Khí từ nhiên được tấn dụng để chạy nhà máy Điện Đạm tại

Đạm Cà Mau: Chuẩn bị 300.000 tấn phân đạm phục vụ vụ Đông Xuân 2018

Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành hoàn toàn dựa vào nguồn khí tự nhiên khai thác tại khu vực ngoài khơi Việt Nam, hàng năm cần đến 500 triệu m3 khí để đáp ứng công suất 800.000 tấn/năm, tương đương 2.350 tấn urea/ngày.

Nhà máy Đạm Cà Mau tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn khí từ đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau

Sau 6 năm đi vào sản xuất, hiện tại Đạm Cà Mau đã cung cấp ra thị trường gần 5 triệu tấn phân đạm cho nền nông nghiệp nước nhà, giúp tiết kiệm đến gần 1,5 tỷ USD nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhờ thế mạnh là nguồn nguyên liệu khí với giá bán hợp lý thay vì sử dụng than chi phí cao như một số đơn vị khác, Đạm Cà Mau luôn duy trì trạng thái sản xuất ổn định, đều đặn cung ứng nguồn phân bón chất lượng với giá thành hợp lý cho bà con, không để xảy ra tình trạng sốt phân – tăng giá, điều mà trước đây luôn xảy ra khi vào vụ.

Theo dự báo trong năm 2018, sản lượng khí tại PM3 Cà Mau cấp cho sản xuất điện và đạm sẽ có sự sụt giảm và Nhà máy đạm Cà Mau sẽ khó có đủ nhiên liệu khí đầu vào để chạy 100% công suất và đương nhiên nguồn cung phân đạm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Vì vậy, để đảm bảo kế hoạch sản xuất phân đạm cao nhất trong năm 2018, Đạm Cà Mau đang đẩy nhanh việc nghiên cứu đầu tư chuyển đổi một số thiết bị phụ trợ trong Nhà máy từ sử dụng khí sang sử dụng điện và các nguồn nguyên liệu thay thế khác nhau. Việc triển khai này sẽ giúp tiết kiệm nguồn nhiên liệu khí chuyển sang cho sản xuất phân đạm.

Nguồn khí và giá khí của Đạm Cà Mau đã được nhà nước ưu đãi suốt thời gian qua là để phục vụ cho nhu cầu bức thiết của nông nghiệp nước nhà, chuyển hóa thành động lực phát triển nền kinh tế. Trong mục tiêu chiến lược mới, Đạm Cà Mau sẽ luôn nỗ lực tối đa để có thể duy trì nhà máy hoạt động tốt, cho năng suất ổn định phục vụ bà con nông dân cả nước.

Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [PVN] đang xúc tiến đàm phán với Petronas [Malaysia] tăng thêm sản lượng khí PM3 Cà Mau và đẩy nhanh tiến độ dự án khí lô B Ô Môn để phục vụ sản xuất điện và phân đạm.

Trước mắt, Đạm Cà Mau đã chuẩn bị 300.000 tấn phân đạm phục vụ cho vụ Đông Xuân 2018.

***

Số: 14/BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày  26  tháng 2  năm 2007

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG QUỐC GIA

KHÍ - ĐIỆN - ĐẠM TẠI BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Kính trình Quốc hội

Ngày 05 tháng 12 năm 1997, tại Kỳ họp thứ 2, Khoá X, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về dự án Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu bao gồm 15 dự án thành phần từ khai thác, vận chuyển đến chế biến và tiêu thụ khí do các Tổng công ty: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Hoá chất Việt Nam và Thép Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 6.095 triệu USD. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và nỗ lực của các chủ đầu tư, đến nay sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều dự án quan trọng của Công trình đã được triển khai, hoàn thành và mang lại hiệu quả kinh tế–xã hội thiết thực cho đất nước.

 Các kết quả chính đạt được qua việc triển khai Công trình này là hệ thống các mỏ khí Lan Tây- Lan Đỏ thuộc lô 06.1 đã được phát triển, khí đồng hành từ các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông đã được thu gom. Đã xây dựng được hai hệ thống đường ống dẫn khí từ hai bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn, hệ thống các công trình trên bờ như Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ với công suất 6,5-7 tỷ m3/năm, Kho cảng Thị Vải, Nhà máy chế biến khí hoá lỏng Dinh Cố, Nhà máy chế biến condensate tại Thị Vải, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, v.v... Đã hình thành và phát triển được một trung tâm Khí-Điện-Đạm lớn nhất cả nước gồm 6 nhà máy điện, với tổng công suất đặt 3.830 MW , chiếm khoảng 30% công suất hệ thống điện cả nước và nhà máy đạm Phú Mỹ đáp ứng 30% nhu cầu cả nước. Các dự án được đưa vào vận hành đều phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện và phân đạm cho đất nước, phát triển được thị trường khí đốt, phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, đồng thời góp phần hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Thành công của Công trình quan trọng quốc gia này là do có sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp liên quan như Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, ....đặc biệt là nhờ có nghị quyết đúng đắn và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, các Bộ có liên quan và những đóng góp tích cực của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương nơi triển khai dự án.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia, Chính phủ đã tổng kết thực hiện Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm  Bà Rịa-Vũng Tàu với các tiêu chí sau:

1. Đánh giá việc thực hiện các dự án thành phần so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội khóa X thông qua.

2. Đánh giá hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và trách nhiệm quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan đối với từng dự án thành phần đã được thực hiện.

3. Đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến sự thay đổi hoặc phải dừng của một số dự án thành phần. Các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Dự án.

Báo cáo tổng kết được chia thành 2 phần:

Phần 1: Thuyết minh chung

A. Tổng quan về Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu

B. Tổng kết các dự án thành phần thuộc Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa-Vũng Tàu

C. Tổng kết đánh giá Công trình và những bài học kinh nghiệm

D. Kết luận và kiến nghị

Phần 2: Các phụ lục

Chính phủ xin báo cáo Quốc hội về việc tổng kết việc thực hiện Công trình quan trọng quốc gia Khí–Điện–Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu, như sau:

Phần 1

THUYẾT MINH CHUNG

A. Tổng quan về Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu

Năm 1995, khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ thuộc bể Cửu Long bắt đầu được thu gom và đưa vào bờ dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện Bà Rịa. Tại bể Nam Côn Sơn, trữ lượng xác minh tại chỗ của hai mỏ Lan Tây–Lan Đỏ đã được đánh giá và được phê duyệt ở mức 57 tỷ m3. Các cấu tạo thuộc bể Nam Côn Sơn như Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh v.v lần lượt được phát hiện có chứa khí, condensate, từng bước được thẩm lượng để phát triển và khai thác.

Với lợi thế là hợp chất hữu cơ, có nhiệt trị cao, dễ vận chuyển và sạch, khí đồng hành và khí tự nhiên được sử dụng để làm nguyên liệu cho công nghiệp hoá dầu, sản xuất phân đạm và làm nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như phát điện, luyện kim, vật liệu xây dựng, chuyển đổi các động cơ xăng, diezen và  phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu phát triển các ngành kinh tế quốc dân, Chính phủ đã trình Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 xem xét thông qua các công trình quan trọng [văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997], trong đó có Công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu bao gồm 15 dự án thành phần nhằm phát triển và tiêu thụ toàn bộ 7.710 triệu m3 khí/năm từ bể Cửu Long và Nam Côn Sơn với tổng mức đầu tư vào khoảng 6.000 triệu USD. Kết quả đánh giá vào thời điểm nói trên đã chỉ rõ việc thực hiện Công trình này có thể mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế, thể hiện ở các mặt sau:

- “Tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp trong các nhà máy và hàng chục vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm của các dự án và các ngành phụ trợ khác.

- Tạo thêm nguồn năng lượng lớn  khoảng 3000 MW, với giá rẻ hơn so với giá bán điện bình quân hiện nay.

- Tạo nên thu nhập cho ngân sách Nhà nước gồm thuế tài nguyên, thuế doanh thu và thuế lợi tức:

+ Thu từ bán khí: Tối thiểu bằng 50% sản lượng khí. Đến năm 2001 sẽ tiêu thụ khoảng 10,5 tỷ m3, thu cho ngân sách từ bán khí dự kiến khoảng 500 triệu đô la Mỹ [tính với giá bán khí bình quân 10 cent/m3 hay 2,3 USD/triệu BTU – giá bán cho điện hiện nay là 9 cent/m3 hay 2,0 USD/triệu BTU].

+ Thu từ thuế doanh thu bán điện: ước tính tổng điện năng phát từ các nhà máy chạy bằng khí trong thời gian 1997 – 2000 tối thiểu là 15 tỷ kWh, với thuế doanh thu 8% sẽ vào khoảng 74 triệu đô la Mỹ.

+ Thu thuế lợi tức từ tất cả các dự án [trừ thượng nguồn] vào khoảng 60 – 80 triệu đô la Mỹ.”

[Trích văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997]

Ngày 05 tháng 12 năm 1997, tại kỳ họp thứ 2, Khoá X, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về dự án Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu [Phụ lục 1].

Công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu được triển khai từ cuối năm 1997, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Chính phủ đã có báo cáo số 115/BC-CP ngày 20 tháng 9 năm 2006 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó kiến nghị với Quốc hội:

- Công nhận hoàn thành Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm này với 9 dự án thành phần và giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình theo quy định.

- Cho phép tách 2 dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 450MW và chuyển đổi nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi Công trình quan trọng quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định.

- Cho phép dừng 4 dự án [ sản xuất Methanol, dự án sản xuất quặng hoàn nguyên, dự án nhà máy điện Wartsila tại Bà Rịa và dự án nhà máy điện AMATA tại Thủ Đức] vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

B. Tổng kết các dự án thành phần thuộc Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa-Vũng Tàu

I. Các dự án đã thực hiện

1.         Dự án phát triển mỏ khí thiên nhiên Lan Tây - Lan Đỏ [Lô 06.1]:

Kế hoạch phát triển mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt [Quyết định số 261/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2000] với một số nội dung chính như sau: công suất khai thác trung bình 2,7 tỷ m3/năm, vốn đầu tư khoảng 507 triệu USD, thực hiện theo hình thức Hợp đồng phân chia sản phẩm giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tham gia 20% và các nhà thầu nước ngoài tham gia 80% gồm ONGC [Ấn Độ]: 45%, BP [Anh]: 35%.

Dự án phát triển mỏ khí thiên nhiên Lan Tây-Lan Đỏ bao gồm:

- Một giàn nén cố định có cả 3 chức năng: Xử lý khí, Nén khí và Nhà ở;

- 07 giếng khai thác: 05 giếng ở Lan Tây; 02 giếng ở Lan Đỏ.

Dự án bắt đầu được triển khai xây dựng từ tháng 01 năm 2001 và hoàn thành vào tháng 01 năm 2003, bắt đầu vận hành thương mại vào ngày 25 tháng 4 năm 2003. Dự án được hoàn thành đúng tiến độ nhờ Nhà điều hành BP đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án, quản lý dự án và giám sát chất lượng công trình đồng thời các chủ đầu tư, đặc biệt là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã quản lý thực hiện dự án chặt chẽ thông qua việc xem xét, điều chỉnh phù hợp đối với các đề xuất của Nhà điều hành về dự kiến sản lượng khí khai thác hàng năm và các dự toán chi phí đầu tư và vận hành để có kế hoạch phát triển mỏ, kế hoạch sản xuất hàng năm và kinh phí đầu tư/vận hành phù hợp.

