Năm 2009 số người lớn nhiễm hiv là bao nhiêu năm 2024

Số người bắt đầu điều trị kháng virus trong năm 2010 là một con số kỷ lục với 1,4 triệu người, cao hơn bất kỳ năm nào trước đó. Theo báo cáo, có ít nhất 420 000 trẻ em đang được điều trị kháng virus vào cuối năm 2010, tăng hơn 50% so với con số 275 000 vào năm 2008.

Chia sẻ về điều này, ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS cho biết, tiếp cận đến điều trị HIV sẽ làm biến đổi ứng phó với AIDS trong thập kỷ tiếp theo và điều này đòi hỏi phải đầu tư cho việc mở rộng tiếp cận và tìm ra các lựa chọn mới cho việc điều trị. Điều trị HIV hiện là yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn nhất từ trước tới giờ, không chỉ giúp cứu người mà còn ngăn chặn việc lây truyền HIV sang phụ nữ, nam giới và trẻ em. Tuyên bố trên được đưa ra sau các kết quả công bố mới đây của cuộc thử nghiệm mang mã số HPTN052, cho thấy nguy cơ lây truyền HIV từ một người đang sống với HIV sang bạn tình không nhiễm HIV của người này có thể giảm tới 96% nếu người ấy được điều trị kháng virus hiệu quả.

Trong khi đó, bà Asha-Rose Migiro, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc thì cho rằng, các quốc gia cần phải sử dụng tối đa các kết quả nghiên cứu khoa học để ngăn chặn lây nhiễm HIV và tử vong do AIDS. Hiện nay, thế giới đang đứng trên một điểm rẽ trong ứng phó với AIDS. Mục tiêu thực hiện tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ phải trở thành hiện thực vào năm 2015.

Các nỗ lực dự phòng HIV đang mang lại kết quả

Theo báo cáo, tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm gần 25% trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2009. Tỷ lệ nhiễm mới HIV ở Ấn Độ đã giảm hơn 50% và ở Nam Phi là hơn 35%; cả hai quốc gia này đều có số người sống với HIV nhiều nhất so với các quốc gia khác trên cùng lục địa.

Bản báo cáo cũng cho thấy đến thập kỷ thứ ba của dịch, người dân đã bắt đầu có những hành vi tình dục an toàn hơn, cho thấy tác động của các nỗ lực dự phòng và nâng cao nhận thức về HIV. Tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống trong những lĩnh vực quan trọng. Nam thanh niên hiểu biết nhiều hơn nữ thanh niên về dự phòng HIV. Các nghiên cứu đánh giá về sức khỏe dân số gần đây cho thấy ước tính có tới 74% số nam thanh niên biết rằng bao cao su rất hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV, so với chỉ 49% trong nữ thanh niên.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai và sống với HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm trong thời gian mang thai, sinh nở và nuôi con bằng sữa mẹ, kết quả là việc dự phòng lây nhiễm trong trẻ em đã có bước tiến đáng kể. Số trẻ em lây nhiễm mới HIV trong năm 2009 thấp hơn 26% so với năm 2001.

Khoảng 115 quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình hiện đang cung cấp những phác đồ điều trị tối ưu cho phụ nữ mang thai và sống với HIV theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (WHO). 31 quốc gia vẫn còn đang sử dụng những phác đồ điều trị không tối ưu trong các chương trinh dự phòng HIV của mình. UNAIDS thúc giục tất cả những quốc gia còn đang sử dụng các phác đồ điều trị không tối ưu điều chỉnh hướng dẫn điều trị và chuyển dần sang những phác đồ điều trị tối ưu theo hướng dẫn của WHO.AIDS chưa chấm dứt-những thách thức lớn vẫn còn đó.

Theo ước tính mới nhất của UNAIDS, 34 triệu người đang sống với HIV vào cuối năm 2010 và gần 30 triệu người đã tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS kể từ khi ca AIDS đầu tiên được phát hiện cách đây 30 năm. Dù tiếp cận tới điều trị kháng virus đã được mở rộng, hiện vẫn còn một khoảng trống lớn về điều trị. Đến cuối năm 2010, có 9 triệu người đủ điều kiện mà không được điều trị. Tiếp cận của trẻ em tới dịch vụ điều trị thấp hơn so với người lớn – chỉ có 28% các em đủ điều kiện được tham gia điều trị vào năm 2009, so với 36% trong những người thuộc tất cả mọi lứa tuổi.

Dù tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm trên toàn cầu nhưng tổng số ca nhiễm HIV vẫn còn cao, khoảng 7000 ca mỗi ngày. Và việc số ca nhiễm mới giảm trên toàn cầu cũng che giấu tình hình khác nhau ở các lục địa. Theo báo cáo, số ca nhiễm mới giảm trên mức trung binh chỉ được ghi nhận ở khu vực cận Sahara thuộc châu Phi và ở Đông Nam Á, còn số giảm ở châu Mỹ La tinh và vùng Caribe khiêm tốn hơn, ở mức dưới 25%. Khu vực Đông Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ có số nhiễm mới HIV gia tăng.

