Khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng là gì

Bài viết cung cấp một số giải pháp để hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến khối lượng công việc phát sinh tại các bước đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng.

TÓM TẮT: Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng [HĐXD], bên cạnh khái niệm về khối lượng công việc hoàn thành là khái niệm về công việc phát sinh, đây đều là các công việc được thực hiện bởi nhà thầu theo quy định của hợp đồng và pháp luật. Trong bối cảnh pháp luật xây dựng Việt Nam hiện nay chưa quy định một cách tập trung và cụ thể vấn đề này, hơn nữa rất nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng chỉ điều chỉnh các dự án có nguồn vốn nhà nước.

Bài viết nghiên cứu và làm rõ về khái niệm khối lượng công việc phát sinh, nguyên nhân phát sinh tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh, cách xác định khối lượng công việc phát sinh trong quy định của pháp luật Việt Nam và một số mẫu hợp đồng điển hình thường được sử dụng trong thực tiễn tại Việt Nam. Và cuối cùng, bằng kinh nghiệm và góc nhìn của tác giả là luật sư, bài viết cung cấp một số giải pháp để hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến khối lượng công việc phát sinh tại các bước đàm phán, ký kết và thực hiện HĐXD.

ABSTRACT: In the process of performing the construction contract, besides the definition of the quantity of work done, there is another definition namely the arising works that present the works to be fulfilled by the Contractor according to the contract and the provisions of law. In the context of Vietnamese construction law, such provisions have not yet been really crystal clear and just focus on governing projects having the state capital, this study points out the definition of variation quantity, reasons for arising disputes from the employer and contractor, the determination of the variation quantity in accordance with the law of Vietnam, and a number of the common standard construction contract templates which is commonly used in practice in Vietnam. Finally, from the perspective and experience of a lawyer, the study also provides some methods to limit the legal disputes related to the arising works at the stage of the negotiation and conclusion and performance of construction contracts.

  1. Giới thiệu

Tranh chấp khối lượng công việc phát sinh là một trong những tranh chấp xây dựng xảy ra thường xuyên trong ngành Xây dựng. Nguyên nhân là do tại thời điểm giao kết HĐXD, các bên không lường trước được hết các công việc phát sinh yêu cầu nhà thầu phải thực hiện để hoàn thành công việc. Trên thực tế, việc xác định khối lượng phát sinh là không dễ dàng vì thông thường các bên sẽ không thống nhất về khối lượng thực tế công việc phát sinh và không thống nhất được đơn giá đối với từng hạng mục công việc nếu HĐXD chưa thỏa thuận đơn giá cho hạng mục công việc mới phát sinh.

Việc xác định khối lượng công việc phát sinh có ý nghĩa quan trọng trong xác định trách nhiệm của các bên trong HĐXD. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, rà soát của tác giả, hiện nay chưa có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, những người có mong muốn tìm hiểu, xem xét về công việc phát sinh và các khía cạnh của loại tranh chấp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các nguồn tham khảo có giá trị và hữu ích.

Do đó, nghiên cứu này mong muốn làm rõ hơn về các thuật ngữ, các quy định của pháp luật cũng như thực tế các tranh chấp liên quan đến khối lượng phát sinh ở Việt Nam. Mục đích nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng thể về tranh chấp liên quan đến khối lượng phát sinh trên cơ sở các quy định pháp luật của Việt Nam và các mẫu hợp đồng xây dựng thông thường được các bên lựa chọn áp dụng ở Việt Nam.

II. Định nghĩa về khối lượng công việc phát sinh theo quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam

Khối lượng công việc phát sinh là thuật ngữ khá phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và đối với người làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa thống nhất về khối lượng công việc phát sinh.

Theo quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam, trong quá trình thực hiện HĐXD, các bên có thể thỏa thuận về các loại điều chỉnh và thay đổi như sau [i] Thỏa thuận điều chỉnh về khối lượng công việc trong HĐXD; [ii] Thỏa thuận điều chỉnh đơn giá và giá HĐXD; và [iii] Thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thi công. Trong phạm vi bài viết này chỉ xem xét và nghiên cứu về vấn đề điều chỉnh khối lượng công việc trong khi thực hiện HĐXD.

Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 [“Luật Xây dựng 2014”] điều chỉnh tất cả các dự án trên lãnh thổ Việt Nam không phân biệt dự án vốn Nhà nước được liệt kê trong Điều 1.2 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Điều 1.2 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Điều 1.2 Thông tư số 07/2016/TT-BXD [sau đây gọi chung là “Dự án có vốn Nhà nước”] hay các dự án không phải là Dự án có vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, với đặc thù của pháp luật xây dựng Việt Nam, có rất nhiều văn bản hướng dẫn của Luật Xây dựng 2014 chỉ tập trung điều chỉnh riêng về dự án có vốn Nhà nước. Các văn bản pháp luật này được khuyến khích áp dụng cho tất cả các dự án xây dựng khác bằng cách các bên trong HĐXD đưa ra lựa chọn đồng ý áp dụng các văn bản pháp luật này. Vì vậy, khi nghiên cứu về công việc phát sinh nói chung các quy định tại các văn bản trên điều chỉnh về Dự án có vốn Nhà nước có thể được sử dụng để nghiên cứu và tham khảo.

Theo thông lệ trên thực tế, khi đàm phán và ký kết HĐXD các bên trong quan hệ hợp đồng sẽ thỏa thuận và lập ra một danh sách các công việc chi tiết cụ thể, thường được gọi là Bảng khối lượng [được viết tắt là “BOQ”] để làm cơ sở thực hiện cho nhà thầu thực hiện các công việc theo hợp đồng. Nói cách khác, mọi công việc thuộc BOQ sẽ là công việc theo hợp đồng; trong khi đó, công việc không thuộc BOQ sẽ là công việc phát sinh ngoài phạm vi công việc của hợp đồng [sau đây gọi là “công việc phát sinh”]. Khối lượng công việc phát sinh sẽ là cơ sở để nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thanh toán nếu chúng đáp ứng [các] điều kiện/thủ tục theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận hợp đồng đã được các bên ký kết.

Theo quy định tại Nghị định số 37/20015/NĐ-CP, công việc phát sinh đối với từng loại HĐXD khác nhau sẽ khác nhau, cụ thể là: [i] Đối với hợp đồng thi công xây dựng, công việc phát sinh là các công việc được nhà thầu thực hiện không thuộc phạm vi công việc theo thiết kế của chủ đầu tư và/hoặc đại diện của chủ đầu tư; và [ii] Đối với hợp đồng tư vấn, công việc phát sinh là các công việc được thực hiện không thuộc nhiệm vụ tư vấn do nhà thầu thực hiện theo hợp đồng.

Do đó, có thể hiểu khối lượng công việc phát sinh là khối lượng các công việc phát sinh thêm trong quá trình các bên thực hiện HĐXD và nằm ngoài phạm vi các công việc đã thỏa thuận tại hợp đồng đã được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc có thể giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu và đề cập đến khối lượng công việc phát sinh trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu [sau đây gọi là “các bên” hoặc “bên” nếu đề cập đến cụ thể hoặc là chủ đầu tư hoặc là nhà thầu].

III. Khối lượng công việc phát sinh theo quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam và các mẫu HĐXD thường được sử dụng trên thực tế

3.1. Khối lượng công việc phát sinh theo Luật Xây dựng hiện hành

3.1.1. Quyền yêu cầu công việc phát sinh

Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, nhà thầu bao gồm nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế - mua sắm - xây dựng [EPC], và nhà thầu chìa khóa trao tay đều có quyền đề xuất với chủ đầu tư các công việc phát sinh ngoài phạm vi công việc của HĐXD mà các bên đã ký kết.

