Kinh nghiệm đánh giá cán bộ tại hà nội

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ. Sự chủ động này chắc chắn sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian tới.

Hơn ba năm qua, việc hằng tháng cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội đều được chấm điểm với thước đo là hiệu quả công việc... đã tạo nên lực đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ, bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm. Qua triển khai, không ít mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong thực tế, khắc phục được tình trạng hình thức khi đánh giá, với phương pháp nhiều chiều, khoa học, ra sản phẩm cụ thể.

Kinh nghiệm đánh giá cán bộ tại hà nội

Cán bộ tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Yêu cầu cao hơn

Các đơn vị đã triển khai đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ theo từng tuần, tháng, quý, gắn với cơ chế khen thưởng, xử phạt rõ ràng. 100% đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, cấp ủy, chính quyền hưởng lợi rất nhiều khi công việc "chạy", hiệu quả nâng lên. Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả đạt được, mới đây, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU, thay thế Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16/5/2018 về việc ban hành quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức.

Theo Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, việc sửa đổi nhằm đánh giá cán bộ đa chiều, liên tục, bảo đảm nguyên tắc và quy trình, dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch. Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Kết quả hằng tháng là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm. Và sẽ là tiền đề cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ… Tiến tới thực hiện việc quản lý tình hình, kết quả đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng năm thông qua phần mềm thống nhất từ Thành phố đến cơ sở.

Đây chỉ là một trong nhiều đầu việc được Thành ủy thực hiện ngay để sớm cụ thể hóa Chương trình số 01 về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trước đó, ngay từ giữa năm 2021, với tinh thần khẩn trương, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên đã được Thành ủy ban hành, đó là Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo" đã được ban hành. Nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cán bộ, cũng như các khâu còn hạn chế. Đó là một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ. Hệ thống các quy chế, quy định chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Tính liên thông trong các khâu của công tác cán bộ chưa được phát huy; còn tình trạng chỉ chú trọng bổ nhiệm cán bộ, xem nhẹ các khâu khác...

Đồng bộ các giải pháp

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, với bốn quan điểm chỉ đạo, bốn mục tiêu cụ thể, năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nghị quyết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp Thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đối với công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Thành ủy dự báo xu hướng phát triển của Thành phố để có kế hoạch chuẩn bị nguồn cán bộ từ sớm; quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, liên tục. Cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải tự đề xuất nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm, bố trí vào chức danh quy hoạch... Thành ủy sẽ ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị Thành phố; có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ.

Giải pháp mạnh khác là sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa; để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của Thành phố; tín nhiệm thấp.

Tiếp tục bổ sung các giải pháp, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố". Tăng cường phát hiện, điều động cán bộ có năng lực, kết quả công tác tốt, có chiều hướng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ; đồng thời thay thế, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong năm 2022, Thành phố sẽ tập trung hơn nữa cho công tác cán bộ, trọng tâm là lãnh đạo công tác quy hoạch cán bộ các cấp và triển khai kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ bảo đảm vừa đào tạo, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, vừa phòng, chống tiêu cực. Đây là yêu cầu, cũng chính là giải pháp để Thành phố cụ thể một cách hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025./.