Lãi suất được tính như thế nào

- Lãi suất ngân hàng chính là giá của quyền sử dụng một khoản tiền trong một thời hạn nhất định mà người sử dụng khoản tiền ấy phải trả cho người sở hữu khoản tiền. Lãi suất ngân hàng thường được thể hiện bằng tỉ lệ phần trăm, phần nghìn hoặc phần vạn trên số tiền gửi hoặc cho vay trong một thời hạn nhất định (năm, tháng, ngày). Lãi suất tiền gửi và cho vay có thể cao thấp khác nhau tùy theo thời gian gửi hoặc vay dài hay ngắn, tùy loại ngân hàng, phương thức trả trước hay trả sau và tùy vào từng thời kì.

- Lãi suất ngân hàng là tỷ lệ giữa mức lãi với tiền vốn gửi vào hoặc cho vay trong một thời kì hay tỉ lệ giữa chi phí phải trả trên một lượng tiền nhất định để được sử dụng lượng tiền ấy trong khoảng thời gian do ngân hàng quy định hoặc thoả thuận phù hợp với hệ thống ngân hàng và với những khách hàng trao đổi nghiệp vụ với ngân hàng.

2. Phân loại lãi suất ngân hàng 

Lãi suất ngân hàng (bao gồm ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác) được phân thành nhiều loại khác nhau dựa trên cơ sở của các tiêu chí phân loại khác nhau.

2.1 Lãi suất theo nguồn sử dụng

Lãi suất ngân hàng được phân thành lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động là lãi suất mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác đưa ra khi huy động tiền gửi và là loại lãi suất quy định tỉ lệ lãi phải trả cho các hình thức nhận tiền gửi của khách hàng. Lãi suất cho vay là lãi suất mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác đưa ra để thu của người vay tiền. Lãi suất cho vay ở Việt Nam chủ yếu có ba loại là lãi suất cho vay của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, lãi suất của các tổ chức tín dụng với nhau và lãi suất của tổ chức tín dụng với khách hàng.

2.2 Lãi suất theo giá trị thực

Lãi suất ngân hàng được chia thành hai loại là lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực. Lãi suất danh nghĩa là loại lãi suất được xác định một kì hạn gửi hoặc vay, thể hiện trên quy ước giấy tờ được thoả thuận trước. Lãi suất thực là loại lãi suất xác định giá trị thực của khoản lãi được trả hoặc thu được sau khi đã trừ đi tỈ lệ lạm phát. Thông thường, trong nền kinh tế luôn có lạm phát nên lãi suất danh nghĩa bao giờ cũng cao hơn lãi suất thực.

2.3 Lãi suất theo thời gian

Lãi suất ngân hàng được chia thành ba loại là lãi suất huy động cho vay ngắn hạn, lãi suất huy động cho vay trung hạn và lãi suất huy động cho vay dài hạn.

Lãi suất ngân hàng cũng có thể được chia thành lãi suất đơn và lãi suất kép. Lãi suất đơn là tỉ lệ theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số tiền vay ban đầu để tính lãi thời hạn kế tiếp. Lãi suất kép là tỉ lệ theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số tiền vay, số tiền vay này tăng lên do có gộp lãi qua từng thời kì cho vay.

2.4 Lãi suất theo phương thức trả

Lãi suất ngân hàng được chia thành lãi suất trả trước và lãi suất trả sau. Lãi suất trả trước là lãi suất được tính trước và tính vào phần tiền gửi. Lãi suất trả sau là lãi suất mà sau kì hạn gửi tiền người gửi mới được nhận.

2.5 Theo chức năng của các ngân hàng

Lãi suất ngân hàng được chia thành lãi suất ngân hàng nhà nước và lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Lãi suất ngân hàng nhà nước là lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định trong hoạt động ngân hàng. Lãi suất ngân hàng nhà nước gồm có lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu. Lãi suất cơ bản là lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do ngân hàng nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn. Lãi suất tái chiết khấu là hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi ngân hàng nhà nước tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng.

Lãi suất của các tổ chức tín dụng là lãi suất mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác áp dụng trong giao dịch với khách hàng. Lãi suất của các tổ chức tín dụng bao gồm các loại như lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, lãi suất thoả thuận, lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất thoả thuận là mức lãi suất do các tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng trong hoạt động tín dụng thương mại. Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất thoả thuận giữa các tổ chức tín dụng với nhau trong việc vay các khoản vốn ngắn hạn.

3. Quy định về lãi suất ngân hàng

Theo quyết định 1729/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:

- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:

- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm.

- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5%/năm.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 và thay thế Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

- Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.

Theo quyết định 1730/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đới với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 điều 13 thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.

-  Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 và thay thế Quyết định số 920/QĐ-NHNN ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.

- Lãi suất áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay được ký kết trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay.

4. Thực trạng lãi suất ngân hàng trong tình hình dịch bệnh Covid 19

Theo báo cáo nhanh hàng tuần từ các TCTD, đến ngày 26/07/2021, các TCTD đã: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng;cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt  4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (đến 26/07/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với  3.192.080 ​khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.  ​​

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, rất nhiều tỉnh thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng mục tiêu kép vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Ngay từ khi có dịch COVID-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả DN lớn, DN nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình DN, mỗi ngành nghề.

Trao đổi với báo chí Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, mới đây nhất dưới sự định hướng và chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức 16 TCTD họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4000 tỷ của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…

“Đáng chú ý, lần này, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, tác động tiêu cực mọi mặt kinh tế - xã hội, sự vào cuộc kịp thời, thực chất và có hiệu quả của Ngân hàng thông qua các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất sẽ là “cứu cánh” người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh trong lúc này. Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các NHTM giảm sâu các loại phí cho khách hàng. Đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Trên đây là nội dung bài viết về lãi suất ngân hàng và quy định lãi suất ngân hàng của công ty Luật Minh Khuê. Trân trọng./