3.1.2. Việc xác định khối lượng công việc phát sinh

  1. Đối với các Dự án có vốn Nhà nước

Nếu việc bổ sung thêm giá trị khối lượng công việc phát sinh không làm vượt giá gói thầu được duyệt, chủ đầu tư và nhà thầu xem xét, thống nhất và lập phụ lục hợp đồng ghi nhận về phần khối lượng công việc phát sinh;

Trường hợp nếu giá trị phần công việc phát sinh làm vượt giá gói thầu được phê duyệt phải do người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Trường hợp không thỏa thuận được, khối lượng của phần công việc phát sinh được cấu thành một gói thầu mới và việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu phát sinh này thực hiện theo quy định pháp luật liên quan được quy định tại Điều 37.2 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

  1. Đối với dự án không phải là Dự án có vốn Nhà nước

Nhìn chung, dự án không phải là Dự án có vốn Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013, trừ một số trường hợp các bên lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu 2013. Đối với dự án không phải là Dự án có vốn Nhà nước, hiện nay không có quy định nào quy định thủ tục ký phụ lục hợp đồng như đối với Dự án có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, theo Điều 17.3 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, khi phát sinh công việc, chủ đầu tư, giám sát thi công của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu phải xem xét hướng xử lý. Khối lượng công việc phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán hợp đồng thi công xây dựng công trình.

Như vậy, để có cơ sở yêu cầu chủ đầu tư thanh toán phần công việc phát sinh nhà thầu phải đệ trình và được sự chấp thuận của chủ đầu tư liên quan đến khối lượng công việc phát sinh. Việc ghi nhận sự chấp thuận của chủ đầu tư nên được thể hiện bằng văn bản với tên gọi trên thực tế khác nhau như Phụ lục hợp đồng, Biên bản thỏa thuận, hoặc Đề nghị của nhà thầu và được chủ đầu tư ký xác nhận. Không giống với các Dự án có vốn Nhà nước, pháp luật cũng không có quy định điều chỉnh về trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cách thức giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn liên quan đến công việc phát sinh.

Theo quy định của pháp luật xây dựng, nhà thầu có quyền từ chối thực hiện công việc phát sinh mà không có sự thỏa thuận giữa các bên theo 28.1[a] của Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp, việc hoàn thành công việc phát sinh là điều kiện bắt buộc để nhà thầu có thể tiếp tục thực hiện hạng mục công việc tiếp theo theo quy định của HĐXD. Vì vậy, trong trường hợp chủ đầu tư không thiện chí trong việc đàm phán thống nhất về công việc phát sinh mà nhà thầu vẫn muốn tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng, trong thực tế, rất nhiều trường hợp nhà thầu đã không thể lựa chọn sử dụng quyền này theo quy định của pháp luật.

3.1.3. Đơn giá của công việc phát sinh

Nếu công việc phát sinh đã có đơn giá quy định trong hợp đồng, đơn giá công việc phát sinh tính theo đơn giá quy định trong hợp đồng theo Điều 19.9 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Trường hợp các công việc phát sinh mà trong hợp đồng chưa quy định đơn giá hoặc phương pháp xác định đơn giá, các bên phải thống nhất đơn giá hoặc phương pháp xác định đơn giá để thi công các công việc đó trước khi thực hiện.

3.1.4. Công thức tính giá trị khối lượng công việc phát sinh

Pháp luật hiện hành không đưa ra công thức cụ thể để tính toán giá trị khối lượng công việc phát sinh. Tuy nhiên, theo thông lệ trên thực tế, công thức tính giá trị khối lượng công việc phát sinh được xác định bằng khối lượng công việc phát sinh nhân [x] với đơn giá được các bên thống nhất trong hợp đồng hoặc trong các văn bản thỏa thuận khác.

3.1.5. Điều kiện để được thanh toán giá trị khối lượng công việc phát sinh

Theo Điều 20 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, đối với tất cả các loại HĐXD, bảng tính giá trị công việc phát sinh là một trong các tài liệu của bộ hồ sơ thanh toán HĐXD. Các bảng tính này sẽ được coi là bằng chứng thể hiện khối lượng công việc phát sinh nếu chúng được chủ đầu tư, nhà tư vấn [nếu có] và nhà thầu xác nhận. Hơn nữa, Điều 17.3 của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định xác nhận của chủ đầu tư và/hoặc đại diện của chủ đầu tư đối với công việc phát sinh là căn cứ để thanh toán, quyết toán HĐXD công trình.

