Kinh tế đêm là gì

Bạn trẻ vui chơi ở một quán bar tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TP.HCM tối 8-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo một cựu lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm cho mở cửa đến 6h sáng, là thách thức lớn đòi hỏi VN phải có cách làm táo bạo mới cạnh tranh được với những "trung tâm" sát cạnh như Bangkok, Pattaya, Singapore, Macau...

Mục tiêu còn rất xa

"Hiện nay ngay Hà Nội và TP.HCM cơ bản không có gì đủ hấp dẫn kéo khách chơi tới sáng" - vị này nói và cho rằng không nhất thiết phải mở toang dịch vụ nhạy cảm nhưng phải có một quần thể dịch vụ với loại hình mới mẻ, có quản lý tốt như trò chơi có thưởng, câu lạc bộ đêm... Tuy nhiên sẽ còn rất xa và cần quyết tâm VN mới tạo được hàng trăm ngàn việc làm với thu nhập cao cho những người làm dịch vụ đêm như một số TP trong khu vực.

Từ lâu TP Nha Trang [tỉnh Khánh Hòa] đã có một số loại hình phục vụ du khách về đêm như chợ đêm Yến sào Khánh Hòa, Yasaka, Tropicana Shopping... Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Vinh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, chia sẻ ông từng học tập, đi nhiều nước Đông Âu và Tây Âu, thấy bạn bè người nước ngoài đến Nha Trang đều trầm trồ rằng Nha Trang quá tuyệt vời nhưng cũng đặt câu hỏi tại sao không phát triển kinh tế về đêm. "Tôi thấy rằng Nha Trang hiện nay chẳng có gì để chơi thâu đêm tới sáng" - ông Vinh nói.

Ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - nhìn nhận Nha Trang còn thiếu nhiều dịch vụ về đêm, đặc biệt là chưa đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế. "Các dịch vụ như mua sắm, ẩm thực, trung tâm mua sắm hàng hiệu, lễ hội văn hóa về đêm còn hạn chế, chưa hình thành một khu rộng lớn mang tầm khu vực và quốc tế" - bà Thanh nói.

Hành lang pháp lý phải rõ ràng

Thái Lan phát triển mạnh kinh tế ban đêm khiến nhiều nước phải học theo và họ thu lợi lớn. Singapore sau một thời gian không chào đón đã chấp nhận phát triển ngành casino và thu lợi nhiều. Theo một doanh nghiệp đầu tư dịch vụ có casino, ngành casino có thể nộp ngân sách bằng thu ngân sách của nhiều tỉnh hiện nay.

Tuy nhiên, ngoài các biện pháp kiểm soát cần thiết theo thông lệ, VN kiểm soát chặt, ngay quảng cáo cũng "không đọc được, không nghe được, không thấy được" thì rất khó cạnh tranh. Thực tế VN đã tham khảo nhiều quy định của Singapore và một số quốc gia khác nhưng không đầy đủ, dường như chỉ lấy cái siết chặt. Như Singapore cho mở casino ngay trung tâm thành phố, trong khi VN đưa các dự án kinh doanh casino tuốt ra những nơi còn hạn chế về phát triển hạ tầng, đi lại khó khăn nên lỗ là bình thường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng nên thay đổi tư duy quản lý với các ngành kinh doanh dịch vụ casino, vui chơi có thưởng. Việc cấm đoán khiến ngành phát triển bất chấp pháp luật và vi phạm pháp luật sẽ không ổn.

Tại nhiều nước thu hút khách du lịch tốt như Mỹ, theo ông Toàn, các sòng bài ở Las Vegas không chỉ là nơi đánh bạc cho những người có nhu cầu mà còn là nơi tham quan, tổ hợp dịch vụ vui chơi. Do đó nếu ngành này phát triển vừa góp phần quảng bá thu hút du lịch, vừa đóng góp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thuế cho Nhà nước.

Ông Toàn cũng cho rằng trong thời đại kinh tế số, nhu cầu phát triển các ngành mới là tất yếu, khó ngăn cấm được. Vì vậy cơ sở hành lang pháp lý cần cởi mở hơn, tạo cơ sở cho nhà đầu tư hoạt động. Tuy nhiên, nên vừa làm vừa thử nghiệm.

Sẽ thử nghiệm cho kinh doanh dịch vụ nhạy cảm?

Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ mới đây nhấn mạnh cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế ban đêm như hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm.

Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực, rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thử nghiệm chính sách kinh doanh dịch vụ nhạy cảm theo hướng hợp thức hóa một số loại hình hoạt động giải trí với người trưởng thành nhằm tăng sức hút với khách du lịch.

Nhiều địa phương tìm cách gỡ khó cho kinh tế đêm

B.NGỌC - D.THANH - N.AN

Mô hình những “thành phố không ngủ” 

Thực chất Việt Nam chưa có kinh tế ban đêm mà chỉ có hoạt động về đêm là các điểm vui chơi giải trí, chợ đêm, cửa hàng tiện lợi, phố đi bộ... ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch với thời gian kết thúc vào lúc 23 hoặc 24 giờ.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đến nay, cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và có khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó có hệ thống cửa hàng Circle K có mặt tại Việt Nam năm 2008 và đến năm 2013 hoạt động theo mô hình 24/7. 