Theo thiết kế, công suất khai thác là 13 triệu m3 khí/ngày. Từ đầu năm 2005, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí của cụm điện-đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu, giàn khai thác Lô 06.1 đã vận hành với công suất tối đa. Sản lượng khai thác cộng dồn đến hết tháng 11 năm 2006 đạt 10,66 tỷ m3 khí.

Tổng vốn đầu tư của dự án đến 31 tháng 10 năm 2006 khoảng 567,3 triệu USD trong đó tổng vốn đã góp của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khoảng 110,8 triệu USD. Tổng chi phí vận hành từ 2003 đến 31 tháng 10 năm 2006 khoảng 95,9 triệu USD, trong đó Tổng công ty Dầu khí Việt Nam góp khoảng 19,2 triệu USD.

Sau khi dự án thành phần này hoàn thành và đưa vào sử dụng, tính đến 30 tháng 11 năm 2006, doanh thu bán khí và condensate [chưa trừ cước vận chuyển và thuế VAT] cộng dồn khoảng 1,503 tỷ USD; riêng phần thu của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Nhà nước khoảng 588 triệu USD; dự án đã thu hồi được khoảng 552,4 triệu USD và lợi nhuận đạt được khoảng 552,2 triệu USD.

Hiệu quả kinh tế dự án tốt hơn so với Báo cáo Nghiên cứu Khả thi [BCNCKT] do giá bán khí được quy định cụ thể trong Hợp đồng mua bán khí và sản lượng khí khai thác cao hơn dự kiến do nhu cầu khí để phát điện tăng trong hai năm vừa qua.

2.         Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn:

Đường ống từ các mỏ Lan Tây–Lan Đỏ tới Phú Mỹ dài 398 km [trong đó có 362 km ngoài biển], đường kính 26 inch, công suất vận chuyển khí theo thiết kế đạt 19,8 triệu m3/ngày đêm [tương đương khoảng 6,3 tỷ m3/năm]. Giai đoạn 1 vận chuyển với khối lượng 10,078 triệu m3/ngày đêm [tương đương khoảng 2,7 tỷ m3/năm] với tổng số vốn đầu tư là 504,9 triệu USD trong đó Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tham gia 51%, các nhà thầu BP [UK] tham gia 32,67% và Statoil [Nauy] - nay đã chuyển nhượng cho Conoco Phillips [Hoa kỳ] tham gia 16,33% được thực hiện theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh [BCC].

BP được giữ vai trò là Nhà điều hành trong giai đoạn đầu từ ngày 26 tháng 11 năm 2002 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 và sẽ chuyển vai trò điều hành cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

Dự án có Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được phê duyệt là 504,9 triệu USD, được các bên đóng góp theo tỷ lệ tham gia [trong đó Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thu xếp 257,5 triệu USD]. Mức đầu tư giai đoạn 2 dự kiến là 77 triệu USD.

Hợp đồng vận chuyển khí đã được ký kết và Chính phủ đã cấp Giấy phép đầu tư ngày 15 tháng 12 năm 2000.

Các dự án thành phần bao gồm:

 - Đường ống dẫn khí đường kính 26” từ các mỏ Lan Tây- Lan Đỏ đến Trạm xử lý khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố dài 378,5 km, trong đó phần ngoài khơi dài 370 km, phần trên bờ dài 8,5 km. Đường ống này vận hành theo chế độ 2 pha tại áp suất 160 bar, có công suất vận chuyển tối đa đạt 7 tỷ m3/năm [19,8 triệu m3/ngày];

- Trạm xử lý khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố có công suất giai đoạn 1 là 3,7 tỷ m3/năm; trạm được đặt tại xã An Ngãi, huyện Long Đất, Bà Rịa–Vũng Tàu. Trạm gồm các hệ thống công nghệ, đo lường, điều khiển tự động, điện, cấp thoát nước, cứu hỏa, và nhiều hệ thống phụ trợ khác.

- Tuyến ống khí trên bờ từ Trạm xử lý khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố đến Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ dài 29 km, đường kính 30”. Tuyến ống này vận chuyển khí khô lên Phú Mỹ để phân phối cho các hộ tiêu thụ, làm việc tại áp suất 65 bar, công suất 7 tỷ m3/năm.

Ngày 26 tháng 11 năm 2002, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã được đưa vào hoạt động tương đối đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Từ khi bắt đầu hoạt động đến hết năm 2006, hệ thống đường ống Nam Côn Sơn đã vận chuyển, xử lý 11,04 tỷ m3 khí, riêng năm 2006 vận chuyển, xử lý 4,06 tỷ m3 khí và dự kiến năm 2007 sẽ vận chuyển, xử lý khoảng 4,2 tỷ m3.

Đây là dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí thiên nhiên đầu tiên được thực hiện theo hình thức BCC của Việt Nam với khối lượng công việc rất lớn và tiến độ gấp. Dự án được chia ra 34 gói thầu để thực hiện theo quy định đấu thầu của Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của công ty mẹ, Nhà điều hành BP đã tổ chức thực hiện thành công dự án chỉ chậm tiến độ 20 ngày vì lý do Nhà điều hành BP chậm làm thủ tục cấp phép vận hành cho công trình theo quy định. Các chủ đầu tư, đặc biệt là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động triển khai dự án như có đại diện tại cơ sở thiết kế để phê duyệt kịp thời, tham gia công tác chấm thầu.v.v. Ban Điều phối đã phát huy tác dụng chỉ đạo Nhà điều hành qua các cuộc họp thường kỳ. Bộ máy điều hành của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã tích cực xử lý, giúp Lãnh đạo có các quyết định chính xác, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam mà không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ngày 17 tháng 11 năm 2006, Lô 11.2 đã tổ chức Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên, dự kiến năm 2007 sẽ cung cấp khoảng 1,4 tỷ m3 khí vào bờ thông qua đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Đến năm 2010, khi các mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh được phát triển và khai thác, lượng khí vận chuyển của đường ống Nam Côn Sơn sẽ đạt công suất thiết kế.

Sau khi dự án thành phần này được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổng chi phí quyết toán công trình tạm tính vào tháng 4 năm 2005 là 426,8 triệu USD trong đó Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đóng góp là 215,9 triệu USD. Chi phí này thấp hơn tổng mức đầu tư 78 triệu USD. Tính đến cuối năm 2005, doanh thu cộng dồn [của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam] khoảng 191 triệu USD, chi phí vận hành cộng dồn của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khoảng 58,87 triệu USD, lợi nhuận trước thuế khoảng 57,75 triệu USD.

Hiệu quả kinh tế dự án tốt hơn so với BCNCKT do cước phí vận chuyển khí được quy định cụ thể trong Hợp đồng vận chuyển khí và sản lượng khí vận chuyển qua đường ống trong thời gian vừa qua cao hơn dự kiến  qua các lần nâng công suất vận chuyển của hệ thống đường ống: lần đầu năm 2004 nâng lên 11,4 triệu m3/ngày, lần thứ hai cuối năm 2005 lên 13,2 triệu m3/ngày, lần thứ ba năm 2006 lên 15 triệu m3/ngày và đầu năm 2007 lên 20 triệu m3/ngày góp phần giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong các mùa khô.

3.         Dự án khí trên bờ:

3.1.         Hệ thống thu gom sử dụng khí Bạch Hổ:

BCNCKT và Thiết kế tổng thể cho toàn bộ các dự án thuộc Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng [nay là Thủ tướng Chính phủ] phê duyệt tại Quyết định số 07-CT ngày 07 tháng 01 năm 1992 và BCNCKT điều chỉnh, bổ sung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/TTg ngày 07 tháng 5 năm 1993. Thiết kế tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/TTg ngày 04 tháng 11 năm 1994. Dự án bao gồm các dự án thành phần, cụ thể như sau:

3.1.1 Dự án thu gom khí và giàn nén khí trung tâm tại mỏ Bạch Hổ:

Mục đích của dự án là thu gom khí đồng hành trước đây vẫn bị đốt bỏ, nén tăng áp suất lên 125 bar để:

a] Đưa vào đường ống vận chuyển vào bờ để  tiếp tục xử lý, sau đó cung cấp cho các nhà máy điện và đạm Phú Mỹ;

b] Sử dụng để gaslift trong khai thác dầu;

c] Cung cấp khí làm nhiên liệu cho giàn nén.

Nhà thầu xây lắp là Bouygues Offshore Samsung [chân đế và các module], Samsung Heavy Industries [vật tư thiết bị, vận chuyển, lắp đặt] và Nhà thầu thiết kế - EIL Ấn độ và Tư vấn quản lý dự án – Worley đã tham gia xây dựng dự án này.

Tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 152,8 triệu USD, giá trị quyết toán công trình là 145,3 triệu USD.

3.1.2 Dự án thu gom khí Rạng Đông:

            Mục đích của dự án là để tận thu nguồn khí đồng hành từ các mỏ thuộc bể Cửu Long và khai thác tối đa công suất của hệ thống thu gom vận chuyển khí Bạch Hổ-Phú Mỹ, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường. Cuối năm 2001, Liên doanh dầu khí Vietsovpetro thực hiện thu gom khí đồng hành của mỏ Rạng Đông về giàn Bạch Hổ bằng đường ống 16 inch dài 46 km, bổ sung thêm 2 triệu m3 khí/ngày đêm vào bờ.

            Tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 484,8 triệu VND, tổng dự toán được duyệt là 490,5 triệu VND, giá trị quyết toán công trình là 454,6 triệu VND. [Báo cáo quyết toán ngày 04 tháng 01 năm 2005].

3.1.3 Nhà máy xử lý khí Dinh Cố:

Xử lý khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp khí khô cho các hộ tiêu thụ chủ yếu là điện và thu hồi các sản phẩm lỏng có giá trị kinh tế cao [condensate, Butane, Propane] cung cấp cho thị trường trong nước. Đây là công trình quan trọng trong hệ thống thu gom sử dụng khí Bạch Hổ, đặt tại xã An Ngãi, huyện Long Đất, Bà Rịa–Vũng Tàu.

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố do nhà thầu SamSung xây dựng năm 1997 và đi vào hoạt động năm 1999 với công suất tách 4,5 triệu m3 khí khô/ngày đêm, 150.000 tấn condensate/năm và 300.000 tấn LPG/năm.

Tổng dự toán được duyệt là 79,84 triệu USD, giá trị quyết toán công trình được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 30 tháng 01 năm 2003 là 77,04 triệu USD và 23,59 tỷ VND.

Hiện nay nhà máy nhận khoảng 6 triệu m3 khí ẩm từ hệ thống đường ống Rạng Đông-Bạch Hổ, cung cấp 4,5 triệu m3 khí khô/ngày đêm cho nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ 2.1&2.1 mở rộng và nhà máy đạm Phú Mỹ; 150.000 tấn condensate/năm và 300.000 tấn LPG/năm cho thị trường nội địa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án được thực hiện phù hợp với BCNCKT. Công tác quản lý dự án tốt, tuân thủ các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Công trình được giải ngân theo khối lượng công việc hoàn thành theo đúng quy định của các hợp đồng. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

Sản phẩm LPG và condensate của nhà máy xử lý khí Dinh Cố là sản phẩm lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam góp phần tiết kiệm ngoại tệ, hiệu quả kinh tế cao.

3.1.4. Dự án tuyến ống và Kho cảng Thị Vải:

Dự án do các nhà thầu Việt Nam thiết kế, mua sắm, lắp đặt và chạy thử. Dự án bao gồm 03 tuyến ống đường kính 6 inch, vận chuyển các sản phẩm condensate, propane và butane dài 25 km từ nhà máy xử lý khí Dinh Cố đến Kho cảng Thị Vải có sức chứa khoảng 6.600 tấn LPG, 8.500 tấn condensate và 2 cầu cảng [5.000 tấn và 20.000 tấn].

