Hoàng văn hoan là ai

Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn xung đột Trung - Việt hồi năm 1979 là vụ bỏ trốn của ông Hoàng Văn Hoan mà đến nay vẫn ít được nói đến.

Quân Trung Quốc tiến vào Việt Nam năm 1979 Tình hữu nghị giữa hai nước cộng sản Việt Nam - Trung Quốc đổ vỡ năm 1979

Không chỉ với chính quyền Việt Nam và cả với dư luận quốc tế, việc một nhân vật cao cấp, công thần của chế độ bỏ đi theo kẻ thù của Hà Nội hồi đó là chuyện 'động trời'.

Báo Time 20/08/1979 có bài đặc biệt về cuộc bỏ trốn của ông Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc.

Bài 'Hanoi's Push' cho rằng vụ ông Hoàng Văn Hoan [1905-1991], nguyên phó chủ tịch Quốc hội, một đồng chí cũ của Hồ Chí Minh bỏ đi vào tháng 7/1979 và tố cáo chế độ là 'cú giáng thứ nhì vào hình ảnh của họ'.

Cú giáng thứ nhất, như tờ báo Mỹ, là 'cuộc tháo chạy của 900 nghìn người' trong vòng bốn năm trước đó, nhắc đến các đợt thuyền nhân bỏ nước ra đi.

Về với Trung Quốc[]

Time đưa tin rằng tuần trước đó, ông Hoàng Văn Hoan, 74 tuổi, phát biểu tại Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội đối xử với người Hoa 'tệ hơn Hitler đối xử người Do Thái'.

Ông Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị cho đến 1976, cũng cho rằng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Lê Duẩn, đã 'trở thành tay sai ngoại bang', ám chỉ Liên Xô.

Bỏ trốn sang Trung Quốc, ông Hoan như trở về với những đồng chí chia sẻ quan điểm cộng sản kiểu Trung Quốc của ông.

Các tài liệu của Phương Tây từ 1966 đã xác định ông, cùng những ủy viên BCT khác như Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh là 'phái thân Trung Quốc' [pro-Chinese].Theo đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, người cũng bỏ Việt Nam nhưng sang Phương Tây để vận động cho dân chủ, thì quan điểm 'đặc sệt thân Tàu' của ông Hoan đã được biết đến từ trước năm 1979.

Ông Bùi Tín nói ông Hoan xuất thân từ một gia đình Hán học, hoạt động nhiều năm ở Hoa Nam và 'tiếp thu văn hóa, tư tưởng Trung Quốc trực tiếp từ nguồn':

"Ông không đồng tình với quan điểm đứng giữa Liên Xô và Trung Quốc, ông theo phái nghiêng hẳn về Trung Quốc."

"Ông không thấy Trung Quốc có hai mặt: cách mạng và bành trướng".

Từng sang Trung Quốc hoạt động với bí danh Lý Quang Hoa cùng các ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan trở thành nhân vật cao cấp phụ trách ngoại giao của Việt Minh. Sau đó ông được Hồ Chí Minh, người đồng hương Nghệ An, cử làm đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Bắc Kinh.

Các tài liệu nước ngoài mô tả ông Hoan có vị trí hơn một đại sứ bình thường vì thường được Mao Trạch Đông tiếp riêng để bàn thảo các vấn đề hai nước, kể cả chiến lược đánh miền Nam của Ban lãnh đạo Hà Nội.

Số phận của ông sau khi sang Trung Quốc qua ngả Pakistan vào tháng 7/1979 cùng gia đình cũng phản ánh thái độ của Trung Quốc với Việt Nam và quan hệ hai bên.

Xuất bản cuốn 'Giọt nước trong biển cả', ông đưa ra quan điểm 'tố cáo tập đoàn Lê Duẩn' đã phản bội đường lối Hồ Chí Minh và làm hại đến 'tình hữu nghị với Trung Quốc'.

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh 'A Drop in the Ocean: Hoang Van Hoan's Revolutionary Reminiscences' do Bắc Kinh xuất bản năm 1988, xác định tư cách của ông như một nhân vật Mao-ít đến cùng.

