định: “CĐ là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp CN, là trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, trường học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của giai cấp CN”. Ông chỉ đạo “CĐ cần hết sức quan tâm với việc giúp đỡ CN trẻ học tập tiến bộ về văn hóa, kỹ thuật. Trình độ văn hóa, nghề nghiệp của anh chị em nói chung còn thấp so với yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn nhanh chóng nâng cao năng suất lao động không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và sức khỏe mà then chốt là phải thực hiện cách mạng kỹ thuật”. Ý kiến này sau 39 năm vẫn còn phù hợp với giai đoạn hội nhập hiện nay. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã có nghị quyết “Tiếp tục xây dựng giai cấp CN VN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết tập trung đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho CN, đặc biệt là CN trẻ, CN xuất thân từ nông dân, nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để nước ta có một đội ngũ CN theo hướng trí thức hóa, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngày ấy, Nguyễn Đức Thuận còn nói thêm: “CĐ là người đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của toàn thể CN, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp có trách nhiệm chính trong việc tổ chức hướng dẫn phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, do yêu cầu cần thiết của sản xuất trong xí nghiệp, CĐ đề ra mục tiêu thi đua của CN, viên chức trong xí nghiệp. Nhưng để phù hợp với đặc điểm của tuổi trẻ, Đoàn thanh niên cần có những khẩu hiệu và hình thức động viên riêng nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào thi đua của CN, viên chức trong xí nghiệp. Đối với những sáng kiến và các phong trào của thanh niên, CĐ cần coi đó là những bộ phận của phong trào chung, hơn nữa là những mũi xung kích của phong trào mà vận động CN, viên chức hết sức ủng hộ, giúp đỡ và hưởng ứng”. Một tầm nhìn của người cộng sản chân chính rất đáng trân trọng.

Luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ Việc chăm sóc cho lớp trẻ, nhất là lớp người kế cận, ông Phạm Thế Duyệt [nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN], nhớ lại những ngày đầu về nhận công tác tại Tổng CĐ VN: “Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta hồi đó vô cùng khó khăn, sự khủng hoảng kinh tế, xã hội đã tác động bất lợi đến đời sống CNLĐ. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận luôn nghĩ làm gì để giữ được đời sống, việc làm của CNLĐ, để ba quỹ của xí nghiệp phải lớn [quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ khuyến khích sản xuất]”. Đặc biệt, “đồng chí đã chỉ đạo rất tích cực để cả hệ thống CĐ cũng góp phần vào việc chuẩn bị đường lối đổi mới ở Đại hội VI của Đảng”. Là người cộng sản kiên trung, một lòng với lý tưởng cách mạng, Nguyễn Đức Thuận luôn vì mọi người, vì dân tộc, vì thế hệ trẻ, luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ thể hiện mình. “Chúng tôi thiết tưởng mỗi người thanh niên của chúng ta nên quan tâm suy nghĩ, dùng lý trí để tìm hiểu sự vật khách quan, tiếp thu sự giáo dục của tập thể nắm quy luật khách quan mà hành động, đừng vì những ham muốn vật chất tầm thường mà bỏ phí cả tuổi thanh xuân. Đến khi tuổi đã xế chiều, kiểm điểm lại: ta đã làm gì có ích cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà đáp số lại bằng một dĩ vãng vô vị, thì, ôi thôi! Cũng một con người”. Đọc những dòng này của ông, tôi nghĩ ai cũng phải tự vấn lương tâm.

Bất khuất thấm đẫm máu và nước mắt

. Phạm Hùng [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ 1959-1971]: “Bất khuất là bản anh hùng ca sáng ngời chính nghĩa và khí tiết cách mạng của biết bao người cộng sản kiên cường, biết bao người VN bình thường, yêu nước nồng nàn, những chiến sĩ chỉ biết “đạp lên đầu thù mà đi”, làm cho quân thù phải khiếp phục, làm cho đồng chí và đồng bào cả nước phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta”.

. Hà Huy Giáp [Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương]: “Mỗi trang Bất khuất là một trang thấm máu và nước mắt, tràn đầy một sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, vang lên bài ca chiến thắng không bao giờ tắt”.

. Nguyễn Văn Huyên [Bộ trưởng Bộ Giáo dục]: Đây là một tấm gương sinh động để nhà trường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ thanh, thiếu niên. Những người “kỹ sư tâm hồn” phải lấy đó làm phương hướng để suy nghĩ, rèn luyện, hành động và sống cho xứng đáng với nhiệm vụ cao quý của mình”.

. Xuân Diệu [nhà thơ]: “Bất khuất là hồi ký quý giá, một kho chất liệu đặc biệt, ta có thể học tập được trong đó bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu hiểu biết về địch và ta; nó đánh dấu một bước quan trọng trong việc viết hồi ký tranh đấu”.

Vợ chồng Nguyễn Đức Thuận trong ngày cưới tại vùng kháng chiến Cà Mau

Nguyễn Đức Thuận, tên thật là Bùi Phong Tư, sinh năm 1916 tại xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1936 làm thợ thủy tinh ở Hà Nội; năm 1937 được kết nạp Đảng. Trưởng thành từ phong trào công nhân, Nguyễn Đức Thuận bị bắt và đày ra Côn Đảo 2 lần [thời Pháp và thời Mỹ Diệm]. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Ông là đại biểu Quốc hội khóa IV, V, VI, VII, Thường vụ Quốc hội khóa VI. Đại hội Đảng toàn quốc lần IV và V, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phó Chủ tịch Tổng CĐ VN từ năm 1966 đến tháng 8-1980, Nguyễn Đức Thuận là Chủ tịch Tổng CĐ VN, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp CĐ thế giới...

Nguyễn Đức Thuận từ trần ngày 4-10-1985. Ngày 5-12-2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1967, NXB Thanh niên ấn hành cuốn hồi ký Bất khuất của ông và trở thành sự kiện văn học cách mạng lúc bấy giờ. Trong hồi ký Bất khuất, Nguyễn Đức Thuận kể về những tháng ngày trong nhà tù Mỹ Diệm từ nhà lao P.42 [Sở thú] đến nhà lao Gia Định, nhà lao Trung tâm Thủ Đức, nhà lao Tổng nha và nhà tù Côn Đảo.

VU GIA

Video liên quan

Chủ Đề