Dự án được khởi công vào tháng 4 năm 1997. Tuyến ống dẫn sản phẩm lỏng được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu cuối năm 1999; Kho cảng Thị Vải được đưa vào sử dụng từng phần từ tháng 10 năm 2000. Toàn bộ dự án đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu vào tháng 8 năm 2001.

Tổng dự toán của dự án được phê duyệt là 71,262 triệu USD, tổng giá trị thực hiện theo quyết toán giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu vào tháng 01 năm 2007 khoảng 64 triệu USD.

Biên bản nghiệm thu ngày 07 tháng 8 năm 2001 của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã đưa ra 163 tồn đọng của phần công nghệ. Đến tháng 9 năm 2004, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã xử lý xong tất cả các tồn đọng và Trung tâm đo lường chất lượng 3 đã cấp chứng chỉ cho các thiết bị đo đếm thương mại của dự án.

Công việc xử lý lún của hệ thống đường ống công nghệ, thiết bị tại Kho cảng Thị Vải đã được nhà thầu thực hiện trong quá trình thi công; riêng nhà điều khiển, nhà đặt tủ điện MCC do Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng thực hiện và hoàn thành vào tháng 7 năm 2005. Các hạng mục khác như xử lý lún cho hệ thống đường ống công nghệ, lắp đặt lại hệ thống dây cáp điều khiển sẽ được giao cho Công ty PVGAS [công ty trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm tiếp quản và vận hành dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức] tự xử lý với sự tư vấn của Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng và chi phí được lấy từ chi phí vận hành, bảo dưỡng hàng năm của công ty.

Dự án Kho cảng Thị Vải với tổng vốn đầu tư khoảng 64 triệu USD cơ bản đã hoàn vốn và mang lại lợi nhuận sau thuế trung bình là 330-400 tỷ VND/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 320 tỷ VND/năm.

Hàng năm, dự án Kho cảng Thị Vải đã vận chuyển, tàng trữ, xuất nhập trung bình 130-150 chuyến tàu Condensate với sản lượng 140.000 tấn/năm; 270-290 chuyến tàu LPG với sản lượng khoảng 240.000 tấn/năm. Ngoài ra, dự án đã góp phần phát triển dịch vụ như nhập Vinyl Clorua Monomer [VCM] cho nhà máy Nhựa Phú Mỹ trung bình 20 chuyến/năm với sản lượng khoảng 60.000 tấn; vận chuyển, tàng trữ và xuất Condensate cho Dự án Khí Nam Côn Sơn trung bình 30 chuyến/năm với sản lượng khoảng 180.000 tấn/năm; xuất nhập sản phẩm dầu cho Nhà máy Chế biến Condensate trung bình 300 chuyến xăng/năm với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.

3.2.           Dự án Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ:

Dự án được xây dựng tại thị trấn Phú Mỹ, là một dự án trong dây chuyền dự án khí Nam Côn Sơn nhằm mục đích cung cấp khí Nam Côn Sơn cho Trung tâm Điện lực Phú Mỹ. Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ có công suất 10 triệu m3/ngày đêm [tương đương 2,7 tỷ m3/năm], có thể mở rộng tối đa 7 tỷ m3/năm, t ổng mức đầu tư  là 442 tỷ VND, tổng dự toán là 380 tỷ VND, giá trị quyết toán theo Báo cáo quyết toán trình ngày 10 tháng 8 năm 2006 là 303 tỷ VND . Dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành an toàn từ tháng 01 năm 2003.

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, cuối năm 2002 toàn bộ Dự án khí Nam Côn Sơn đã chính thức được đưa vào hoạt động, chậm hơn so với t hời hạn hoàn thành theo quyết định đầu tư là cuối năm 2001 do các vướng mắc trong đàm phán với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ có nỗ lực của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong việc  tháo gỡ nhanh các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đồng thời tổng thầu EPC nước ngoài thực hiện đúng các cam kết về chất lượng và tiến độ nên công trình đã đáp ứng được kịp thời yêu cầu phân phối khí Nam Côn Sơn ổn định, liên tục cho Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong năm 2003 hệ thống đã cung cấp trung bình 2-3 triệu m3 khí Nam Côn Sơn/ngày đêm cho nhà máy điện Phú Mỹ 2.1&2.1 mở rộng và Phú Mỹ 3. Từ năm 2004 đến nay hệ thống cung cấp từ 10-13 triệu m3 khí Nam Côn Sơn/ngày cho nhà máy điện Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 4 và cho các hộ tiêu thụ khí thấp áp tại các khu công nghiệp Phú Mỹ–Mỹ Xuân– Gò Dầu.

3.3.                   Dự án đường ống Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh:

Dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt BCNCKT lần đầu tiên vào ngày 30 tháng 11 năm 2001. Đây là đoạn đường ống cuối cùng trong hệ thống khí Bạch Hổ-Thủ Đức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án từ năm 2002 đến 2005 [chủ yếu làm công tác kiểm kê xác định giá trị bồi thường đất đai và điều chỉnh dự án], Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhận thấy cần phải điều chỉnh dự án này do 3 lý do chính sau đây:

- Nguồn cung cấp khí khu vực Đông Nam Bộ hiện chỉ đủ cung cấp cho cụm nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ, khí chỉ có thể được bổ sung cho đoạn đường ống này kể từ năm 2008;

- Việc đưa khí về Thủ Đức cung cấp cho Nhà máy điện Thủ Đức 265MW không còn hợp lý nữa vì chi phí đền bù đất đai cho hành lang dọc theo 25 km qua quận 9, quận 2 là quá cao [khoảng gần 400 tỉ VNĐ], công suất nhà máy lại nhỏ và cần phải cải tạo nâng cấp nhà máy đang chạy diesel;

- Xuất hiện quy hoạch Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch, việc thay nhánh đường ống 25 km từ Nhơn Trạch về Thủ Đức bằng đoạn đường ống chỉ dài khoảng 2 km về Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch là hợp lý hơn.

Vì vậy, ngày 28 tháng 6 năm 2005 Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã có văn bản số 3369/CV-KH&ĐT xin phép Thủ tướng Chính phủ được điều chỉnh lại quy mô, tổng mức đầu tư của dự án. Bộ Công nghiệp đã thẩm định lại BCNCKT điều chỉnh [nay gọi là dự án đầu tư hiệu chỉnh] của dự án tại văn bản số 1106/BCN-NLDK ngày 02 tháng 3 năm 2006. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương điều chỉnh Dự án Đường ống Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh thành 02 giai đoạn với quy mô đầu tư gồm:

Giai đoạn 1:

Đầu tư xây dựng tuyến ống Phú Mỹ-Nhơn Trạch-Hiệp Phước nhằm cung cấp khí cho nhà máy điện tại Nhơn Trạch với công suất 450MW và Nhà máy điện Hiệp Phước công suất 375MW. Quy mô công suất của đường ống khoảng 2 tỷ m3 khí/năm từ năm 2008. Tổng mức đầu tư là 97,059 triệu USD.

Giai đoạn 2:

Đầu tư xây dựng tuyến ống từ Hiệp Phước cung cấp khí cho Thành phố  Hồ Chí Minh. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung thông tin thị trường tiêu thụ khí tại Thành phố Hồ Chí Minh, cập nhật khả năng cung cấp khí, làm cơ sở để thực hiện cấp khí giai đoạn 2.

            Đến nay, công tác rà phá bom mìn, khảo sát phục vụ thiết kế, san lấp mặt bằng trạm phân phối khí Nhơn Trạch đã được thực hiện xong; công tác đền bù, giải phòng mặt bằng, tư vấn quản lý dự án, cấp chứng chỉ quốc tế, bảo hiểm và gói thầu EPC đang được tiến hành theo đúng tiến độ.

3.4.          Hệ thống phân phối khí thấp áp cho các Khu Công nghiệp [KCN] Phú Mỹ - Mỹ Xuân - Gò Dầu:

Địa điểm xây dựng tại các khu công nghiệp Phú Mỹ-Mỹ Xuân, huyện Tân Thành và khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai; công suất tối đa 3 triệu m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư là 174 tỷ VND. Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 xây dựng tuyến ống chính từ Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ đến khu công nghiệp Gò Dầu với tổng mức đầu tư 94,7 tỷ VND, đã hoàn thành tháng 10 năm 2002, giá trị quyết toán theo Báo cáo quyết toán trình ngày 21/08/2006 là 88,471 tỷ VND.

Công trình này do nhà thầu trong nước thực hiện là Công ty lắp máy và xây dựng 45-1 và Công ty Thiết kế Xây dựng Dầu khí. Công tác quản lý dự án được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác giải ngân, thanh quyết toán được thực hiện theo khối lượng công việc hoàn thành và quy định của các Hợp đồng.

Trong giai đoạn đầu, dự án khí thấp áp được xây dựng để cung cấp khí cho 6 hộ tiêu thụ công nghiệp Vedan; Taicera; Toàn Quốc; Công ty thép tấm lá Phú Mỹ PFS; DMC và công ty BlueScope Steel Vietnam BSV và đã cung cấp tổng cộng 762,64 triệu m3 khí cho các hộ tiêu thụ này tính đến hết năm 2006. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai sớm, dự kiến đi vào hoạt động năm 2008, sẽ cung cấp cho khoảng 18 hộ tiêu thụ công nghiệp khác với tổng nhu cầu tăng dần từ 543 triệu m3 năm 2008 đến 401 triệu m3 năm 2016 rồi bình ổn.

Trong quá trình thực hiện, dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và hiệu quả của chính quyền địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, đánh giá về mặt tiến độ thực hiện: Dự án không đạt yêu cầu.

Tiến độ đề ra: Giai đoạn 1 khởi công tháng 5 năm 2000, hoàn thành Quý IV năm 2000; Giai đoạn 2: Khởi công vào tháng 5 năm 2006 và hoàn thành vào cuối năm 2008;

Thực tế triển khai: Giai đoạn 1 khởi công vào 12 năm 2001, hoàn thành vào tháng 01 năm 2004 chậm 37 tháng. Theo chủ đầu tư, các lý do làm cho dự án bị chậm trễ là do quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư của giai đoạn 1 bị kéo dài [lựa chọn nhà thầu, phê duyệt thiết kế], gặp nhiều vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng và năng lực của Tổng thầu EPC chưa đáp ứng yêu cầu.

Tuy vậy, dự án đã đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng sức thu hút đầu tư của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Việc sử dụng khí thay cho các nhiên liệu truyền thống đã làm giảm ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp.

Hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 để gia tăng việc cấp khí cho các hộ tiêu thụ của khu vực Phú Mỹ-Mỹ Xuân và Gò Dầu.

4.         Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và đuôi hơi:

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư tại Quyết định số 493/TTg ngày 04 tháng 7 năm 1997 và giao Tổng công ty Điện lực Việt Nam [nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam] đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Việt Nam với công suất lắp đặt  440MW.

Chu trình đơn 2 x 140 MW được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Thiết kế tổng thể tại Quyết định số 1131/QĐ-KHĐT ngày 29 tháng 7 năm 1997 và Tổng dự toán 78,9 triệu USD tại Quyết định số 618/QĐ-KHĐT ngày 18 tháng 3 năm 2002. Dự án được khởi công vào đầu năm 1997 và đã được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 02 năm 1999, đáp ứng mục tiêu cung cấp điện từ năm 1999. Nhà máy sản xuất ổn định khoảng 1,4 tỷ kWh/năm, tiêu thụ khoảng 550 triệu m3 khí/năm, doanh thu trung bình hàng năm khoảng 65 triệu USD. Hiện nay nhà máy đang sử dụng khí đồng hành Bạch Hổ, khi nguồn khí đồng hành hết, nhà máy sẽ sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn.