Ông cũng đưa ra cáo buộc rằng Trung ương Đảng ở Việt Nam từ 1982 đã chỉ đạo việc trồng nha phiến để bán ra quốc tế lấy đôla.

'Không giống Hồ Chí Minh'[]

Ông Bùi Tín, hiện sống tại Paris cho hay ông Hoan khá đơn độc trong đường lối thân Trung Quốc và bác bỏ cách tuyên truyền của Trung Quốc rằng ông Hoan là người duy nhất 'trung thành với đường lối Hồ Chí Minh'.

Ông nói:

"Ông Hồ khéo léo với Trung Quốc hơn nhiều và luôn cố gắng cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc."

"Một lần ra đón ông Hồ tại sân bay chúng tôi thấy ông mặc áo khoác có huy hiệu Mao sau chuyến đi thăm Trung Quốc về. Ông hiểu ý và cười rằng 'chỉ đeo ở áo ngoài thôi đấy nhé".

Trái lại, theo ông Tín, Hoàng Văn Hoan hoàn toàn theo đường lối Maoist, ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến 1979, chế độ Pol Pot và phái bảo thủ tại Trung Quốc.

Mặc dù ông Hoan đã đào thoát sang Trung Quốc và được coi là phản bội, ông Tín vẫn đánh giá: "Ông ấy là một người rất yêu nước, nhưng mỗi người yêu nước theo hiểu biết, theo kiểu của người ta. Tôi vẫn tôn trọng ông ấy, nhưng không thể đồng tình với quan điểm của ông được."

Ở Việt Nam, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội.

Đài báo so sánh Hoan với Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc và dùng hình ảnh ông để nói về các kẻ thù bên trong.

Đảng cộng sản đã thực hiện một cuộc thanh lọc nội bộ để loại bỏ tất cả những ai bị nghi là có dính líu đến ông Hoàng Văn Hoan.

Trong khi đó, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ ông Hoan và coi việc đối xử với ông như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ.

Năm 1991, Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho ông Hoàng Văn Hoan tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi an nghỉ của nhiều cố lãnh tụ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, và quân đội Trung Quốc.

Việc chấp nhận vị trí của ông Hoan trong lịch sử đầy biến động của Việt Nam xem ra vẫn còn là điều khó khăn ở trong nước dù gần đây, nhà chức trách đã có động tác để hình ông trên trang web của Quốc hội.

Nhưng cho đến nay, số phận của gia đình ông [xem bài đi kèm 'Số phận ông Hoàng Văn Hoan' ở mục Các bài liên quan] cũng là câu chuyện đáng nói và phản ánh cách giải quyết chuyện nội bộ với những người bị coi là 'phản bội' trong lòng một hệ thống đóng kín.

SOURCE: BBC

Hoàng Văn Hoan [chữ Hán: 黃文歡/黄文欢; 1905 – 1991], tên khai sinh là Hoàng Ngọc Ân,[1] là một chính trị gia của Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Năm 1976, khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi, ông bị thất sủng vì quan điểm thân Trung Quốc. Năm 1979, ông đào tẩu sang Trung Quốc qua ngả Pakistan và họp báo ủng hộ cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979. Ông đã biện hộ cho cuộc tấn công của Trung Quốc, đổ lỗi trách nhiệm chiến tranh là do chính sách của Lê Duẩn, mà ông tuyên bố là đã biến Việt Nam thành vệ tinh Xô Viết, làm người Hoa bị phân biệt đối xử và việc chiếm đóng Campuchia.[2] Ông bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình vắng mặt đối với ông.

Ông sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho đến khi mất năm 1991.

Hoàng Văn Hoan sinh trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó tham gia hoạt động cách mạng lúc 19 tuổi.

Năm 1926, ông dự lớp huấn luyện chính trị do Hồ Chí Minh chủ trì tại Quảng Châu.

Năm 1928, Hoàng Văn Hoan hoạt động cách mạng ở Thái Lan, gia nhập Đảng Cộng sản Xiêm [1930] và năm 1934 được cử làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Xiêm [gọi tắt là Xiêm ủy].

