Huyện quế sơn có bao nhiêu xã năm 2024

Trong kháng chiến vùng đất Quế Sơn như một thung lũng hứng chịu nhiều đau thương, mất mát. Ngày 26/3/1975, mảnh đất Quế Sơn được giải phóng.

Ngày đó, khắp huyện, khung cảnh người dân phấn khởi di chuyển từ các “khu dồn, đồn trú” về lại làng cũ - những nơi vườn hoang, đồng khô cỏ cháy vốn dĩ của họ. Con đường mới được khai phá phục vụ trong chiến dịch giải phóng Nông Sơn năm 1974 theo đường quốc phòng chạy qua các xã Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh (các xã cũ của Quế Sơn) tiếp giáp dưới chân đèo Le đã cơ bản được tháo gỡ hết bom mìn. Nhân dân từ thành phố, các vùng địch tạm chiếm trở về quê hương ngày càng đông. Tất cả cùng chung ý chí xây dựng lại cuộc sống mới.

Năm 1977, hệ thống chính quyền từ thôn, xã cơ bản được xây dựng ổn định. Tuy nhiên, Quế Sơn khi đó (giai đoạn này, hai huyện Hiệp Đức và Nông Sơn chưa chia tách) vẫn còn khó khăn. Công cuộc xây dựng, đổi mới toàn huyện chính thức bắt đầu vào năm 1978; kế hoạch kinh tế cả trung và dài hạn do nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Đông và nguyên Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hỡn đề ra. Kể từ đây, những quyết sách lớn như tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang đất đai, ổn định đời sống người dân được tập trung thực hiện.

Trong đó, phát triển thủy lợi với công trình hồ chứa nước Hồ Giang và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã để lại nhiều dấu ấn cho đến hiện nay. Sau khi đập Hồ Giang được xây xong, nhiều ký ức khó quên đọng lại với thế hệ những người từng chỉ huy và tham gia xây dựng công trình lịch sử cuối thế kỷ XX này. Nhận thấy giá trị của đập Hồ Giang với trữ lượng chứa gần sáu triệu m3 nước, các hồ chứa khác như An Long, Hố Giếng - Quế Phong, Cây Thông - Quế Thuận, Suối Tiên - Quế Hiệp, Hương Mao - Quế Phú, Núi Đất - Quế Xuân được tiếp tục xây dựng. Nhờ đó, nghề nông với việc trồng lúa nước của người dân được thuận lợi. Kết quả, tỷ trọng ngành nông nghiệp thời kỳ này chiếm gần 100% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện.

Huyện quế sơn có bao nhiêu xã năm 2024

Ông Mai Xuân Hương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Sơn kể chuyện tách rồi nhập huyện.

Từng giai đoạn, những đổi thay

Ông Mai Xuân Hương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Sơn cho biết, huyện cũ Quế Sơn thời chiến tranh có tổng 21 xã, trong đó có vùng đất Hiệp Đức và Nông Sơn hiện nay. Người dân phải đi bộ từ xã này sang xã kia, mất cả ngày dài vượt đèo Le gồ ghề đá tảng mới có thể kết nối thông tin từ Quế Sơn lên vùng Nông Sơn.

“Thời điểm năm 2008, Nông Sơn là một vùng núi còn nghèo nàn, lạc hậu. Với mong muốn xây dựng, phát triển đi lên về mọi mặt của đời sống xã hội, huyện Nông Sơn được chia tách ra. Thực tế cho thấy, vùng Nông Sơn đã có những tiến bộ, đổi thay mọi mặt, tính ổn định được duy trì tốt. Từ hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng… có sự đầu tư nhanh chóng”, ông Hương nói.

Sau khi chia tách, phía huyện Quế Sơn tìm ra hướng đi, vạch được chiến lược phát triển cụ thể giúp cho nền kinh tế ngày càng phát triển, khởi sắc mạnh mẽ. Nhà nông trồng lúa gắn với con trâu, cái cày nhường chỗ cho hệ thống xe, máy móc đồng bộ. Một số cụm công nghiệp mới như Quế Cường, Đông Phú, khu công nghiệp Đông Quế Sơn mở ra cơ hội việc làm cho người dân.

Quyết định tách hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn là dấu mốc lịch sử. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc chia tách cho thấy những bất cập. Đơn cử, câu chuyện phát triển du lịch những năm gần đây trên địa bàn hai huyện vẫn còn rời rạc. Mỗi nơi đều có thế mạnh, các điểm dừng chân thú vị, tuy nhiên khi đưa vào làm kinh tế đều nhanh chóng dừng lại hoặc cầm chừng.

Tại huyện Nông Sơn, những địa danh nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, làng trái cây Đại Bình, chợ Trung Phước chứa nhiều tiềm năng nhưng khi tạo một tour du lịch đều chỉ tập trung tại từng điểm. Bên cạnh đó là Suối Tiên, Nước Mát Đèo Le thuộc huyện Quế Sơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vốn dĩ những địa điểm này đều có tính chất tương tự nhau về du lịch nên khi hai huyện sáp nhập vào, cơ hội kết nối, đưa ra kịch bản làm du lịch mà trọng tâm là người dân trực tiếp thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

Gần đây, phong trào thi đua xây dựng “Vườn-đường-ngõ” ra đời tạo sân chơi, cơ hội thúc đẩy hình ảnh làng quê, thôn xóm. Anh Đỗ Bá Toàn, trú xã Quế Phong (Quế Sơn) tạo ra khu vườn trên mảnh đất có diện tích khoảng 10 sào. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động, vườn cây ăn trái gồm ổi, mít, dừa… của anh Toàn đem lại nguồn thu cả về lượng quả thu được, đồng thời đón các đoàn du khách tham quan trải nghiệm. Mô hình này hứa hẹn trở thành một điểm sáng kinh tế của Quế Sơn, có thể nhân rộng, áp dụng vào những khu vườn đang có tại huyện Nông Sơn sau khi sáp nhập.

Nhìn nhận đến tính ổn định cho một đơn vị hành chính, ông Mai Xuân Hương cho rằng, từ cơ sở nhỏ nhất là thôn xóm cần phải giữ nguyên vẹn theo đúng truyền thống, lịch sử lâu nay. Từ chỗ thôn xóm là những cụm dân cư nhỏ, người dân dễ dàng gắn bó nên khi các cấp chính quyền ở trên đưa ra những chủ trương xây dựng, phát triển chung sẽ nhanh chóng được bà con tiếp cận, chung sức thực hiện.

Ông Hương chia sẻ: “Thế hệ trẻ cần sâu sắc hơn trong việc tiếp nối, duy trì những gì mà lớp cha ông đi trước để lại. Yếu tố con người không chỉ riêng đối với huyện Quế Sơn hiện nay mà bất cứ đâu cũng đều phải thực hiện song song học với hành. Các hội, đoàn thể mỗi địa phương nên tinh gọn bộ máy, nguồn nhân lực. Các cơ quan có tính chất, đặc thù công việc tương tự nhau nên nhập lại để tập trung phát triển năng lực cán bộ”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa thống nhất chủ trương về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Trong đó nhập hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện mới.