Để tăng hiệu suất của nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí, các nhà máy điện tua bin khí cần được lắp thêm phần đuôi hơi [chu trình hỗn hợp] nhằm tận dụng nhiệt khói thải của tua bin khí để phát điện. Công nghệ này làm cho hiệu suất của nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp cao hơn chu trình đơn khoảng 15%.

Phần đuôi hơi của nhà máy Phú Mỹ 2.1 có công suất 160 MW được đầu tư xây dựng bằng vốn vay trong nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Thiết kế tổng thể và Tổng dự toán khoảng 125,7 triệu USD tại Quyết định số 3294/QĐ-KHĐT ngày 29 tháng 01 năm 2000. Phần đuôi hơi được Công ty Tư vấn [thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam] thiết kế và nhà thầu trong nước thực hiện thi công xây lắp.  Công trình khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 2003 và vận hành thương mại vào tháng 3 năm 2006.

Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và đuôi hơi đang thực hiện việc quyết toán.

5.         Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 1:

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư [Quyết định số 443/TTg ngày 03 tháng 7 năm 1996] và giao Tổng công ty Điện lực Việt Nam đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, vay thương mại trong nước và vốn của Tổng công ty Điện lực Việt Nam với công suất lắp đặt 1.090MW.

Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Thiết kế tổng thể tại Quyết định số 1121/QĐ-KHĐT ngày 25 tháng 7 năm 1997 và Tổng dự toán khoảng 412,3 triệu USD tại Quyết định số 580/QĐ-KHĐT ngày 20 tháng 3 năm 2001. Dự án khởi công vào đầu năm 1997 và 03 tua bin khí đi vào vận hành thương mại lần lượt vào tháng 7, tháng 10, và tháng 11 năm 2001 và đuôi hơi vào tháng 4 năm 2002. Hàng năm nhà máy sản xuất ổn định khoảng 6,5 tỷ kWh, tiêu thụ khoảng 1,2 tỷ m3 khí/năm, doanh thu trung bình hàng năm khoảng 230 triệu USD. Hiện nay nhà máy đang sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn.

Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 1 đang được tiến hành quyết toán.

6.         Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 3:

Vào tháng 11 năm 1987, một đề xuất cho dự án tổ hợp điện-đạm đã được trình lên Hội đồng Bộ trưởng xem xét. Tháng 3 năm 1995, dự án tổ hợp điện-đạm đã được Chính phủ cho phép tiến hành lập BCNCKT. Tháng 10 năm 1995, bản ghi nhớ đã được ký kết với Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Tháng 12 năm 1998, Bộ Công nghiệp đã chính thức phê duyệt BCNCKT dự án Phú Mỹ 3. Ngày 08 tháng 5 năm 2001, dự án điện Phú Mỹ 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hợp đồng BOT và các tài liệu dự án tại văn bản số 1909/VPCP-CN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức cấp phép đầu tư số 2204/GP ngày 22 tháng 5 năm 2001.

Ngày 15 tháng 6 năm 2001, dự án bắt đầu đi vào giai đoạn san lấp mặt bằng, chuẩn bị khởi công. Ngày 29 tháng 11 năm 2001, đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy. Dự án đã hoàn thành và vận hành thương mại từ ngày 01 tháng 3 năm 2004.

Đây có thể được coi là dự án phát triển nhà máy điện tuốc bin khí chu trình hỗn hợp đầu tiên ở nước ta theo phương thức xây dựng, vận hành và chuyển giao [BOT].

Toàn bộ nhà máy được xây dựng tại khu công nghiệp điện đạm Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về phía Đông nam. Khí được cung cấp từ mỏ 6.1 do BP vận hành nằm ngoài khơi biển Đông, cách bờ 370 km.

Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3 có công suất 716,8MW sử dụng công nghệ tuốc bin khí chu trình hỗn hợp của Siemens, tuốc bin loại advanced V94.3A với công nghệ thiết kế F giảm nồng độ độc hại trong khói.

Tổng vốn đầu tư của dự án Phú Mỹ 3 là 385 triệu USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm BP Holdings B.V [Vương quốc Anh], SembCorp Utilities Pte Ltd [Singapo], Tổ hợp Kyushu Electric Power Co., Inc [do công ty Kyuden International Corporation đứng tên] và Nissho Iwai Corporation [Nhật Bản] cung cấp 97 triệu USD, ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC 92 triệu USD, ngân hàng ADB 37.5 triệu USD và các tổ chức thương mại quốc tế cung cấp 160 triệu USD. Tư vấn dự án là Công ty luật Johnson Stock & Master [Anh quốc] - trợ giúp một phần trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT.

Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3 được lắp đặt với công nghệ hiện đại bao gồm hai tuốc bin khí, hai hệ thống lò thu hồi nhiệt để sản xuất hơi nước và một tuốc bin hơi do công ty Siemens AG xây dựng sẽ cung cấp một nguồn điện sạch hiệu quả và bền vững. Nhà máy cung cấp điện cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam theo hợp đồng mua bán điện 20 năm sẽ sử dụng khí từ dự án khí Nam Côn Sơn theo hợp đồng mua bán khí cũng 20 năm với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Nhà máy sử dụng khoảng 3 triệu m3 khí/ngày trong điều kiện hoạt động 100% công suất thiết kế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 3903/BKH-ĐTNN ngày 13 tháng 6 năm 2005 xác nhận Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là: 385.847.564 USD theo báo cáo quyết toán đã được kiểm toán.

Dự án đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại huyện Tân Thành nói riêng và toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.

Nhà máy điện Phú Mỹ 3 là dự án BOT đầu tiên trong ngành năng lượng Việt Nam, dự án được chuyển giao các công nghệ mới nhất trong việc xây dựng và lắp đặt một nhà máy điện. Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3 đã tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp của người dân trong vùng và đặc biệt sản lượng điện của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 chiếm gần 10% tổng sản lượng điện tiêu thụ của quốc gia.

7.          Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2:

Dự án có công suất 715MW, công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư [Quyết định số 365/TTg ngày 03 tháng 6 năm 1996]. Đây cũng là dự án điện độc lập, thực hiện theo hình thức BOT.

Nhà đầu tư là tổ hợp quốc tế do Công ty Điện lực quốc tế Pháp [EDFI] đứng đầu cùng tập đoàn Sumitomo [Nhật Bản] và Công ty Điện lực Tokyo Nhật Bản [TEPCO]. Tổng vốn đầu tư của dự án Phú Mỹ 2.2 là 407,1 triệu USD. Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn Tổ hợp trên thông qua đấu thầu quốc tế. Ngày 16 tháng 8 năm 2001, dự án điện Phú Mỹ 2.2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hợp đồng BOT và các tài liệu dự án tại văn bản số 747/CP-CN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy phép đầu tư số 2226/GP ngày 18 tháng 9 năm 2001.

Nhà máy điện PM2-2 đã được khởi công xây dựng tháng 01 năm 2003 và được đưa vào vận hành thương mại tháng 12 năm 2004. Lượng khí nhà máy tiêu thụ hàng năm khoảng 850 triệu m3. Nhà máy cung cấp điện cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam theo hợp đồng mua bán điện 20 năm, hiện đang sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn theo hợp đồng mua bán khí cũng 20 năm với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam .

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 396/BKH-ĐTNN ngày 18 tháng 01 năm 2006 xác nhận Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là: 407,1 triệu USD theo báo cáo quyết toán đã được kiểm toán.

8.         Nhà máy điện Phú Mỹ 4:

Để đảm bảo bao tiêu hết lượng khí đã cam kết có tính đến rủi ro về tiến độ của các dự án điện BOT, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư [Quyết định số 1298/TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000] và giao Tổng công ty Điện lực Việt Nam đầu tư và tự cân đối nguồn vốn với công suất 450MW và sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp [tuabin khí và đuôi hơi].

Theo Nghị quyết số 06/1997/QH10, nhà máy điện Phú Mỹ 4 có công suất 600MW. Tuy nhiên sau khi xem xét, cân đối nguồn vốn đầu tư và nhu cầu phát triển nguồn điện, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công suất nhà máy điện Phú Mỹ 4 là 450MW.

Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Thiết kế tổng thể tại Quyết định số 1770/QĐ-KHĐT ngày 06 tháng 8 năm 2001 và Bộ Công nghiệp đã phê duyệt Tổng dự toán khoảng 274,8 triệu USD tại Quyết định số 727/QĐ-BCN ngày 28 tháng 3 năm 2006. Dự án khởi công vào đầu năm 2001 và vận hành thương mại vào tháng 8 năm 2004. Hàng năm nhà máy sản xuất ổn định khoảng 3 tỷ kWh/năm, tiêu thụ khoảng 700 triệu m3 khí/năm, doanh thu trung bình hàng năm khoảng 139 triệu USD. Hiện nay nhà máy đang sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn.

Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 4 đang thực hiện việc quyết toán.

9.         Dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ:

Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I huyện Tân Thành  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhà máy đạm Phú Mỹ được thiết kế với công suất 2.200 tấn Urea/ngày [tương đương 740.000 tấn/năm] và 1.350 tấn Ammonia/ngày [tương đương 422.598 tấn/năm]. Nguyên liệu chính dùng cho nhà máy là khí đồng hành tại các mỏ Bạch Hổ và Rạng Đông của bể Cửu Long sau đó được bổ sung bằng nguồn khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn và các bể khác thuộc thềm lục địa phía Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt BCNCKT của Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ tại Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2002. Hội đồng quản trị  Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã phê duyệt một số điều chỉnh của BCNCKT, kế hoạch đấu thầu và Hợp đồng thiết kê–mua sắm–xây lắp [EPC] [gói 1] của Dự án nhà máy đạm Phú Mỹ tại Quyết định số 2620/QĐ-HĐQT ngày 15 tháng 6 năm 2002. Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam  đã có Quyết định số 3630/QĐ–HĐQT ngày 05 tháng 8 năm 2002 phê duyệt Thiết kế kỹ thuật và Tổng dự toán Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ. Tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 445 triệu USD, giá trị quyết toán dự án được Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Namphê duyệt tại Quyết định số 6846/QĐ-DKVN ngày 19 tháng 12 năm 2006 là 380 triệu USD. Giá trị quyết toán thấp hơn so với Tổng mức đầu tư được duyệt chủ yếu do các thiết bị, vật tư chính của dự án được mua tại Châu Âu tại thời điểm đồng tiền Euro có giá trị thấp hơn USD và Ban quản lý dự án có năng lực tốt.

Dự án do Tổ hợp Nhà thầu Technip [Ý] và Samsung [Hàn Quốc] làm tổng thầu EPC. Dự án được khởi công vào tháng 8/2001, hoàn thành và đi vào vận hành thương mại vào tháng 9 năm 2004. Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ bị chậm so với kế hoạch đề ra ban đầu 03 tháng do Tổ hợp Nhà thầu phải thực hiện thay thế các thiết bị hỏng hóc và giải quyết các điểm cần hoàn thiện trước khi tiến hành công tác chạy thử toàn bộ nhà máy và nghiệm thu công trình nhằm đảm bảo chất lượng dự án.

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ ban đầu gặp khó khăn vì vào năm 2002 giá phân đạm trên thế giới xuống thấp nên đã có ý kiến xem xét lại việc đầu tư xây dựng nhà máy. Với quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là tập thể lãnh đạo Ban quản lý dự án và các cán bộ tham gia dự án đã hợp tác với các nhà thầu xây dựng thành công một nhà máy sản xuất phân đạm có trình độ kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Từ khi đi vào vận hành đến nay, nhà máy đạm Phú Mỹ đã cung ứng cho thị trường khoảng 1300 tấn phân đạm, đã mang lại cho Nhà nước và nhà đầu tư lợi nhuận cao trung bình từ 700 đến 800 tỷ VND/năm, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu phân đạm cho đất nước.