Như vậy, để có cơ sở yêu cầu chủ đầu tư thanh toán giá trị khối lượng công việc phát sinh, trước tiên nhà thầu phải đệ trình đề xuất khối lượng công việc phát sinh với chủ đầu tư và cố gắng đạt được thỏa thuận với chủ đầu tư về khối lượng và đơn giá cho công việc phát sinh. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và có xác nhận của chủ đầu tư và/hoặc nhà tư vấn [nếu có] mới là cơ sở để nhà thầu được chủ đầu tư thanh toán cho khối lượng công việc phát sinh.

3.2. Khối lượng công việc phát sinh theo các mẫu HĐXD thường được sử dụng trên thực tế

3.2.1. Mẫu hợp đồng theo Thông tư số 09/2016/TT-BXD

Các quy định về khối lượng công việc phát sinh theo Thông tư số 09/2016/TT-BXD được xây dựng theo các quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam được đề cập tại mục 3.1 nêu trên. Đặc biệt là mẫu hợp đồng theo Thông tư số 09/2016/TT-BXD có đưa ra Bảng xác định khối lượng phát sinh công việc tại Phụ lục 4 đính kèm mẫu hợp đồng.

Bảng xác định khối lượng phát sinh công việc bao gồm các thông tin sau:

Tại phần đầu của Bảng xác định khối lượng công việc phát sinh là các thông tin về tên công trình, tên và số hợp đồng, thông tin về bên giao thầu [chủ đầu tư], thông tin về bên nhận thầu [nhà thầu], giai đoạn thanh toán hoặc các lần thanh toán, cơ sở xác định khối lượng công việc phát sinh;

Phần tiếp theo là phần bảng tính toán để xác định giá trị công việc phát sinh; và

Phần cuối văn bản này là phần ký và xác nhận của bên giao thầu [chủ đầu tư], thông tin về bên nhận thầu [nhà thầu].

Các thông tin cần điền vào bảng tính cụ thể như sau:

3.2.2. Mẫu hợp đồng theo FIDIC

Các mẫu hợp đồng của FIDIC thường được các bên sử dụng bao gồm: Điều kiện hợp đồng xây dựng [“CONS”], Điều kiện hợp đồng nhà máy và thiết kế - xây dựng [“P&DB”], và Điều kiện hợp đồng đối với dự án EPC/Chìa khóa trao tay [“EPCT”] [sau đây gọi chung là các “Mẫu hợp đồng FIDIC”]. Để xác định khối lượng công việc phát sinh theo các Mẫu hợp đồng FIDIC, các bên cần thực hiện theo thủ tục biến đối [tiếng Anh là “Variation”] thường được quy định tại Điều 13 của các Mẫu hợp đồng FIDIC, cụ thể như phân tích dưới đây:

  1. Quyền được biến đổi

Nhà tư vấn đối với CONS và P&DB và chủ đầu tư đối với EPCT có thể tiến hành biến đổi bất kỳ lúc nào trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu công trình, bằng cách chỉ dẫn hoặc bằng cách yêu cầu nhà thầu nộp đề xuất.

Ngoài ra, nhà thầu cũng có quyền tự mình nộp cho nhà tư vấn một bản đệ trình đề nghị một sự biến đổi.

  1. Các trường hợp được coi là biến đổi

P&DB và EPCT chỉ quy định rằng một biến đổi sẽ không bao gồm việc bỏ sót bất kỳ công việc nào do người khác thực hiện và không liệt kê các trường hợp cụ thể được coi là thay đổi;

Ngược lại, CONS lại đưa ra các trường hợp cụ thể được coi là biến đổi, bao gồm:

[i] Thay đổi về khối lượng của bất kỳ hạng mục công việc nào có trong hợp đồng [tuy nhiên, những thay đổi đó không nhất thiết tạo thành thay đổi],

[ii] Thay đổi về chất lượng và các đặc trưng khác của bất kỳ hạng mục công việc nào;