Từ lâu, một số hoạt động ban đêm đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Điển hình có các khu chợ đêm trong phố cổ và tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm [Hà Nội] diễn ra vào 3 ngày cuối tuần, thu hút khoảng 3.000 đến 5.000 người vào ban ngày và càng tăng thêm sức hút vào ban đêm với khoảng 20.000 người. 

Từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch mở phố đi bộ và chợ đêm vào năm 2016, đến nay, Hà Nội đã tổ chức hơn 300 sự kiện văn hoá với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, thành trong cả nước và 17 quốc gia trên thế giới.

Vào những dịp có sự kiện lớn, dòng người đổ về khu vực trung tâm, phố đi bộ và chợ đêm có thể lên đến hơn 30.000 người. Nhờ có hoạt động kéo dài vào ban đêm mỗi dịp cuối tuần, thu ngân sách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2018 đạt 7.728 tỷ đồng. 

TP Hồ Chí Minh được đánh giá là có hoạt động về ban đêm sôi động nhất cả nước với chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đặc biệt là phố đi bộ Bùi Viện lúc nào cũng đông đúc. Bên cạnh đó, thành phố năng động này cũng đã hình thành các khu phố kinh doanh về đêm tập trung vào ẩm thực, cà-phê, trình diễn nghệ thuật và đang có kế hoạch phát triển phố chuyên kinh doanh ẩm thực đêm một cách bài bản như phố Nguyễn Thượng Hiền, khu Phan Xích Long, phố người Hoa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng…

Tích cực triển khai các hoạt động kinh tế ban đêm từ rất sớm nhưng tháng 10-2019, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch đối với ba nhóm dịch vụ chính, gồm ẩm thực, vui chơi giải trí và dịch vụ mua sắm nhằm hình thành những không gian, mô hình giải trí mới cho một “thành phố không ngủ”. 

Dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa và đường Nguyễn Tất Thành có các khu cắm trại, tắm biển đêm, chiếu phim trên biển, các khu ẩm thực... giữ chân du khách.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức trên các tuyến đường dọc bờ sông Hàn với điểm nhấn là cầu Rồng phun lửa, phun nước lúc 21 giờ, cầu Sông Hàn quay lúc 23 giờ... 

Thế nhưng nhìn ra thế giới sẽ thấy kinh tế ban đêm của Việt Nam còn nghèo nàn và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. 

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm [Hà Nội], năm 2016, doanh thu của các hộ kinh doanh mở cửa đến 2 giờ sáng tăng hơn 50% nhưng đến năm 2018 chỉ còn tăng khoảng 30%, khiến số hộ đăng ký hoạt động ban đêm ngày càng giảm xuống. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thiếu hấp dẫn vì đến Việt Nam không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm.

Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam luôn thấp so với các thị trường khác, bởi nhiều nghiên cứu đều cho thấy chi tiêu của du khách vào ban ngày chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ ban đêm.

Kích thích tiêu dùng nội địa và du lịch

Dịch bệnh Covid-19 buộc Việt Nam phải tiếp cận và chuyển sang cấu trúc phát triển khác, trong đó, bổ sung kinh tế ban đêm là một động lực mới cho tăng trưởng.

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm được Chính phủ phê duyệt hướng tới 2 mục tiêu chính: kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch. Trên cơ sở đó, các địa phương thuộc danh sách thí điểm thực hiện sẽ bắt tay xây dựng đề án phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

Đà Nẵng đang nghiên cứu triển khai các sản phẩm dịch vụ về đêm, coi đây là đòn bẩy vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là giúp ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 được khống chế, vừa mang tính chiến lược lâu dài là phát triển kinh tế ban đêm.

Đà Nẵng sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế ban đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, quy hoạch đồng bộ và ban hành cơ chế thích hợp để phát huy vai trò dịch vụ giải trí đêm và đảm bảo an tinh, an toàn đô thị. Trước đây, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch An Thượng; phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi dịch vụ giải trí đêm ở khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi… Bây giờ là lúc Đà Nẵng cân nhắc, xem xét khởi động lại những dự án này, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kinh tế đêm hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia. Việt Nam chưa thực sự có kinh tế ban đêm và chưa có cơ quan nào thống kê, đo lượng, định lượng đầy đủ các hoạt động kinh tế ban đêm cũng như mức đóng góp vào kinh tế nói chung nhưng lĩnh vực này còn dư địa lớn để phát triển. 

Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ có sẵn liên quan đến các vấn đề đất đai, nhân lực, công nghệ… như đối với kinh tế thông thường. Khuyến khích cho người đi tiên phong vì thời gian đầu, mức độ quan tâm của du khách, người tiêu dùng có thể còn thấp, chưa tạo được doanh thu như kỳ vọng.

Trong số các nhóm giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm được Chính phủ đặt ra hàng đầu nhằm đánh giá đúng về phạm vi, vai trò của bộ phận kinh tế này.

Đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm. Tiếp đến là tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro. 

Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm.

Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm. 

Nghiên cứu, đánh giá tương tác giữa chính sách phát triển kinh tế ban đêm và các mô hình, hoạt động kinh tế mới/hiện đại khác để có những giải pháp đủ toàn diện, đồng bộ.

Đồng thời nghiên cứu các giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm như chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt.

TÔ HÀ

Video liên quan

Chủ Đề