Mục tiêu chính của Dự án đã đạt được là xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ nhằm đảm bảo sự ổn định và chủ động cung cấp nguồn phân đạm cho nhu cầu phát triển nông nghiệp. Sau 2 năm tiếp nhận và vận hành nhà máy, Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí đã không ngừng đổi mới năng lực quản lý, trình độ vận hành, tổ chức sản xuất và cải tiến công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để có đủ năng lực cạnh tranh trong xu thế thị trường mở cửa và hội nhập quốc tế. Sản phẩm đạm Phú Mỹ đã khẳng định được chất lượng và vai trò chủ động phân phối trên thị trường nội địa.

Ba n quản lý dự án nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ đã được Chính phủ tặng “Huân chương Lao động Hạng 3” và cờ thi đua của Chính phủ. Thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” được bảo hộ độc quyền trong nước, sản phẩm “Đạm Phú Mỹ” đã nhận được:

- Hàng chục Huy chương vàng và cúp vàng chất lượng của các Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thương hiệu Bạn nhà nông Việt Nam các năm 2004, 2005, 2006 của Hội đồng thẩm định quốc gia.

- Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao các năm 2005, 2006, 2007 do người tiêu dùng bình chọn.

- Danh hiệu “Trâu vàng đất Việt” năm 2006 của Hội nông dân Việt Nam.

- Môi trường trong Nhà máy và các khu vực xung quanh đảm bảo theo tiêu chuẩn giấy phép đã đăng ký tại  phiếu xác nhận số 647/MTg-TĐ ngày 05 tháng 7 năm 2002 của Cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường.

II. Các dự án đã triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh:   

10.       Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch:

Căn cứ kết quả cân đối khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng khí khu vực Đông Nam Bộ thì với các nguồn khí chắc chắn hiện nay, khí chưa có đủ cấp cho các hộ phụ tải mới. Việc bổ sung khí từ các Lô 11.2, 05.2 cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cho các hộ tiêu thụ đã có đến năm 2010 và với lượng khí dư hàng năm xấp xỉ 0,5 tỷ m3 chỉ đủ để cấp cho các phụ tải công nghiệp hoặc nhà máy điện Hiệp Phước. Vì vậy, tại Thông báo số 184/TB-VPCP ngày 28 tháng 9 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2006-2010 đã giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư dự án điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW phù hợp với khả năng cung cấp khí đến 2010. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đang triển khai dự án với tổng mức đầu tư 382 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2008.

Để đảm bảo cung cấp đủ khí cho các hộ tiêu thụ từ sau 2010, với sự suy giảm khí đồng hành của 2 mỏ Bạch Hổ và Rạng Đông hiện nay, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các nguồn khí mới bổ sung nhằm khai thác hiệu quả của đường ống Bạch Hổ - Rạng Đông như các mỏ khí Sư Tư Trắng và Emerald.

Hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và BP đang tiến hành lập báo cáo phát triển, khai thác các trữ lượng mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy mô trữ lượng và tiến độ cung cấp khí của 2 mỏ này sẽ là cơ sở để mở rộng công suất của các nhà máy điện Nhơn Trạch.

Dựa trên các báo cáo trữ lượng các mỏ dầu khí tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn đến thời điểm hiện nay, Bộ Công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch Trung tâm nhiệt điện Nhơn Trạch với 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí với tổng công suất dự kiến là 1.200 MW: nhà máy điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW đang được triển khai xây dựng; tuỳ thuộc vào lượng khí có thể cung cấp, sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 2 công suất 750 MW.

III. Các dự án chưa triển khai

11.       Dự án cải tạo, chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí:

Dự án cải tạo, chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí đã được Tổng công ty Điện lực Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, như đã báo cáo ở trên, do dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh đang phải tập trung triển khai giai đoạn 1 và do kinh phí di dân, giải toả đền bù đoạn Nhơn Trạch–Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh quá nhiều cho nên dự án tạm dừng chưa triển khai các bước tiếp theo.

12.       Dự án sản xuất Methanol:

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam giai đoạn đến năm 2010, có tính đến năm 2020 đang trình Thủ tướng Chính phủ thì dự án sản xuất methanol dự kiến xây dựng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, công suất 660.000 tấn/năm, vốn đầu tư 330 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến 2015. Dự án dự kiến phải liên doanh với đối tác nước ngoài. Theo Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, dự án chỉ có hiệu quả với giá khí cung cấp khoảng 1,5USD/triệu BTU, nếu giá khí cao hơn sẽ không có hiệu quả, trong khi giá khí của dự án Nam Côn Sơn vào thời điểm tháng 4 năm 2005 là 3,22USD/triệu BTU. Đến nay dự án vẫn chưa tìm được đối tác để liên doanh.

Với tình hình tăng giá nhiên liệu như hiện nay trên thế giới, có thể khẳng định dự án này không còn tính khả thi để triển khai. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho dừng triển khai dự án này.

13.       Dự án sản xuất quặng sắt hoàn nguyên:

Từ năm 1996, Tổng công ty Thép Việt Nam đã phối hợp với Công ty Craft [Hoa Kỳ] xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Căn cứ vào kết quả của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ngày 17 tháng 3 năm 1997, Tổng công ty Thép Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy sản xuất quặng hoàn nguyên trực tiếp theo công nghệ Midrex. Kết quả cho thấy dự án có tổng vốn đầu tư 398.400.000 USD chưa kể vốn lưu động, với hình thức liên doanh và Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ phải góp 30% vốn pháp định tương đương 36.000.000 USD. Tuy nhiên, đến nay dự án được đánh giá là không khả thi vì các lý do sau:

            - Khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài không xác định rõ ràng.

            - Với công suất 1,4 triệu tấn/năm, hiệu quả của dự án phụ thuộc chủ yếu vào khả năng xuất khẩu sản phẩm nhưng chưa xác định được địa chỉ để tiêu thụ.

            - Dự án chỉ có hiệu quả kinh tế với điều kiện giá khí dưới 1,75 USD/1 triệu BTU. Đây là điều kiện rất khó đáp ứng vì giá khí của dự án Nam Côn Sơn vào thời điểm tháng 4 năm 2005 là 3,22 USD/triệu BTU.

Tương tự như dự án trên, đến thời điểm này có thể khẳng định dự án này không thể triển khai được do không khả thi. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho dừng triển khai dự án này.

14.       Nhà máy điện Wartsila Bà Rịa:

Dự án nhà máy điện Wartsila Bà Rịa có công suất 120MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Công ty Wartsila [Phần Lan] đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Các Hợp đồng để triển khai dự án đã được các Bên ký kết vào tháng 9 năm 1997. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy phép kinh doanh ngày 24 tháng 9 năm 1997 với tiến độ vận hành 4 tổ máy vào tháng 4 năm 1998 và hoàn thiện toàn bộ trong năm 1999.

Dự án này không triển khai được do phía nước ngoài không thu xếp được vốn và không thống nhất được giá bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Trong quá trình thu xếp tài chính, phía nước ngoài đã đưa ra các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án theo hướng chuyển thêm rủi ro sang cho phía Việt Nam, trong đó có việc điều chỉnh Hợp đồng mua bán điện. Wartsila đề nghị giá bán điện bình quân trong cả đời dự án là 5,39 cents/kWh [chưa kể VAT] cao hơn nhiều so với giá bán điện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam và giá mua điện từ các dự án khác như Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2-2.

Do không đạt được thoả thuận điều chỉnh các điều khoản của Hợp đồng, dự án bị dừng lại từ năm 1998. Ngày 07 tháng 7 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông báo số 4218/BKH-NN về việc thu hồi giấy phép của dự án nhà máy điện Wartsila.

Ngày 18 tháng 3 năm 2005 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1346/VPCP-HTQT trả lời Công ty Wartsila về việc do dự án đã bị kéo dài quá lâu và hai bên đã không thoả thuận được nhiều vấn đề liên quan nhất là về giá bán điện dẫn đến việc phải chấm dứt dự án.

15.       Nhà máy điện AMATA:

Đây là dự án điện độc lập dự kiến xây dựng tại khu chế xuất Amata - Thủ Đức và sử dụng khí nhiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn thông qua đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh.

Do những khó khăn, vướng mắc như đã trình bày ở trên, dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh không được thực hiện đúng tiến độ. Vì vậy, Chủ đầu tư không thực hiện thủ tục xin đầu tư và kiến nghị dừng dự án này không triển khai nữa.

C. Tổng kết đánh giá Công trình và những bài học kinh nghiệm

I. Tổng kết về khối lượng thực hiện:

1.      Các dự án đã thực hiện/đang thực hiện/không thực hiện:

Cho đến nay trong số 15 dự án thành phần của Công trình, đã hoàn thành 09 dự án, 01 dự án đang triển khai và 05 dự án chưa được triển khai.

2.       Đánh giá chung về mức độ hoàn thành và các nguyên nhân dẫn đến không hoàn thành khối lượng thực hiện theo dự kiến:

Đối với 09 dự án đã kết thúc, nhìn chung các chỉ tiêu về khối lượng công việc, chất lượng và hiệu quả kinh tế, xã hội đã được hoàn thành tốt theo yêu cầu của BCNCKT. Riêng dự án khí trên bờ do có phạm vi rộng, bao gồm nhiều dự án thành phần trong đó có dự án thành phần là đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh chưa hoàn thành theo dự kiến của BCNCKT do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như đã nêu ở trên.

3.       Giám sát thực hiện Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu của Quốc hội:

Sau khi có Nghị quyết 06/1997/QH10, từ năm 1998 đến năm 2004, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mỗi năm một đoàn giám sát, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá tiến độ và chất lượng Công trình đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện Công trình theo Nghị quyết đã đề ra.

Từ Báo cáo kết quả các đợt giám sát và khảo sát của Quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ  kết hợp với báo cáo tình hình thực hiện các dự án của các Chủ đầu tư để đưa ra các chủ trương, chính sách và giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Trong thời gian đầu tư, xây dựng công trình, các Đoàn giám sát của Quốc hội đã có 26 kiến nghị và các kiến nghị này đều được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu thực hiện.

II. Đánh giá chung về công trình:

1.      Về công tác quản lý dự án của các Chủ đầu tư:

Các dự án do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện như dự án phát triển mỏ khí Lô 06, dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, dự án nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 và dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3 tuy không đạt được tiến độ đề ra như yêu cầu của Nghị quyết 06/1997/QH10 do những nguyên nhân đã trình bày ở trên nhưng các dự án này đều đạt được yêu cầu về chất lượng do chủ đầu tư đặt ra.

Đối với các dự án do chủ đầu tư trong nước quản lý thực hiện, các dự án nhà máy điện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam và dự án nhà máy đạm Phú Mỹ của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được hoàn thành tương đối đúng với tiến độ và đạt được yêu cầu chất lượng của BCNCKT. Dự án khí trên bờ của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam , đặc biệt dự án kho cảng Thị Vải không đạt được tiến độ và chất lượng của BCNCKT vào thời điểm nghiệm thu, phát sinh nhiều nội dung kỹ thuật và quản lý cần phải xử lý, đến thời điểm cuối năm 2005 đã được hoàn tất.

Nhìn chung, do có đội ngũ quản lý dự án chuyên nghiệp, có kiến thức và kinh nghiệm quản lý dự án vì vậy các dự án do các nhà thầu nước ngoài và Tổng công ty Điện lực Việt Nam đầu tư đều được triển khai tốt, đạt hiệu quả cao.