[iii] Thay đổi cao độ, vị trí và/hoặc kích thước của bất kỳ phần nào của công trình;

[iv] Sự bỏ sót của bất kỳ công việc nào trừ khi nó được thực hiện bởi những người khác;

[v] Bất kỳ công việc, thiết bị, vật liệu hoặc các dịch vụ bổ sung cần thiết cho công trình vĩnh cửu, bao gồm bất kỳ thử nghiệm khi hoàn thành, các hố khoan và các công việc thử nghiệm và thăm dò khác, hoặc;

[vi] Thay đổi về trình tự hoặc thời gian thi công công trình.

  1. Thủ tục biến đổi

[i] Bước 1: Đề xuất một biến đổi

Biến đổi có thể được bắt đầu theo một trong các trường hợp sau:

- Thứ nhất là, nhà tư vấn đưa ra chỉ dẫn hoặc yêu cầu nhà thầu nộp đề xuất để bắt đầu biến đổi. nhà thầu phải trả lời bằng văn bản ngay khi có thể, bằng cách đưa ra lý do tại sao nhà thầu không thể tuân thủ [nếu đúng như vậy] hoặc bằng cách đệ trình các tài liệu sau:

• Mô tả về công việc được đề xuất sẽ được thực hiện và một chương trình để thực hiện nó;

• Đề xuất của nhà thầu về bất kỳ sửa đổi cần thiết nào đối với chương trình theo Khoản 8.3 [Chương trình tiến độ] và thời gian hoàn thành; và

• Đề xuất của nhà thầu về đánh giá sự biến đổi.

- Thứ hai là, nhà thầu đệ trình cho nhà tư vấn một đề xuất bằng văn bản mà [theo ý kiến của nhà thầu], nếu được thông qua, sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành hoặc giảm chi phí của chủ đầu tư trong việc thi công, bảo trì hoặc vận hành công trình, hoặc nâng cao hiệu quả hoặc giá trị cho chủ đầu tư của công trình đã hoàn thành, hoặc nếu không mang lại lợi ích cho chủ đầu tư.

[ii] Bước 2: Xác định giá trị biến đổi

[iii] Bước 3: Hướng dẫn về việc thực hiện biến đổi

Đối với trường hợp việc yêu cầu thủ tục biến đổi do nhà tư vấn hoặc chủ đầu tư, sau khi nhà tư vấn/chủ đầu tư sau khi nhận đề xuất từ nhà thầu xác định đề xuất cấu thành một biến đổi, nhà tư vấn sẽ đưa ra hướng dẫn để thực hiện việc biến đổi cùng với yêu cầu ghi nhận về chi phí sẽ được cung cấp cho nhà thầu. Có thể hiểu, sau khi xác định có biến đổi, nhà tư vấn đưa ra hướng dẫn về việc thực hiện biến đối và ghi nhận cả chi phí phát sinh [nếu có] để thực hiện biến đổi.

Như vậy, mặc dù quy trình, thủ tục để phê duyệt một biến đổi/ công việc phát sinh theo các Mẫu hợp đồng FIDIC có thể khác so với quy định của pháp luật xây dựng Việt Nam, tuy nhiên đều tựu chung lại rằng nhà thầu muốn được thanh toán biến đổi/công việc phát sinh đều phải được sự phê duyệt/chấp thuận trước của chủ đầu tư và/hoặc nhà tư vấn.

Ngoài ra cần lưu ý thêm rằng, đối với việc áp dung các Mẫu hợp đồng FIDIC, các bên có thể thảo luận và sửa đổi, bổ sung một hoặc một số điều khoản được quy định trong Mẫu hợp đồng FIDIC bằng cách sửa đổi và/hoặc bổ sung các quy định của Mẫu hợp đồng FIDIC tại Điều kiện riêng; và theo Điều 1.5 của các Mẫu hợp đồng FIDIC quy định về thứ tự ưu tiên của các Tài liệu hợp đồng, Điều kiện riêng sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa Điều kiện chung [chính là nội dung theo Mẫu hợp đồng FIDIC] và Điều kiện riêng.