Năm 1936, Hoàng Văn Hoan tham gia lập Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội [bấy giờ gọi tắt là Đồng minh Hội hoặc Việt Minh] ở Nam Kinh.

Năm 1941, ông được phái đi Long Châu lập Biện sự xứ của Đồng Minh Hội ở Long Châu, rồi lại về Tịnh Tây, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh và một số người trong nước ra công khai hoạt động với danh nghĩa Việt Minh, mới được thành lập trong nước.

Tháng 5 năm 1941, ông về Pác Bó tham gia Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám và được chỉ định làm Ủy viên Tổng bộ Việt Minh.

Đầu năm 1945, tại hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào [Tuyên Quang], Hoàng Văn Hoan được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Khu giải phóng Việt Bắc. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chính trị viên Vệ quốc quân toàn quốc.

Năm 1946, Hoàng Văn Hoan được cử làm Bí thư Khu ủy, Đại biểu Chính phủ Trung ương và Chủ nhiệm Việt Minh tại Liên khu 4. Theo Sắc lệnh SL53 ngày 24 tháng 4 năm 1946, ông thay Hoàng Đạo Thúy làm Cục trưởng Cục Chính trị cho tới cuối năm đó[3].

Từ năm 1950 đến năm 1957, Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ.

Năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và từ năm 1956 đến năm 1976 là Ủy viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa I [1958] Hoàng Văn Hoan được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm Chủ nhiệm Ủy ban dự thảo Pháp luật Quốc hội. Ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội cho đến năm 1979.

Năm 1961, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội một thời gian ngắn, rồi giữ chức Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng ban pháp chế Trung ương Đảng, đồng thời phụ trách chỉ đạo Ban CP 38 về công tác Lào, Campuchia.

Sau năm 1975, sự khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề Campuchia và chủ quyền tại Hoàng Sa đã không thể hàn gắn, Hoàng Văn Hoan cho đó là "âm mưu biến Việt Nam thành một nước bá chủ ở Đông Dương và ở Đông Nam Á" của Lê Duẩn[4], và làm cho Hoàng Văn Hoan không thể đóng vai trò trung gian thành công. Sự ủng hộ của ông với Trung Quốc nay bị xem là nguy hiểm về an ninh. Năm 1976, Hoàng Văn Hoan vì thế bị cho ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì không còn được Bộ Chính trị tín nhiệm nữa.[2]

Năm 1979, trong một chuyến đi sang Đông Đức chữa bệnh, ông đã bỏ trốn tại sân bay Karachi [Pakistan] ngày 11 tháng 6 năm 1979 rồi sang Trung Quốc. Đó là thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và chiến tranh biên giới Việt-Trung vừa xảy ra hồi đầu năm. Tại Bắc Kinh, ông dự họp báo ủng hộ cuộc tấn công của Trung Quốc, tuyên bố chính quyền Việt Nam đã đối xử với người Việt gốc Hoa còn "tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái".[5] Sau sự kiện bỏ trốn, ông bị Việt Nam kết án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội, đài báo Việt Nam so sánh ông với Lê Chiêu Thống.[6]

Năm 1988, ông xuất bản hồi ký Giọt nước trong biển cả.

Hoàng Văn Hoan mất tại Bắc Kinh năm 1991. Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho ông, thi hài được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất của các quan chức cao cấp của Trung Quốc.[6] Theo di chúc, 1/3 tro hài cốt của ông để tại Bát Bảo Sơn, 1/3 tro hài cốt rắc xuống đầu nguồn sông Hồng ở Côn Minh, 1/3 tro hài cốt của ông đã được chuyển về quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.[7]

Con trai trưởng của ông là Hoàng Nhật Tân[7] [1926-2014] - bút danh Hoàng Thanh Đạm, là nhà nghiên cứu sử học, và dịch giả, dịch một số cuốn tiêu biểu như Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu, và Bàn về khế ước xã hội của Jean-Jacques Rousseau, được Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản năm 2004,...[8]

  • Lê Duẩn
  • Trường Chinh
  • Lê Đức Thọ

Video liên quan

Chủ Đề