Dự án khí trên bờ là dự án lớn được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam,  Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chưa chuẩn bị được đội ngũ quản lý dự án tốt. Tuy nhiên, từ thực tế cọ xát tại dự án khí trên bờ, các cán bộ tham gia Ban quản lý dự án đạm Phú Mỹ đã quản lý thành công việc xây dựng dự án này ở cả 3 tiêu chí tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư [dự án duy nhất có giá trị quyết toán thấp hơn tổng mức đầu tư gần 65 triệu USD].

2.      Về công tác quản lý nhà nước của các cấp:

 a] Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước:

Sau khi có Nghị quyết số 06/1997/QH10 giao Chính phủ triển khai Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ đã  tiến hành xem xét, phê duyệt các dự án thành phần, các bộ, ngành tham gia thẩm định, phê duyệt theo chức năng và cùng chủ đầu tư đôn đốc tiến độ thực hiện các Dự án.

Đây là công trình quan trọng quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng được triển khai trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý đồng thời tiến hành nghiên cứu hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho các Dự án được triển khai thuận lợi.

Trong công trình này, lần đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia đầu tư xây dựng 02 nhà máy điện theo hình thức Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao [BOT] ở Việt Nam. Do quy mô đầu tư lớn và độ phức tạp cao của các Dự án BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư, Bộ Công nghiệp đã trực tiếp đàm phán Hợp đồng BOT và Hợp đồng bảo lãnh của Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ.

Dự án khí Nam Côn Sơn là dự án phát triển khí thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam, dự án gắn kết cả 3 khâu trong chuỗi giá trị phát triển khí từ khai thác, vận chuyển - xử lý và tiêu thụ khí. Các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã đàm phán với các nhà thầu nước ngoài để triển khai các dự án. Chính phủ đã ký Bảo lãnh cho các dự án và phê duyệt các hợp đồng mua bán và vận chuyển khí.

Như vậy, để triển khai công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu đạt yêu cầu tại Nghị quyết 06/1997/QH10, các cơ quan quản lý nhà nước đã nghiên cứu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh các hoạt động đầu tư phù hợp với tính đặc thù của công trình này đồng thời triển khai nhiều hoạt động giám sát chặt chẽ và tham gia trực tiếp vào các dự án.

 b] Vai trò, trách nhiệm  của địa phương:

Cơ quan quản lý địa phương như Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đã có những đóng góp rất tích cực trong việc cấp đất và hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giúp các dự án thuộc Công trình được triển khai nhanh chóng và thuận lợi.

c] Vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư và các đối tác:

Chủ đầu tư và các nhà thầu có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn và quản lý dự án. Kinh nghiệm, trình độ và năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và các nhà thầu là yếu tố quyết định đối với tiến độ triển khai và chất lượng của dự án.

Đối với các dự án thuộc công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu, một công trình lớn về quy mô đầu tư và hiện đại về công nghệ, trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, chủ đầu tư càng phải chịu nhiều sức ép để có thể hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án.

3.      Về khối lượng thực hiện:

Trong 09 dự án đã hoàn thành, chỉ có dự án nhà máy điện Phú Mỹ 4 được thực hiện với quy mô công suất 450MW thấp hơn so với quy mô đề ra tại Nghị quyết 06/1997/QH10,  các dự án khác, chủ đầu tư đã hoàn thành thực hiện toàn bộ khối lượng, quy mô của dự án theođúng, thậm chí lớn hơn so với quy mô đã đề ra tại Nghị quyết với tổng mức đầu tư trong khoảng tổng mức đầu tư dự kiến tại Nghị quyết.

Riêng đối với dự án khí trên bờ, quy mô và khối lượng thực hiện của dự án lớn hơn nhiều so với quy mô và khối lượng công việc được Chính phủ  kiến nghị tại văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997. Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và khả năng khai thác của mỏ Rạng Đông, hệ thống thu gom khí đồng hành từ mỏ Rạng Đông được bổ sung; nhu cầu sử dụng khí thấp áp cho các khu công nghiệp xuất hiện; biến động về tỷ giá và suất đầu tư, gia tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng công trình, đặc biệt trong điều kiện dự án triển khai chậm tiến độ.

Bản thống kê so sánh khối lượng và quy mô của các dự án được triển khai theo Nghị quyết 06/1997/QH10 được trình bày tại Phụ lục 2 của Báo cáo này.

Đối với 05 dự án chưa được triển khai sau quá trình nghiên cứu đầu tư thấy không có hiệu quả, không có dự án nào thực hiện dang dở và không gây lãng phí vốn đầu tư.

4.      Về giải ngân, thanh quyết toán:

Trong 09 dự án đã hoàn thành có 04 dự án đang trong quá trình thực hiện quyết toán, cụ thể là:

- Dự án khí trên bờ có nhiều dự án nhánh đang trong quá trình quyết toán.

- Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và đuôi hơi.

- Dự án điện Phú Mỹ 1.

- Dự án điện Phú Mỹ 4.

Bản thống kê so sánh giữa tổng mức đầu tư của các dự án theotheo Nghị quyết 06/1997/QH10 với tổng mức đầu tư được phê duyệt và giá trị quyết toán của các dự án được trình bày tại Phụ lục 3 của Báo cáo này.

Như nêu ở phần trên, đối với dự án khí trên bờ do quy mô và khối lượng thực hiện lớn hơn nhiều so với quy mô và khối lượng công việc Chính phủ đã kiến nghị tại văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997 nên Tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 815,96 triệu USD và 1021,5 tỷ VND lớn hơn nhiều so với Tổng mức đầu tư dự kiến tại Nghị quyết 06/1997/QH10 là 143 triệu USD.

5.      Đánh giá tiến độ thực hiện:

Trong 09 dự án đã hoàn thành nhìn chung đều hoàn thành về khối lượng thực hiện và chất lượng công trình. Về tiến độ, các dự án triển khai không đạt được theo tiến độ đề ra trong Nghị quyết 06/1997/QH10 do nhiều lý do khách quan và chủ quan cụ thể là:

- Quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán và vận chuyển khí, Hợp đồng Hợp tác kinh doanh và Bảo lãnh của Chính phủ kéo dài trong 05 năm từ năm 1991 đến năm 1995. Các hợp đồng này là những hợp đồng lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

- Các dự án được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam chưa phát triển để đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi ngoại tệ và doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm quản lý và triển khai các dự án khí.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án gặp nhiều khó khăn góp phần làm chậm tiến độ triển khai các dự án. Mặt khác, các cơ chế, chính sách trong xây dựng cơ bản, đặc biệt đối với các dự án dầu khí chưa được hình thành hoặc không còn phù hợp cần đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong khi các dự án luôn trong tình trạng chịu sức ép của tiến độ.

- Khung pháp lý tại thời điểm này còn chưa hoàn chỉnh trong khi các dự án đều áp dụng các hình thức đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như hình thức đầu tư BCC, BOT và hình thức đấu thầu EPC. Vì vậy chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Bản thống kê so sánh giữa tiến độ thực hiện các dự ántheo Nghị quyết 06/1997/QH10 với tiến độ hoàn thành các dự án được trình bày tại Phụ lục 4 của Báo cáo này.

6.      Đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường:

Với tổng mức đầu tư theo các Quyết định phê duyệt của các dự án thành phần của Công trình là 3.546,56 triệu USD và 1021,5 tỷ VND, Công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cụ thể là:

Dự án phát triển mỏ khí Lô 06.1 đến tháng 11 năm 2006 có lợi nhuận khoảng 552,2 triệu USD.

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đến cuối năm 2005 có lợi nhuận khoảng 57,75 triệu USD.

Dự án nhà máy đạm Phú Mỹ từ khi đi vào hoạt động đến nay đã cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 1,3 triệu tấn phân đạm và mang lại lợi nhuận trung bình từ 700-800 tỷ VND/năm, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu phân đạm cho đất nước.

Dự án Kho cảng Thị Vải với tổng vốn đầu tư là 64 triệu USD cơ bản đã hoàn vốn và mang lại lợi nhuận sau thuế trung bình là 330-400 tỷ VND/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 320 tỷ VND/năm.

Nhờ có các dự án Kho cảng Thị Vải và Nhà máy xử lý khí Dinh Cố ,  khoảng 40% nhu cầu LPG được đáp ứng và công nghệ chế biến xăng từ Condensate được triển khai. Thông qua việc thực hiện dự án này, mục tiêu tận thu nguồn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ phục vụ cho việc phát triển nguồn điện, phân bón, hoá chất đã đạt được.

Hàng năm, Kho cảng Thị Vải đã vận chuyển, tàng trữ, xuất nhập trung bình 130-150 chuyến tàu Condensate với sản lượng 140.000 tấn/năm; 270-290 chuyến tàu LPG với sản lượng khoảng 240.000 tấn/năm. Ngoài ra, dự án đã góp phần phát triển dịch vụ như nhập Vinyl Clorua Monomer [VCM] cho nhà máy Nhựa Phú Mỹ trung bình 20 chuyến/năm với sản lượng khoảng 60.000 tấn; vận chuyển, tàng trữ và xuất Condensate cho Dự án Khí Nam Côn Sơn trung bình 30 chuyến/năm với sản lượng khoảng 180.000 tấn/năm; xuất nhập sản phẩm dầu cho Nhà máy Chế biến Condensate trung bình 300 chuyến xăng/năm với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.

Bên cạnh các lợi ích về kinh tế nêu trên, dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức nói chung và công trình Kho cảng Thị Vải nói riêng đã góp phần giảm bớt một phần ngoại tệ đáng kể cho việc nhập khẩu dầu DO, xăng, phân bón, và LPG hàng năm.

Về hiệu quả môi trường, các dự án thành phần của Công trình đều được đầu tư công nghệ mới, hiện đại thân thiện với môi trường và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông quá việc sử dụng nhiên liệu khí thay cho các nhiên liệu truyền thống cụ thể là cung cấp 2 tỷ m3 khí đồng hành/năm cho các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng và nhà máy phân đạm Phú Mỹ và 762,64 triệu m3 khí thấp áp cho các hộ công nghiệp tại Bà Rịa–Vũng Tàu.

Để đảm bảo và duy trì lâu dài hiệu quả của Công trình, hiện nay Bộ Công nghiệp đang chỉ đạo lập quy hoạch khí cho khu vực Nam Bộ, trong đó có đề cập đến việc kết nối  hệ thống sản xuất và phân phối khí tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàuvới các hệ thống khí ở miền Tây Nam Bộ, bao gồm hệ thống sản xuất và phân phối khí PM3 – CAA – Cà Mau và Lô B – Ô Môn đồng thời sẽ xem xét việc kết nối hệ thống khí của Việt Nam với khu vực ASEAN. Việc kết nối nhằm mục đích:

- Bảo đảm việc cung cấp khí cho toàn bộ khu vực Nam bộ lâu dài và ổn định.

- Lượng khí dư tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn sẽ được chuyển đến các khu vực khác để phát triển công nghiệp khí-điện và cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong các khu công nghiệp dọc theo tuyến ống dẫn khí.