IV. Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh

  1. Các biện pháp giảm thiểu tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh

5.1. Trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng

Các bên có thể thỏa thuận về các loại công việc có thể được xem là công việc phát sinh tùy theo đặc thù của từng loại HĐXD; quy định rõ ràng để trình tự, thủ tục xác định khối lượng công việc phát sinh; và quy định bổ sung về thời hạn phản hồi khi một bên nhận được yêu cầu đề xuất công việc phát sinh nếu không phản hồi trong thời gian quy định có thể xem là chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên đề xuất.

5.2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng

Các bên cần tuân thủ các nghĩa vụ trong hợp đồng, đặc biệt đối với nhà thầu cần thực hiện đầy đủ các thủ tục để được chủ đầu tư phê duyệt hoặc chấp thuận về khối lượng công việc phát sinh và thực hiện quyền từ chối thực hiện các công việc phát sinh ngoài phạm vi công việc của hợp đồng mà không có thỏa thuận trước hoặc không đạt được thống nhất về giá trị khối lượng công việc phát sinh.

Ngoài ra, các bên cần lưu ý việc lưu trữ tài liệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên, đặc biệt là đối với nhà thầu. Nhà thầu nên lưu giữ tài liệu thể hiện nhà thầu đã nộp đề xuất về cơ sở pháp lý công nhận khối lượng công việc phát sinh, bảng tính toán giá trị khối lượng công việc phát sinh và bằng chứng thể hiện việc chủ đầu tư đã nhận được các tài liệu này do nhà thầu gửi.

Liên quan đến việc lưu trữ tài liệu này, có một số vấn đề mà các bên cần lưu ý như sau:

Đối với thủ tục tố tụng tại Tòa án: Tòa án yêu cầu nguồn chứng cứ là tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu đó là bản chính hoặc bản sao đã được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp và chứng thực theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Đối với thủ tục tố tụng tại Trọng tài: Theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại không đề cập cụ thể về yêu cầu đối với nguồn chứng cứ là tài liệu đọc được. Tuy nhiên, trên thực tế tố tụng tại Trọng tài, các trọng tài không đặt ra yêu cầu các tài liệu phải được công chứng, chứng thực được như Tòa án. Trừ trường hợp một bên chứng minh được rằng tài liệu, nguồn chứng cứ đó là giả mạo, không chính xác, các trọng tài có thể sẽ yêu cầu bên còn lại cung cấp các tài liệu là bản chính hoặc bản sao đã được công chứng, chứng thực để kiểm tra, đối chiếu.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên có thể cân nhắc xem xét tham vấn với đơn vị tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng trong tất cả các quá trình thực hiện HĐXD, bao gồm: Đàm phán, ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp xây dựng để lựa chọn cách thức, biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong tương quan mối quan hệ HĐXD với các đối tác.

VI. Kết luận

Tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh còn có rất nhiều vấn đề có thể nghiên cứu và phân tích thêm. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung đưa ra và làm rõ các vấn đề cơ bản nhất về khối lượng công việc phát sinh và một số nội dung khác có liên quan đến tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh. Từ việc xem xét các nguyên nhân phát sinh tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh giữa chủ đầu tư và nhà thầu, bài viết đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu các tranh chấp liên quan đến khối lượng công việc phát sinh trong các quá trình thực hiện HĐXD.

Các nội dung nghiên cứu này được thực hiện dựa trên sự hiểu biết về pháp luật xây dựng Việt Nam, về các Mẫu hợp đồng FIDIC và kinh nghiệm hành nghề thực tế của luật sư. Do đó, nghiên cứu này được kỳ vọng rằng có thể mang tính ứng dụng phần nào trong thực tiễn và có giá trị tham khảo cho nhân sự của chủ đầu tư và nhà thầu, các nhà nghiên cứu và các độc giả khác có quan tâm đến lĩnh vực xây dựng có thể hiểu rõ hơn về các quy định HĐXD liên quan đến khối lượng công việc phát sinh và các tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh.

Chủ Đề