Thực tế là ở tất cả các quốc gia, số hiện nhiễm HIV trong những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm và khách hàng, và những người chuyển giới, vẫn cao hơn số hiện nhiễm trong các nhóm dân cư khác. Tiếp cận tới dịch vụ dự phòng và điều trị HIV trong những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao nhìn chung thấp hơn do các bộ luật mang tính phân biệt và trừng phạt, do kỳ thị và phân biệt đối xử. Tính đến tháng 4 năm 2011, vẫn còn 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tội phạm hóa các quan hệ tình dục đồng giới; 116 quốc gia và vùng lãnh thổ tội phạm hóa một khía cạnh nào đó của mại dâm; và 32 quốc gia có các bộ luật cho phép xử tử hình đối với các vi phạm liên quan đến ma túy.

Cũng theo báo cáo, các bất bình đẳng về giới vẫn còn là một rào cản chính để ứng phó hiệu quả với HIV. HIV hiện vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản, và hơn một phần tư (26%) tổng số ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu là nữ thanh niên trong độ tuổi 15-24.

Suy giảm các nguồn lực tài chính dành cho AIDS

Theo báo cáo, đầu tư cho ứng phó với HIV ở các nước có thu nhập bình quân ở mức thấp và trung bình đã tăng lên gấp gần 10 lần trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2009, từ 1,6 tỷ đô-la Mỹ lên 15,9 tỷ. Tuy vậy, các nguồn lực quốc tế cho phòng, chống HIV đã giảm trong năm 2010. Vẫn còn nhiều quốc gia có thu nhập trung bình ở mức thấp phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài chính từ bên ngoài. Các nhà tài trợ quốc tế đóng góp ít nhất 70% ngân sách dành cho HIV ở 56 quốc gia.

Đề cập đến điều này, ông Michel Sidibé bày tỏ sự lo lắng khi thấy đầu tư quốc tế giảm sút trong khi ứng phó với AIDS đang mang lại kết quả cho mọi người. Ông cho rằng, nếu chúng ta không đầu tư bây giờ, chúng ta sẽ phải tiêu tốn gấp nhiều lần cho AIDS trong tương lai.

Được biết, khung đầu tư năm 2011 do UNAIDS và các đối tác đề xuất cho thấy ít nhất cần 22 tỷ đô-la Mỹ từ giờ cho đến năm 2015, nhiều hơn 6 tỷ so với ngân sách hiện có. Tác động mà nguồn vốn này tạo ra sẽ được tối ưu hóa khi nguồn tiền được dùng cho các chương trình ưu tiên phù hợp với tình hình dịch ở từng quốc gia. Ước tính khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích gồm ngăn chặn được 12 triệu ca nhiễm mới và cứu 7,4 triệu người khỏi tử vong vì AIDS từ giờ cho đến năm 2020. Số ca nhiễm mới sẽ giảm từ khoảng 2,5 triệu vào năm 2009 xuống còn khoảng 1 triệu vào năm 2015.

Quan điểm về AIDS của các nhà lãnh đạo trên thế giới

Vào lúc thế giới kỷ niệm 30 năm phòng, chống AIDS, UNAIDS ước tính có 34 triệu người đang sống với HIV và gần 30 triệu người đã chết vì AIDS kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1981 khi ca AIDS đầu tiên được phát hiện.

Bản báo cáo đưa ra bình luận của 15 nhà lãnh đạo ứng phó với AIDS trên toàn cầu, trong đó có Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Mali Amadou Toumani Touré và Chủ tịch Ủy ban liên minh châu Phi Jean Ping. Những bình luận này đề cập đến rất nhiều vấn đề về phòng chống AIDS như: cung cấp tài chính cho phòng chống AIDS, hợp tác Nam – Nam, vai trò lãnh đạo của thanh niên, trao quyền cho phụ nữ, các nhóm chính bị ảnh hưởng bởi AIDS, tiêm chích ma túy, các quyền con người, kỳ thị và phân biệt đối xử và liên kết các hệ thống.

Thanh niên đi đầu trong cuộc cách mạng dự phòng HIV

“Báo cáo AIDS 30 năm: Các quốc gia trên ngã rẽ đường” còn bao gồm một bài viết về một sự kiện gần đây được tổ chức trên đảo Robben, Nam Phi, trong đó Tổng giám mục Desmond Tutu, đồng Chủ tịch Ủy ban cấp cao về dự phòng HIV của UNAIDS trao cây gậy lãnh đạo của công cuộc phòng, chống AIDS cho một thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ tuổi.

Theo bản báo cáo, lớp thanh niên đã ãnh đạo một số can thiệp thành công quan trọng nhất trong dự phòng HIV. Số liệu cho thấy thanh niên tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi AIDS đang ngày càng có những hành vi tình dục an toàn hơn.