7.      Đánh giá hiệu quả chính trị và xã hội:

09 dự án đã hoàn thành là những dự án cơ bản của Công trình, góp phần hình thành ngành công nghiệp Khí-Điện-Đạm lớn nhất cả nước ở tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu bao gồm 02 hệ thống cung cấp khí từ bể Cửu Long và Nam Côn Sơn; 02 nhà máy xử lý khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn; 01 kho cảng để lưu chứa và xuất bằng đường thuỷ các sản phẩm lỏng như condensate và LPG; 01 trung tâm nhiệt điện với công suất phát điện là 3.830MW chiếm khoảng 30% công suất phát của cả nước hiện nay, góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước hàng năm với tốc độ tăng trưởng phụ tải từ 14 - 16%/năm; 01 nhà máy phân đạm với công nghệ hiện đại, hàng năm cung cấp khoảng 740.000 tấn phân đạm, đáp ứng được 30% nhu cầu phân đạm cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

05 dự án chưa được triển khai là những dự án được thiết kế nhằm tiêu thụ hết 9 tỷ m3 khí/năm được cung cấp từ các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Do những nguyên nhân chủ quan và khách quan đã nêu ở trên nên các dự án đã không được thực hiện.

Bên cạnh đó, Công trình đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 5000 lao động trực tiếp với mức lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng và đội ngũ các chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề cao có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới trong ngành công nghiệp Khí-Điện-Đạm.

III. Các bài học kinh nghiệm

1.      Bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị đầu tư dự án:

Như đánh giá ở trên, tiến độ thực hiện các dự án thuộc Công trình đều chậm hơn so với tiến độ dự kiến tại Nghị quyết 06/1997/QH10 do các nguyên nhân chủ quan và khách quan đã nêu, bài học kinh nghiệm cần rút ra là:

Việc phát triển các Nhà máy nhiệt điện nói chung cần phải được xây dựng đồng bộ với việc cung cấp nhiên liệu và các cơ sở hạ tầng kèm theo. Thời gian và sản lượng khí được cung cấp có ảnh hưởng quyết định đến tính kinh tế, tiến độ cũng như quy mô của các nhà máy điện khí. Vì vậy việc phối hợp giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Việt Nam  là hết sức cần thiết trong việc xây dựng hoạch triển khai các dự án từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn để điều chỉnh tiến độ xây dựng các dự án, đảm bảo tính đồng bộ giữa các dự án khí-điện-đạm.

Công tác lập tiến độ và dự toán là một trong những vấn đề cần rút kinh nghiệm khi triển khai các dự án mới. Không ít dự án phải chạy theo những tiến độ không khả thi, không có thời gian dự phòng [thông thường thời gian dự phòng các dự án lớn 6-12 tháng cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 12 tháng cho giai đoạn thực hiện hợp đồng]. Thời gian dành cho chuẩn bị đầu tư kéo quá dài [chủ yếu do khâu thẩm định phê duyệt] khiến thời gian còn lại dành cho thực hiện dự án quá ngắn. Từ các bất cập này đã dẫn đến việc phải bỏ qua hoặc giảm bớt thời gian thực hiện một số công đoạn dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo như trường hợp Kho cảng Thị Vải. Việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt các dự án và các công đoạn của dự án chưa thật rõ ràng nên lãng phí nhiều thời gian cho việc xử lý các phát sinh. Một số dự toán khi lập chưa có đầy đủ các thông số cũng như không dự báo trước được những thay đổi, phát sinh về giá cả vật tư, trang thiết bị, dẫn đến trường hợp dự toán và thực tế không thống nhất.

2.      Bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức thực hiện đầu tư dự án:

Các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất của công nghiệp điện và lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, đây là một khó khăn lớn cho các đơn vị tư vấn, quản lý dự án và nhà thầu trong nước khi triển khai xây dựng.

Các dự án nguồn điện được xây dựng bằng nhiều hình thức, nguồn vốn đầu tư [BOT hoặc Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư] có quan hệ mật thiết về công nghệ vì sử dụng chung một số hạng mục về cơ sở hạ tầng. Quá trình triển khai các dự án nguồn điện tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ. Trong từng thời gian xây dựng lần lượt đưa các công trình vào sử dụng đã xuất hiện những bất cập trong phối hợp, giải quyết đấu nối công nghệ, sử dụng cơ sở hạ tầng giữa các chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị tư vấn. Giải pháp cần thiết là cần có một đơn vị quản lý chung quá trình xây dựng các công trình theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt với sự hổ trợ của một đơn vị tư vấn như là một Khu công nghiệp nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ và hiệu quả nhất.

Trong quá trình đầu tư xây dựng cần thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án thi mối quan hệ giữa Chủ đầu tư, Tư vấn, Nhà thầu cần được xác lập chặt chẽ và theo đúng các điều khoản hợp đồng.

Hiện nay, công nghiệp khí đang là một ngành công nghiệp còn mới mẻ ở Việt Nam. Các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính, đặc biệt là trình độ quản lý dự án rất cao. Việc có được một Tổng thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính là một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thành công của dự án. Kinh nghiệm cho thấy, các dự án do tổng thầu Việt Nam thực hiện thường chậm tiến độ, chất lượng không được như mong muốn và phát sinh chi phí. Việc phát huy nội lực là cần thiết nhưng cần phải xem xét và cân đối đến các yếu tố khác như đã nói ở trên. Đối với các dự án vừa hoặc nhỏ, không đòi hỏi cao về công nghệ cũng như tiến độ, Tổng thầu EPC có thể là các đơn vị trong nước. Đối với các Dự án lớn, trọng điểm, đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, trình độ thì cần thiết phải để cho các doanh nghiệp lớn, uy tín thế giới thực hiện. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên tham gia với tư cách nhà thầu phụ phù hợp với trình độ của mình.

Cũng do năng lực nhà thầu và năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư còn yếu, trong nhiều dự án, việc tuân thủ quy định về các thủ tục hoàn công, hoàn thiện hồ sơ chưa tốt nên tiến độ thanh quyết toán và giải ngân thường chậm.

Đối với hầu hết các dự án, việc hoàn thành thủ tục đầu tư, lập hồ sơ báo cáo đầu tư mất rất nhiều thời gian. Việc chuẩn bị trước và kỹ lưỡng sẽ góp phần giảm thiểu các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc thực hiện triển khai dự án Kho cảng Thị Vải, bên cạnh những thành công như đã nêu ở trên còn là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho chủ đầu tư trong việc sử dụng và quản lý cán bộ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Thực hiện Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 12/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 501/QĐ-TTNN ngày 20/5/2002 của Tổng Thanh tra nhà nước, Đoàn Thanh tra nhà nước đã tiến hành thanh tra công trình Kho cảng Thị Vải từ ngày 22/7/2002 đến 14/10/2002 và đã đưa ra các kết luận về các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Cơ quan An ninh điều tra [Bộ Công An] cũng đã tiến hành điều tra và đã phát hiện quá trình xây dựng công trình Kho cảng Thị Vải có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ các khâu thiết kế, xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đến quản lý chỉ đạo, giám sát kiểm tra của các cấp.

Ngoài ra, cơ quan an ninh điều tra đã triệu tập 37 cán bộ của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, các nhà thầu và một Trưởng đoàn Thanh tra nhà nước tham gia Đoàn Thanh tra công trình Kho cảng Thị Vải để làm rõ các sai phạm và kết luận các cán bộ này đã vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Trên cơ sở kết luận điều tra tại công văn số 69/ANĐT ngày 20/4/2006 và công văn số 527/ANĐT ngày 10/5/2006 của Cơ quan an ninh điều tra đề nghị xử lý sai phạm các cán bộ liên quan đến dự án Kho cảng Thị Vải, t hực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp đã chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Ban cán sự Đảng Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thống nhất hình thức xử lý kỷ luật thật nghiêm khắc, phù hợp với trách nhiệm và sai phạm của từng cá nhân, xin ý kiến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, quyết định.

3.       Bài học kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước đối với Công trình quan trọng quốc gia:

Trong thời gian thực hiện các dự án quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng có rất nhiều thay đổi, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.

Trong thời gian đầu khi triển khai các dự án, các thủ tục đầu tư xây dựng của Việt Nam khác nhiều so với thông lệ quốc tế, điều này gây khó khăn trong triển khai và làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục và công tác đấu thầu, xét thầu.

Để phát triển các Trung tâm nhiệt điện đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế cũng như đồng bộ sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, đầu tiên cần phải có quy hoạch một cách đồng bộ và rõ ràng, cũng như xây dựng tiến độ triển khai dự án hợp lý.

Các quy hoạch phát triển điện nói chung cũng như quy hoạch nhà máy điện cần được thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân để thuận lợi trong công tác thoả thuận cấp đất và giải phóng mặt bằng khi triển khai xây dựng.

Cần xem xét để có điều chỉnh thích hợp các quy định đấu thầu để tránh hiện tượng nhà thầu bỏ giá thấp để giành hợp đồng, sau đó đề nghị tăng giá, đòi phát sinh, thậm chí bỏ dở hợp đồng [ví dụ nhà thầu Mc. Connell Dowell của dự án Đường ống Nam Côn Sơn], nếu không được chấp nhận tăng giá/phát sinh thì thực hiện hợp đồng chậm tiến độ, chất lượng kém. Tình trạng này đặt chủ đầu tư vào tình thế rất khó khăn: nếu chấp nhận tăng giá trị hợp đồng trọn gói thì vi phạm quy định trong đấu thầu, nếu không chấp nhận thì công trình bị chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo.

Đối với các dự án do các công ty nước ngoài làm tổng thầu, quy định tổng thầu phải cam kết sử dụng nguồn lực Việt Nam cần phải được điều chỉnh phù hợp hơn, xuất phát từ thực tế năng lực các công ty trong nước cũng như lực lượng lao động có tay nghề cao của nước ta còn nhiều hạn chế. Một số dự án bị chậm tiến độ và tăng chi phí do thầu phụ hoặc lao động Việt Nam không đủ năng lực và số lượng.

Một hiện tượng thường gặp trong quá trình xây dựng công trình là việc thay đổi xuất xứ của vật tư thiết bị so với yêu cầu ban đầu của hợp đồng. Các nguyên nhân của hiện tượng này là: thời gian chế tạo thiết bị dài hơn tiến độ yêu cầu của dự án; các nhà chế tạo thiết bị theo danh mục [Vendor List] được duyệt hoặc phá sản hoặc bị sáp nhập hoặc đưa cơ sở sản xuất đến các nước thứ ba để giảm chi phí; nhà thầu có xu hướng sử dụng thiết bị chất lượng chấp nhận được nhưng giá rẻ hơn; hiểu biết về thị trường của chủ đầu tư/nhà thầu hạn chế.... Khi gặp vấn đề thay đổi xuất xứ thiết bị, vật tư thường chủ đầu tư mất nhiều thời gian để xem xét chấp nhận, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Về vấn đề này, Luật đấu thầu đã không cho phép chỉ định nhà chế tạo thiết bị, vật tư nữa, với quy định này, dự án có nhiều lựa chọn nhà chế tạo hơn, tuy nhiên cũng có nhiều khả năng không mua được thiết bị vật tư có chất lượng cao.

4.      Bài học kinh nghiệm về hiệu quả của Công trình:

Đối với một Công trình trọng điểm như Khí-Điện-Đạm, có rất nhiều dự án thành phần khác nhau và do nhiều chủ đầu tư thực hiện, do vậy việc triển khai đồng bộ và đúng tiến độ sẽ lại hiệu quả. Nếu một thành phần không triển khai hoặc chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng về kinh tế cho một dự án hoặc chủ đầu tư khác khi triển khai [ví dụ dự án Chuyển đổi đốt khí Nhà máy điện Thủ Đức đã bỏ chi phí lập Dự án đầu tư nhưng không triển khai được].

Một vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới là việc tăng cường trình độ, kiến thức quản lý cho các Ban quản lý dự án, các đại diện Chủ đầu tư hay các Chủ đầu tư. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của các dự án là trình độ quản lý dự án còn thấp của các Chủ đầu tư dẫn đến việc kiểm soát, đôn đốc, nhắc nhở Tổng thầu còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị thấp, không có những đề xuất và quyết định kịp thời. Cần kết hợp sử dụng tư vấn nước ngoài để đào tạo nhân lực cho Việt Nam và định hướng xây dựng lực lượng quản lý dự án chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

Phải chú trọng công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt trong công tác giám sát thi công. Đã xảy ra một số sự cố do lỗi lắp đặt thiết bị không được phát hiện, do thay đổi thiết kế tùy tiện trong thi công. Tính đồng bộ của công trình cũng cần phải chú ý hơn nữa. Phần lớn các công trình do Việt Nam tự thực hiện đều chỉ chú trọng đến các hạng mục chính, các hạng mục phụ trợ [nhà ăn, nhà thay ca, nhà ở cho cán bộ, công nhân...] bị bỏ qua hoặc cắt giảm nên công tác đảm bảo hậu cần cho vận hành gặp rất nhiều khó khăn và lãng phí.

D. Kết luận và kiến nghị

Qua việc triển khai Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu, hệ thống các mỏ khí tự nhiên thuộc bể Nam Côn Sơn đã được phát triển, khí đồng hành từ các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông đã được thu gom, hai hệ thống đường ống dẫn khí từ hai bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn, hệ thống các công trình trên bờ như Trung tâm phân phối khí với công suất 6,5 -7 tỷ m3/năm, Kho cảng Thị Vải, Nhà máy chế biến khí, Nhà máy chế biến condensate, Nhà máy sản xuất phân đạm, các đường ống dẫn khí tự nhiên, butane, propane và condensate đã được xây dựng. Đã xây dựng và phát triển được một trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với 6 nhà máy điện, công suất phần 3.830MW chiếm khoảng 30% công suất hệ thống điện. Các dự án đã đưa vào vận hành đều phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện và phân đạm cho đất nước, phát triển được thị trường khí đốt trong nước, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này của quốc gia, vừa góp phần hình thành đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thông qua việc thực hiện Công trình này có thể thấy rằng để các công trình/dự án đầu tư đạt được tiến độ, chất lượng và hiệu quả cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và các chủ đầu tư. Vai trò của chủ đầu tư là quyết định đối với sự thành công của các công trình/dự án đầu tư, thể hiện ở các yếu tố sau:

- Quá trình chuẩn bị đầu tư phải được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ để có thể xác định tiến độ thực hiện dự án một cách chuẩn xác.

- Chủ đầu tư cần phải có đội ngũ quản lý dự án chuyên nghiệp, có kiến thức và kinh nghiêm quản lý dự án, đặc biệt đối với các công trình và dự án lớn, để có thể điều hành tốt việc thực hiện dự án đạt tiến độ và chất lượng theo dự kiến.

- Lựa chọn được các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án.

Thực hiện Nghị quyết số 06/1997/QH10 ngày 05 tháng 12 năm 1997 của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu:

- Đảm bảo được sự đồng bộ và hiệu quả của các dự án thành phần thuộc Công trình. Dự án nhà máy đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế và xã hội.

- Các dự án thành phần có được kế hoạch huy động vốn phù hợp, kết hợp vốn trong và ngoài nước để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các dự án thành phần nói riêng và của Công trình nói chung.

- Các dự án thành phần đều đầu tư công nghệ hiện đại tiên tiến, thân thiện với môi trường đảm bảo an toàn cho các công trình và dân cư từ khi đi vào hoạt động đến nay.

- Hàng năm Chính phủ đều có báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện Công trình.

Đến nay Công trình đã cơ bản hoàn thành, Chính phủ kiến nghị Quốc hội:

- Công nhận hoàn thành Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm này với 9 dự án thành phần và giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình theo quy định và chỉ đạo các chủ đầu tư bảo đảm vận hành công trình an toàn – hiệu quả.

- Cho phép tách 2 dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.200 MW và chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi Công trình quan trọng quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định.

- Cho phép dừng 4 dự án [sản xuất Methanol, sản xuất quặng hoàn nguyên, nhà máy điện Wartsila tại Bà Rịa và dự án nhà máy điện AMATA tại Thủ Đức] vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp./.

Nơi nhận:

-  Như trên,

-  Thủ tướng Chính phủ,

-  Phó Thủ tướng thường trực CP,

-  Văn phòng QH, các UB của QH,

- Lưu VPCP.

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Hoàng Trung Hải

[đã ký]


Phần 2

CÁC PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1

Nghị quyết số 06/1997/QH10

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá X kỳ họp thứ 2

[Từ ngày 21/11/1997 đến ngày 12/12/1997]

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ ÁN KHÍ - ĐIỆN - ĐẠM TẠI BÀ RỊA - VŨNG TÀU

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết số 05/1997/QH10 của Quốc hội khoá X tại kỳ họp thứ 2 về Tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư;

Trên cơ sở xem xét tờ trình số 399 KTN-m ngày 17/11/1997 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 44/KHCNMT ngày 20/11/1997 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu là công trình quan trọng quốc gia.

Thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các công trình trong Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm các công trình khai thác, vận chuyển và sử dụng khí [có phụ lục kèm theo].

Điều 2

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện dự án và lưu ý một số điểm sau:

- Tính toán kỹ tiến độ xây dựng để bảo đảm sự đồng bộ các công trình trong toàn bộ Dự án, bảo đảm hiệu quả từng công trình từ khai thác, vận chuyển đến sử dụng khí. Đặc biệt đối với Nhà máy phân đạm, cần cân nhắc kỹ, lựa chọn giải pháp tối ưu và những điều kiện để đạt hiệu quả kinh tế và sản phẩm có sức cạnh tranh trước khi quyết định đầu tư;

- Có kế hoạch huy động vốn thích hợp, kết hợp vốn trong nước và vốn nước ngoài trong các công trình của Dự án bảo đảm hiệu quả cao nhất;

- Có biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình, cho dân cư.

- Hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án.

Điều 3

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội thông qua.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 5 tháng 12 năm 1997.



PHỤ LỤC 2

So sánh khối lượng và quy mô của các dự án theo Nghị quyết

06/1997/QH10 với khối lượng và quy mô các dự án đã được thực hiện

STT

Dự án

Quy mô dự án – Công suất thiết kế

Nghị quyết 06/1997/QH10

Thực hiện

1

Phát triển mỏ khí lô 06

Khai thác 2,7 tỷ m3/năm

Khai thác 2,7 tỷ m3/năm

2

Đường ống Nam Côn Sơn

Vận chuyển 6 tỷ m3/năm

Vận chuyển 7 tỷ m3/năm

3

Công trình khí trên bờ

Sản xuất 250 ngàn tấn LPG/năm

Thu gom 6 triệu m3 khí ẩm từ hệ thống đường ống Rạng Đông - Bạch Hổ, cung cấp 4,5 triệu m3 khí khô/ngày đêm, 150.000 tấn condensate/năm và 300.000 tấn LPG/năm.

4

Nhà máy điện PM 2-1 mở rộng

431MW

440MW

5

Nhà máy điện PM 1

1000MW

1.090MW

6

Nhà máy điện PM 3

620MW

716,8MW

7

Nhà máy phân đạm

Sản xuất 800.000 tấn phân đạm/năm

Sản xuất 740.000 tấn phân đạm/năm

8

Nhà máy điện PM 2-2

600MW

715MW

9

Nhà máy methanol

660 ngàn tấn/năm

Chưa thực hiện

10

Nhà máy thép

1.25 triệu tấn/năm

Chưa thực hiện

11

Nhà máy điện PM 4

600MW

450MW

12

Nhà máy điện Thủ Đức

270MW cải tạo sử dụng nhiên liệu khí

Chưa thực hiện chuyển đổi

13

Nhà máy điện Nhơn Trạch

1200MW

Trung tâm nhiệt điện Nhơn Trạch được quy hoạch với 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí với tổng công suất dự kiến là 1.200 MW, nhà máy điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW đang được triển khai xây dựng

14

Nhà máy điện Wartsila

120MW

Chưa thực hiện

15

Nhà máy điện Amata

100MW

Chưa thực hiện

PHỤ LỤC 3

So sánh giữa tổng mức đầu tư của các dự án theotheo

Nghị quyết 06/1997/QH10 với tổng mức đầu tư được phê duyệt

và giá trị quyết toán của các dự án

STT

Dự án

Tổng mức đầu tư dự án [triệu USD]

Nghị quyết 06/1997/QH10

Theo Quyết định đầu tư

Giá trị quyết toán

1

Phát triển mỏ khí Lô 06

500

507

567,3

2

Đường ống Nam Côn Sơn

500

504,9

426,8

3

Công trình khí trên bờ

143

815,96 triệu USD và 1021,5 tỷ VND

Chưa thực hiện xong quyết toán. Hiện tại giá trị quyết toán là 666,04 triệu USD và 869,64 tỷ VND

4

Nhà máy điện PM 2-1 mở rộng

260

204,6

Đang thực hiện quyết toán

5

Nhà máy điện PM 1

800

412,3

Đang thực hiện quyết toán

6

Nhà máy điện PM 3

352

385,8

7

Nhà máy phân đạm

520

445

380

8

Nhà máy điện PM 2-2

350

407,1

9

Nhà máy methanol

350

Chưa thực hiện

Chưa thực hiện

10

Nhà máy thép

750

Chưa thực hiện

Chưa thực hiện

11

Nhà máy điện PM 4

350

274,8

Đang thực hiện quyết toán

12

Nhà máy điện Thủ Đức

10

Chưa thực hiện

Chưa thực hiện

13

Nhà máy điện Nhơn Trạch

1000

382

Đang triển khai xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW

14

Nhà máy điện Wartsila

110

Chưa thực hiện

Chưa thực hiện

15

Nhà máy điện Amata

100

Chưa thực hiện

Chưa thực hiện

PHỤ LỤC 4

So sánh giữa tiến độ thực hiện các dự ántheo

Nghị quyết 06/1997/QH10 với tiến độ hoàn thành các dự án

STT

Dự án

Tiến độ hoàn thành

Nghị quyết 06/1997/QH10

Hoàn thành thực tế

1

Phát triển mỏ khí lô 06

1/2003

2

Đường ống Nam Côn Sơn

1999

11/2002

3

Công trình khí trên bờ

1998

- Dự án thu gom: 2001.

- Dự án nhà máy xử lý khí: 1999.

- Dự án kho cảng Thị Vải: 1999.

- Dự án Trung tâm phân phối khí [GDC]: 2002.

- Dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh: đang triển khai xây dựng.

- Dự án Hệ thống khí Thấp áp: Giai đoạn 1 hoàn thành 2002, đang triển khai Giai đoạn 2.

4

Nhà máy điện PM 2-1 mở rộng

1998

2006

5

Nhà máy điện PM 1

1999

2002

6

Nhà máy điện PM 3

2000

2004

7

Nhà máy phân đạm

2001

2004

8

Nhà máy điện PM 2-2

2004

9

Nhà máy methanol

2001

Chưa thực hiện

10

Nhà máy thép

2002

Chưa thực hiện

11

Nhà máy điện PM 4

2003

2004

12

Nhà máy điện Thủ Đức

2002

Chưa thực hiện chuyển đổi

13

Nhà máy điện Nhơn Trạch

2004

Đang triển khai xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 1 với công suất 450 MW

14

Nhà máy điện Wartsila

1998

Chưa thực hiện

15

Nhà máy điện Amata

1998

Chưa thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề